Điều kiện đối với giao dịch tiền công ty

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn tiền công ty theo pháp luật Việt Nam (Trang 57 - 62)

7. Bố cục luận văn

2.3.2. Điều kiện đối với giao dịch tiền công ty

Bất cứ loại giao dịch nào trong hoạt động kinh doanh và dân sự đều được pháp luật điều chỉnh ở những khía cạnh nhất định. Theo đó, mỗi loại giao dịch

muốn được thừa nhận và có giá trị pháp lý ràng buộc các bên thì phải đảm bảo những điều kiện nhất định. Giao dịch tiền công ty cũng không ngoại lệ.

Thứ nhất là điều kiện về chủ thể:

Chủ thể tham gia giao dịch tiền công ty phải là người có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Một giao dịch được thiết lập bởi những người không đủ điều kiện kết ước sẽ trở nên vô hiệu. Đặc biệt các giao dịch tiền công ty là những hợp đồng được tạo lập với mục đích tạo ra và phục vụ hoạt động kinh doanh của một pháp nhân trong tương lai, nếu các bên chủ thể không đủ năng lực có thể dẫn đến những phán đoán và hành động sai lầm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thành lập cũng như hoạt động của công ty sau này.

Một vấn đề nữa là giao dịch đòi hỏi phải có từ hai chủ thể trở lên. Đây là điều kiện tiên quyết đối với bất cứ loại hợp đồng nào. Riêng vấn đề hợp đồng lập hội trong giai đoạn tiền công ty đối với trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sẽ không cần điều kiện này như đã phân tích.

Bên cạnh đó, tuỳ từng loại hình và từng lĩnh vực kinh doanh mà có những điều kiện đặc thù. Thông thường, thể nhân hoặc pháp nhân đều có thể là chủ thể của giao dịch tiền công ty, tuy nhiên pháp luật của mỗi nước cũng có những quy định khác nhau, đặc biệt đối với loại hình công ty đối nhân khi mà các thành viên chủ yếu nhằm tới nhân thân của nhau. Bộ luật dân sự Nhật Bản tại điều 55 quy định “Một công ty không thể trở thành một thành viên có trách nhiệm vô hạn của một công ty khác” , như vậy pháp nhân không thể là chủ thể của hợp đồng thành lập công ty đối nhân. Tuy nhiên, luật lệ của Pháp lại cho phép thành viên của công ty hợp danh có thể là thể nhân hoặc công ty thương mại (pháp nhân). Luật doanh nghiệp Việt Nam năm 2005 tại điều 130 quy định “thành viên hợp danh phải là cá nhân”, tuy nhiên không có quy định về điều kiện của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh là thể nhân hay pháp nhân. Như vậy, theo pháp luật Việt Nam, nếu là thành viên hợp danh thì

phải là cá nhân, do đó, nếu chủ thể tham gia giao dịch tiền công ty với tư cách này thì cũng phải đảm bảo điều kiện là thể nhân. Việc quy định ngặt nghèo này xuất phát từ tính phải chịu trách nhiệm vô hạn của thành viên hợp danh. Đồng thời do các thành viên của loại hình công ty đối nhân có tư cách thương gia nên phải đáp ứng các điều kiện để trở thành thương gia theo quy chế thương nhân hay quy định pháp luật. Tư cách thương gia này cũng sẽ được đặt ra trong các giao dịch tiền công ty, đặc biệt là hợp đồng thành lập công ty. Riêng giao dịch tiền công ty đối vốn thì hầu như không đặt ra những quy định này, trừ trường hợp thành viên nhận vốn của công ty hợp vốn cổ phần.

“Có thể thấy, việc thành lập công ty được xác định từ thời điểm các chủ thể thống nhất ý chí hay quyết định góp vốn để thành lập công ty. Do đó, họ tự mình xác lập các quyền và nghĩa vụ đối với công ty, quan hệ giữa các thành viên sáng lập được xác định đồng thời với sự thiết lập một giao dịch thành lập công ty” [21, tr.35]. Các điều kiện trên được đặt ra nhằm đảm bảo tính chặt chẽ của giao dịch, đồng thời tạo ra những mối quan hệ công bằng về quyền và lợi ích giữa các thành viên.

Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng khi đề cập đến chủ thể của giao dịch tiền công ty, đó là quy định về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2005. Ở đây, người viết không có ý định đồng nhất giữa người thành lập, góp vốn, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp với người tham gia giao dịch tiền công ty. Tuy nhiên, việc nghiên cứu này là cần thiết do tính phổ biến và bản chất của chủ thể giao dịch.

