Bối cảnh trong nước

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ logistics của việt nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 77 - 79)

Giai đoạn 2015 - 2019 kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế tăng trưởng nhanh tại khu vực châu Á, với tăng trưởng GDP ở ngưỡng từ 6,68% đến 7,08%/năm. Tuy nhiên kể từ khi dịch Covid - 19 bùng phát và có xu hướng lây lan rộng trong cộng đồng, việc giãn cách xã hội được áp dụng đã ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu. Ban đầu, các doanh nghiệp bị gián đoạn nguồn cung do nguyên vật liệu chủ yếu được nhập khẩu từ phía Trung Quốc nhưng sang giai đoạn sau, khi nguồn cung được hồi phục thì thị trường đầu ra như

Mỹ, EU lại đang bị ảnh hưởng. Logistics với vai trò là ngành xương sống của nền kinh tế, tham gia từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu thụ đứng trước nguy cơ “đứt cung, gãy cầu”. Qua đây, buộc các doanh nghiệp trong ngành logistics phải tính đến các phương án sử dụng công nghệ số để không những giảm thiểu rủi ro mà còn thích ứng với xu hướng thời đại.

Thương mại được thúc đẩy thông qua việc thực hiện và tham gia của Việt Nam vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP; EVFTA. Theo nhiều nghiên cứu, khi Việt Nam tham gia vào CPTPP sẽ giúp GDP tăng thêm 1,1% vào năm 2030 trong điều kiện kinh tế căn bản được giữ nguyên. EVFTA sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân từ 4 - 6%/ năm trong khoảng 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Việc tham gia vào các hiệp định này còn giúp Việt Nam có được cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng mới được hình thành ngay sau khi các hiệp định này có hiệu lực. Các cam kết mở cửa thị trường logistics với mức độ mở rộng đáng kể ở một số phân ngành logistics của Việt Nam cho EU so với mức mở cửa trong WTO sẽ đặt các doanh nghiệp logistics Việt Nam trước một tương lai cạnh tranh gay gắt, không cân sức với các đối thủ đến từ EU. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ngành logistics và các doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể cải tổ và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Làn sóng của các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến ngành logistics Việt Nam đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Điển hình là trong năm 2019, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục đẩy mạnh dòng vốn tham gia vào các thương vụ mua bán sáp nhập. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã ký kết hợp đồng liên doanh với đối tác Suzue (Nhật Bản) nhằm xây dựng hệ thống logistics kết nối các nhà máy với các bến cảng để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Hay như thương vụ giữa Samsung SDS với công ty cổ phần logistics hàng không thành lập liên doanh ALSDS tham gia kinh doanh dịch vụ logistics tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới đây dự báo vẫn sẽ tiếp tục có sự gia tăng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực logistics.

Trong bối cảnh hiện nay trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng, cánh cửa giao thương giữa Việt Nam với thế giới ngày càng được mở rộng. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý rất phù hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á và cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành logistics đang tích cực được cải thiện cùng với sự phát triển của ngành vận tải và logistics sẽ tạo điều kiện để Việt Nam có thể nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có thể cạnh tranh với Trung Quốc. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế để phát triển ngành logistics

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ logistics của việt nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 77 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(99 trang)
w