a. Hiện trạng phân làn phương tiện
Đoạn từ Cầu Diễn – Nhổn
Phố Hồ Tùng Mậu, bắt đầu từ chỗ giao với đường Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng đến trước cầu Diễn, là đường giao thông hai chiều. Hai chiều giao thông được phân tách nhau bởi dải phân cách cứng, không cho phép chuyển làn tự do. Hiện tại, trên cả hai chiều giao thông của tuyến phố đều chưa tổ chức phân làn: không có dải phân cách mềm phân làn, không có ký hiệu hình vẽ hướng dẫn trên mặt đường, có rất ít biển báo hướng dẫn. Các phương tiện tham gia giao thông tự do chuyển động trên toàn bộ phần mặt đường thuộc chiều giao thông của mình. Tuy nhiên, hiện nay có một khoảng cách 400 m trên tuyến phố này không có bất kỳ loại dải phân cách nào phân tách hai chiều giao thông. Do phố Hồ Tùng Mậu vừa được xây dựng, có chất lượng mặt đường tốt, cho phép phương tiện chuyển động với vận tốc lớn nên những vị trí không có dải phân cách cứng như trên là rất nguy hiểm. Trong điều kiện ý thức tham gia giao thông của người dân còn chưa cao, họ hoàn toàn có thể lấn đường khi vượt nhau và gây ra xung đột nguy hiểm cho chiều giao thông còn lại. Vì vậy, trong tương lai nhất định phải bố trí dải phân cách cứng tại vị trí này.
Hình 2.7. Ví trí không có dải phân cách trên phố Hồ Tùng Mậu
Một tồn tại nữa trên phố Hồ Tùng Mậu ảnh hưởng rất lớn đến làn phương tiện, đồng thời ảnh hưởng lớn đến năng lực thông hành của tuyến là việc cột điện nằm trong phần xe chạy. Hiện có tất cả 15 cột điện ở trong tình trạng trên. Đây là những cột điện cũ, trước đây nằm bên đường, nhưng sau khi mở rộng lòng đường lại nằm trong phần xe chạy. Mặc dù các cột điện này đã được tạm thời rào lại bằng trụ bê tông nhưng đồng thời cũng làm gia tăng số lượng chướng ngại vật nguy hiểm trên đường (hình 2.7). Yêu cầu cấp bách đặt ra là phải di dời những cột điện trên.
Hình 2.7. Hình ảnh những cột điện nằm trong phần đường xe chạy trên phố Hồ Tùng Mậu
Đoạn đường từ cầu Diễn – Nhổn là đường giao thông hai chiều. Tuy nhiên, do chiều rộng lòng đường hiện nay quá hẹp nên không thể bố trí dải phân cách cứng phân tách hai chiều giao thông. Trên toàn bộ chiều dài đoạn đường, không có các loại dải phân cách mềm, không có các loại ký hiệu, hình vẽ dẫn hướng trên mặt đường, có rất ít biển báo, tín hiệu giao thông. Do mặt đường quá hẹp nên các phương tiện thường phải lấn chiếm làn đường ngược chiều khi vượt nhau. Đoạn đường còn cho phép lưu thông các phương tiện cỡ lớn như: xe bus lớn (xe 32 có sức chứa 80 chỗ), xe tải lớn,… Kích thước các loại xe này chiếm trọn chiều rộng một chiều giao thông. Khi
xảy ra tai nạn, va chạm, hay bất cứ một sự cố nào khiến một phương tiện phải dừng lại thì các phương tiện khác cũng đều dừng lại vì không có không gian để tiếp tục chuyển động. Như vậy, có thể thấy chiều rộng lòng đường quá hẹp gây rất nhiều khó khăn cho tổ chức giao thông trên tuyến. Các biện pháp tổ chức giao thông chỉ có tác dụng nhất thời, không đáng kể trong tình trạng hiện nay.