Thông thường, những người tham gia giao dịch thành lập công ty là những sáng lập viên của công ty, trong một vài trường hợp có thể là người đại diện theo uỷ quyền của họ. Rất hiếm trường hợp người tham gia giao dịch tiền công ty không có sự ràng buộc nào đối với người thành lập, góp vốn, mua

cổ phần và quản lý doanh nghiệp. Do đó, nếu không nắm rõ quy định pháp luật, một giao dịch tiền công ty có thể trở thành vô nghĩa, thậm chí là vô hiệu nếu thoả thuận cho phép những người không đủ tư cách theo luật định được thực hiện các hành động trên nhằm thành lập và quản lý công ty hoặc bản thân những người đó tham gia vào giao dịch thành lập công ty với tư cách bị cấm. Chẳng hạn trong hợp đồng thành lập công ty khi thoả thuận về quản trị doanh nghiệp có đề cập đến các chức danh quản lý, hay trong hợp đồng góp vốn có bên góp vốn, các đối tượng bị hạn chế bởi pháp luật sẽ không được đứng tên trên hợp đồng với các tư cách như đã nêu trên… Mặc dù các giao dịch được thực hiện khi công ty chưa thành lập nhưng việc để những người này đứng tên trong các giao dịch tiền công ty như vậy có thể dẫn đến công ty vô hiệu, và khi đó giao dịch tiền công ty cũng trở nên vô nghĩa, thậm chí làm phát sinh những trách nhiệm pháp lý phức tạp liên quan đến người thứ ba.

Trên thực tế trường hợp này không quá phổ biến do các chủ thể có nhu cầu thành lập công ty thường tìm đến những công ty luật có uy tín để được tư vấn về các vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp do không hiểu biết đầy đủ về các quy định pháp luật mà các bên đã tiến hành và hoàn thành các giao dịch tiền công ty trước khi tìm đến văn phòng luật để thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh. Do đó, sự hiểu biết nêu trên là cần thiết khi nghiên cứu về tư cách chủ thể của giao dịch tiền công ty.

Thứ hai, điều kiện về mục đích, nội dung của giao dịch:

Giao dịch tiền công ty chính là các loại thoả thuận, hợp đồng trước đăng ký kinh doanh của công ty. Và một hợp đồng muốn có hiệu lực thì phải có mục đích và nội dung hợp pháp. Điểm b Điều 122 Bộ luật Dân sự 2005 quy định một trong những điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là “ Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội”. Giao dịch vi phạm điều kiện này sẽ bị tuyên vô hiệu tuyệt

đối. Giao dịch tiền công ty cũng là một loại giao dịch dân sự được pháp luật điều chỉnh, do đó nó cũng cần đảm bảo điều kiện này theo pháp luật Việt Nam. Dù được hình thành dưới hình thức hay mục đích gì, giao dịch chỉ có giá trị pháp lý nếu nội dung không chống lại trật tự công cộng.

Thứ ba, điều kiện về sự tự nguyện:

Cũng giống như các giao dịch dân sự thông thường khác, giao dịch tiền công ty cũng phải được xây dựng và thiết lập trên cơ sở sự tự nguyện giữa các bên giao kết. Yếu tố tự nguyện sẽ khiến giao dịch diễn ra thuận lợi và ít phát sinh tranh chấp sau này. Các giao dịch phải là kết quả của sự tự nguyện thỏa thuận, thể hiện ý chí đích thực của các bên, và các ý chí này phải gặp gỡ nhau, thống nhất với nhau để tạo nên một thỏa thuận hợp pháp. Bất kỳ sự giả tạo, lừa dối, đe doạ, nhầm lẫn hay thoả thuận với người không nhận thức được hành vi của mình đều tạo nên những tì ố do không tuân thủ nguyên tắc tự nguyện và dẫn đến sự vô hiệu của giao dịch.

Cuối cùng, điều kiện về hình thức của giao dịch:

Nói đến giao dịch tiền công ty tức là đề cập đến rất nhiều những thoả thuận, hợp đồng, thậm chí là hành vi pháp lý đơn phương trong cả một giai đoạn trước đăng ký kinh doanh của công ty, do đó, khó có thể đưa ra một điều kiện chung cho tất cả các loại giao dịch, đặc biệt là về hình thức. Mặt khác, thực tế cho thấy các giao dịch này cũng không được điều chỉnh nhiều trong pháp luật, và các văn bản pháp luật liên quan hầu như cũng không đưa ra những quy định khắt khe về vấn đề này. Do đó, tuỳ từng trường hợp cụ thể, các bên có thể tự do lựa chọn cho mình một hình thức phù hợp và thuận tiện. Có thể là những thoả thuận bằng miệng do sự tin tưởng giữa hai bên hay tính chất đơn giản của giao dịch, cũng có thể là những bản fax, email do khoảng cách địa lý giữa các chủ thể, hay chặt chẽ nhất vẫn là lập thành văn bản, có chữ ký đầy đủ giữa các bên, thậm chí có chứng thực nếu cần thiết. Tuy nhiên,

cũng có những loại giao dịch pháp luật đặt ra yêu cầu về hình thức và đòi hỏi xuất trình khi cần thiết như khi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh hay trường hợp có tranh chấp xảy ra. Theo đó, các loại giao dịch như thoả thuận thành lập công ty, cam kết góp vốn, hợp đồng cổ đông… phải được lập thành văn bản với những nội dung theo quy định pháp luật, được ghi nhận trong điều lệ, danh sách cổ đông hay giấy đề nghị đăng ký kinh doanh trong hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Điều kiện này được đặt ra như một cách thức đảm bảo tính chặt chẽ của hồ sơ thành lập công ty đồng thời là bằng chứng rõ ràng nhất cho các thoả thuận trong giai đoạn này, tránh những rắc rối không đáng có về sau.

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn tiền công ty theo pháp luật Việt Nam (Trang 57 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)