NHỮNG THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN, CƠ HỘI VÀ MỐI ĐE DỌA TRONG SẢN XUẤT LÚA CỦA NÔNG HỘ

Một phần của tài liệu Phân tích hiệu quả sản xuất của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa của nông hộ xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng (Trang 76 - 79)

TRONG SẢN XUẤT LÚA CỦA NÔNG HỘ

1. Những thuận lợi

Xã Phú Tâm có vị trí thuận lợi, nhiều tuyến giao thông huyết mạch của huyện Mỹ Tú, cơ sở hạ tầng đang được củng cố và nâng cao đặc biệt là hệ thống thủy lợi ngày càng được các cấp chính quyền địa phương quan tâm đúng mức để đáp ứng cho nhu cầu của sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất lúa, nông dân ở đây có một số thuận lợi như sau:

– Vùng có nguồn nước ngọt quanh năm, có nhiều kênh mương vì vậy có thể chủ động được nguồn nước tưới trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là sự kiện thâm tăng vụ từ đó nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

– Điều kiện tự nhiên thời tiết tốt, ít có mưa bão; đất đai màu mỡ và phù hợp với sản xuất nông nghiệp.

– Nông dân năng động, tích cực học hỏi những tiến bộ khoa học kỹ thuật, các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật đều được nông dân tham gia nhiệt tình. Các cơ quan chuyên môn như Trạm khuyến nông, Chi cục bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú, các Công ty phân bón, hóa chất cũng mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân nên trình độ canh tác của nông dân ngày càng được nâng cao.

– Mặc dù trình độ dân trí chưa cao nhưng nông dân có kinh nghiệm trong sản xuất và diện tích sản xuất lúa chiếm 81,15% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của xã nên các mô hình khoa học kỹ thuật liên quan đến cây lúa thường dễ dàng truyền đạt và nhân rộng.

– Nông dân trong xã có quan hệ mật thiết với nhau nên họ dễ dàng học hỏi và làm theo nhau và nông dân học của nông dân thì họ rất dễ tiếp thu, khi một nông dân học lớp tập huấn IPM và thực hiện có hiệu quả thì những người nông dân sống lân cận sẽ học hỏi và làm theo.

2. Những khó khăn

Theo ý kiến của nông hộ và cán bộ xã thì nông dân sản xuất lúa trong vùng nghiên cứu gặp một số khó khăn sau:

– Việc áp dụng các mô hình khoa học kỹ thuật đều phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên nhất là diễn biến của thời tiết, sâu hại, dịch bệnh cụ thể như:

+ Ốc bưu vàng thường xuất hiện trên ruộng lúa là nguyên nhân làm cho nông dân gặp khó khăn việc áp dụng phương pháp sạ lúa theo hàng vì ứng dụng phương pháp này thì mật độ sạ thưa mà lúa bị ốc bưu vàng cắn phá dẫn đến thất thoát nên năng suất không cao.

+ Sự phát triển của sâu bệnh đã làm cho nông dân không mạnh dạng ứng dụng mô hình IPM, 3 giảm 3 tăng một cách triệt để. Theo nhận định của cán bộ giảng dạy và nghiên cứu mô hình IPM, mô hình 3 giảm 3 tăng thì khi nông dân ứng dụng mô hình IPM, 3 giảm 3 tăng nông dân thường sử dụng thuốc hóa học với hàm lượng cao hơn nhiều so chỉ dẫn của cán bộ, chi phí thuốc nông dược, phân bón vẫn còn cao vì nông dân vẫn chưa tin tưởng tuyệt đối vào các mô hình khoa học kỹ thuật mới.

Phần lớn, nông dân chưa nắm bắt được toàn bộ chuyển giao khoa học kỹ thuật của cơ quan chuyên môn nên khi ứng dụng các mô hình khoa học kỹ thuật họ vẫn chưa an tâm, khi xuất hiện sâu bệnh thì phải phun, xịt thuốc mặc dù chưa đến ngưỡng phun, xịt vì không điều trị thì năng suất không cao. Đối với phân bón cũng vậy, nếu hạn chế phân bón, thuốc dưỡng cây thì sợ cây tăng trưởng không tốt ảnh hưởng đến năng suất.

– Một số nơi giao thông, thủy lợi chưa tốt. Một số hộ phải bơm nước vào ban đêm vì điều kiện đất ở ruộng của họ cao mà kênh mương không có nước. Việc đi lại để chăm sóc ruộng cũng khó khăn do không có đường để đi vào ruộng lúa nên khâu thu hoạch cũng gặp khó khăn do thương lái không vào ruộng được mà nông dân phải vận chuyển lúa ra đường lộ hoặc bờ kênh để bán.

