đường trục chính trong đô thị
Tổ chức giao thông trên đường đô thị: là việc sử dụng các công cụ điều khiển giao thông
(như biển báo, ký hiệu, hình vẽ, đèn tín hiệu, chiếu sáng,…) để sắp xếp, bố trí, phối hợp các bộ phận của đường đô thị nhằm tối ưu hóa sử dụng năng lực sẵn có của công trình hạ tầng đường bộ, nhằm đảm bảo cân bằng giữa năng lực cung ứng với nhu cầu sử dụng hạ tầng đường bộ.
Các đường trục chính hướng tâm ở Hà Nội có một số đặc điểm sau: (1) Chất lượng mặt đường của đường trục chính thường khá tốt
(2) Hầu hết các đường trục chính đều có công trình vỉa hè. Tuy nhiên, chất lượng các công trình vỉa hè chưa đảm bảo. Hầu hết vỉa hè bị chiếm dụng để thực hiện các hoạt động trái phép như làm điểm đỗ xe, chiếm dụng làm cửa hàng và có một số đoạn còn chưa có vỉa hè. Điều này ảnh hưởng xấu tới giao thông dành cho người đi bộ.
(3) Các đường trục chính hướng tâm thường có chiều rộng lòng đường lớn ở phía ngoài đô thị và chiều rộng lòng đường nhỏ hơn khi tiến vào trung tâm thành phố. Nguyên nhân của điều này là do những đoạn ngoài đô thị được xây dựng mới, áp dụng các tiêu chuẩn và kỹ thuật cao khi thiết kế, thi công. Quỹ đất dành cho giao thông ở khu vực ngoài đô thị cũng khá lớn. Ngược lại, trong khu vực nội thành, đường phố phần lớn được xây dựng từ lâu, trải qua thời gian chỉ có những cải tạo và nâng cấp nhỏ. Việc xây dựng mới các đoạn trong đô thị vấp phải vấn đề rất lớn về giải phóng mặt bằng.
Vd: trên cùng một trục: phố Hồ Tùng Mậu có chiều rộng lòng đường 30 – 40 m, phố Xuân Thủy – Cầu Giấy là 22 m, phố Kim Mã là 21 m và phố Nguyễn Thái Học là 12 m.
(4) Vận tốc dòng giao thông cho phép trên các đường trục chính thường là cao và rất cao (>50 km/h). Vận tốc này thường lớn hơn ở những đoạn trục chính ngoài đô thị và nhỏ hơn khi vào trong phạm vi thành phố.
(5) Đáp ứng lưu lượng giao thông và năng lực thông hành lớn, thường phục vụ nối liền các đô thị lớn, giữa đô thị trung tâm với các trung tâm công nghiệp, các đô thị vệ tinh, nối liền các trung tâm dân cư lớn.
(6) Để đảm bảo vận tốc trên đường trục chính là cao và rất cao, tính chất dòng giao thông trên các trục này thường là không giao cắt, không gián đoạn. Tuy nhiên, trong điều kiện ở Việt Nam, mới chỉ đảm bảo được tính chất dòng trên ở một số đoạn ngoài đô thị. Trong khu vực đô thị, các trục chính vẫn giao cắt với nhiều con đường khác nhưng tại vị trí các nút giao đều bố trí đèn tín hiệu giao thông để điều khiển.
Xuất phát từ định nghĩa về tổ chức giao thông trên đường đô thị, ta thấy mục đích lớn nhất trong công tác tổ chức giao thông chính là đảm bảo năng lực thông hành trên đường đô thị là lớn nhất, hay nói cách khác là đảm bảo giao thông trên đường luôn thông suốt.
Dựa vào các đặc điểm của đường trục chính đô thị đã phân tích ở trên, ta có thể thấy việc đảm bảo năng lực thông hành trên đường trục chính ngoài đô thị chú trọng nhất tới đảm bảo vận tốc chuyển động của phương tiện là cao và rất cao. Để đạt tới yêu cầu vận tốc phương tiện cao và rất cao, người ta thường dùng một số biện pháp chính như:
Kiểm soát nghiêm ngặt lối ra vào để tính chất dòng giao thông là không giao cắt, không gián đoạn
Thiết kế xây dựng tuyến đường thẳng, không có các vị trí quanh co, gấp khúc Xây dựng đường có chiều rộng lòng đường lớn, chất lượng mặt đường tốt
Ngược lại với đường trục chính ngoài đô thị, đường trục chính trong đô thị không có được các yếu tố như chiều rộng lòng đường lớn hay không giao cắt, không gián đoạn. Trong trường hợp đồ án này, trục đường từ Xuân Thủy – Cửa Nam có chiều rộng lòng đường vào loại trung bình (khoảng 20 m), còn kém nhiều đoạn trục chính khác như: đường Kim Liên mới, đường Giải Phóng, Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt,… Đường trục chính nằm trong đô thị giao cắt với nhiều con đường khác tạo thành các ngã ba, ngã tư nên không thể áp dụng các biện pháp kiểm soát ra vào như đối với trục đường ngoài đô thị. Tại nút giao, phương tiện mất nhiều thời gian cho việc giảm tốc, tăng tốc hay dừng đỗ khi đèn đỏ. Do tất cả những nguyên nhân trên nên không thể yêu cầu có một vận tốc chuyển động lớn trên trục đường trong đô thị.
Để đảm bảo năng lực thông hành trên đường trục chính trong đô thị, người ta thường chú trọng vào việc tổ chức dòng giao thông tại các nút giao, đảm bảo phương tiện qua nút nhanh chóng, an toàn, không xảy ra hiện tượng tắc tại nút giao. Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo chất lượng mặt đường tốt để phương tiện chuyển động thuận lợi trên toàn bộ chiều rộng lòng đường, tận dụng được tối đa năng lực thông hành của làn đường. Một số biện pháp chính:
Thiết kế mới hoặc cải tạo nút giao
Phối hợp tổ chức giao thông linh hoạt trên toàn mạng lưới: có thể là phối hợp điều khiển đèn tín hiệu dọc tuyến (còn gọi là “làn sóng xanh”) hoặc phối hợp tổ chức giao thông trên các tuyến đường chính nhằm tạo ra một chế độ điều phối dòng giao thông hợp lý, nâng cao năng lực của toàn hệ thống.
Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp chất lượng mặt đường