Nhận thức được vai trò quan trọng của hệ thống chính trị cơ sở đối với đời sống xã hội, nhất là trong bảo vệ ANTT ở các cơ sở, đặc biệt là địa bàn Tây Nguyên, Đảng, Nhà nước, các ban ngành đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở như Nghị quyết 17/NQ –TW về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”; Đề án 04/ĐA/BNV của Bộ Nội vụ về “Một số giải pháp góp phần củng cố, kiện
toàn hệ thống chính quyền cơ sở Tây Nguyên giai đoạn 2002- 2010”; Đề án 148/ĐA- BCA (A38) ngày 31/1/2002 của Bộ Công an về “Đảm bảo ANTT vùng Tây Nguyên”; Các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở đối với phát triển kinh tế – xã hội cũng như đảm bảo ANTT ở địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống chính trị cơ sở các tỉnh Tây Nguyên còn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém trong đó tập trung chủ yếu là:
Một là, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức cơ sở Đảng còn yếu cả về trình độ năng lực và phẩm chất chính trị, nội bộ mất đoàn kết, bè phái. Những yếu kém trên thể hiện:
Một số cấp ủy tác phong làm việc quan liêu, hành chính, tinh thần trách nhiệm chưa cao, chỉ lo thu vén gia đình và cá nhân, không nắm chắc được dân mà biểu hiện phổ biến là trong đảng viên người Kinh.
Có những địa phương, mâu thuẫn nội bộ kéo dài; việc phát hiện, xử lý sai phạm của đảng viên còn chậm, chưa nghiêm gây nên tình trạng khiếu kiện kéo dài, làm cho tình hình phức tạo trong nội bộ đảng, làm mất uy tín của đảng. Chẳng hạn, ở Kon Tum năm 2001 kiểm tra 19 tổ chức cơ sở đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ đã phát hiện, xử lí 70 đảng viên; ở Lâm Đồng 6 tháng đầu năm 2000 phát hiện xử lí 121 đảng viên [75, tr. 60].
Thực hiện nguyên tắc “phê và tự phê” trong sinh hoạt Đảng còn yếu, tình trạng nể nang, né tránh, ngại đấu tranh phê bình diễn ra phổ biến ở các tổ chức Đảng.
Qua khảo sát ở các địa phương cho thấy có nơi tổ chức cơ sở đảng nhiều năm liền được công nhận tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, được Tỉnh ủy biểu dương khen thưởng nhưng nay nội bộ lại mất đoàn kết nghiêm
trọng, hiện tượng bè phái trong nội bộ đang có chiều hướng phát triển.Thậm chí có những cơ sở Đảng có đảng viên tham gia biểu tình, tham gia “Tin lành Đê Ga”, tổ chức người trốn đi Campuchia…nhưng cấp ủy không nắm được hoặc nắm được nhưng không đấu tranh ngăn chặn.
Công tác phát triển Đảng nhiều nơi, nhất là vùng dân tộc thiểu số còn yếu, còn nhiều tình trạng “trắng” đảng viên. Thực tế cho thấy, quý I/2005 trên địa bàn Tây Nguyên còn 449/6737 buôn, làng chưa có đảng viên, tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số [75, tr. 61].
Hai là, công tác cán bộ thuộc bộ máy chính quyền cấp cơ sở đã và dang bộc lộ nhiều bất cấp, yếu kém, thể hiện trên một số mặt sau đây:
Chất lượng đội ngũ chính quyền cơ sở nhất là vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nhìn chung còn yếu kém, học vấn thấp, phàn lớn cán bộ chưa qua đào tạo, bồi dưỡng.
Qua khảo sát ở Lâm Đồng, có 692 cán bộ người dân tộc có 89 người tốt nghiệp PTTH, 578 người tốt nghiệp cấp II, 155 cán bộ có trình dộ cấp I. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ cơ sở đến đại học có 47 người, chiếm tỉ lệ 6,8%.
Tỉ lệ cán bộ cơ sở giữa người Kinh với người các dân tộc chưa đều, cán bộ là người dân tộc thiểu số còn thấp so với người Kinh. Có địa bàn không có cán bộ là người dân tộc.
Trên địa bàn Tây Nguyên những năm gần đây rất chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ nói chung, nhất là cán bộ cơ sở. Nhìn chung so với các vùng miền khác thì Tây Nguyên không phải là địa bàn thiếu cán bộ gay gắt, nhưng điều đáng chú ý là cán bộ người dân tộc còn ít, có nơi không có cán bộ là người dân tộc thiểu số, do vậy rất khó khăn trong quá trình triển khai và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và nắm tình hình vận động quần chúng là người dân tộc.