– Giá phân bón, vật tư nông nghiệp ngày càng cao. Chi phí cho các loại này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí sản xuất nhưng nông dân lại không biết được chất lượng của các loại phân, thuốc hóa học này, chỉ phụ thuộc vào người bán và các nhãn hiệu thuốc, phân bón có trên thị trường mà mua để sử dụng.

– Giá thuê lao động tại địa phương ngày càng tăng, thường khan hiếm lao động khi vào vụ thu hoạch. Người lao động đòi giá cao, họ cũng chấp nhận giá mà họ thỏa thuận với người thuê nhưng lại làm thiệt hại cho người thuê lao động khi cắt lúa.

– Giá bán không ổn định, nông dân lại bị thương lái ép giá. Nông dân không có điều kiện về vốn, nơi cất trữ để trữ lúa chờ giá cao; đối với những hộ có điều kiện vốn, kho chứa lúa nhưng do trời mưa gió mà tại địa phương có ít lò sấy, vận chuyển lúa đến lò sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí vì vậy mà nông dân bán lúa ngay khi thu hoạch nên nông dân là người chấp nhận giá.

3. Mối đe dọa

Hiện tại, nông dân sản xuất lúa ở xã rất phấn chấn vì hiệu quả sản xuất ngày càng cao, mức thu nhập tăng cao hơn trước nên đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện và nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, việc sản xuất của họ đang tiềm ẩn một số nguy cơ, là do:

– Vùng đất được đê bao khép kín tạo điều kiện thuận lợi về nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất. Nhưng điều này cũng tiềm ẩn một đe dọa lớn trong sản xuất sau này không chỉ ở xã Phú Tâm, đó là tình trạng đất sẽ giảm lượng phù sa do lượng phù sa hiện tại của đất đang được sử dụng nhưng không được bù đắp lại bằng nguồn nước sông ra vô thường xuyên với lượng phù sa dồi dào.

– Việc thâm canh tăng vụ sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và sử dụng triệt để nguồn tài nguyên đất. Nhưng nó dẫn đến tình trạng đất đai ngày càng giảm độ màu mỡ do sản xuất liên tục. Do sản xuất nhiều vụ nên lượng phân bón, thuốc hóa học được sử dụng trong một đơn vị thời gian ngày càng tăng làm cho đất kháng lại với các chất hóa học này, điều này dẫn đến tình trạng nông dân sẽ tăng liều lượng chất hóa học lên nên tình trạng đất bị bạc màu diễn ra càng nhanh hơn.

Bên cạnh vấn đề đất đai, nông dân còn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động khi thu hoạch. Vì hiện nay, đời sống khá hơn nên người dân cho con em đi

học hay học nghề, sự chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các khu vực kinh tế của xã, và một phần thanh niên ra thị xã hoặc các xã khác, tỉnh khác để tìm việc làm… dẫn đến tình trạng thiếu lực lượng lao động trẻ trong sản xuất nông nghiệp nên giá thuê lao động có xu hướng tăng lên.

4. Cơ hội

- Chính từ mối đe dọa về đất đai đã được các nhà nghiên cứu quan tâm, chính quyền xã Phú Tâm cũng như huyện Mỹ Tú đã có hướng chuyển đổi lúa 3 vụ sang 2 vụ lúa – 1 vụ màu để cải tạo và nuôi dưỡng nguồn tài nguyên đất vô giá này. Bên cạnh đó, mô hình này mang lại hiệu quả cao hơn là độc canh cây lúa. Hiện tại có một số hộ đã đưa màu xuống chân ruộng sau khi kết thúc vụ lúa Hè Thu (với diện tích khoảng 55 ha). Chính quyền xã đang quy hoạch tiểu dự án đưa màu xuống chân ruộng (chủ yếu là bí đỏ) thực hiện thí điểm ở 2 ấp (Phú Thành A và Phú Thành B), nếu tiểu dự án này được thực hiện thành công thì sẽ nhân rộng trên phạm vi ấp và tiếp tục nghiên cứu để quy hoạch ở các ấp khác trong xã.

- Một số hộ thiếu vốn sản xuất thì cũng dễ dàng tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú hay thông qua bộ phận tín dụng của xã.

Ngoài ra, trên thị trường hiện nay có nhiều công ty, đại lý bán phân bón, thuốc hóa học sẵn sàng cung cấp những đầu vào rất cần thiết và chiếm tỷ trọng cao trong chi phí sản xuất cho nông dân đến cuối vụ thanh toán tiền do đó nhu cầu vốn cần thiết để sản xuất cho một vụ không cao nên nông dân có thể yên tâm sản xuất vì họ không phải vất vả để tìm nguồn vốn cho sản xuất như những năm trước đây.

Một phần của tài liệu Phân tích hiệu quả sản xuất của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa của nông hộ xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng (Trang 76 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w