Vai trò của giáo dục đạo đức đối với sự hình thành và phát triển nhân cách sinh viên hệ Cao đẳng Sư phạm mầm non.

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức cho sinh viên hệ cao đẳng sư phạm mầm non ở thành phố hồ chí minh hiện nay luận văn ths triết học 6 (Trang 25 - 31)

triển nhân cách sinh viên hệ Cao đẳng Sư phạm mầm non.

1.2.2.1. Giáo dục mầm non đòi hỏi cô giáo mầm non phải có đạo đức, nhân cách tốt.

Giáo dục mầm non là bậc học mở đầu cho một đời người, cho các bậc học: mầm non, tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học.

Bác Hồ nói:

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.

Các nhà giáo dục đều coi độ tuổi mầm non là bản phác thảo nhân cách của một đời người. Ai ai cũng coi tâm hồn trẻ thơ là một tờ giấy trắng, một cuộn băng còn mới tinh khôi, và cô giáo mầm non là một trong những người đầu tiên ghi lên trang giấy và cuốn băng đó những ký hiệu đầu tiên. Tuổi mầm non ngây thơ hồn nhiên, không biết nói dối, tin yêu cô giáo một cách tuyệt đối.

Chính vì vậy, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non được xem như là một nghề đặc biệt, vì đối tượng của nó là con người, nhưng là con người ở giai đoạn khởi đầu. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: Nghề Sư phạm là nghề cao quí nhất trong các nghề cao quí... là có ý nghĩa như vậy.

Để phân biệt giáo dục mầm non với giáo dục các bậc sau đó, theo chúng tôi cần dựa trên 3 đặc điểm cơ bản sau đây:

- Tính gia đình: Cô giáo như mẹ hiền, vừa chăm sóc nuôi dưỡng vừa dạy dỗ, chỉ bảo các cháu.

- Tính tự nguyện: Trẻ ở độ tuổi mầm non không bắt buộc, không vận động đến lớp, đến trường. Gia đình nào có nhu cầu, có điều kiện thì đưa trẻ đến trường đến lớp.

- Tính phúc lợi xã hội: Trẻ em là tài sản vô giá của gia đình và xã hội. Những gì tốt đẹp nhất cần phải dành cho trẻ em. Nhà nước khuyến khích phát triển các loại hình trường lớp mầm non: nhóm trẻ gia đình, trường tư thục, trường bán trú, một buổi... Tùy theo khả năng kinh tế của các bậc phụ huynh mà các trường mầm non huy động sự đóng góp đầu tư một cách tự nguyện. Nhà trường không có sự phân biệt nào trong khi chăm sóc nuôi dạy con em của họ, các cháu đều bình đẳng trong vui chơi, học tập.

Tuổi mầm non là tuổi vui chơi, tìm hiểu môi trường xung quanh. Vui chơi là hoạt động chủ đạo của độ tuổi này vì nó chiếm nhiều thời gian trong một ngày và hoạt động vui chơi là cơ sở chính để phát triển nhân cách cho trẻ.

Cô giáo mầm non hướng trẻ vào hoạt động vui chơi là chủ đạo, tránh việc dạy trẻ học chữ, học số quá sớm, làm trẻ bị quá tải.

Ở trường mầm non, việc giáo dục trong nhóm và giáo dục cá biệt rất quan trọng. Các cháu ngây thơ, dễ thương rất muốn được cô giáo quan tâm, trò chuyện, âu yếm, gần gũi. Nếu cô giáo không hiểu nguyên tắc này sẽ làm trẻ buồn, dễ mặc cảm và vì vậy trẻ phát triển chậm, nhất là về mặt giao tiếp ngôn ngữ.

Tất cả những nét riêng của giáo dục mầm non cần phải được sinh viên mầm non lĩnh hội và được đào tạo trong môi trường Sư phạm. Do đặc thù nghề nghiệp mà sinh viên mầm non phải được học sâu về các môn: Tâm lý trẻ em, Dinh dưỡng, Vệ sinh bệnh học, Giải phẫu sinh lý, Âm nhạc, Môi trường xung quanh...

Bên cạnh hệ thống kiến thức đa dạng, toàn diện, sinh viên cần được rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ thực hành, thực tập một cách đầy đủ, tỉ mỉ... Sinh viên học cách cho trẻ ăn, trông trẻ ngủ, cách vệ sinh, hướng dẫn trẻ kể chuyện, vẽ, dán, xé giấy, nặn con thú...

Đồng thời sinh viên cần trau dồi nghệ thuật giao tiếp với trẻ từ nét mặt dịu dàng, cử chỉ nhẹ nhàng, đến giọng nói dễ thương, dễ mến, cùng tác phong tư thế uyển chuyển, duyên dáng... tất cả các yếu tố đó sẽ có hiệu quả trực tiếp và rất to lớn đối với sự phát triển tình cảm, thái độ của trẻ.

Như vậy, nghề giáo viên mầm non là một nghề đặc biệt, rất đặc thù, một loại lao động “siêu nghề nghiệp”, “siêu lao động”... để tạo ra một sản phẩm quí giá là thế hệ trẻ.

