2. Phương hướng phát triển công nghiệp
2.3. Hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp
Trong giai đoạn tới 2010 – 2020 cùng với nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, các khu, cụm công nghiệp dự kiến xây dựng và các ngành nghề dự kiến thu hút trên địa bàn huyện gồm:
2.3.1. Cụm công nghiệp đóng và sửa chữa tàu Hà An
Hướng đầu tư công nghiệp đến 2020 của cụm công nghiệp đóng và sửa chữa tàu Hà An là có thể đóng và sửa chữa các tàu có trọng tải từ 10.000 đến 15.000 tấn, tàu du lịch, tàu đánh bắt cá xa bờ, tàu tuần tra, tàu kéo 1.000CV, sà lan tự hành đến 2.000 tấn.
Thu hút đầu tư và hợp tác với các nhà máy đóng tàu ở Hải Phòng để phát triển một số nhà máy cơ khí làm vệ tinh cho các nhà máy đóng tàu ở khu vực duyên hải Bắc Bộ như sản xuất que hàn, sơn tàu biển, thiết bị phụ tùng cơ khí, điện trên tàu…
2.3.2. Khu công nghiệp tổng hợp Đông Mai
Các ngành công nghiệp dự kiến thu hút vào khu công nghiệp:
- Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu như dệt may, da giầy…
- Công nghiệp cơ khí lắp ráp và chế tạo các mặt hàng điện máy cho sinh hoạt và công nghiệp, sản xuất thiết bị điện, bao bì.
- Công nghiệp vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng.
2.3.3. Cụm công nghiệp thị trấn Quảng Yên
Giai đoạn tới sẽ phát triển thêm các nhà máy nằm phía Bắc thị trấn ven đường Sông Khoai – Uông Bí khi tuyến đường này xây dựng xong..
Hướng thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp Quảng Yên các dự án công nghiệp chế biến thực phẩm, dệt may, da giày, bao bì, sản phẩm phục vụ du lịch và thể thao, lắp ráp phụ tùng cơ khí, linh kiện điện tử.
2.3.4. Cụm công nghiệp Đồng Bái
Trong thời gian tới dự kiến thu hút vào cụm công nghiệp các ngành nghề: công nghiệp cơ khí chế tạo phụ tùng, máy móc xây dựng và vận tải, cán thép, sản xuất máy bơm và thiết bị phục vụ khai thác mỏ.
Tổng công ty đóng tàu Phà Rừng có 3 dự án:
- Xây dựng nhà máy chế tạo động cơ Vinashin – Man Phà Rừng với tổng diện tích 57 ha, tổng mức đầu tư 1.491 tỷ đồng để sản xuất động cơ tàu thủy là một ngành công nghiệp phụ trợ.
- Xây dựng nhà máy đóng tàu Yên Hưng với tổng diện tích 214,3 ha, trong đó đất xây dựng nhà máy 178 ha có công suất đóng mới 10 – 16 tàu trọng tải đến 150.000DTW/ năm.
- Xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển và cụm công nghiệp phụ trợ có tổng diện tích 128 ha, công suất của nhà máy là có thể sửa chữa 20 – 40 tàu trọng tải đến 50.000DTW.
2.3.5. Cụm công nghiệp cây số 7
Hướng phát triển của cụm công nghiệp nhỏ này là phát triển sản xuất vật liệu xây dựng từ kim loại và nhựa cao cấp, chế tạo thiết bị siêu trường, siêu trọng, sản xuất ống dẫn, cáp điện, đồ nội thất, các sản phẩm từ nhựa và cao su… Đặc biệt thu hút công nghiệp cơ khí, chế tạo máy, sản xuất phụ tùng máy, luyện cán thép.
2.3.6. Khu công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển trọng tải lớn Lạch Huyện
Việc khảo sát cụ thể luồng lạch để xây dựng cảng cần có thời gian và yêu cầu thu hút vốn đầu tư cho khu cảng khá lớn nên từ trong vài năm gần đây tập trung cho các hoạt động khảo sát thiết kế mặt bằng và tìm kiếm các đối tác đầu tư từng phần. Việc xây dựng hoàn chỉnh và đi vào hoạt động của khu công nghiệp này chủ yếu sau 2010.
