Về thị trường tiêu thụ sản phẩm

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp huyện Yên Hưng – Quảng Ninh theo hướng bền vững (Trang 50 - 51)

2. Thực trạng phát triển ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên

2.6.Về thị trường tiêu thụ sản phẩm

Trước hết phải nói đến mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu. Thuỷ sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện nên việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm là vấn đề quan trọng. Các cơ sở đã thực hiện quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, BTM, 5S, HACCP để xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc. Yên Hưng đang tập trung để phát triển diện tích nuôi trồng thuỷ sản và thu hút các dây chuyền nuôi tôm công nghiệp vào huyện. Đến nay, mặt hàng hải sản đông lạnh của Yên Hưng (tôm và mực) đã đứng vững ở thị trường Nhật Bản và đã đặt chân được vào thị trường Mỹ. Nguồn hàng để chế biến của Công ty xuất khẩu thuỷ sản II hiện nay Yên Hưng không đủ cung ứng, Công ty đã phải nhập bổ xung nguyên liệu từ các địa phương khác, kể cả từ Trung Quốc.

Nhu cầu vật liệu xây dựng tăng nhiều trong những năm gần đây. Do chất lượng sét nguyên liệu của Yên Hưng, gạch của Xí nghiệp gạch Yên Hưng luôn luôn không đủ đáp ứng. Mặc dù đã phát triển mở rộng, nâng cao công suất nhưng do thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng hơn ra các huyện ngoài và cả ngoài tỉnh nên sản phẩm của đơn vị sản xuất ra chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Địa bàn Yên Hưng gắn với vùng sông nước, do vậy vận tải thuỷ phát triển. Vì thế ngành sửa chữa, đóng mới tàu thuyền phát triển theo. Những năm gần đây, sản phẩm của ngành này không chỉ phục vụ tại chỗ mà đã phát triển mở rộng ra thị trường bên ngoài. Sự phát triển ấy không chỉ do nhu cầu của thị trường mà còn do năng lực sản xuất của các cơ sở đống tàu thuyền ở huyện đã nâng lên rất nhiều.

Cũng do gắn với sông nước, địa hình có nhiều luồng lạch nên khai thác hải sản đã thu hút nhiều lao động nông thôn. Cả huyện có khoảng trên 2.000 chiếc thuyền nan vừa khai thác hải sản khi nông nhàn vừa để vận chuyển nội đồng. Vì thế nghề sản xuất ngư cụ (đan thuyền, đan lờ, đan đó, đan lưới... ) ở Yên Hưng đã tồn tại từ bao đời nay và nghề truyền thống ấy vẫn luôn luôn phát triển. Chiếc thuyền nan ngày

xưa chỉ chở được vài tạ, nay đã có trọng tải trên 10 tấn. Những sản phẩm ngư cụ này chủ yếu phục vụ tại địa phương.

Các mặt hàng còn lại có quy mô sản xuất nhỏ bé, sản xuất ở các hộ gia đình như một nghề phụ và được sử dụng tại các chợ quê phục vụ nhu cầu tại chỗ như nghề làm bún, làm bánh, nem, hàng mã... Chỉ có một mặt hàng được tiêu thu ra ngoài địa phương là nem chua do đó là mặt hàng đặc sản của Quảng Yên.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp huyện Yên Hưng – Quảng Ninh theo hướng bền vững (Trang 50 - 51)