Các văn bản pháp luật liên quan đến lợi ích kinh tế của người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu

Một phần của tài liệu Quan hệ lợi ích kinh tế giữa người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta hiện nay (Trang 48 - 58)

2.1.1. Những qui định pháp luật liên quan đến người sử dụng lao động nhằm đảm bảo lợi ích của người lao động

Thứ nhất: về việc làm và thời gian làm việc:

- Tuyển dụng lao động: Tại khoản 2 điều 16 Bộ luật Lao động có qui định: người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức giới thiệu việc làm để tuyển chọn lao động, có quyền tăng, giảm lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh theo qui định của pháp luật [3]. Nghị định 39/CP-2003 về tuyển dụng lao động và Thông tư 20/2003- BLĐTBXH cũng qui định người sử dụng lao động phải báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về tình hình tuyển dụng lao động hàng năm.

Đối với người lao động đang được sử dụng tại doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải đảm bảo việc làm theo thời gian hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể.

- Thử việc: liên quan đến việc làm pháp luật lao động còn qui định việc làm thử, thời gian thử việc. Theo đó khi giao kết hợp đồng lao động, người lao động và người sử dụng lao động có thể thoả thuận về việc làm thử. Tuy nhiên thời gian thử việc không được quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với chức danh nghề cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; không quá 6 ngày đối với những lao động khác.

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc ít nhất phải bằng 70% mức lương cấp bậc của công việc đó.

- Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:

Thời giờ làm việc

Điều 68 Bộ Luật Lao động qui định: Thời giờ làm việc không quá 8 giờ trong một ngày hoặc 48 giờ trong một tuần. Người sử dụng lao động có quyền qui định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo trước cho người lao động biết.

Về thời gian làm thêm giờ Bộ luật ghi rõ: Người lao động và người sử dụng lao động có thể thoả thuận làm thêm giờ, nhưng không được quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ một năm.

Thời giờ nghỉ ngơi:

Theo qui định tại Điều 71, 72, 73 của Bộ Luật lao động: người lao động làm việc 8 giờ liên tục thì được nghỉ ít nhất nửa giờ, tính vào giờ làm việc;

Người làm ca đêm được nghỉ giữa ca ít nhất 45 phút; Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác.

Mỗi tuần người lao động được nghỉ ít nhất 1 ngày (24 giờ liên tục).

Người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương những ngày lễ tết trong năm (8 ngày):

Nếu những ngày nghỉ trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày tiếp theo. Trường hợp người lao động được nghỉ làm việc 3 ngày, vẫn hưởng nguyên lương là khi: Kết hôn. Bố mẹ (cả bên chồng và bên vợ) chết, hoặc vợ chồng, chết, con chết. Nghỉ một ngày hưởng nguyên lương trong trường hợp: con kết hôn.

Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ vì những việc riêng khác không hưởng lương.

Ngoài ra người lao động được nghỉ phép hàng năm: đối với lao động làm công việc trong điều kiện bình thường là 12 ngày, những người làm công việc độc hại nặng nhọc là 14 ngày, 16 ngày đối với những người làm công việc đặc biệt độc hại, nặng nhọc (điều 74 Bộ luật Lao động).

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động pháp luật lao động qui định những thời gian nghỉ dưới đây được tính vào thời gian làm việc:

+ Thời gian nghỉ thai sản ở phụ nữ.

+ Thời gian nghỉ ốm theo sự đồng ý của doanh nghiệp.

+ Thời gian nghỉ hưởng lương, thời gian báo trước để chấm dứt hợp đồng.

Thứ hai, về đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động.

Do yếu tố cạnh tranh của cơ chế thị trường để đảm bảo cho doanh nghiệp của mình luôn đứng vững và ngày càng phát triển trên thị trường, các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ công nhân lành nghề, trình độ chuyên môn cao. Mặt khác do áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất dẫn tới sự thay đổi cơ cấu công nghệ mà người lao động không đáp ứng được yêu cầu, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đào tạo lại họ để có thể tiếp tục được công việc mới. Để khắc phục chỗ trống này qui chế lao động đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ban hành theo Nghị định 233- HĐBT tại điều 5 qui định: nếu phía Việt Nam không đáp ứng được do công việc đòi hỏi kỹ thuật cao hoặc để làm công việc quản lý, thì doanh nghiệp có quyền tuyển người nước ngoài vào làm việc với một thời hạn nhất định. Sau đó doanh nghiệp phải có chương trình đào tạo để người lao động Việt Nam sớm làm công việc đó. Tinh thần này cũng được khẳng định tại khoản 1điều 17 Bộ Luật Lao động đã được sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ ngày 1/1/2003: Trong trường hợp do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ mà người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm, thì

người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo lại họ để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới; nếu không giải quyết được việc làm mới, phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm.

