Vấn đề chủ thể trong giai đoạn tiền công ty

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn tiền công ty theo pháp luật Việt Nam (Trang 64 - 67)

7. Bố cục luận văn

2.3.4. Vấn đề chủ thể trong giai đoạn tiền công ty

Ở giai đoạn tiền công ty, sáng lập viên được xem là một trong hai nội dung cơ bản cần nghiên cứu. Thông thường, đây cũng là chủ thể chính trực tiếp ký kết và thực hiện các giao dịch tiền công ty.

“Sáng lập viên được xem là người có sáng kiến muốn thành lập công ty, đứng ra kết hợp hội viên, kêu gọi góp vốn, thu thập tiền vốn và làm những thể lệ cần thiết cho công ty được thành lập” [53, tr.889].

Trong cuốn sách “Thành lập công ty: Sự đam mê và tiến trình chuyên nghiệp”, tác giả Huy Nam đã đánh giá rất cao vai trò của con người đối với công ty “Vận mệnh tốt xấu mà doanh nghiệp có được tuỳ thuộc vào con người đã đành, việc sinh tử của nó cũng hoàn toàn do con người định đoạt…. Điều

này chẳng những đòi hỏi kiến thức hay trí tuệ nói chung, mà còn trông cậy vào khả năng tổ chức, nắm vững và quán xuyến công việc” [22, tr.6].

Như vậy, chủ thể trong giai đoạn thành lập công ty đóng một vai trò khá lớn trong việc khai sinh công ty nói riêng và hình thành nên bộ mặt cũng như đường hướng phát triển nói chung của công ty. Do đó, việc tìm hiểu những đối tượng và điều kiện để được phép tham gia giao dịch tiền công ty cũng là một vấn đề cần quan tâm.

Theo pháp luật hiện hành, để ký kết và thực hiện giao dịch, các sáng lập viên phải đảm bảo những điều kiện về chủ thể của giao dịch trong các quy định của Luật Dân sự. Mặt khác, do các giao dịch này không phải là giao dịch đơn thuần trong đời sống dân sự mà nó là các giao dịch thương mại, gắn lợi ích và mục tiêu với một chủ thể có tư cách pháp nhân trong tương lai nên các yêu cầu cũng chặt chẽ và được quy định rõ ràng hơn.

Trường hợp chủ thể thực hiện giao dịch tiền công ty cũng chính là những người thành lập và quản lý công ty sau này, phải đảm bảo điều kiện tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2005. Theo đó, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Riêng những đối tượng sau không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;

e) Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh;

g) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản.

Điều này có nghĩa là những đối tượng này trong một chừng mực nào đó vẫn có thể tham giao vào giai đoạn tiền công ty với tư cách chủ thể trong một số hoạt động mà pháp luật cho phép, nhưng không được thực hiện giao dịch với tư cách chủ thể thành lập và quản lý công ty sau này.

Thông thường hai loại đối tượng tại điểm đ và e nêu trên trong bất cứ trường hợp nào cũng không được tham gia vào giao dịch tiền công ty dù với bất cứ tư cách nào. Riêng các đối tượng còn lại có thể tham gia giao dịch nhưng không được đứng tên với những tư cách nêu trên. Điều này phản ánh đúng bản chất của nhà nước ta và sự hạn chế chặt chẽ đối với những đối tượng là cán bộ, công chức nhà nước.

Trên thực tế có không ít trường hợp những đối tượng này đứng ra thực hiện các giao dịch trong giai đoạn tiền công ty và gần như có tính chất quyết định đến việc ra đời và hoạt động của công ty sau này. Tuy nhiên, do sự hạn chế của pháp luật về vị trí quản trị trong công ty nên những đối tượng này không được phép đứng tên trong các thoả thuận thành lập công ty một cách hợp pháp. Họ chỉ có thể tham gia các giao dịch với tư cách cá nhân, không có mối quan hệ quản lý đối với công ty trong tương lai.

Những chủ thể không thuộc các trường hợp hạn chế nêu trên, nếu là cá nhân phải đảm bảo là người thành niên có đủ năng lực hành vi dân sự, nếu là

tổ chức phải được thành lập và đang hoạt động hợp pháp sẽ có đủ điều kiện để được tham gia vào giao dịch tiền công ty với tư cách sáng lập viên.

Pháp luật Việt Nam quy định độ tuổi để một cá nhân được xem là người thành niên và có đủ năng lực hành vi dân sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên (Điều 18, 19 Bộ luật Dân sự). Mặc dù luật pháp cũng cho phép trong một số trường hợp đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi mà có tài sản riêng đủ để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thì có tể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật (Điều 20 Bộ luật Dân sự). Tuy nhiên, do tính chất quan trọng và đặc biệt của giai đoạn tiền công ty nói riêng và việc thành lập, quản lý công ty nói chung, những người chưa thành niên, kể cả trường hợp nêu trên, đều không được phép tham gia giao dịch tiền công ty.

Một vấn đề nữa cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực của giao dịch tiền công ty là vấn đề thẩm quyền giao kết. Ngoài đối tượng là cá nhân đã được phân tích khá kỹ ở phần trên, đối với tổ chức, pháp nhân, thẩm quyền giao kết hợp đồng được xác định kết hợp giữa năng lực hành vi của người đại diện và điều kiện, phạm vi kinh doanh… Pháp luật chỉ công nhận và bảo vệ những thỏa thuận do chủ thể có thẩm quyền giao kết, ngược lại thoả thuận đó sẽ không được công nhận, do đó không có hiệu lực pháp luật, tức là thoả thuận vô hiệu. Các thoả thuận và giao dịch trong giai đoạn tiền công ty cũng không nằm ngoài quy luật này.

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn tiền công ty theo pháp luật Việt Nam (Trang 64 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)