II. Các triết gia tiêu biểu thời Lưỡng Hán.
1. Đổng Trọng Thư (179 104 tcn)
Tư tưởng triết học của Đổng Trọng Thư không xếp vào triết học Trung Quốc cổ đại, song nó có nhiều vấn đề liên quan và ảnh hưởng khá phổ biến ở Việt Nam nên xin được giới thiệu một số nội dung tư tưởng triết học khái quát của ông ở đây.
Ông là người lập nên Hán Nho ở thời Tây Hán (206 -25 tcn) và từ Đông Hán (25 tcn - 220 scn) trở đi nó là hệ tư tưởng chính thống của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Tư tưởng triết học của Hán Nho khác nhiều so với Nho giáo cổ đại. Quan niệm chính trị - xã hội - đạo đức nặng nề đẳng cấp nếu không nói là khắc nghiệt. Thế giới quan mang tính duy tâm, thần bí phục vụ cho chế độ phong kiến trung ương tập quyền nhà Hán.
Về thế giới quan, ông duy tâm và thần bí hóa những quan niệm của Khổng tử và Mạnh tử về các mối quan hệ xã hội. Ông đưa ra thuyết “thiên nhân cảm ứng” và xây dựng hệ thống thần học phong kiến với “tứ quyền trời trao”: Thần quyền, Quân quyền, Phu quyền, Phụ quyền nhằm tập trung mọi quyền hành vào tay nhà vua.
Theo ông, Trời là đấng siêu nhiên sáng tạo vũ trụ và con người. Trời có quyền uy, quyền lực, quyền hạn tối cao và toàn năng. Trời có ý thức và đạo đức. Vua, âm dương, ngũ hành đều là thể hiện của mệnh trời. Trời quý dương mà không quý âm, trời lấy dương làm chủ đạo,... Ông nói: "Trời có nhân vậy", "Trời, vua của trăm vị thần, là người được nhà vua tôn quý" (Xuân thu phồn lộ, Vương đạo tam thông, Hiệu tế)12; "Trời là tổ của vạn vật, vạn vật không có trời không sinh, trời làm ra cái tính mệnh người, khiến người làm điều nhân nghĩa" (Xuân thu phồn lộ, Thiên 19); "Trời tin dương mà không tin âm, hiếu đức mà không hiếu hình" (Xuân thu phồn lộ, Thiên 47); "Ngũ hành tương sinh là thể hiện ân đức của trời, Ngũ hành tương thắng là thể hiện hình phạt của trời,.. Xuân hạ thu đông thể hiện sự mừng giận vui buồn của trời. Vậy nếu sắp loại thì trời với người là một" (Xuân thu phồn lộ, Thiên 49).
Theo ông, trời đất sinh ra vạn vật là để nuôi sống con người. Hình thể, tinh thần, tình cảm, đạo đức của con người là do trời sinh ra theo hình mẫu của trời (Xuân thu phồn lộ, Thiên 49). Lòng tốt xấu, mừng giận của con người đều tương hợp với nóng lạnh, ẩm ráo của trời (Xuân thu phồn lộ, Thiên 81). Cốt cách, tứ chi, ngũ quan của con người đều phù hợp với số trời. Tri thức, đức tính của con người đều bắt nguồn từ trời, nó là tính sẵn của trời nên cũng là tính sẵn của người.
Đổng Trọng Thư cũng đã cố gắng đưa ra các phạm trù "khí", "âm dương", "ngũ hành",.. để giải thích quy luật biến hóa của vũ trụ, nhưng ông lại cho rằng tất cả chúng đều bị ý chí của Thượng dế chi phối. Ý chí của trời thông qua các thế lực âm dương, ngũ hành,.. mà chỉ huy giới tự nhiên và con người.
