Hệ quả pháp lý của giao dịch tiền công ty

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn tiền công ty theo pháp luật Việt Nam (Trang 62 - 64)

7. Bố cục luận văn

2.3.3. Hệ quả pháp lý của giao dịch tiền công ty

Với những đặc thù nêu trên, giao dịch tiền công ty kéo theo vô vàn những hệ quả pháp lý đòi hỏi phải có sự điều chỉnh của pháp luật để có hướng xử lý phù hợp.

Hiện nay, Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2005 có quy định cụ thể về việc xử lý này như sau:

1. Thành viên, cổ đông sáng lập hoặc người đại diện theo uỷ quyền được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước khi đăng ký kinh doanh.

2. Trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp là người tiếp nhận quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết quy định tại khoản 1 điều này.

3. Trường hợp doanh nghiệp không được thành lập thì người ký kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 điều này chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm tài sản về việc thực hiện hợp đồng đó.

Pháp luật điều chỉnh vấn đề hợp đồng trước đăng ký kinh doanh, tuy nhiên không chỉ ra phải bao gồm những hợp đồng gì. Căn cứ vào nhu cầu

thực tế cũng như tình hình của công ty mình dự kiến thành lập, các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc người đại diện theo uỷ quyền của họ sẽ đứng ra thoả thuận, ký kết các loại hợp đồng đó. Vấn đề là lúc này công ty chưa được thành lập nên các bên phải ký kết bằng tư cách cá nhân của mình với mục đích phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của công ty sau này. Do đó, những hệ quả pháp lý mà các giao dịch này mang lại không chỉ ảnh hưởng đến công ty mà trước hết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân người đứng ra giao kết.

Ngoại trừ những thỏa thuận vô hiệu, đối với những hợp đồng được ký kết dưới tư cách cá nhân của sáng lập viên nhưng chỉ định đến công ty hay vì mục đích thành lập công ty thì công ty sẽ là người trực tiếp tiếp nhận các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các loại hợp đồng này sau khi công ty được thành lập. Chẳng hạn với hợp đồng thành lập công ty, các sáng lập viên ký kết với tư cách cá nhân để thành lập công ty nhưng tất cả các quyền và nghĩa vụ phát sinh đều gắn với công ty và trên cơ sở giả định công ty được thành lập thành công trên thực tế. Do đó, ngay tại thời điểm công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tất cả mọi quyền lợi và trách nhiệm được quy định và phát sinh trong loại hợp đồng này đương nhiên sẽ do công ty tiếp nhận và đảm bảo thực hiện. Điều này là hợp lý và phù hợp với ý chí, nguyện vọng của sáng lập viên. Hoặc đối với trường hợp các bên có ký kết hợp đồng thuê nhà để làm trụ sở chính của công ty hoặc thuê các loại máy móc để vận hành phân xưởng..., nếu được ký kết ở giai đoạn tiền công ty thì sáng lập viên cũng sẽ đứng ra ký tên với tư cách một bên trong hợp đồng, tuy nhiên, sau khi công ty được khai sinh, công ty sẽ tiếp nhận hợp đồng với tư cách một bên chủ thể để đảm bảo thực hiện quyền, nghĩa vụ liên quan, cũng như phục vụ tốt nhất cho quá trình hoạt động của công ty sau này.

Tuỳ thuộc vào hiệu lực của các giao dịch tiền công ty mà việc xử lý cũng có sự khác nhau như đã nêu trên. Cần nhấn mạnh rằng các giao dịch này được giao kết với tư cách cá nhân, quyền lợi và trách nhiệm phát sinh trước hết gắn với bản thân cá nhân đó. Do đó, khi giao dịch thành lập công ty bị vô hiệu và công ty vô hiệu (thường là vô hiệu tương đối) thì nó chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho lợi ích riêng của người góp vốn sáng lập công ty.

Xuất phát từ nhận thức trên, “để bảo vệ lợi ích đặc thù của cá nhân, tổ chức tham gia vào giao dịch thành lập công ty (đặc biệt với tư cách sáng lập viên, thành viên góp vốn), pháp luật quy định chỉ có những đối tượng này mới là chủ thể có quyền được khởi kiện yêu cầu tuyên bố giao dịch tiền công ty vô hiệu trong một thời hạn nhất định như Việt Nam, Nhật bản, Pháp là hai năm kể từ thời điểm công ty được thành lập. Người thứ ba hoàn toàn không có liên quan gì đến giao dịch thành lập công ty và giao dịch thành lập công ty không đối kháng với họ thì họ đương nhiên không có quyền lợi gì để làm căn cứ cho việc xin tuyên bố giao dịch thành lập công ty vô hiệu”.[21]

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn tiền công ty theo pháp luật Việt Nam (Trang 62 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)