Triết học của Dương Tử.

Một phần của tài liệu HƯỚNG DẪN ÔN THI CAO HỌC LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG (Trang 53 - 57)

III. CÁC TRƯỜNG PHÁI TRIẾT HỌC TIÊU BIỂU.

b)Triết học của Dương Tử.

Hiện nay chưa biết rõ năm sinh và năm mất của Dương Chu. Chỉ biết ông là người nước Vệ, tên tự là Tử Cư, sống giữa thời của Mặc Tử (479 - 381 tcn) và Mạnh Tử (372 - 289 tcn). Thông thường, niên đại của ông được xác định vào khoảng 395 đến 335 tcn. Ông là một ẩn sỹ, ghét hám danh, ghét cầu lợi. Ông chủ trương sống tự nhiên, vô vi, tính tình điềm đạm, khiêm nhường nhưng khoáng đạt sống với nghề chủ yếu là dạy học. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng mạnh ở Trung Quốc cổ đại đến mức Mạnh Tử tuyên bố: "Ai chống

được họ Dương và họ Mặc là môn đồ của thánh nhân" (Mạnh Tử, Đằng Văn Công hạ).

Nếu Lão Tử chủ trương vô vi, tự nhiên, đả phá mọi thể chế pháp luật, luân lý, tri thức, văn hóa, kỹ thuật, quay về với cuộc sống thuần phác nguyên thủy, thì Dương Chu chủ trương thuận theo đạo tự nhiên: "trọng kỷ", "quý sinh", "vị ngã". Chủ nghĩa "vị ngã" là tư tưởng chính yếu nhất của Dương Chu.

Chủ nghĩa tự nhiên "trọng kỷ", "quý sinh", "vị ngã" của ông đối lập với "Kiêm ái" của Mặc tử và "Nhân nghĩa" của Nho gia. Tuy nhiên, tư tưởng của ông không được trình bày có hệ thống trong bất kỳ cuốn sách nào. Người ta chỉ biết tư tưởng triết học của ông thông qua sự phê phán của Nho gia (Mạnh Tử), Đạo gia (Trang Tử), Pháp gia (Hàn Phi Tử)... Trong ba phạm trù trên, thì chủ nghĩa "vị ngả" là tư tưởng chính yếu của Dương Chu.

Triết học của ông ít bàn đến thế giới quan và nhận thức luận, nhưng nhân sinh quan của ông thì rất độc đáo.

Về thế giới quan: Triết học của ông chủ yếu đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật ngây thơ, thấm nhuần tính tự nhiên, chất phác. Theo ông, mọi sự vật, hiện tương và các biến cố của tự nhiên cũng như xã hội đều tuân thủ tính tự nhiên, đều là lẽ tự nhiên, không tuân thủ các lực lượng siêu nhiên, thần thánh. Ông thường phê phán những quan niệm có tính mê tín tôn giáo tin vào cuộc sống bất tử, hoặc mời thầy cúng đến để chữa bệnh. Với ông, trời chẳng giúp được ai, họa cũng chẳng do con người gây ra. Tất cả đều là lẽ tự nhiên. Ông quan niệm: "Đời mình không phải cứ quý nó mà bảo tồn được nó. Thân mình không phải cứ yêu nó mà nó khỏe mạnh. Đời không phải cứ khinh nó mà nó ngắn ngủi. Thân mình không phải cứ coi thường nó mà nó bạc nhược... Đó chỉ là đời sống nó tự sinh, tự chết, thân thể tự nó khỏe mạnh, tự nó bạc nhược"2.

Yếu tố duy tâm trong triết học của ông là ở chỗ: Tuyệt đối hóa tính tất yếu của tự nhiên, Dương Chu coi nó như số mệnh của con người. Ông giải thích sự biến loạn của xã hội ông rằng: "Ngày nay cái gì cũng mờ mờ, tối tối, bời bời hỗn độn, làm cũng vậy, không làm cũng vậy; ngày qua ngày lại, ai mà biết được là tại sao, chẳng qua là do mệnh cả. Đã tin có mệnh trời rồi thì không có gì là thọ yểu, tin cái lẽ đương nhiên rồi thì không có gì là phải trái, theo đúng lòng mình rồi thì không có gì là thuận nghịch, theo đúng bản tính 2 Đại cương Lịch sử Triết học Trung Quốc, PGS Doãn Chính (Chủ biên), Nxb CTQG, Hà nội 1997, tr143

của mình rồi thì không có gì là an nguy cả. Người như vậy có thể gọi là không tin cái gì cả mà không có cái gì là không tin"3.

