chính trị cơ sở ở Tây Nguyên.
3.2.1. Nắm vững và thống nhất các quan điểm, chủ trương, giải pháp
của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tại Tây Nguyên.
Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước:
Tây Nguyên được xác định là một trong những vùng chiến lược giàu tiềm năng phát triển kinh tế, và có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng của đất nước. Đây cũng là một trong những mục tiêu trọng điểm mà các thế lực thù địch tập trung chống phá. Sự ổn định của Tây Nguyên có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của cả nước. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với đảm bảo an ninh - quốc phòng ở các vùng chiến lược, trong đó có Tây Nguyên, là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Vì phát triển kinh tế - xã hội là tạo nền tảng vững chắc cho đảm bảo an ninh - quốc phòng; ngược lại, an ninh - quốc phòng được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định là điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong nhiều năm qua, địa bàn Tây Nguyên được Đảng, Nhà nước và cả nước quan tâm, tạo nhiều điều kiện về các mặt để phát triển, nên đã có sự chuyển biến rõ rệt về đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa tương xứng với sự
đầu tư của cả nước và tiềm năng của địa bàn này. Tây Nguyên vẫn là một trong những vùng chiến lược chậm phát triển nhất của cả nước. Đời sống mọi mặt của nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên nói chung còn thấp kém, có nơi quá lạc hậu, tình hình an ninh, trật tự có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định.
Để phát triển toàn diện Tây Nguyên, đưa Tây Nguyên tiến kịp sự phát triển chung của cả nước, xứng đáng với vị trí và tiềm năng của địa bàn này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn, quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở nơi đây.
Ngày 15/1/2002, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10/NQ - TƯ “Về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010”. Thủ tướng Chính phủ cũng ra Quyết định số 168, ngày 30/10/2001 “Về định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm 2001- 2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên”. Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta về Tây Nguyên trong những năm tới là:
đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết một lòng cùng với cả nước, xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, phát triển nhanh về văn hoá - xã hội, mạnh về quốc phòng, an ninh, tiến tới xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế động lực [72, tr. 42].
Cụ thể hoá quan điểm của Đảng, Nhà nước, các cấp Bộ, Ngành có liên quan cũng đã có những quy định cụ thể, góp phần vào phát triển Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010.
Về các giải pháp cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội:
Mục tiêu tổng quát: Phát huy tiềm năng, lợi thế vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tạo sự phát triển năng động, có tốc độ phát triển cao và bền vững, tiến tới trở thành vùng giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng -
an ninh. Từng bước cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, tạo động lực tăng trưởng cao, để có điều kiện xóa đói giảm nghèo. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 8 - 8,5%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 600 - 650 USD. Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 52% năm 2005 xuống 37-38% năm 2010. Các giải pháp cụ thể là:
- Tiếp tục phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa một cách vững chắc trên cơ sở đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp. Phát triển lâm nghiệp toàn diện nhằm xây dựng thành vùng trọng điểm phát triển lâm nghiệp của cả nước. Quy hoạch sử dụng đất một cách hợp lý, chuyển giao quỹ đất của một số nông, lâm trường để giải quyết đất ở, đất sản xuất gắn với tổ chức lại sản xuất nhằm giải quyết việc làm và đảm bảo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
- Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phù hợp và có lợi thế; phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng, cơ khí sửa chữa, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản. Đa dạng hóa phương thức đầu tư để phát triển công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trong vùng. Thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp hiện có, xây dựng thêm các cụm công nghiệp trên địa bàn vùng.
- Phát triển mạng lới thương mại đa dạng phù hợp với địa bàn Tây Nguyên, phát triển mạnh kinh doanh du lịch, nhất là các trung tâm du lịch sinh thái.
- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến quốc lộ quan trọng. Chú trọng xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Hoàn thành các hệ thống cấp nớc ở các thành phố, thị xã trong vùng.
- Tiếp tục đầu tư nâng cấp và xây dựng hệ thống trường học, bệnh viện, trạm xá, điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí. Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
Về các giải pháp cơ bản để đảm bảo an ninh - quốc phòng:
Đối với địa bàn Tây Nguyên, vấn đề đặt ra là phải kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, với giữ vững ổn định chính trị - xã hội; đảm bảo an ninh - quốc phòng. Vì vậy, cùng với các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp về đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên được xác định là:
- Làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, của bọn phản động người Việt Nam lưu vong và trong nội địa; trong đó, coi đấu tranh xóa bỏ “tổ chức FULRO” là yếu tố quyết định đảm bảo sự ổn định chính trị, an ninh trật tự lâu dài ở Tây Nguyên.
- Vừa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tự do không tín ngưỡng của quần chúng nhân dân các dân tộc trên địa bàn; vừa kiên quyết đấu tranh xóa bỏ tổ chức “Tin lành Đê Ga”, đấu tranh với các họat động lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia.
- Đấu tranh, vô hiệu hóa các âm mưu, họat động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên, vấn đề người Thượng... xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất ổn định ở Tây Nguyên.
- Tăng cường các công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp bộ Đảng, chính quyền đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn Tây Nguyên. - Xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án xử lý các điểm nóng về dân tộc, tôn giáo, phòng chống biểu tình, gây rối, gây bạo loạn... [72, tr. 72 - 79].
Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ANTT ở địa bàn Tây Nguyên là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt, đòi hỏi phải sử dụng tổng hợp các lực lượng, các biện pháp, sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các cấp chính quyền, trong đó, lực lượng Công an, Quân đội làm nòng cốt.
Như vậy, các quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phát triển toàn diện Tây Nguyên là những định hướng cơ bản để các ngành, các cấp hoạch định và triển khai các mặt công tác cụ thể. Việc xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên phải dựa trên những định hướng cơ bản đó. Nói cách khác, để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên, một mặt phải nắm vững những đặc điểm đặc thù của Tây Nguyên, mặt khác, phải đặt Tây Nguyên trong mối quan hệ với tổng thể của cả nước, phải nắm vững các quan điểm, chủ trương, biệ pháp mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước.