Đặc điểm hình thái, cấu tạo của vi khuẩn (bacteria)

Một phần của tài liệu giáo trình bệnh cây nông nghiệp (Trang 87 - 88)

I. GIỚI PROTOZOA

2. Đặc điểm hình thái, cấu tạo của vi khuẩn (bacteria)

2.1. Hình thái

• Đa số vi khuẩn gây bệnh cây có hình gậy, 2 đầu tù, kích thước nhỏ, trung bình 0,4 – 4,5 x 0,3 – 0,7 µm. Chỉ có một đại diện có tế bào dạng sợi là Streptomyces (còn được gọi là xạ khuẩn).

• Phần lớn vi khuẩn gây bệnh cây có lông roi (flagella): có loại có một lông roi, có loại có một chùm lông roi ở một đầu, có loại có nhiều lông roi bao quanh tế bào. Vi khuẩn có thể quan sát dưới kính hiểm vi quang học khi được nhuộm gram. Phần lớn vi khuẩn gây bệnh cây nhuộm gram âm, trừ một vài loại nhuộm gram dương.

• Trên môi trường nuôi cấy nhân tạo, 1 tế bào vi khuẩn sẽ nhân lên thành nhiều tế bào, tập hợp lại thành một khối gọi là khuẩn lạc (colony). Tùy theo chi/loài mà khuẩn lạc vi khuẩn rất khác nhau về màu sắc (vàng, trắng đục, trắng kem…), độ lồi, hình dạng rìa (nhẵn, răng cưa, chẻ thùy..), độ bóng, độ nhầy (nhầy, khô), kích thước…

2.2. Cấu tạo

• Vi khuẩn là vi sinh vật đơn bào.

• Tế bào vi khuẩn không có nhân thật (prokaryote). Vật liệu di truyền của vi khuẩn là một phân tử DNA genome lớn, dạng vòng. Ngoài ra, tế bào nhiều loại vi khuẩn cũng có các phân tử DNA nhỏ gọi là plasmid có thể có vai trò trong tính gây bệnh của vi khuẩn.

• Tế bào vi khuẩn thiếu nhiều cơ quan tử như ty thể (mitochondria), lục lạp (chloroplasm)… Giống như các vi sinh vật tiền nhân khác, ribosome của vi khuẩn là loại 70S.

• Tế bào vi khuẩn được cấu tạo bởi tế bào chất được bao bọc bởi 1 lớp màng tế bào chất cấu tạo bằng lipoprotein, có tính bán thấm, chứa nhiều enzim cần cho hoạt động sống của tế bào.

• Bên ngoài ngoài màng tế bào là một lớp vách tế bào vững chắc, làm tế bào có hình dạng cố định. Vách tế bào có đặc điểm hóa học khác nhau giữa vi khuẩn gram (-) và gram (+). Lớp vách của vi khuẩn gram (+) có cấu tạo chủ yếu bằng peptidoglican còn của vi khuẩn gram (-) chủ yếu là polysaccharide.

• Bên ngoài lớp vách là một lớp màng nhày. Lớp màng nhày có thể rất dày và được gọi là giáp mạc (capsule).

Một phần của tài liệu giáo trình bệnh cây nông nghiệp (Trang 87 - 88)