Thực trạng điều chỉnh pháp luật về giai đoạn tiền công ty ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn tiền công ty theo pháp luật Việt Nam (Trang 36 - 39)

7. Bố cục luận văn

2.2.Thực trạng điều chỉnh pháp luật về giai đoạn tiền công ty ở Việt Nam

Pháp luật về công ty tuy đã được chú trọng xây dựng trong thời gian qua, tuy nhiên vấn đề tiền công ty hầu như chưa có sự điều chỉnh thích đáng.

Các nước có truyền thống pháp điển hoá đặc biệt chú trọng đến việc điều chỉnh pháp luật trong lĩnh vực công ty và hợp đồng. Các giao dịch tiền công ty, đặc biệt là hợp đồng thành lập công ty, được đề cập tới ở nhiều bản văn pháp luật như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Thương mại và các đạo luật cụ thể về các loại hình công ty. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chế định này còn rất sơ sài, thiếu sự chặt chẽ và thống nhất.

Trước đây, các bộ luật cổ của Việt Nam hầu như đều giành một chương riêng nói về khế ước lập hội. Đây là vấn đề mang tính nền tảng và cốt yếu cho

giai đoạn tiền công ty. Có thể tìm thấy các quy định này tại các Bộ dân luật Bắc Kỳ 1931, Bộ Dân luật Trung kỳ 1936. Bộ luật dân sự 1972, Bộ luật thương mại 1972, Bộ luật dân sự và thương sự tố tụng 1972.

Nhìn chung, pháp luật Việt Nam ở chế độ cũ còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi mô hình hệ thống pháp luật của Pháp. Tuy vậy, các chế độ tục lệ cũ của ta cũng đã phần nào được tôn trọng và có sự điều tiết tương đối phù hợp, đặc biệt đối với hai bộ dân luật Bắc và Trung. Các chương riêng về khế ước lập hội tựu trung lại có những đặc điểm như sau:

Phản ánh quan niệm hội là một hợp đồng;

Xác định và giới hạn quyền lợi của các hội viên;

Công nhận sự tồn tại của ngành luật thương mại, và pháp điển hoá luật thương mại một cách tách biệt (tuy nhiên Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ 1931 có quy định cụ thể các hình thức thương hội với tính cách là các vấn đề thuộc luật thương mại);

Xác định nguyên tắc bình đẳng giữa các hội viên;

Tôn trọng quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc lập hội;

Xây dựng các quy tắc chung đối với cả khế ước lập hội đối nhân và khế ước lập hội đối vốn;

Xác định các nguyên nhân vô hiệu có tính đặc thù và cụ thể của khế ước lập hội, nhưng vẫn đòi hỏi các quan hệ khế ước này phải tuân thủ các nguyên tắc và quy tắc chung của luật nghĩa vụ và hợp đồng;

Coi các hội, không kể đối nhân hay đối vốn, đều là pháp nhân, nếu được thành lập theo đúng trình tự của pháp luật;

Coi khế ước lập hội là khế ước trọng hình thức và xác lập quyền

độc tôn chứng cứ đối với bản văn khế ước [9, tr.36]

Những quy định này tuy chỉ đề cập đến một loại hợp đồng căn bản trong giai đoạn tiền công ty là hợp đồng thành lập công ty - khế ước lập hội, nhưng

thông qua đây, giai đoạn tiền công ty được thể hiện rõ nét và cho thấy sự quan tâm từ phía pháp luật. Các giao dịch trong giai đoạn này nhìn chung đều xoay quanh “khế ước lập hội” và mục đích “lập hội” được đặt lên hàng đầu.

Kỹ thuật lập pháp trong các bộ luật này cũng có nhiều tiến bộ, nội dung được chia thành các tiết khác nhau và khá rõ ràng, bao gồm “quyền lợi và nghĩa vụ của các hội viên, giải thể hội, thanh toán và phân chia tài sản của hội” [9,tr.37].Tuy nhiên, các điều kiện lập hội lại chưa được thể hiện rõ nét.

