Phát triển đô thị bền vững ở nước ta hiện nay

Một phần của tài liệu Xem nội dung Tạp chí số 33 tại đây (Trang 40)

Các đô thị Việt Nam đang phát triển rất nhanh nhưng hệ thống các đô thị - trung tâm chưa hình thành đều khắp các vùng và chưa có giải pháp hữu hiệu điều tiết quá trình tăng trưởng đó. So với các nước trong khu vực, đô thị Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Năm 1999 tốc độ đô thị hoá đã tăng lên 23,6% và hiện nay đạt 28%. Theo dự báo của Bộ Xây dựng, năm 2020, tốc độ đô thị hoá tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 45%. Đặc biệt là hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ đô thị hóa được dự kiến 55 - 65% vào năm 2020. Phần lớn dân số đô thị sống ở các thành phố lớn này… Các đô thị lớn có sức hút mạnh đang tạo ra sự tập trung đông dân cư, các khu công nghiệp quá tải trong khi các đô thị nhỏ và vừa thì kém sức hấp dẫn, không có khả năng đảm nhiệm vị trí và vai trò trung tâm của mình trong mạng lưới đô thị toàn quốc.

Quá trình đô thị hóa cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng phát triển tự phát. Thể hiện rõ nét là các công trình

xây dựng mọc lên nhanh chóng tại các khu vực mới mở không theo đúng các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đã được duyệt cùng với hiện tượng lấn chiếm các không gian quy hoạch. Trong các khu đô thị mới, phần lớn đất đai dành cho phát triển quỹ nhà ở, xây dựng các công trình dịch vụ để bán và cho thuê, diện tích cây xanh, các khu vui chơi và công trình công cộng bị thu hẹp tối đa để giảm bớt suất đầu tư hạ tầng cơ sở. Cách đầu tư xây dựng này sẽ giúp chủ đầu tư thu hồi vốn và có lãi nhanh nhất nhưng lại ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường cũng như chất lượng dịch vụ xã hội của khu vực (khu nhà ở ngày càng bị thiếu diện tích vườn hoa, cây xanh, nhà trẻ, các tuyến đi bộ...). Ngoài ra, giữa các nhà quản lý, nhà tư vấn quy hoạch, nhà kiến trúc, nhà xây dựng trong quá trình quản lý quy hoạch và kiểm soát phát triển đô thị còn thiếu sự đồng bộ thống nhất đã làm cho cảnh quan đô thị lộn xộn, đe dọa sự phát triển bền vững của đô thị. Cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật tại các khu dân cư đô thị nhìn chung không đồng bộ, mạng lưới giao thông trong và ngoài đô thị chưa phát triển, gây trở ngại cho các mối liên thông giữa đô thị với các vùng lân cận.

Việc quy hoạch tiến hành chậm so với thực tế xây dựng đô thị, quy hoạch chi tiết đô thị còn thiếu và chất lượng còn hạn chế do thiếu cơ sở tài liệu điều tra cơ bản. Kiến trúc đô thị phát triển chưa có định hướng, nhiều di sản, kiến trúc văn hóa có giá trị của dân tộc đang bị vi phạm và biến dạng nghiêm trọng.

Như vậy, sự phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ của các thành phố cũng tạo ra nhiều vấn nạn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đô thị trong tương lai như:

- Quy hoạch đô thị thường chậm so với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường nên thường dẫn đến “quy hoạch treo”. Vì nước ta chưa sử dụng phương pháp quy hoạch chiến lược hợp nhất để hài hòa giữa các bản quy hoạch nêu trên, do đó chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững;

- Quan hệ giữa đô thị với vùng và nhiều mối quan hệ khác không được giải quyết thỏa đáng;

- Thiếu tầm nhìn chiến lược phát triển bền vững;

- Mô hình cấu trúc đô thị kém linh hoạt không thích ứng với quá trình chuyển đổi;

- Chưa quan tâm thích đáng xây dựng môi trường cư trú của con người (nhà ở);

- Xây dựng kết cấu hạ tầng không đồng bộ, không đạt chuẩn và không phù hợp với các nguồn lực, thường kẹt xe gây ách tắc giao thông;

- Quản lý Nhà nước về đô thị thiếu chủ động nhất là quản lý thực hiện quy hoạch;

- Thiếu hệ thống quan trắc, dự báo phòng ngừa các biến đổi khí hậu, thiên tai và sự cố công nghệ có thể xẩy ra.

Hình 1. Thành phố phát triển bền vững (Nguyễn Minh Vĩ, 2016)

Hình 2. Thành phố trong quá trình đô thị hóa (Nguyễn Minh Vĩ, 2016)

Để phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, v.v…, hiện đang xác định các tiêu chí phát triển đô thị bền vững để thực hiện.

Ở Thủ đô Hà Nội, quy hoạch tổng thể Hà Nội mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu phát triển là: “Thành phố Xanh, Văn hiến, Văn minh - Hiện đại.” Đó là phương châm hợp lý để phát triển Thủ đô Hà Nội bền vững. Chiến lược tạo hình ảnh riêng về Hà Nội thông qua hình ảnh mặt nước, cây xanh và văn hóa cũng là một thành phần của phát triển bền vững.

Chiến lược xây dựng 5 đô thị vệ tinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên) và 3 đô thị sinh thái (Quốc Oai, Chúc Sơn và Phúc Thọ) nằm giữa các sông với các dòng chảy quanh co uốn khúc, theo mô hình phát triển phân tán, tạo thành chùm đô thị có khả năng kết hợp khai thác các ưu điểm của lối sống thành thị và nông thôn, hướng tới hình thành một đô thị sinh thái.

