Đặc điểm chỉ số nhân trắc

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mật độ xương, tỷ lệ loãng xương và một số dấu ấn chu chuyển xương ở đối tượng thừa cân, béo phì (Trang 108 - 111)

Chỉ số vòng bụng , vòng mông và tỷ số WHR

Theo WHO được gọi là béo phì dạng nam khi tỷ số WHR ≥ 0,9 với nam và ≥ 0,85 với nữ. Nếu dựa vào vòng bụng thì được gọi là vòng bụng cao khi: số đo vòng bụng ≥ 90 cm đối với nam và ≥ 80 cm đối với nữ. Tính theo BMI thì được gọi là béo phì khi BMI ≥ 25. Trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi ở các đối tượng TC-BP, số trường hợp có BMI ≥ 25 chiếm 72,7%, trong đó có 14 trường hợp chiếm 4,1% có BMI ≥ 30. Nếu tính theo tỷ số WHR thì có đến 92,7% số trường hợp có tỷ số WHR cao. Tỷ số WHR trung bình là 0,94 ± 0,04 cm. Chỉ số vòng bụng trung bình 90,96 ± 6,44 cm và vòng mông trung bình 96,77 ± 6,66 cm cao hơn hẳn so với nhóm không có TC-BP. Khi phân tích trong nhóm TC-BP theo giới chúng tôi nhận thấy giá trị trung bình của các chỉ số nhân trắc ở nam đều cao hơn hẳn so với nữ (p < 0,001); riêng tỷ lệ mỡ cơ thể trung bình ở nữ cao hơn nam (p < 0,001).

Năm 2014, Trương Tuyết Mai nghiên cứu 312 đối tượng TC-BP thấy chỉ số vòng bụng trung bình ở nam là 95 ± 5,2 cm và ở nữ là 88,1 ± 4,7 cm [143].

Tỷ lệ mỡ cơ thể

Khi xem xét sự phân bố các đối tượng có tỷ lệ mỡ cơ thể cao hơn theo các mức TC-BP khác nhau ở người trưởng thành, các nghiên cứu ghi nhận các đối tượng có khối mỡ cơ thể cao tăng song hành cùng với mức độ TC-BP cho cả hai giới nam và nữ. Khi các đối tượng chưa có biểu hiện thừa cân thì đã có 9,5% nữ và 4,2% nam có biểu hiện thừa mỡ, tỷ lệ này tăng song hành cho cả hai giới 90,7% là nữ và 58,3% là nam khi 25≤ BMI <30; khi BMI ≥ 30 thì tỷ lệ này 98,3% đối với nữ và 94,2% đối với nam. Ngoài ra còn ghi nhận tỷ lệ mỡ cơ thể cao tăng dần theo tuổi và các vùng sinh thái khác nhau.

Hiện nay theo khuyến cáo của WHO, để chẩn đoán TC-BP thường dựa vào chỉ số BMI. Nhưng BMI là một chỉ số không hoàn hảo. BMI được phát triển để làm một thước đo gián tiếp phản ánh lượng mỡ trong cơ thể (vì vào thế kỷ 19 chưa có máy đo lượng mỡ trong cơ thể). BMI thực chất là tỷ số của trọng lượng trên bình phương chiều cao. Bởi vì trọng lượng bao gồm phần lớn hai thành tố là lượng nạc (lean mass) và lượng mỡ (fat mass), trong khi lượng mỡ mới thật sự là yếu tố cần quan tâm trong thực hành lâm sàng, cho nên BMI không phản ảnh được tỉ trọng mỡ trong cơ thể. Một số vận động viên được coi là béo phì vì cân nặng dù có lượng mỡ ít và lượng nạc nhiều. Chỉ số có giá trị để chẩn đoán béo phì là tỷ trọng mỡ trong cơ thể (PBF: percentage of body fat). Béo phì được coi là lượng mỡ trong người tăng cao đến mức có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Do đó, tiêu chuẩn thích hợp nhất phải là lượng mỡ trong cơ thể so với trọng lượng.