Thống kê năm 2005 cho thấy các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên chiếm khoảng 25% dân số toàn Tây Nguyên, nhưng cán bộ là người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 10% tổng số cán bộ trong vùng. Tại Đăk Nông, người Ê đê chiếm 14% tổng số dân nhưng chỉ có 5,25% cán bộ. Tại Gia Lai tổng số cán bộ cơ sở là 10.040 người trong đó số cán bộ là người dân tộc có 2437 người. Tại huyện Đăk Mil tỉnh Đăk Nông trong số 244 đại biểu HDDND xã, thị trấn khóa 2004-2009 chỉ có 20 đại biểu là người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đến hết quý I năm 2005, tỉ lệ cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số đã tăng đáng kể, đạt 5121/ tổng số 16837 cán bộ cơ sở toàn vùng, chiếm 30,52% [75,tr. 61-62].
Một số địa phương xuất hiện tư tưởng biệt lập, li khai trong nội bộ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở. Đây là xu hướng chính trị rất nguy hiểm, tuy không phải là phổ biến, nhưng thời gian qua đã xuất hiện tại một số địa phương ở Tây Nguyên mà đáng chú ý là tư tưởng li khai biệt lập lại xuất hiện ngay trong cán bộ lãnh đạo là người dân tộc. Có cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số đã nói rằng: “Đồng bào dân tộc là con nòng nọc, khi đã lớn nó sẽ tự đứt đuôi; nhưng người Kinh khôn quá, họ muốn con nòng nọc đứt đuôi sớm hơn, nên đã dùng thuốc để tiêm cho nó. Song thuốc không làm cho con nòng nọc đứt đuôi, người Kinh lấy dao chặt đuôi làm cho nòng nọc chết” [4, tr.7].
Những vụ bạo loạn chính trị xảy ra vừa qua ở Tây Nguyên cho thấy: ở nhiều buôn, làng, khi đề nghị cán bộ người dân tộc thiếu số vận động đồng bào dân tộc giải tán, không tham gia biểu tình thì họ án binh bất động, không làm. Thậm chí ở Đăk Đoa, Chư sê (Gia Lai), ở một số xã, cán bộ người Kinh bị bọn quá khích hành hung nhưng cán bộ người dân tộc không can thiệp, họ còn nói rằng: “chúng nó chẳng làm gì mình thì mình chẳng làm gì chúng nó” [8, tr. 3].
Một số cán bộ là người dân tộc thiểu số, trước tác động của các thế lực thù địch, do không giữ lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị kém, đã có biểu
hiện hoạt động theo kiểu “lá mặt, lá trái”. Mặc dù về hình thức vẫn làm việc cho chính quyền nhưng lại ngấm ngầm ủng hộ FULRO, một số tham gia vào tổ chức “Nhà nước Đê Ga độc lập”, tham gia biểu tình, tổ chức người trốn đi Campuchia. Qua thống kê cho thấy có khá nhiều cán bộ cơ sở tham gia biểu tình, tham gia “Tin lành Đê Ga” tại một số địa phương, như tại Gia Lai năm 2001 có 127 đối tượng, năm 2004 có 84 đối tượng, tại Đăk Nông có 47 đối tượng, Kon Tum có 12 đối tượng... [75, tr. 62]
Một bộ phận cán bộ cơ sở là người Kinh, nhất là số cán bộ được tăng cường cho cơ sở không biết tiếng dân tộc, chưa hiểu sâu sắc phong tục tập quán của dân tộc. Do đó, chưa phát huy được hiệu quả công tác, đồng bào cơ sở dân tộc chưa tin tưởng, công tác vận động quần chúng vùng dân tộc bị hạn chế.
Thực tế cho thấy nhiều trường hợp cán bộ tăng cường cơ sở thực hiện “Ba cùng” với đồng bào dân tộc nhưng không nắm được những biểu hiện hoạt động liên quan đến hoạt động biểu tỉnh, bạo loạn; có nơi đồng bào dân tộc nuôi bọn xấu trong nhà, tổ chức cho chúng liên hoan, hội họp nhưng cán bộ cũng không biết. Đặc biệt là sau những vụ bạo loạn chính trị đồng bào dân tộc không cung cấp cho cán bộ biết những kẻ đã xúi giục, kích động tổ chức họ đi biểu tình.