Trước mắt cần thu hút các dự án sản xuất cơ khí phù trợ cho công nghiệp đóng tàu: sản xuất que hàn, sản xuất thép tấm, các ngành công nghiệp phụ trợ khác làm vệ tinh cho nhà máy đóng tàu Nam Triệu và một số nhà máy đóng tàu lân cận của Hải Phòng.
Xúc tiến đầu tư xây dựng cụm cảng và hạ tầng kỹ thuật để hình thành tổ hợp công nghiệp đóng và sửa chữa tàu trọng tải lớn ở khu vực Lạch Huyện, có khả năng đóng mới tàu trọng tải trên 30.000 tấn, sửa chữa tàu có trọng tải đến 100.000 tấn, đóng mới và sửa chữa các tàu chuyên dùng như tàu chở dầu, tàu container, tàu công trình, tàu cuốc,… đạt tiêu chuẩn quốc tế vào giai đoạn sau 2020..
2.3.7. Khu công nghiệp cơ khí – hóa chất nằm trong khu kinh tế tổng hợp Đầm Nhà Mạc
Các ngành công nghiệp dự kiến thu hút vào khu công nghiệp tổng hợp bao gồm các ngành công nghiệp từ kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, gồm các dự án đầu tư xây dựng nhà máy hóa chất, sợi hóa học, nhựa, chất tẩy rửa, sơn, que hàn, và các nhà máy cơ khí, gia công vật liệu kim loại, sản xuất thép cho đóng tàu… Về lâu dài có thể xây dựng tổ hợp hóa chất và sản xuất các sản phẩm từ dầu mỏ.
Do quy mô lớn và gồm nhiều hạng mục xây dựng nên việc phát triển khu công nghiệp này khó hoàn thành trước năm 2010. Nên trước mắt một mặt xúc tiến đầu tư tìm kiếm dự án, mặt khác nhanh chóng quy hoạch mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng cho toàn bộ khu công nghiệp để có thể triển khai xây dựng.
Duy trì và phát triển các nghề truyền như đóng tàu gỗ, đan lát và tập trung chủ yếu ở Hà An, Nam Hòa, Quảng Yên. Đồng thời du nhập thêm một số nghề mới để giải quyết lao động khu vực nông thôn.
Hướng quy hoạch một số địa điểm tiểu thủ công nghiệp của huyện như sau: - Điểm cửa Miếu xã Nam Hòa phát triển đóng tàu gỗ, đan lát truyền thống (đan thuyền nan, đan lờ). Đồng thời du nhập thêm nghề móc sợi và mây tre đan xuất khẩu ở tỉnh ngoài.
- Điểm Ba Đại xã Hiệp Hòa trở thành đầu mối về dịch vụ công nghiệp và đưa các ngành tiểu thủ công nghiệp như đan lát (đan thuyền, đan giành rọ, đan đó, than thắt lưỡi cặp chì), rèn đúc (đúc nồi nhôm, đúc gang, đúc lưỡi cày), công nghiệp chế biến gỗ, làm mộc, nấu rượu… vào sản xuất tập trung.
- Điểm Cầu Ông Đắc Hà An tập trung đóng tàu gỗ du lịch, sản xuất nghề mây tre đan, móc sợi làm hàng xuất khẩu và quy hoạch tập trung các xưởng cơ khí sửa chữa, mộc tại địa bàn.
- Điểm Trại Cọ xã Đông Mai phát triển ngành nghề sản xuất cưa xẻ gỗ, làm mộc, cơ khí gò hàn và sửa chữa máy móc thiết bị, sản xuất nông cụ, nung vôi củ, chế biến lương thực…
- Điểm Thôn 5 xã Hoàng Tân phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch.
- Điểm bãi 4 xã Tiền An để tập trung các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã Tân An và Tiền An như đan lưới, mây tre đan, móc sợi.
- Điểm Xứ Đồng – Mả Than xã Liên Hòa du nhập thêm nghề thủ công mây tre đan góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.