Thứ 3, về tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp:

- Về mức lương: Điều 55 Bộ Luật lao động qui định: “Tiền lương của người lao động do hai bên thoả thuận trong hợp đồng lao động và được trả theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do nhà nước qui định”

Từ tháng 7/1999 trở về trước, mức lương tối thiểu đối với người lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện theo Quyết định số 385/LĐTBXH-QĐ ngày 1/4/1996 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH: không thấp hơn 45 USD/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, không thấp hơn 40 USD/tháng đối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố loại hai, và 30 USD/tháng đối với các địa bàn còn lại. Công văn số 996- BLĐTB&XH/TL ngày 9/4/1998 có qui định: tiền lương trả cho người lao động Việt Nam theo tỷ giá đồng đô la Mỹ do ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Từ tháng 7/1999 đến tháng 1/2006, mức lương tối thiểu đối với người lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn ĐTNN được thực hiện theo quyết định số 708/1999/QĐ-LĐTBXH ngày 15/6/1999 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH là không thấp hơn 626.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp đóng trên địa bàn các quận của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; không thấp hơn 556.000 đồng/tháng đối với doanh nghiệp đóng trên địa bàn các huyện của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các quận của thành phố Hải phòng, thành phố Biên Hoà và thành phố Vũng tàu.

Ngày 6/1/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2006/NĐ-CP điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với lao động Việt Nam làm việc cho các doanh nghiệp có vốn ĐTNN: mức 870.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Mức 790.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn ngoại thành Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các quận nội thành thành phố loại hai; mức 710.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn còn lại.

Ngoài qui định cụ thể về mức lương tối thiểu, năm 2003 Bộ Lao động Thương binh Xã hội ban hành Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH và Thông tư 14/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30/5/2003 hướng dẫn một số điều của nghị định 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 về tiền lương đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong thông tư nêu rõ: “Doanh nghiệp, cơ quan có trách nhiệm xây dựng, ban hành và đăng ký hệ thống thang bảng lương áp dụng trong doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính”.

- Về cách trả lương, Điều 59 Bộ Luật lao động qui định:

Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn và tại nơi làm việc.

Trong trường hợp đặc biệt phải trả lương chậm, thì không được chậm quá một tháng, và người sử dụng lao động phải đến bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm do ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm trả lương.

Khoản 2, Điều 60 Bộ Luật lao động qui định: người sử dụng lao động không được áp dụng việc xử phạt bằng hình thức cúp lương của người lao động.

- Chế độ trả lương làm thêm giờ:

Điều 61 Bộ Luật Lao động qui định:

Người lao động làm thêm vào ngày thường được hưởng ít nhất bằng 150% theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm; Làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần được hưởng ít nhất bằng 200%; Làm việc vào ngày lễ được hưởng ít nhất bằng 300%.

Sau một thời gian làm việc, nếu người lao động đủ điều kiện, họ được nâng lương theo qui định của pháp luật. Trong trường hợp người lao động làm việc tích cực, có hiệu quả thì người sử dụng lao động có thể nâng bậc sớm hơn thời hạn qui định.

Trường hợp vì lý do nào đó mà người lao động sang làm việc ở nơi khác hoặc công việc khác thì họ được trả lương không thấp hơn mức lương của công việc trước đó. Nếu người lao động phải tạm ngừng việc không do lỗi của mình, doanh nghiệp phải trợ cấp bằng 50% mức lương cấp bậc hoặc chức vụ.

- Chế độ tiền thưởng: khoản 2 điều 11 NĐ114/2003/NĐ-CP ngày 31/12/2002: Đối với doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động, người sử dụng lao động thưởng cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp trên cơ sở hợp đồng, thoả ước lao động tập thể mà hai bên đã thoả thuận.

