Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Khối Liên minh châu Âu đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, giá dầu thô giảm mạnh, giá vàng bật tăng trở lại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn tiếp diễn, căng thẳng chính trị giữa Mỹ và một số quốc gia tiếp tục gia tăng, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid -19) bùng phát mạnh trên toàn cầu. Một số quốc gia đóng cửa biên giới để tránh lây lan đã làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng.
Bên cạnh đó, xu hướng quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ, chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia tiếp tục tăng, cản trở thương mại và đầu tư sẽ tạo ra những hệ lụy tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Nếu Mỹ tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại, một vòng xoáy tăng thuế quan và trả đũa tiếp theo sẽ lan rộng ra thế giới, tác động đến các nền kinh tế đang phát triển. Ngoài ra, sự không chắc chắn về chính sách thương mại làm giảm đầu tư và sản xuất tại nhiều khu vực trên thế giới. Niềm tin kinh doanh và đầu tư suy yếu có thể làm giảm đáng kể tăng trưởng nhu cầu trong nước ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu, ảnh hưởng trực tiếp đến các nền kinh tế có giao dịch lớn với các thị trường này trong đó có cả Việt Nam. (Bộ Công Thương, 2019). Chiến tranh thương mại giữa Mỹ & Trung Quốc có những tác động sâu rộng đến tăng trưởng kinh tế và chuỗi giá trị toàn cầu, nếu căng thẳng thương mại tiếp tục được kéo dài trong thời gian tới sẽ khiến các hoạt động sản xuất, đầu tư bị đình trệ, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, có khả năng rơi vào suy thoái. Điều này đồng nghĩa với hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng theo hướng bất lợi.
Thị trường logistics toàn cầu trong giai đoạn qua cũng chịu tác động của nhiều yếu tố, sự biến động của thương mại quốc tế, xu hướng mới trong thương mại điện tử, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của các yếu tố công nghệ. Tác động của các FTA thế hệ mới cũng như sự bất ổn về chính trị trên toàn cầu khiến các khách hàng và các doanh nghiệp logistics phải đưa ra những biện pháp thích nghi thông qua điều chỉnh các kế hoạch kinh doanh. Xu hướng thương mại điện tử diễn ra mạnh mẽ cũng làm thay đổi nền sản xuất toàn cầu và ảnh hưởng rõ rệt đến ngành logistics. Theo dự báo, doanh thu dịch vụ logistics toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,9% - 7%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2027 và đạt ngưỡng 2.000 tỷ USD vào năm 2027. Bên cạnh vấn đề về chi phí, khách hàng ngày nay còn đặc biệt quan tâm đến thời gian giao hàng. Sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trong không gian mạng đã tạo ra trào lưu cam kết giao hàng trong ngày và buộc các doanh nghiệp logistics phải nỗ lực để cung cấp dịch vụ này cũng như đảm bảo hiệu quả về chi phí. Đồng thời, công nghệ số và tự động hóa đã làm biến đổi những thói quen trong tiêu dùng của khách hàng cũng như các hoạt động quản trị của doanh nghiệp. Trí tuệ nhân tạo giúp cho hoạt động logistics diễn ra chính xác hơn, nhanh chóng và dễ dàng hơn. Tự động hóa giúp cho tìm kiếm, lưu trữ thông tin được an toàn hơn. Có thể nhận thấy, thương mai điện tử đã và đang thay đổi theo hướng ứng dụng công nghệ ngày càng nhiều. Xu hướng này ảnh hưởng đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp logistics và thương mại điện tử.