III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TIẾP CẬN GIÁO DỤC CHO TRẺ EM KHU VỰC MIỀN NÚI PHÍA BẮC
2. Giải pháp tiếp cận giáo dục cơ bản (tiểu học và trung học cơ sở) cho trẻ em nghèo tại khu vực miền núi phía Bắc.
2.7 Giải pháp đối với giáo viên
- Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục trong giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Trong những năm qua, mặc dù đã có cố gắng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn tại khu vực miền núi phía Bắc đã tăng lên rõ rệt. Nhưng cho đến nay một số địa phương trong khu vực vẫn còn chưa đảm bảo về số lượng, vẫn còn thiếu giáo viên là người dân tộc, mặt khác lại chưa hợp lý về cơ cấu. Hiện vẫn còn thiếu giáo viên dạy thể dục, mỹ thuật, hát nhạc và cũng chưa chuẩn về chất lượng, nhất là ở những vùng miền khó khăn trong khu vực. Những tồn tại này đã có ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai nội dung, chương trình, sách giáo khoa mới. Vấn đề đặt ra là cần phải có những chính sách tích cực nhằm phát triển đội ngũ giáo viên công tác tại đây cả về số lượng và chất lượng.
- Thực hiện chính sách khuyến khích vật chất và tinh thần đối với giáo viên, khuyến khích người giỏi làm nghề dạy học.
- Có chính sách thu hút giáo viên lên công tác tại vùng cao song song với nó là cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là người dân tộc.
- Tập trung nghiên cứu để có chính sách đào tạo và bồi dưỡng giáo viên phù hợp với đặc điểm của khu vực miền núi phía Bắc nói chung và giáo dục tại miền núi phía Bắc nói riêng.
- Giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng cao của khu vực miền núi phía Bắc phải được được ưu tiên trong tuyển dụng.
- Tạo điều kiện giúp cho giáo viên yên tâm công tác và thực hiện tốt nhiệm vụ, đem lại hiệu quả cao trong giáo dục. Có chính sách đãi ngộ đặc biệt về lương và phụ cấp, nghỉ phép, tạo điều kiện cho giáo viên về nhà ở.