Thứ 4, về an toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm

- Về an toàn vệ sinh lao động: Hàng năm khi xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp người sử dụng lao động phải lập kế hoạch, biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động.

Trang bị đầy đủ các phương tiện cá nhân và thực hiện các chế độ khác về an toàn lao động đối với người lao động theo qui định của nhà nước.

Xây dựng nội qui, qui trình an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với từng loại máy, thiết bị, vật tư và nơi làm việc theo tiêu chuẩn qui định làm việc của Nhà nước.

Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các tiêu chuẩn, qui định, biện pháp an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động.

Khi người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp họ phải được khám sức khoẻ, và hàng năm họ được khám sức khoẻ định kỳ theo chế độ qui định để từ đó doanh nghiệp bố trí công việc cho phù hợp với điều kiện sức khoẻ. Nếu người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp thì phải được điều trị chu đáo, khám sức khoẻ định kỳ và có hồ sơ sức khoẻ riêng biệt.

Nếu tai nạn lao động xảy ra do lỗi của doanh nghiệp, người lao động được bồi thường. Trường hợp sau khi điều trị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nếu người lao động tiếp tục làm việc thì được giám định y khoa để giám định thương tật, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, từ đó sắp đặt công việc phù hợp với sức khoẻ theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

Mức độ bồi thường đối với người lao động khi tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là căn cứ vào mức độ thương tật và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động chứ không căn cứ vào thâm niên làm việc.

Để đảm bảo tính mạng và sức khoẻ của mình người lao động có quyền được từ chối hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Người lao động có quyền khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi doanh nghiệp vi phạm các qui định về an toàn vệ sinh lao động của Nhà nước, hoặc không thực hiện đúng các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng lao động hay thoả ước lao động tập thể.

- Về Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

• Bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp được qui định tại điều 149 Bộ Luật Lao động. Áp dụng đối với doanh

nghiệp có sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên và hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ bảo hiểm xã hội qui định người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng 15% so với tổng quĩ tiền lương của những người tham gia bảo hiểm xã hội trong đơn vị; trong đó 10% để chi các chế độ hưu trí, tử tuất và 5% để chi các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

• Về chế độ bảo hiểm y tế: tại điểm c, mục I, Thông tư liên tịch Bộ Y tế - Bộ tài chính số 21/2005/TTLT-BYT-BTC ngày 27/7/2005 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc có ghi: Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc bao gồm doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng bằng 3% tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ, tiền công hàng tháng ghi trong hợp đồng lao động và các khoản phụ cấp (nếu có), trong đó người sử dụng lao động đóng 2%, người lao động đóng 1%.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm trích tiền đóng bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của mình và thu tiền đóng BHYT của người lao động nộp cho cơ quan BHXH theo qui định hàng tháng.

Tóm lại, Nhà nước ta đã ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm ràng buộc người sử dụng lao động trong việc đảm bảo lợi ích kinh tế của người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

2.1.2. Những qui định pháp luật liên quan đến người lao động nhằm đảm bảo lợi ích của người sử dụng lao động

Một là: Về việc làm và đào tạo

Người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng.

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày. Nếu vi phạm về thời hạn báo trước, phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước.

Những người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có). Ngoài ra người lao động còn phải bồi thường chi phí đào tạo cho doanh nghiệp (nếu có).

Hai là: Về kỷ luật lao động

Người lao động có trách nhiệm phải thực hiện những qui định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất kinh doanh thể hiện trong nội qui lao động của doanh nghiệp. Theo đó người lao động phải chấp hành nghiêm chỉnh thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi; giữ gìn trật tự, an toàn lao động, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp và nơi sản xuất; bảo vệ tài sản và bí mật công nghệ kinh doanh của doanh nghiệp.

Những người vi phạm kỷ luật lao động, tuỳ theo mức độ phạm lỗi mà bị xử lý: hoặc là khiển trách, hoặc kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển đổi công việc khác (không quá 6 tháng).

Những trường hợp vi phạm sau đây thì bị sa thải:

+ Có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp.

+ Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật.

+ Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong một tháng, hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng.

Một phần của tài liệu Quan hệ lợi ích kinh tế giữa người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta hiện nay (Trang 48 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)