Dạy học là một khoa học, một nghệ thuật, đòi hỏi một lương tâm cao. Sinh viên Sư phạm mầm non để trở thành những cô giáo mầm non tương lai vừa hồng vừa chuyên, là kỹ sư tâm hồn trẻ nhỏ thì ngay từ trên ghế nhà trường họ cần phải rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt, rèn luyện nếp sống một cách nghiêm túc, xứng đáng với niềm tin của Đảng, như Văn kiện Nghị quyết

TW2, khoá VIII khẳng định: Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh.

1.2.2.2. Vai trò của giáo dục đạo đức đối với sự hình thành và phát triển nhân cách sinh viên hệ Cao đẳng Sư phạm mầm non.

Là một hình thái ý thức xã hội, đạo đức một mặt được hình thành tự phát từ chính cuộc sống hàng ngày của con người để đáp ứng đòi hỏi khách quan của sinh hoạt cộng đồng. Mặt khác, ý thức đạo đức phản ánh đời sống xã hội được hình thành và phát triển chủ yếu bằng con đường giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng.

Giáo dục, theo nghĩa chung nhất là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra.

Giáo dục là một quá trình bao gồm hai mặt: một mặt đó là sự tác động từ bên ngoài vào đối tượng giáo dục, là sự tác động của các nhà sư phạm đến toàn bộ cuộc sống của học sinh, sinh viên; mặt khác, thông qua sự tác động này mà làm cho đối tượng tự biến đổi bản thân mình, tự hoàn thiện, tự nâng mình lên qua giáo dục và tự giáo dục. Đây cũng chính là biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.

“Về bản chất, giáo dục là quá trình tổ chức cuộc sống, hoạt động và giao lưu cho học sinh, nhằm giúp họ nhận thức đúng, hình thành những thói quen hành vi văn minh trong cuộc sống, phù hợp với chuẩn mực xã hội” [48, tr.124].

Chính vì thế, giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng có ý nghĩa quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Mọi giá trị, trong đó có giá trị đạo đức, được hình thành bằng con đường giáo dục. Không có giáo dục, con người sẽ không lĩnh hội được nền văn hoá, văn minh của nhân loại, không có giáo dục thì hệ thống giá trị chung của loài người cũng như giá

trị truyền thống của dân tộc sẽ không được bảo tồn và phát triển, do đó không thể sáng tạo ra những giá trị mới. Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hoá cả” [34, tr.49].

Giáo dục đạo đức trong nhà trường thông qua nội dung các môn học góp phần chuyển các quan niệm đạo đức từ tự phát sang tự giác, không ngừng nâng cao trình độ (khả năng) nhận thức các giá trị đạo đức cho sinh viên từ trình độ nhận thức thông thường lên trình độ nhận thức khoa học.

Giáo dục đạo đức giúp sinh viên hình thành những quan điểm, qui tắc, chuẩn mực đạo đức cơ bản. Nhờ đó sinh viên có thể lựa chọn cho mình những hành vi ứng xử phù hợp, đồng thời có khả năng đánh giá đúng các hiện tượng đạo đức xã hội và tự đánh giá tư cách, ý thức và hành vi của bản thân mình trong các mối quan hệ xã hội theo quan điểm đạo đức tiến bộ.

Giáo dục đạo đức còn có tác dụng điều chỉnh hành vi của cá nhân, làm cho những hoạt động của họ phù hợp với lợi ích xã hội, cộng đồng dưới sự tác động của dư luận xã hội. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Giáo dục đạo đức còn là công cụ giúp cho sinh viên nhận thức xã hội về đạo đức, theo quan điểm đạo đức tiến bộ, nhận thức được cái đúng, cái sai, phân biệt được cái thiện, cái ác; khắc phục được những quan điểm lạc hậu, chống lại những hiện tượng phi đạo đức.

Giáo dục đạo đức góp phần tích cực vào quá trình giáo dục các giá trị truyền thống cho sinh viên, giúp họ nhận ra được các giá trị đạo đức tốt đẹp của quê hương, dân tộc. Từ đó góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống đạo đức ấy.

Trong giáo dục đạo đức, giáo dục tình cảm đạo đức giữ vai trò hết sức quan trọng, vì nhiệm vụ của giáo dục đạo đức không chỉ làm cho sinh viên có nhận thức đúng, hình thành những khái niệm, phạm trù đạo đức, mà còn hình thành thái độ, niềm tin, tình cảm đạo đức cho sinh viên. Chính tình cảm đạo

đức (sự kính trọng biết ơn, lòng yêu thương con người, sự cảm thông sâu sắc giữa người với người...) trở thành động cơ bên trong, thôi thúc sinh viên thực hiện hành vi tự giác phù hợp theo lẽ phải và công bằng, biết sống cho mọi người, vì mọi người.

Do vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng: giáo dục đạo đức trong nhà trường có vai trò to lớn đối với sự hình thành và phát triển nhân cách sinh viên, đặc biệt là sinh viên Sư phạm mầm non.

Chính vì lẽ đó, công tác giáo dục đạo đức nhằm xây dựng một nhân cách tốt cho sinh viên mầm non sẽ có ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sau này. Đây là qui luật quan trọng trong quá trình giáo dục con người.

Chƣơng 2

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức cho sinh viên hệ cao đẳng sư phạm mầm non ở thành phố hồ chí minh hiện nay luận văn ths triết học 6 (Trang 25 - 31)