a. Tác động của phương án
Phương án 3b là một phương án tổ chức giao thông với mục đích chuyển một phần lưu lượng phương tiện trên phố Nguyễn Thái Học sang phố Trần Phú để giảm bớt lượng phương tiện tiếp cận nút Nguyễn Thái Học – Tôn Đức Thắng. Nếu đạt được mục tiêu đề ra, phương án có tác động rất lớn đến các chỉ tiêu giao thông thông suốt và an toàn giao thông.
Về vấn đề lợi ích kinh tế, có thể thấy khi giảm được lượng phương tiện tiếp cận nút Nguyễn Thái Học – Tôn Đức Thắng sẽ làm cho giao thông qua nút nhanh chóng và hạn chế được hiện tượng ùn tắc giao thông tại nút. Giảm được ùn tắc giao thông vừa tiết kiệm chi phí xã hội, đem lại lợi ích kinh tế vừa giảm lượng khí thải của phương tiện khi ùn tắc, tác động tích cức tới chỉ tiêu thân thiện với môi trường.
Theo tính toán của đồ án, chi phí xã hội thiệt hại do phương tiện chuyển động với tốc độ chậm vào giờ cao điểm tại nút Nguyễn Thái Học – Tôn Đức Thắng là khoảng 4 triệu VND/h. (chi tiết tính toán xem phụ lục 5)
b. Đánh giá khó khăn của phương án
Phương án 3b là một phương án tổ chức giao thông, không có các hoạt động sửa chữa, nâng cấp hay cải tạo về đường, vỉa hè hay dải phân cách nên không có khó khăn về chi phí đầu tư hay kỹ thuật thi công.
Với mục đích là nâng cao năng lực thông hành cho tuyến phố quan trọng của thủ đô, tính chất của phương án không tác động tới đời sống nhân dân, tới các công trình văn hóa,… Đồng thời trong quá trình đề xuất phương án, đồ án đã cố gắng đảm bảo tính công bằng trong tham gia
giao thông cho các hướng. Vì vậy, phương án có khả năng cao nhận được sử ủng hộ của cơ quan quản lý và của người dân.
c. Đánh giá: phương án 3b là một phương án có tính khả thi.
KẾT LUẬN & KIẾN NGHỊ Kết luận
Cùng với sự phát triển về kinh tế và xã hội của đô thị, giao thông đô thị cũng phát triển nhanh chóng. Nhu cầu đi lại của người dân ngày càng gia tăng, gây ra quá tải đối với hệ thống cơ sở hạ tầng vốn không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Hiện tượng trên càng rõ ràng với đường trục chính đô thị - những con đường đảm nhận nhiệm vụ kết nối các khu vực hoạt động của đô thị, là cửa ngõ kết nối đô thị với các đô thị lân cận.
Trong hoàn cảnh cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông không theo kịp sự phát triển của nhu cầu tham gia giao thông, các biện pháp tổ chức giao thông tỏ ra có nhiều ưu điểm: đơn giản, ít tốn kém, dễ điều chỉnh phương án tổ chức, không đòi hỏi kỹ thuật cao,…
Qua quá trình nghiên cứu về tổ chức giao thông trên đường trục chính đô thị, đồ án đã đạt được những kết quả sau:
Làm rõ khái niệm – nguyên tắc tổ chức giao thông – những công cụ điều khiển giao thông của đường trục chính đô thị.
Khảo sát và phân tích hiện trạng giao thông và hiện trạng tổ chức giao thông trên trục đường Nhổn – Cửa Nam. Đánh giá hiện trạng giao thông và hiện trạng tổ chức giao thông dựa trên cơ sở lý luận đã nêu tại chương I
Phân tích những điểm khác biệt của tổ chức giao thông trên trục chính ngoài đô thị và trục chính trong đô thị.
Đề xuất các biện pháp tổ chức giao thông cho trục đường Nhổn – Cửa Nam
Trong quá trình nghiên cứu, do những khó khăn về mặt thời gian, năng lực và kiến thức, đồng thời do trục đường Nhổn – Cửa Nam dài tạo nên khối lượng công việc lớn, đồ án còn tồn tại một số hạn chế sau:
Việc điều tra lưu lượng trên tuyến chưa đủ để phản ánh đặc điểm nhu cầu đi lại của người dân trên đường trục chính đô thị. Do trục đường Nhổn – Cửa Nam dài nên đồ án chỉ có thể điều tra lưu lượng tại 4 vị trí điển hình. Trong những suy luận về đặc điểm giao thông của tuyến có nhiều ý kiến chủ quan của tác giả.
Do thiếu hụt về mặt kiến thức nên không giải quyết được tất cả những vấn đề giao thông tồn tại trên trục.
Thiếu kiến thức về dự toán công trình nên khi đề xuất phương án cải tạo, đồ án chưa tính chi phí cụ thể cho phương án
Không nghiên cứu đến các phương án dành cho vận tải hành khách công cộng, giao thông của người đi bộ
Để hoàn thiện nghiên cứu về tổ chức giao thông trên đường trục chính đô thị, đồ án kiến nghị các nghiên cứu tiếp theo, hoặc nghiên cứu cao hơn sẽ tập trung giải quyết các vấn đế sau:
Nghiên cứu về khái niệm, nguyên tắc tổ chức giao thông, hệ thống công cụ điều khiển giao thông trên đường trục chính đô thị tại Việt Nam, phù hợp với đặc điểm sử dụng đất và đặc điểm cơ cấu phương tiện tại các đô thị Việt Nam.
Đồ án mới chỉ giải quyết vấn đề theo của nút Nguyễn Thái Học – Tôn Đức Thắng bằng cách giảm lượng phương tiện tiếp cận nút theo hướng phố Nguyễn Thái Học. Có thể nghiên cứu giảm lượng phương tiện trên hai phố Chu Văn An và Tôn Đức Thắng.
Đồ án mới dừng lại ở việc giải quyết vấn đề giao thông của một nút đơn lẻ. Kiến nghị nghiên cứu tổ chức giao thông trên một cụm các nút hình thành bởi giao cắt của các đường trục chính đô thị