Chiến lược về không gian xanh, được hình thành trên ý tưởng không gian xanh sông Đáy, sông Tích, sông Hồng, sông Nhuệ, đầm Vân Trì, sông Cà lồ, Nam Linh Đàm... trong đó, có vùng đệm xanh tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam sông Hồng giữa vành đai 3 và 4. Trong không gian xanh, tổ chức các công viên vui chơi giải trí cấp quốc gia, cấp vùng với các loại hình công viên lịch sử, công viên văn hóa, vui chơi giải trí, công viên cây xanh tự nhiên, công viên cây xanh chuyên đề, kết hợp với các hồ điều hòa cây xanh bảo tồn thiên nhiên... cũng là một thành phần đảm bảo cho phát triển bền vững.

Như vậy, quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đáp ửng tiêu chí của PTĐTBV về cơ bản.

Tuy nhiên, việc sáp nhập với tỉnh Hà Tây và 4 xã thuộc tỉnh Hòa Bình làm cho Thủ đô gặp nhiều khó khăn, thách thức, khó có thể giải quyết được ngay. Việc chuyển hóa từ khu vực nông nghiệp sang khu vực có chức năng đô thị, các điểm dân cư nông thôn sang mô hình dân cư mới, đất đai canh tác nông nghiệp sang không gian xanh, khai thác hệ thống sông ngòi vào không gian mặt nước trong đô thị,.. nếu không được khắc phục sớm thì đây là những hạn chế khó khăn làm cho Thủ đô Hà Nội không thỏa mãn các tiêu chí về PTĐTBV.

Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) có cấu trúc mất cân đối khi hơn 90% cư dân tập trung tại khu vực đô thị hóa với một diện tích khoảng 7% diện tích toàn thành phố, mặc dù khu vực phía Nam thành phố rất dồi dào môi trường tự nhiên ở mức lý tưởng. Cùng với những nỗ lực để đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế của TP HCM, cần phải có tầm nhìn về một thành phố phát triển bền vững, chú trọng đến công tác bảo tồn và khôi phục môi trường tự nhiên cũng như đảm bảo an sinh xã hội.

Quy hoạch xây dựng thành phố đến năm 2025 đã đề ra nguyên tắc chung về tổ chức công viên cây xanh là đưa diện tích xanh thành phố lên tới 15m2/người để trở thành thành phố xanh, trong đó khu vực nội thành sẽ tổ chức cây xanh đặc biệt 10m2/người gồm lâm viên rừng phòng hộ, kết hợp với khu vui chơi giải trí cuối tuần. Khu vực ngoại thành cũng đã hình thành thảm cây xanh lớn kết hợp với du lịch giải trí cuối tuần như rừng tràm, đước Cần Giờ với diện tích khoảng 25000 ha đã được hồi sinh từ năm 1998 và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển, Việt Nam trở thành một trong 19 nước trên thế giới có khu dự trữ sinh quyển, đây chính là lá phổi của thành phố HCM cần được bảo vệ.

Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng TP HCM đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ “Bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch giải trí dọc hai bên sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè có diện tích khoảng 7000 ha” tương tự như Amsterdam (Hà Lan), sông Seine Paris (Pháp), sông Vlatava (Praha - Séc), sông Hàn Seoul (Hàn Quốc), sông Neva st Peterbourg (Nga)... kết hợp cây xanh với mặt nước.

Tiếp đến, thành phố nên có một cấu trúc đô thị có thể làm giảm thiểu tác động môi trường, hạn chế hiệu ứng của đảo nhiệt đô thị, nâng cao chất lượng khí lưu thông. Đó là mô hình thành phố đa trung tâm bao gồm các trung tâm hiện hữu: quận 1, quận 3, trung tâm mới Thủ Thiêm, 1 phần quận Bình Thạnh, quận 4 và Phú Mỹ Hưng. Các trung tâm khu vực bao gồm: Khu đô thị Cảng Hiệp Phước (huyện Nhà bè), Tân Kiên - Tân Tạo (huyện Bình Chánh), Khu công nghệ cao (Q9) và khu đô thị vệ tinh Tây Bắc.

TP HCM cũng đang trong tình trạng khủng hoảng sinh thái do dân số tăng nhanh (10 triêu dân vào năm 2025), ô nhiễm nước mặt và không khí. Để đối phó với khủng hoảng sinh thái trong giai đoạn biến đổi khí hậu thành phố đã đề ra nhiều chương trình như: thoát nước đô thị, bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm không khí và quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để đảm bảo các tiêu chí phát triển bền vững, TP HCM còn phải trải qua nhiều thách thức. Dự án quốc gia “Nâng cao năng lực quy hoạch và quản lý đô thị TP HCM” do UNDP tài trợ 3 năm 1996-1998 đã đề xuất phương pháp “Quy hoạch chiến lược hợp nhất hướng đến mục tiêu phát triển bền vững” và phương pháp “Quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng”, đã được UBND Thành phố chấp thuận song vẫn chưa được đưa vào thực hiện. Tuy nhiên việc thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM là nơi tập trung các nhà quy hoạch kinh tế, xã hội và không gian, là một bước tiến quan trọng để hợp nhất các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường và không gian hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của thế kỷ XXI và cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu hóa.

Một phần của tài liệu Xem nội dung Tạp chí số 33 tại đây (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(49 trang)