Mặc dù vậy, "tin mệnh", "thuận mệnh" của Dương Chu vẫn là "thuận tự nhiên": "Nếu thuận mệnh thì đâu còn cầu thọ, không ham quý hiền thì đâu còn danh, không muốn có uy thế thì đâu còn thích địa vị, không ham giàu có thì đâu có quý tiền của. Hạng người như vậy gọi là "thuận tự nhiên", trong thiên hạ không có gì đối với họ được, số mệnh là tùy họ"4.

Về nhân sinh quan: Từ quan niệm về thế giới quan đó, ông chủ trương trong đời sống con người phải quý trọng thân thể và bảo toàn sinh mệnh của mình. Ông đưa ra quan niệm "thiên tính tồn ngã" (cái bản tính vốn có của vạn vật) rằng: "Thân ta không phải là của ta, nhưng đã sinh ra rồi thì không thể không bảo tồn nó được. Các sinh vật khác cũng không phải là của ta, nhưng đã có chúng rồi thì không được diệt trừ chúng đi"5. Theo lẽ tự nhiên, con người không có đủ khả năng bẩm sinh mà phải nhờ cậy vào ngoại vật. Cái quý nhất của con người trong bảo tồn sinh mạng của mình khi phải cậy nhờ vào ngoại vật để tự nuôi sống mình là "phải dùng mưu trí chứ không ỷ vào sức mạnh được. Cho nên trí không quý ở chỗ nó bảo tồn được thân ta, mà sức mạnh thì đáng khinh ở chỗ nó tàn bạo với các sinh vật khác..."6.

"Tồn ngã" là dùng trí để làm chủ vật và làm chủ bản thân, tự làm gì cho mình và vạn vật cũng được. Làm được như vậy là thánh nhân. Nhưng "tồn ngã" ở bậc chí nhân còn cao hơn: bảo tồn mình trong sự hòa đồng với vạn vật, coi thân mình là vạn vật, coi vạn vật là thân mình.

Để "tồn ngã", "trọng kỷ", "quý sinh" ông chủ trương con người phải sống hoàn toàn theo lẽ tự nhiên: không làm việc quá sức, không muốn cái ngoài mình và phải thỏa mãn mọi nhu cầu, dục vọng tự nhiên của cá nhân. Ông kêu gọi hãy tận hưởng mọi cái hiện có trong cuộc sống, không nên làm cho mình$trở nên khổ sở bởi cái gì sẽ đến sau khi chết. Đời người chẳng là bao. Đời sống chỉ là tạm. Hãy "hành động theo lòng mình, không trái với thị hiếu tự nhiên, không bỏ lỡ cái gì làm vui cho cuộc sống, không để cái danh vọng nó quyến rũ..."7. Quý sinh mênh, bảo tồn thân mình là con người cứ thản

3 Sđd, tr 144.

4 Sđd, tr144.

5 Sđd, tr145.

6 Sđd, tr145.

nhiên nhận sống cuộc sống tự nhiên ban cho, không cầu mong kéo dài tuổi thọ, không cầu mong được chết sớm.

Từ đó, ông kịch liệt phản đối sự cưỡng chế, cấm đoán của thể chế pháp luật, sự ràng buộc của thưởng phạt, khen chê trong xã hội đương thời. Ông cũng lên án thói hám danh, cầu lợi, câu nệ phải trái, tốt xấu ở đời. Theo ông, tất cả những thứ đó chỉ là hư danh, giả tạo làm tổn hại đến đời sống tự nhiên và tình cảm, nhu cầu, ước muốn, sở thích tự nhiên cá nhân mà thôi. Theo ông, những kẻ tự đánh mất bản tính của mình "lụy thân, thương sinh" là những kẻ không không biết thuận theo bản tính, sở thích tự nhiên của mình, không biết sống một cuộc sống tự nhiên thanh thản. Đó chỉ là những kẻ vì ham muốn sống lâu, danh vọng, địa vị, tiền tài mà sợ quỷ, sợ người, sợ kẻ có quyền uy.

