7. Bố cục luận văn
1.2.3. Các giao dịch tiền công ty khác
Có rất nhiều loại hình công ty đang tồn tại trên thế giới để nhà đầu tư lựa chọn. Các giao dịch tiền công ty cũng tương ứng với từng loại hình công ty như đã phân tích ở phần trên. Tuy nhiên, trong khuôn khổ nghiên cứu của luận văn này, người viết chỉ chủ yếu tập trung vào ba loại hình công ty cơ bản và được điều chỉnh cụ thể trong pháp luật Việt Nam. Do đó, ngoài giao dịch tiền công ty cổ phần, giao dịch tiền công ty khác được đề cập ở đây bao gồm giao dịch tiền công ty trách nhiệm hữu hạn và giao dịch tiền công ty hợp danh.
Về giao dịch tiền công ty trách nhiệm hữu hạn:
Hiện nay có hai loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, việc xem xét các vấn đề pháp lý liên quan đến giai đoạn tiền công ty cũng tương tự như đối với công ty cổ phần. Theo đó, ở giai đoạn tiền công ty, các bên cũng có thể tiến hành thoả thuận và ký kết các loại hợp đồng như hợp đồng lập hội, thoả thuận góp vốn, các hợp đồng với bên thứ ba liên quan đến nhân công, nhà xưởng…. Các thoả thuận này có thể được giao kết bằng các loại hợp đồng khác nhau và được quy định trong điều lệ, đặc biệt đối với thoả thuận góp vốn được ghi nhận ở nhiều văn bản khác nhau như điều lệ, danh
sách thành viên, giấy đề nghị đăng ký kinh doanh…Những thoả thuận này được xem là các khế ước thiết lập công ty, tuy nhiên chúng gần như chỉ là sự thương lượng nội bộ giữa các bên liên quan, sự can thiệp của các nhà chức trách khá dè dặt trong vấn đề này.
Riêng loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hiện có nhiều quan điểm khác nhau và do tính chất đặc biệt của nó mà các giao dịch tiền công ty này cũng có những khác biệt đáng lưu ý. “Việc thành lập loại công ty này không phụ thuộc vào luật hợp đồng bởi nó là kết quả của việc biểu lộ ý chí đơn phương của chủ công ty, có nghĩa là người chủ công ty phải góp vốn vào công ty bởi cam kết đơn phương của chính mình” [9, Tr.38]. Bộ luật Dân sự Pháp tại điều 1832 cũng đã thừa nhận “Công ty có thể được thành lập trong những trường hợp do luật định bằng hành vi ý chí của chỉ một người”. Với quan điểm này, “hợp đồng thành lập công ty” gần như không tồn tại trong các giao dịch tiền công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Tuy nhiên, các loại giao dịch khác vẫn được tiến hành và được xem là các giao dịch / hợp đồng có vai trò thiết yếu trong quá trình thành lập công ty như hợp đồng thuê nhà để làm trụ sở chính của công ty được ký giữa chủ sở hữu công ty và bên thứ ba trong trường hợp chủ sở hữu công ty không có địa điểm thuộc quyền sở hữu của mình để làm trụ sở chính, hợp đồng mua máy móc thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động của công ty sau này, hợp đồng thuê các chức danh quản lý như giám đốc trong trường hợp chủ sở hữu không muốn hoặc không thể làm giám đốc công ty… Các hợp đồng này đều được giao kết trước khi công ty được thành lập và chủ sở hữu là người trực tiếp đứng ra ký kết. Nếu công ty được thành lập hợp pháp, công ty sẽ tiếp quản các quyền và nghĩa vụ được nêu trong hợp đồng, trường hợp công ty không được thành lập, chủ sở hữu - với tư cách là một bên chủ thể hợp đồng, phải chịu trách nhiệm cá nhân với bên thứ ba.
Về giao dịch tiền công ty hợp danh:
Hợp danh là hình thức công ty xuất hiện sớm nhất trong lịch sử. Đây là loại hình công ty đối nhân được lập nên trên cơ sở tư cách cá nhân và sự tin cậy lẫn nhau giữa các thành viên. Luật lệ nhiều nước xem hợp danh như khế ước, do đó nó có thể được thành lập thông qua thoả thuận, việc đăng ký kinh doanh đôi khi chỉ mang ý nghĩa công khai hoá [26, tr.57]. Pháp luật Việt Nam mặc dù nhấn mạnh ý nghĩa khai sinh pháp nhân của hành vi đăng ký kinh doanh nhưng cũng rất coi trọng thoả thuận thành lập hợp danh. Các vấn đề về góp vốn, quản lý nội bộ công ty… cũng được quan tâm và có sự thương lượng thoả đáng trong giai đoạn tiền công ty. Nội dung các thoả thuận cũng được ghi nhận trong điều lệ và giấy đề nghị đăng ký kinh doanh. Các thoả thuận tiền công ty hợp danh cũng có bản chất là hợp đồng do đó các quy định chung của Bộ luật dân sự về giao kết hợp đồng (từ điều 388 đến điều 411) cũng được sử dụng để xem xét hiệu lực của thoả thuận.
Mặt khác, công ty hợp danh thường được thành lập ở những lĩnh vực dịch vụ như luật sư, kiểm toán…Những trường hợp này đòi hỏi các thành viên hợp danh phải đảm bảo có đủ điều kiện trước khi đăng ký kinh doanh như phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh, số lượng người có chứng chỉ hành nghề theo đảm bảo quy định pháp luật. Do đó, các vấn đề về chủ thể và điều kiện để đăng ký kinh doanh trong giai đoạn tiền công ty là rất quan trọng. Các giao dịch phải tuân thủ những quy định trên.