Ba là, đội ngũ cán bộ MTTQ, cán bộ đoàn thể quần chúng ở cơ sở đã và đang bộc lộ những yếu kém cả về học vấn, trình độ chính trị và năng lực chuyên môn.
Qua khảo sát trên địa bàn Tây Nguyên cho thấy, phần lớn MTTQ, cán bộ đoàn thể quần chúng (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh…) là người dân tộc trình độ học vấn chưa hết cấp II, trình độ chính trị chủ yếu sơ cấp; Chẳng hạn ở Đăk Lăk chỉ có 0,5% số người lãnh đạo MTTQ và các tổ chức quần chúng ở cơ sở có trình độ cử nhân chính trị.
Mặt khác, hoạt động của MTTQ, cán bộ đoàn thể quần chúng còn đơn điệu, chưa có nội dung, phương thức hoạt động phong phú, phù hợp với đặc điểm vùng dân tộc, chưa gắn lợi ích và nhu cầu thiết thân của hội viên, do vậy chưa thu hút hội viên tham gia đông đảo, hiệu quả hoạt động chưa cao. Điều đó chứng minh bằng thực tế khi bạo loạn chính trị xảy ra, MTTQ, cán bộ đoàn thể quần chúng chưa phát huy được vai trò vận động thuyết phục quần chúng.
Một số cán bộ MTTQ, cán bộ đoàn thể quần chúng bản lĩnh chính trị không vững vàng, bị kẻ địch và phần tử xấu lôi kéo, mua chuộc, khống chế tham gia tổ chức “Nhà nước Đê Ga độc lập”, tham gia trốn đi Campuchia, tham gia biểu tình chống đối. Chẳng hạn ở Gia Lai, chỉ tính riêng từ tháng 4/2004 đến tháng 12/2004 có 40 đối tượng là cán bộ thuộc hệ thống chính trị cơ sở tham gia vào các hoạt động chống đối: biểu tình, trốn đi Campuchia…trong đó có 3 cựu chiến binh, 4 cán bộ MTTQ, 2 cán bộ đoàn thanh niên [75, tr. 64].
Ngoài ra, những yếu kém của hệ thống chính trị ở Tây Nguyên còn hiểu hiện ở ngay trong bản thân các tổ chức thành viên, đó là : tệ tham nhũng, quan liêu, cửa quyền…của đội ngũ cán bộ cơ sở không những làm thiệt hại tài sản của Nhà nước, của tập thể mà nguy hại hơn nữa là làm giảm lòng tin của quần chúng nhất là đồng bào dân tộc Tây Nguyên với Đảng, với chế độ. Chẳng hạn ở Gia Lai, những năm qua các vụ án tham nhũng chiếm 20 % các vụ án kinh tế, đã gây thiệt hại lớn tài sản Nhà nước va làm giảm lòng tin của quần chúng đối với chế độ, với Đảng, với Nhà nước.
Những yếu kém, tồn tại trong tổ chức hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự mất ổn định chính trị thời gian qua trên địa bàn Tây Nguyên
Kết luận chương 2.
Nội dung chủ yếu của chương 2, sau khi trình bày những đặc điểm, vai trò của hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên, Luận văn tập trung phân tích thực trạng tổ chức và hoạt động của hệ thống này, qua đó, làm rõ những kết quả, hạn chế của nó.
Cũng như hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng miền trên cả nước, ngoài những đặc điểm chung, hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên sáu đặc điểm mang tính đặc thù do điều kiện tự nhiên, xã hội đặc thù của địa bàn Tây Nguyên quy định. Đồng thời, hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên cũng đang thể hiện rõ nét vai trò là chủ thể trực tiếp quản lý mọi mặt ở cơ sở; là lực lượng quan trọng trong tổ chức thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên…
Sự đặc thù về tự nhiên, xã hội của địa bàn Tây Nguyên đã tác động sâu sắc đến tổ chức và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở nơi đây. Luận văn đã phân tích, đánh giá tổ chức và hiệu quả hoạt động của cả 3 thành tố của hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên, bao gồm tổ chức cơ sở Đảng, Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở. Bên cạnh những kết quả, thành công trên nhiều mặt, hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; trong đó có những vấn đề vừa mang tính chiến lược, cơ bản, lâu dài, vừa mang tính cấp bách, có những vấn đề liên quan đến tầm vĩ mô…Nhận thức đầy đủ những thành công, những hạn chế, bất cập là một trong những cơ sở quan trọng cho việc đề xuất những giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên.
Chương 3. MỘT SỐ DỰ BÁO VÀ GIẢI PHÁP