Đến thời kỳ đổi mới, Luật Công ty 1990 ra đời được xem là một bước ngoặt quan trọng đối với chế định công ty trong pháp luật Việt Nam. Các loại hình công ty được quy định cụ thể và tiếp cận gần hơn đến pháp luật hiện đại của các quốc gia trên thế giới, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập và hoạt động kinh doanh dưới các hình thức công ty một cách thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đáng tiếc trong đạo luật này lại không tìm thấy quy định tổng quát nào điều chỉnh giai đoạn tiền công ty, có chăng chỉ là những vấn đề liên quan buộc mỗi người phải có sự liên hệ trong quá trình tìm hiểu và áp dụng. Pháp luật dường như chỉ quan tâm đến giai đoạn đăng ký kinh doanh cũng như khi công ty chính thức được công khai và đi vào hoạt động. Mặt khác, các nhà làm luật dường như còn chưa thích ứng hoàn toàn với nền kinh tế thị trường giai đoạn này, kiến thức và kinh nghiệm xây dựng pháp luật cũng còn non yếu, do đó, Luật công ty chưa gặt hái được nhiều thành công, khá chật hẹp và không đáp ứng đòi hỏi của thị trường.

Tiến bộ hơn, Luật Doanh nghiệp 1999 - hợp nhất pháp luật về công ty và doanh nghiệp tư nhân và hiện nay là Luật Doanh nghiệp 2005 đã có cách tiếp cận toàn diện và đầy đủ hơn về vấn đề công ty. Tuy nhiên, cả 2 đạo luật cũng chỉ giành một điều luật ít ỏi quy định về Hợp đồng trước đăng ký kinh doanh (điều 11 Luật Doanh nghiệp 1999, điều 14 Luật Doanh nghiệp 2005) và cũng không có hướng dẫn cụ thể nào ở các văn bản liên quan. Tuy nhiên, các vấn

đề về giai đoạn này đặc biệt là đối với các loại giao dịch cũng được quy định rải rác và gián tiếp ở các điều luật khác. Vấn đề này sẽ được làm rõ khi đi sâu tìm hiểu các giao dịch tiền công ty đối với mỗi loại hình công ty cụ thể.

Ngoài ra cũng có thể tìm được các quy định có liên quan trong Luật Đầu tư nước ngoài khi quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh và hợp đồng liên doanh. Đây là đạo luật có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và mở rộng giao lưu quốc tế. Mặc dù không còn hiệu lực vào thời điểm hiện nay, nhưng các quy định của nó phần nào cho thấy sự quan tâm của pháp luật trong giai đoạn tiền công ty đối với loại hình đầu tư nước ngoài. Luật đầu tư 2005 ra đời thay thế Luật đầu tư nước ngoài, hợp nhất các quy định trong cả hai lĩnh vực đầu tư trong nước và nước ngoài cũng có nhiều quy định cụ thể về hợp đồng thành lập công ty, và xem đây là một tài liệu quan trọng để cấp phép đầu tư. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong quá trình tìm hiểu quy định pháp luật về giai đoạn tiền công ty ở Việt Nam hiện nay.

Các văn bản pháp luật trên chính là những nguồn luật trực tiếp lẫn gián tiếp điều chỉnh giai đoạn tiền công ty. Riêng về mặt nội dung, pháp luật giai đoạn này đề cập đến hai nội dung chính là (i) sáng lập viên và (ii) giao dịch tiền công ty. Đối với vấn đề “sáng lập viên” là các vấn đề về điều kiện, năng lực, quyền và nghĩa vụ của sáng lập viên trong giai đoạn tiền công ty. Các nội dung này có thể tìm thấy trong các quy định về chủ thể của hợp đồng, chủ thể thành lập và quản lý doanh nghiệp… Tuy vậy, nội dung pháp luật chính vẫn là “Các giao dịch tiền công ty”. Bởi lẽ chính các giao dịch này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thành lập và điều hành công ty sau này.

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn tiền công ty theo pháp luật Việt Nam (Trang 36 - 39)