Có nhiều phương pháp để ước tính lượng mỡ trong cơ thể và PBF. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đo PBF và theo dõi đối tượng một thời gian dài để biết được mối liên hệ giữa PBF và tử vong. Do đó, dù PBF được xem là tiêu chuẩn giá trị, nhưng ngưỡng PBF để chẩn đoán béo phì vẫn chưa được xác định. Trong nghiên cứu này, chúng tôi lấy ngưỡng PBF ≥ 30 (nam) và PBF ≥ 40 (nữ) để chẩn đoán béo phì ở người Việt theo đề xuất từ nghiên cứu

của Hồ Phạm Thục Lan và cs tiến hành trên 1227 người (870 nữ và 357 nam), tuổi từ 15 trở lên khỏe mạnh [52]. Dựa vào tiêu chí này chúng tôi nhận thấy ở nhóm nghiên cứu 72,7% được chẩn đoán béo phì theo BMI trong khi chỉ có 40,5% được chẩn đoán béo phì nếu dựa theo PBF hiểu theo nghĩa có nguy cơ tử vong cao. Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ mỡ cơ thể trung bình ở nhóm TC-BP 30,11 ± 5,87 cao hơn hẳn so với nhóm BMI trong giới hạn bình thường 23,14 ± 15,76. Khi phân tích nhóm TC-BP theo giới chúng tôi nhận thấy tỷ lệ mỡ cơ thể trung bình ở nữ cao hơn nam (p < 0,001). Nhiều nghiên cứu đã đưa ra chỉ số mỡ có thể từ 20 -25% có ý nghĩa rất lớn trong cộng đồng với mục đích cảnh báo giảm tỷ lệ mỡ cơ thể là giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ĐTĐ… nhất là bệnh động mạch vành.

4.1.4. Đặc điểm hội chứng chuyển hóa

HCCH là một tập hợp những yếu tố nguy cơ quan trọng mà mẫu số chung là sự bất thường đề kháng Insulin, bao gồm: THA, thừa cân, HDL-C thấp, TG máu tăng, tăng đường máu và đề kháng Insulin. Các yếu tố nguy cơ này nếu kết hợp với nhau sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch [145] và ĐTĐ týp 2 [146]. Hậu quả của HCCH làm tăng nguy cơ bị bệnh lý tim mạch và mạch máu não cũng như làm tăng tỷ lệ tử vong do các nguyên nhân này.

Theo một số tác giả tỷ lệ mắc HCCH là 24 % trong cộng đồng và gia tăng theo tuổi với khoảng 40% dân số trên 50 tuổi ở Hoa Kỳ và gần 30 % dân số > 50 tuổi ở châu Âu. Tỷ lệ mắc HCCH cao nhất ở nam Á (WHO, nam 46%, nữ 31%; NCEP, nam 29%, nữ 32%), thấp nhất ở phụ nữ châu Âu (WHO, 9%; NCEP, 14%)[147]. Trong nghiên cứu của chúng tôi ở nhóm TC- BP 46% đối tượng nghiên cứu ở nhóm nghiên cứu có HCCH cao hơn 12,4% ở nhóm chứng. Sự khác biệt là có ý nghĩa (p < 0,001). Không có sự khác biệt về tỷ lệ mắc bệnh mạn tính khác giữa hai nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, khi so sánh trong nhóm TC-BP chúng tôi nhận thấy tỷ lệ nam giới có HCCH cao hơn nữ (p < 0,001).

Năm 2014, nghiên cứu của Trang Mộng Hải Yên cho thấy HCCH ở đối tượng cán bộ tỉnh chiếm tỷ lệ 30,34%. Tình trạng TC-BP làm tăng nguy cơ mắc HCCH lên 12,14 lần, và có tỷ số WHR tăng sẽ có nguy cơ mắc HCCH tăng gấp 4,57 lần [148].

Các nghiên cứu trên cho thấy tỷ lệ HCCH ở đối tượng cán bộ công chức khá cao, do đó việc nghiên cứu đặc điểm HCCH ở đối tượng này là việc làm rất quan trọng, phòng chống một số bệnh liên quan đến HCCH, đưa ra giải pháp, kiến nghị phù hợp, hiệu quả.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu mật độ xương, tỷ lệ loãng xương và một số dấu ấn chu chuyển xương ở đối tượng thừa cân, béo phì (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(159 trang)