II. GIẢI PHÁP ĐỂ QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT CỦA NÔNG HỘ ĐẠT HIỆU QUẢ HƠN
1. Về mặt kỹ thuật
1.1. Giải pháp bên trong
– Nông dân phải tự học hỏi kinh nghiệm thông qua báo, đài, tham quan và học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất với những nông dân ứng dụng các mô hình khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả.
– Khi được tập huấn kỹ thuật và quyết định áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất thì phải làm đến nơi đến chốn, nếu có gì chưa hiểu thì hỏi lại hoặc trong thực tế áp dụng có gặp trở ngại gì, không biết cách xử lý thì nên tìm đến những người có chuyên môn để tìm giải pháp đúng. Tránh tình trạng thấy thất thu trước mắt mà lo sợ và không tiếp tục áp dụng khoa học kỹ thuật.
– Kết quả nghiên cứu trên đã chứng minh việc áp dụng khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn đồng thời cũng góp phần bảo vệ sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất do sử dụng phân bón, thuốc hóa học một cách khoa học và đúng liều lượng, đúng thời điểm cần thiết. Vì vậy, nông dân nên áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để đạt hiệu quả cao hơn trên cùng diện tích canh tác.
1.2. Giải pháp bên ngoài
Nhằm nâng cao kỹ thuật canh tác của nông dân, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nông dân cần thực hiện các biện pháp:
– Thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật để nông dân học hỏi kinh nghiệm và nâng cao trình độ sản xuất. Nên gắn kết nội dung của các buổi tập huấn khác nhau lại với nhau để nông dân có dịp nhớ lại và kiểm tra lại xem mình đã ứng dụng đúng hay chưa đúng.
– Tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân ở các khu vực sâu trong xã có điều kiện đến tham dự các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật.
– Nội dung tập huấn phải được đơn giản hóa, dùng các ngôn từ mà nông dân thường dùng để nông dân dễ hiểu, dễ tiếp thu, có thể nhớ để áp dụng và không còn mặc cảm vì không nắm bắt được vấn đề nên nông dân sẽ tiếp tục tham dự những lớp tập huấn khác.
– Nên vận dụng hình thức “nông dân dạy nông dân” sẽ rất hiệu quả vì giữa họ có sự cách biệt ít về trình độ, và nông dân vẫn thường làm công việc truyền đạt
này cho nông dân khác trong quá trình sản xuất dưới hình thức trao đổi kinh nghiệm với nhau.
– Các biện pháp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phải được truyền đạt rõ ràng, kỹ lưỡng, giúp cho nông dân hiểu cặn kẽ và mạnh dạng ứng dụng.
– Lập mô hình thí điểm ở các ấp và cử cán bộ kỹ thuật để trực tiếp hỗ trợ nông dân. Mỗi mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật cần phải xây dựng nhiều điểm trình diễn, tạo mọi điều kiện để nông dân thấy được hiệu quả của mô hình trình diễn, sau đó tổ chức tập huấn cho nông dân thực hiện và làm theo mô hình. – Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho các công ty phân bón, vật tư nông nghiệp đến địa phương giới thiệu sản phẩm, cách sử dụng… cho nông dân nhưng phải kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng những công ty này cung cấp những thông tin sai lệch vì mục đích riêng mà gây thiệt hại cho nông dân.
1.3. Giải pháp tác động
– Nâng cao trình độ dân trí cho nông dân vì chỉ có giáo dục mới cho phép nông dân tiếp thu được thông tin và hiểu biết những vấn đề kỹ thuật mới nhanh chóng và chính xác.
– Chứng minh cho nông dân thấy vai trò của các biện pháp khoa học kỹ thuật mới nhằm giúp nông dân xóa bỏ những tập quán canh tác lạc hậu, kém hiệu quả.
– Giới thiệu cho nông dân những nông dân áp dụng đúng các mô hình khoa học kỹ thuật và hiệu quả sau khi áp dụng để nông dân tự tìm hiểu và tin tưởng hơn vào tính hiệu quả của việc ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
– Đưa lên truyền hình, truyền thanh những bài viết, phóng sự về các mô hình mới đang được ứng dụng thành công tại xã.
2. Về vốn
Hiện tại, nhu cầu vốn cho sản xuất của nông hộ đã được đáp ứng bằng nguồn vốn tự có hoặc vốn vay và sử dụng vật tư nông nghiệp dưới hình thức mua chịu. Tuy nhiên, vẫn có một số vấn đề về vốn cần được giải quyết như sau:
– Khi chuyển giao các mô hình khoa học kỹ thuật mới đến nông dân, các cơ quan ban ngành cần có chính sách hỗ trợ về vật tư, kỹ thuật, giống, tiền mặt cho hộ nông dân thông qua ký hợp đồng. Sau khi thu hồi vốn cần luân chuyển vốn đầu tư cho các hộ mới trong vùng dự án nhằm mở rộng đầu tư cho toàn vùng.
– Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú cần có chính sách ưu tiên cho vay đối với những hộ đang ứng dụng các mô hình mới thông qua sự giới thiệu của chính quyền xã hoặc những đơn vị tổ chức chuyển giao các mô hình kỹ thuật mới. Ngân hàng cần phải hỗ trợ vốn với mức lãi suất ưu đãi và thời gian hợp lý để nông dân có thể trang bị máy móc, vốn sản xuất để ứng dụng các mô hình khoa học kỹ thuật.
– Thành lập các câu lạc bộ nông dân, tổ hùng vốn để nông dân tự giúp nhau trong sản xuất nhất là trong những lúc cần nhanh, kịp thời.
Đặc biệt về vấn đề vốn, các ngành có liên quan nên đầu tư vốn để xây mới hoặc nâng công suất của các lò sấy hiện tại để phục vụ cho nông dân trong việc dự trữ lúa khi giá lúa trên thị trường xuống thấp hoặc do trời mưa nông dân chưa bán được sau khi thu hoạch.