Nguyên nhân vô hiệu và việc xử lý giao dịch tiền công ty vô hiệu

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn tiền công ty theo pháp luật Việt Nam (Trang 74 - 77)

7. Bố cục luận văn

2.5.Nguyên nhân vô hiệu và việc xử lý giao dịch tiền công ty vô hiệu

Hợp đồng được coi là nền tảng cho các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, các bên giao kết hầu như chỉ dựa trên ý chỉ chủ quan của mình cũng như thói quen thương mại mà thiết lập giao dịch, do đó có thể có những nội dung hoặc hình thức không phù hợp với pháp luật, dẫn đến sự vô hiệu. Vấn đề này càng được thể hiện rõ nét ở giai đoạn tiền công ty. Giai đoạn này, không thực sự đặt trong hành lang pháp lý cần thiết, các giao dịch có thể chỉ là tự phát hoặc dựa trên những đánh giá chủ quan của sáng lập viên tuỳ vào từng hoàn cảnh cụ thể của công ty dự kiến thành lập. Số giao dịch bị kết luận vô hiệu, do đó, không phải là ít. Nguyên nhân cụ thể là do sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế, các chủ thể thực hiện giao dịch theo thói quen, giao kết hợp đồng trên cơ sở lợi ích cá nhân mà không quan tâm đến trật tự công cộng cũng như các yêu cầu luật pháp.

Về mặt này, có thể nói “kỹ năng của các chủ thể còn ở trình độ thấp trong việc xác định tính pháp lý của hợp đồng cũng như việc đàm phán, xác định nội dung, ngữ nghĩa của các điều khoản trong hợp đồng” [50].Do không được đào tạo bài bản về luật pháp, lại ít tìm hiểu quy định pháp luật, các cá

nhân tham gia giao dịch hầu như không xác định được hiệu lực pháp lý của hợp đồng cũng như giá trị ràng buộc của các điều khoản. Thực tế, đối với những hợp đồng quan trọng và có giá trị lớn, các cá nhân, tổ chức giao kết thường phải tìm đến các văn phòng luật uy tín để nhờ tư vấn và xem xét tính pháp lý của hợp đồng. Tuy vậy, đối với các giao dịch tiền công ty, các sáng lập viên đôi khi lại chưa coi trọng tính chặt chẽ và hiệu lực pháp lý của nó. Họ tuỳ tiện giao kết hợp đồng trên cơ sở nhu cầu và sự tin tưởng lẫn nhau. Khi đã thống nhất về mặt ý tưởng, các sáng lập viên thường ký hợp đồng dịch vụ với một văn phòng luật để làm các thủ tục đăng ký kinh doanh. Và như một tiền lệ được ghi nhận trong thực tiễn, các giấy tờ và hợp đồng phục vụ cho việc đăng ký kinh doanh được các văn phòng luật soạn thảo trên cơ sở các biểu mẫu đã có sẵn. Không ít trường hợp, vì các lý do khác nhau, hồ sơ giấy tờ và các giao dịch được thể hiện bằng văn bản khi nộp lên cơ quan nhà nước chỉ mang tính khuôn mẫu và được soạn thảo sao cho thuận lợi cho việc đăng ký kinh doanh mà không thể hiện đúng thực tế giao kết. Chẳng hạn các giao dịch góp vốn, số vốn góp, cổ đông tham gia góp vốn, phương thức góp…trên thực tế thường có sự chênh lệch khá lớn so với hồ sơ đăng ký kinh doanh. Sự chênh lệch này thể hiện ở những hợp đồng được ký kết riêng trong giai đoạn tiền công ty giữa các sáng lập viên. Chính điều này cũng tạo ra không ít rắc rối và việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn khi tranh chấp xảy ra do việc xác định giá trị pháp lý của các hợp đồng này khá phức tạp.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật hợp đồng ở nước ta còn tản mạn, chồng

chéo, mâu thuẫn, bởi vậy, việc áp dụng pháp luật trong đời sống hàng ngày,

thậm chí trong quá trình đánh giá và giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng nói chung và giao dịch tiền công ty nói riêng cũng gặp không ít khó khăn, là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự vô hiệu của hợp đồng.

Ngoài ra có thể kể ra một số nguyên nhân khác như “do hệ thống tòa án còn non kém; do nhà nước vẫn còn can thiệp khá nhiều đến quyền tự do thỏa thuận, định đoạt của các chủ thể” [50], từ đó dẫn tới nhiều thoả thuận bị vô hiệu, phát sinh nhiều tranh chấp, cũng như có nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết.

Trên cơ sở xác định được nguyên nhân cũng như khả năng vô hiệu của giao dịch, các phương án xử lý cũng được đưa ra một cách hợp lý, phù hợp với tinh thần pháp luật, đảm bảo được quyền và lợi ích của các bên giao kết.

Giai đoạn này, sự tự do thoả thuận vẫn được đề cao và ưu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Do đó, khi xử lý giao dịch tiền công ty vô hiệu, nguyên tắc thương lượng, thoả thuận giữa các bên được đặt lên hàng đầu. Các bên có thể thương lượng về cách thức xử lý khi xảy ra tranh chấp trên cơ sở hài hoà lợi ích giữa các bên mà vẫn đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật. Việc thương lượng này đòi hỏi các bên phải thiện chí để khắc phục sự vô hiệu của những hợp đồng đã ký kết hoặc thoả thuận để đi đến một cách thức giải quyết hợp lý và nhanh chóng nhất.

Đối với những thoả thuận hay hợp đồng bị vô hiệu tương đối, pháp luật sẽ giành cho các bên một khoảng thời gian hợp lý để khắc phục. Trong khoảng thời gian này, việc thoả thuận giữa các bên là rất quan trọng. Theo đó, hai bên phải cùng nhau tiến hành các bước cần thiết để khắc phục sự vô hiệu. Bất kỳ sự bất đồng nào trong việc đưa ra giải pháp cũng như cách thức khắc phục đều có thể dẫn tới những hậu quả bất lợi và có thể làm hợp đồng vô hiệu hoàn toàn. Trên cơ sở không trái với trật tư công và tinh thần pháp luật, các thoả thuận giữa các bên để khắc phục hợp đồng sẽ được ghi nhận. Pháp luật tôn trọng sự thoả thuận này và thừa nhận hiệu lực của hợp đồng sau khi các bên đã tiến hành khắc phục một cách hợp lý và trong thời hạn cho phép.

Trường hợp giao dịch bị vô hiệu tuyệt đối, biện pháp khắc phục sẽ không được đặt ra, việc xử lý giao dịch tuân thủ đúng nguyên tắc pháp luật. Hợp đồng không có giá trị pháp lý, các bên hoàn trả cho nhau những gì phát sinh từ hợp đồng. Nếu có tranh chấp xảy ra, có thể giải quyết thông qua các hình thức theo luật định như thương lượng, hòa giải, trọng tài và/hoặc tòa án.

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn tiền công ty theo pháp luật Việt Nam (Trang 74 - 77)