Về học thuyết chính trị - xã hội, ông quả quyết mọi việc trên thế gian đều do ý trời quyết định và an bài. Ông cho rằng, con người chỉ tự soi xét bản thân, thông qua phản tỉnh nội tâm để làm sáng thiện tâm thiên tính, mà không cần phải thông qua thực tiễn, kinh nghiệm đời sống. Nhưng ông lại chia dân cư thành ba hạng người: Thánh nhân là bậc thượng trí , sẵn có tài trí để hiểu thiên mệnh, quỷ thần, họ là toàn thiện không có tính; Trung nhân là hạng người cao không như Thánh nhân, thấp không như Hạ ngu, có tính cần phải 12 Từ đây các chú thích "Xuân thu phồn lộ" đều trích lại từ Đại cương Triết học Trung Quốc - Pts Doãn Chính (chủ biên) - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Hà Nội 1997.
dạy dỗ mới thành thiện; Hạ ngu là hạng người toàn ác, không có tính. Do vậy, Thánh nhân và Hạ ngu là hai hạng người không phải dạy. Triết học của ông mang đậm màu sắc mục đích luận. Quan niệm "Trời không đổi, đạo cũng không đổi" của ông phủ nhận sự phát triển và biến hóa của thế giới khách quan, nhằm bênh vực cho sự tồn tại vĩnh viễn của trật tự xã hội phong kiến.
Ông quan niệm "vương quyền thần thụ", tức vương quyền là trời trao cho vua. Vua nhận mệnh trời, tuân thủ ý trời mà gánh việc chăn dân trị nước. Quyền hành của vua vì vậy là chí cao vô thượng. "Trời sinh tính dân, thiện mà chưa thể là thiện. Do đó, mà lập vua để làm cho thiện. Đó là ý trời" (Xuân thu phồn lộ, Thiên 35). Con người tuân thủ ý trời, nên cũng phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh, phép tắc, đạo đức, luân lý của vua, của chế độ phong kiến. Bất trung, bất hiếu là có tội với vua tức cũng là có tội với trời. Chống vua tức chống trời, nhất định sẽ bị trời trừng phạt. Trật tự của âm dương là không thay đổi, do đó trật tự giữa kẻ thống trị và người bị trị cũng là không thể thay đổi. Chính phủ trấn áp nông dân bạo động là thể hiện đúng quy luật kim thắng mộc.
Vua cai trị dân bằng "tứ chính". "Khánh, thưởng, hình, phạt là tương ứng với bốn mùa xuân, ha, thu, đông. Trời có bốn mùa, vua có tứ chính. Đó là trời và người cùng có như nhau" (Xuân thu phồn lộ, Thiên 35). Bốn loại quan lại trong triều là tương ứng với bốn mùa, ba người phụ tá của mỗi hạng quan lại ấy là tương ứng với ba tháng của mỗi mùa, vì vậy một năm là 12 tháng Xuân thu phồn lộ, Thiên 24).
Ông cũng quan niệm, nhất cử nhất động của vua đều do trời giám sát. Vua thuận ý trời sẽ được hưởng phúc mưa thuận, gió hòa, xã tắc yên ổn. Vua trái ý trời sẽ bị trời khiển cáo mà chịu phạt hạn hán, lụt lội, sét đánh, động đất, dịch bệnh, binh đao máu lửa,...
Ông còn cho rằng, trời và người là cảm ứng (Thiên nhân cảm ứng). Trời có thể thông cảm cho con người. Vì thế, nếu con người có thể bằng lòng thành và hành vi của mình cầu xin trời, khiến trời xúc động cảm thông, thì trời cho tai qua nạn khỏi.
Trên cơ sở hệ thống hóa Nho giáo cổ đại về mối quan hệ của xã hội và bản chất con người, Đổng Trọng Thư xây dựng hệ thống các phạm trù “ngũ luân” quân, phu, phụ, huynh đệ, bằng hữu (vua - tôi, chồng - vợ, cha - con, anh - em, bạn - bạn); “tam cương” quân, phu, phụ; “ngũ thường” nhân, nghĩa, lễ, trí, tín để quản lý xã hội và giáo hóa con người. Nếu gạt bỏ những hạn chế về điều kiện lịch sử thì quan niệm cương thường của Khổng Tử mang tính nhân bản, hợp lý tích cực. Còn ở Đổng Trọng Thư, tam cương, ngũ thường,
ngũ luân đều là những quy tắc xơ cứng, khắt khe của trật tự lễ nghĩa phong kiến, đều là những tri thức tiên thiên, thiên lý, trời sinh.