Ông quan niệm, sống khác nhau nhưng chết rồi đều như nhau. Người hám danh, trọng khen chê mà làm cho hình hài, tinh thần tiều tụy. Chết rồi há được tái sinh để hưởng lạc thú và nghe tiếng khen chê được chăng? Các thánh nhân Nghiêu, Thuấn, Vũ, Chu Công vì hám danh mà sống không được một ngày vui, chết được lưu danh muôn đời đều là những người sống trái với lẽ tự nhiên. Đó là những kẻ có danh mà không có thực. Vua Kiệt, vua Trụ không hám danh vì tiếng tốt lưu đời mà thỏ thuê phóng túng, hưởng lạc thú nhất thiên hạ. Đó là những kẻ có thực mà không danh. Chi bằng sinh ra từ lẽ tự nhiên, thì hãy thuận theo bản tính tự nhiên, khả năng sở thích tự nhiên mà sống.

Phép dưỡng sinh bảo toàn sinh mệnh, giữ gìn bản tính tự nhiên của con người, theo ông là: "nên làm sao chỉ vui vẻ, an nhàn tấm thân. Kẻ biết sống vui thì tránh cảnh nghèo. Kẻ biết sống an nhàn thì tránh sự làm giàu"8.

Tóm lại, chủ nghĩa tự nhiên hư vô, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa hạnh phúc tự do cá nhân là một trong những đặc điểm chủ yếu của triết học Dương Chu. Nó đối lập với Nho gia và Mặc gia đến nỗi Mạnh Tử phải thốt lên rằng: "Họ Dương vị ngã ấy là không có vua... là loài cầm thú, là tà thuyết lừa dân, làm bế tắc con đường nhân nghĩa"9.

Cùng với "thiên tính tồn ngã", "trọng kỷ", "quý sinh", triết học của Dương Chu là chủ nghĩa "vị ngã". Theo ông, vì "trọng kỷ", "quý sinh" mà "vị ngã", và vì "vị ngã" mà "trọng kỷ", "quý sinh". Đây là nét độc đáo trong triết học nhân sinh của Dương Chu:

8 Sđd, tr151.

"Vị ngã" nghĩa chung nhất là vì mình, vì cái ta, nó đối lập với "vị tha". "Vị ngã" theo Dương Chu có hai mặt: Một là "mất một sợi lông mà làm lợi cho thiên hạ cũng không cho". Hai là "đem cả thiên hạ để phụng dưỡng thân mình cũng không nhận". "Vị ngã" là luôn bảo toàn, quý trọng thân thể, sinh mệnh của mình một cách tự nhiên, không hại đến đời sống tự nhiên của người và của vật, không để mình lụy vật và cũng không để vật lụy mình. Quan điểm chủ yếu này của Dương Chu không chỉ đối lập chủ trương cứu đời của Nho gia mà còn đối lập với chủ trương cứu đời đương thời của Đạo gia. Mạnh Tử viết: "Dương Chu "vị ngã", nhổ một mảy lông làm lợi cho thiên hạ cũng không làm". Hàn Phi Tử nói: "Dương Chu ấy là kẻ chủ trương chẳng vào thành đang lâm nguy, chẳng ở trong quân lữ, chẳng đổi một sợi lông để được lợi lớn trong thiên hạ". Sách Lã thị Xuân Thu viết: "Dương sinh quý lấy mình, giữ tròn số mệnh và thiên chân, không để cho vật lụy mình là chủ trương của Dương Tử"10.

Theo Dương Chu, phương pháp trị nước, khiến cho thiên hạ từ loạn thành trị tốt nhất là ""vị ngã" bảo toàn số mệnh và thiên chân của mình, không gò ép, không thái quá, không ham cái gì ngoài bản tính tự nhiên của mình, không cản trở đến bản tính, khả năng, đời sống tự nhiên vật khác thì mọi vật, mọi người đều phát triển tự do và trọn vẹn"11. Phương pháp này cũng là chủ thuyết mà Đạo gia đã phát triển thành học thuyết đạo đức, được coi như một cuộc cách mạng trong luân lý, đạo đức xã hội đương thời. Nó phê phán mọi trào lưu gò bó con người, kêu gọi tự do cá nhân với chủ nghĩa tự nhiên hư vô, chủ nghĩa khoái lạc độc đáo, chống mọi áp bức, bạo lực, đả phá quan niệm đạo đức và thể chế xã hội bấy giờ.

Một phần của tài liệu HƯỚNG DẪN ÔN THI CAO HỌC LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG (Trang 53 - 57)