Đoạn bao gồm các phố Xuân Thủy – Cầu Giấy – Kim Mã – Nguyễn Thái Học
Các phố Xuân Thủy – Cầu Giấy – Kim Mã là đường hai chiều. Đây là tuyến đã được xây dựng hoàn thiện nên hiện trạng phân làn phương tiện khá tốt. Hai chiều giao thông được phân tách bởi dải phân cách cứng trên toàn bộ chiều dài. Mỗi chiều giao thông đều phân thành ba làn đường: 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe thô sơ. Cho phép chuyển động tự do giữa các làn phương tiện nhưng hết sức hạn chế thay đổi chiều giao thông. Các phương tiện chỉ được phép thay đổi chiều giao thông tại một số vị trí mở của dải phân cách cứng hoặc tại nút.
Phố Nguyễn Thái Học là đoạn đường duy nhất có giao thông một chiều (chiều từ bến xe Kim Mã đến Cửa Nam). Hiện trạng phân làn phương tiện trên tuyến phố này là không tốt. Trên hầu hết chiều dài của phố, vạch sơn phân làn đường và mũi tên dẫn hướng đều đã mờ đến mức không thể nhận biết. Dựa theo một số dấu vết còn sót lại, có thể thấy lòng đường phố Nguyễn Thái Học được phân thành ba làn: 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe thô sơ. Yêu cầu đặt ra là phải làm mới các loại vạch sơn, ký hiệu này.
Hình 2.8. Sự xuống cấp của hệ thống vạch sơn kẻ đường trên phố Nguyễn Thái Học
b. Hiện trạng biển báo, ký hiệu trên tuyến
Biển báo, ký hiệu trên tuyến được thiết kế, lắp đặt theo “Điều lệ báo hiệu đường bộ 22 TCN 237 – 01”, có tác dụng cảnh báo, hướng dẫn hoặc bắt buộc phải thực hiện đối với các phương tiện tham gia giao thông.
Biển báo giao thông trên tuyến thuộc 03 nhóm biển chính: Nhóm biển cấm: 102, 103b, 107, 123a, 131a
Nhóm biển báo nguy hiểm: 205, 207, 208, 221b, 224, 225 Nhóm biển chỉ dẫn: 301, 303, 401, 411, 423b, 424, 443
Trên đoạn từ Cầu Diễn – Nhổn, có rất ít biển báo hướng dẫn và các loại ký hiệu, hình vẽ trên mặt đường. Do đặc điểm của đoạn tuyến này là vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nên tại rất nhiều vị trí có hoạt động đào đắp, xây lắp cống, tập kết vật liệu xây dựng,… Tuy các hoạt động trên gây nguy hiểm rất lớn cho các phương tiện tham gia giao thông và cho người đi bộ nhưng trên tuyến lại có rất ít biển báo, ký hiệu cảnh báo.
Đoạn tuyến bao gồm các phố Xuân Thủy – Cầu Giấy – Kim Mã – Nguyễn Thái Học có hệ thống biển báo, ký hiệu khá đầy đủ và chi tiết. Hầu hết các phố trên đều có dải phân cách mềm phân tách các làn xe, các loại mũi tên chỉ hướng trên mặt đường, dải sang đường cho người đi bộ, … được sơn kẻ rõ ràng. Trước các nút giao có các loại biển báo như: giao nhau với đường không ưu tiên, vị trí sang đường của người đi bộ, trước nút vòng xuyến đều có biển báo nơi giao nhau chạy theo vòng xuyến,… Cùng một loại hình vẽ, ký hiệu vừa được sơn kẻ trên mặt đường vừa được kẻ ở biển báo trên cao.
Hình 2.9. Biển báo hỗ trợ phân làn phương tiện trên phố Kim Mã
Trên phố Nguyễn Thái Học, các loại ký hiệu, hình vẽ trên mặt đường như: vạch phân làn, vạch sang đường cho người đi bộ, mũi tên dẫn hướng,… đều đã mờ đến mức không thể nhận biết (hình 2.8). Cần thiết phải sơn kẻ lại các loại ký hiệu, hình vẽ trên để khôi phục tác dụng của chúng trong việc tổ chức giao thông.