Cương là dây chính của lưới từ đó mọi dây khác kết dính vào. Tam cương theo Đổng Trọng Thư là "Quân vi thần cương, phụ vi tử cương, phu vi thê cương". Điều đó là do ý chí của trời quy định. "Nghĩa quân thần, phụ tử, phu phụ đều lấy đạo âm dương. Vua là dương, tôi là âm; cha là dương, con là âm; chồng là dương, vợ là âm... Ba giềng mối ấy của vương đạo, có thể cầu ở trời" (Xuân thu phồn lộ, Thiên 35).
Thường là những gì bất biến, thường hằng. Ngũ thường là năm đức tính luôn phải có của con người. Năm đức (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) ấy ứng với mộc, kim, hỏa, thủy, thổ của ngũ hành. Trong đó, nhân hợp mộc, ở phương đông; nghĩa hợp kim, ở phương tây; lễ hợp hỏa, ở phương nam; trí hợp thủy, ở phương bắc; tín hợp thổ, ở trung ương.
Trong Ngũ luân, đặc trưng của quan hệ quân thần là “Trung”; đặc trưng của quan hệ phu phụ là “Tiết” và nhiều quy định khác với người vợ như ”tam tòng” “tứ đức” ..; đặc trưng của quan hệ phụ tử là “Hiếu”; đặc trưng của quan hệ huynh đệ là “Đệ”; đặc trưng của quan hệ bằng hữu là “Thành” và “Tín”. Những điều này đã được Khổng - Mạnh đề cập đến theo quan hệ hai chiều, mang tính nhân đạo, tiến bộ. Khổng tử nói “Nhà vua sai khiến bề tôi thì lấy điều lễ, bầy tôi thờ vua thì lấy điều trung”, “cha thì nhân từ, con thì có hiếu”. Đổng Trọng Thư đã gạt bỏ những điểm tiến bộ, nhân đạo đó và đưa vào quan hệ một chiều từ dưới lên rất khắc nghiệt. Điều này đã tạo sự tùy tiện cho bề trên và tạo ra một quy luật đạo đức phi lý, phi nhân bản. Đên thời Tống với quan niệm của Chu Đôn Di, Trình Hạo, Trình Di, Chu Hy... tư tưởng đó càng trở nên nghiệt ngã, đẩy con người đến ngu trung, ngu hiếu (Quân xử thần tử thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu).
Từ ngũ luân rút lại ba mối quan hệ tam cương: Vua là rường cột của bề tôi, Chồng là rường cột của vợ, Cha là rường cột của con. Trên thực tế tam cương chỉ nhằm đạt mục đích cao nhất là “trung quân”, thể hiện tính tập trung, tính chuyên chế của chế độ phong kiến trung ương tập quyền ở Trung Quốc.
Con người phải có đủ ngũ thường để thực hiện tam cương. Trong ngũ thường thì nhân, nghĩa, lễ là cái cốt lõi. Nhân là vị trí trung tâm của ngũ thường. Ở đây thấy rõ Nho giáo thường chú trọng đến đức mà ít chú trọng đến tài, trí. Tam cương và ngũ thường gọi tắt là “Cương thường”.
Về con người: Theo ông, con người là do trời sinh. Trong tâm lý con người có hai yếu tố tính và tình. Tính (bản chất con người) tương ứng với thế lực dương; tình (tình cảm hay cảm xúc) tương ứng với thế lực âm của trời đất.
