Pháp luật về thủ tục thành lập công ty

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn tiền công ty theo pháp luật Việt Nam (Trang 31 - 32)

7. Bố cục luận văn

1.3.2.Pháp luật về thủ tục thành lập công ty

Thành lập công ty bao gồm hai giai đoạn chính là tiền công ty và đăng ký kinh doanh, trong đó giai đoạn đăng ký kinh doanh được xem là giai đoạn mang tính thủ tục rõ nét nhất và cũng là giai đoạn căn bản để chính thức “khai sinh” và công khai công ty trên thực tế.

Thủ tục thành lập công ty trước hết cũng được điều chỉnh bởi pháp luật chung về công ty. Bên cạnh đó, đây là giai đoạn đề cao tính hình thức nên thường có các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục và các loại giấy tờ hồ sơ cụ thể. Sự điều chỉnh này là cần thiết nhằm nâng cao tính chặt chẽ của pháp luật và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiến hành đăng ký kinh doanh thuận lợi, nhanh chóng.

Dù ở bất cứ hệ thống pháp luật nào, ở giai đoạn và thời kỳ nào, các vấn đề về đăng ký kinh doanh, thành lập công ty là không thể thiếu khi đề cập đến chế định công ty nói riêng và pháp luật về thương mại nói chung. Mỗi nước đều có những quy định cụ thể nêu rõ trình tự đăng ký kinh doanh, hồ sơ thành lập công ty, các thủ tục liên quan để công khai doanh nghiệp. Các quy định này thường được điều chỉnh cụ thể trong Luật Công ty, với một số nước khác là Luật Doanh nghiệp, hay ở nhiều nước là Luật Thương mại. Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn thi hành những luật kể trên, các Nghị định, Thông tư, Quyết định quy định chi tiết về đăng ký kinh doanh cũng là những văn bản không thể thiếu điều chỉnh trực tiếp thủ tục thành lập công ty.

Việc thành lập công ty phải đảm bảo cả các điều kiện về nội dung và hình thức. Về mặt nội dung, các vấn đề được điều chỉnh thông thường gồm các quy định về ý chí, năng lực, ngành nghề, góp vốn, mục đích và sự tham gia vào kết quả kinh doanh. Bên cạnh đó, tuỳ từng loại hình công ty mà có những quy định đặc thù như số lượng cổ đông, thành viên, tài sản góp vốn… Nhìn chung, pháp luật về vấn đề này khá rõ ràng và cụ thể, được quy định ở hầu hết các hệ thống pháp luật với sự khác nhau nhất định tuỳ vào loại hình công ty và những yêu cầu của các nhà chức trách ở mỗi nước.

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý trong giai đoạn tiền công ty theo pháp luật Việt Nam (Trang 31 - 32)