Tính theo nghĩa hẹp là đối lập với tình, theo nghĩa rộng là bao gồm cả tình. Chính thế mà Đổng Trọng Thư, đôi khi coi tính là bản chất con người. Do tính mà con người có lòng nhân, do tình mà con người có lòng tham (Xuân thu phồn lộ, Thiên 35).
Giống Khổng-Mạnh, ông coi bản tính con người là do trời phú. Nhưng khác với Mạnh Tử, ông cho rằng "Điều trời làm có chỗ đến thì dừng. Trong phạm vi phải dừng thuộc về trời. Ngoài phạm vi phải dừng thuộc về giáo và vương. Vương, giáo ở ngoài tính, nhưng không có nó thì không trọn" (Xuân thu phồn lộ, Thiên 36). Ông chia tính người làm ba loại: thượng, trung, hạ theo sự bẩm thụ thiên lý khác nhau.
- Tính thượng đẳng là "thánh nhân chi tính", tức tính thiện trời sinh. Thánh nhân đương nhiên thiện.
- Tính trung đẳng là "trung dân chi tính", tức có thể thiện, có thể ác, nhưng có thể dùng luân lý đạo đức phong kiến mà giáo hóa thì thành thiện.
- Tính hạ đẳng là "đẩu tiêu chi tính", tức kẻ tài hèn thì đức mọn (chỉ nhân dân lao động và phụ nữ trong xã hội phong kiến), là tính của những người tham dục khó cải hóa, chỉ làm điều ác, trời sinh đã là ngu dốt.
Thuyết "tam tính phẩm" của Đổng Trọng Thư là sự kế thừa và thổi phồng mặt tiêu cực của lý luận "duy thượng trí dữ hạ ngu bất di" của Khổng Tử. Nó là căn cứ lý luận biện minh cho tính hợp lý của chế độ đẳng cấp xã hội phong kiến.
Ông cũng đã đưa ra thuyết lịch sử tuần hoàn có tính chất duy tâm. Với ông, sự biến chuyển, kế tục của các triều đại là phù hợp với biến chuyển "tam thống": Hắc thống (nhà Hạ 2205-1766 tcn), Bạch thống (nhà Thương 1766- 1122 tcn), Xích thống (nhà Chu 1122-265 tcn). Sau nhà Chu thì triều đại mới lại trở về màu đen, và sự kế tục ấy (đen, trắng, đỏ) lại bắt đầu. Lịch sử cứ thế biến đổi tuần hoàn mãi.
Cũng như vậy, "tam chính" được Đổng Trọng Thư lý giải như sau: lịch pháp cũng biến đổi tuần hoàn, Nhà Hạ lấy tháng dần (tháng giêng nông lịch) làm giêng; nhà Thương lấy tháng sửu (tháng 12 nông lịch) làm giêng; nhà Chu lấy tháng tý (tháng 11 nông lịch) làm giêng cũng là theo thứ tự tam thống. Theo thứ tự tam thống, vua mới thành lập triều đại mới phải thay đổi hình thức bề ngoài của thể chế xã hội, để chứng tỏ đã nhận được mệnh trời. Nhà vua, vì vậy phải dựng đô ở địa điểm mới, nhận niên hiệu mới, thay đổi ngày đầu năm (ngày chính sóc mồng một tháng giêng), sửa đổi màu sắc cờ xí, quần áo trong những lễ tiết công cộng. Còn trật tự căn bản của nền thống trị phong kiến là đạo của trời thì không thay đổi. Ông viết: "Vương giả có danh là cải thế, nhưng thực là không thay đổi đạo" (Xuân thu phồn lộ, Thiên 1).
Nói tóm lại, dưới sự chế biến của Đổng Trọng Thư, những yếu tố tích cực trong tư tưởng luân lý, đạo đức đầy tính nhân bản của Khổng-Mạnh đã trở nên xơ cứng, nghèo nàn, mang nặng tính chất duy tâm, thần bí. Nó trở thành một trong những công cụ thống trị đắc lực về mặt tinh thần của các triều đại phong kiến Trung Quốc.