2. Phương hướng phát triển công nghiệp
2.2. Hướng phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp chủ yếu
2.2.1. Công nghiệp cơ khí, đóng và sửa chữa tàu biển
Phát triển đóng và sửa chữa tàu biển là ngành có lợi thế và cơ hội rất lớn để phát triển thành ngành mũi nhọn và trở thành trung tâm công nghiệp ở Yên Hưng. Khu vực cửa Lạch Huyện nằm liền kề với một số nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Bến Kiền, Nam Triệu, Hạ Long… lại có mặt bằng và không gian rộng rãi, luồng lạch ra vào thuận tiện… là điều khiện rất thuận lợi để xây dựng tổ hợp nhà máy đóng tàu và cơ khí phục vụ đóng tàu trọng tải lớn trong giai đoạn tới. Trước mắt cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các xí nghiệp que hàn, sản xuất tấm thép làm vệ tinh cho nhà máy đóng tàu Nam Triệu. Đồng thời đầu tư xây dựng cụm cảng và hạ tầng kỹ thuật để hình thành tổ hợp công nghiệp đóng và sửa chữa tàu trọng tải lớn ở khu vực Lạch Huyện, có khả năng đóng mới tàu trọng tải trên 30.000 tấn, sửa chữa tàu trọng tải đến 100.000 tấn,… đạt tiêu chuẩn quốc tế vào giai đoạn sau năm 2020.
Tích cực khuyến khích đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô các nhà máy, cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền hiện có ở Cẩm La, Nam Hòa, Quảng Yên. Và tập trung phát triển cụm công nghiệp đóng và sửa chữa tàu quy mô trung bình ở Hà An.
Thu hút đầu tư và hợp tác với một số nhà máy cơ khí làm vệ tinh cho các nhà máy đóng tàu ở khu vực duyên hải Bắc Bộ như sản xuất que hàn, sơn tàu biển, thiết bị phụ tùng, cơ khí, điện trên tàu…
2.2.2. Công nghiệp hóa chất và chế hóa sản phẩm từ hóa chất
Công nghiệp hóa chất và chế biến các sản phẩm từ hóa chất, kể cả hóa dầu là ngành đang phát triển với tốc độ nhanh trong nước do yêu cầu thay thế nhập khẩu và nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước còn rất lớn. Khu đầm Nhà Mạc – cửa Nam Triệu và Lạch Huyện là địa điểm có điều kiện phù hợp phát triển các nhà máy và tổ hợp hóa chất lớn do nằm ven sông và biển, xa các trung tâm dân cư đồng bằng, vận chuyển nguyên liệu hóa chất, xăng dầu bằng đường biển thuận lợi. Đây là ngành có nhiều tiềm năng để phát triển thành khu, cụm công nghiệp hóa chất ở Yên Hưng. Tuy nhiên, khi đó cần có những quy chế rõ ràng, cụ thể về vấn đề môi trường, tránh những tác động tiêu cực đến người dân.
Về lâu dài có thể xem xét việc xây dựng một cụm công nghiệp tập trung sản xuất hóa chất và chế phẩm từ hóa chất tại khu vực cửa Nam Triệu, đầm Nhà Mạc hoặc Hiệp Hòa, điểm ngã 3 sông Bạch Đằng và sông Chanh. Nhưng trước mắt tập trung thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm có nhu cầu thị trường lớn ở các tỉnh phía Bắc như sản phẩm nhựa bao bì, nhựa vật liệu xây dựng, nhựa công nghiệp phục vụ công nghiệp ô tô, điện tử, sản phẩm cao su dân dụng và công nghiệp, chất tẩy rửa và các sản phẩm phục vụ cho công nghiệp đóng tàu như sơn tàu biển, đất đèn, pin, ắc quy.
2.2.3. Công nghiệp cơ khí chế tạo
Công nghiệp cơ khí chế tạo và thiết bị điện là hướng phát triển công nghiệp chủ yếu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo và vật liệu kim loại ở huyện có lợi thế về vận chuyển nguyên liệu phôi thép, sản phẩm siêu trường, siêu trọng bằng đường biển và một phần sản phẩm có thể tiêu thụ tại chỗ cho các nhà máy đóng tàu ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Vì thế trong những năm sắp tới cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, từng bước hình thành ở huyện Yên Hưng cụm công nghiệp cơ khí chế tạo có quy mô tương đối lớn của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với sản phẩm chủ yếu phục vụ cho công nghiệp đóng tàu, các ngành vận tải, xây dựng, khai khoáng, điện công nghiệp và dân dụng.
Kế hoạch đến năm 2020 là ưu tiên thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển các ngành sản phẩm cơ khí phục vụ trực tiếp cho công nghiệp đóng tàu đồng thời có nhu cầu tiêu dùng lớn trong vùng như sản xuất thép tấm vỏ tàu, thép hình, chế tạo thiết bị, phụ tùng và lắp ráp máy thủy lực, máy động cơ và phương tiện vận tải.
2.2.4. Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng dệt – may – da giày
Đây là ngành công nghiệp có đặc điểm là sử dụng nhiều lao động, thích hợp nhiều loại hình và quy mô đầu tư, có thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu lớn. Trong tình hình giá nhân công lao động ở các trung tâm đô thị ngày một cao lên, sản xuất ngành này có xu hướng mở rộng về các độ thị nhỏ. Vì vậy hướng phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng dệt – may – da giày cần thu hút các dự án đầu tư vào các khu cụm công nghiệp, nhất là khu công nghiệp Đông Mai và cụm công nghiệp thị trấn Quảng Yên, và khuyến khích các dự án đầu tư nhà máy, xí nghiệp sản xuất đồ may kể cả bao bì, giày dép, đồ da, đồ du lịch, thể thao và các cơ sở sản xuất vệ tinh làm gia công trực tiếp với nước ngoài hoặc hợp đồng liên doanh.
Huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi về sản xuất nông nghiệp và thủy sản để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nhưng thời gian tới sản xuất nông nghiệp và thủy sản sẽ thu hẹp dần để dành quỹ đất cho phát triển công nghiệp và các ngành khác. Phát triển các nhà máy chế biến lớn sẽ không ổn định về nguyên liệu tại chỗ trong khi nguồn nguyên liệu xung quanh lại hạn hẹp và dễ xảy ra tranh chấp. Do đó hướng phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản là khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến trang thiết bị hiện đại gắn với xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao hướng vào xuất khẩu.
Riêng đối với chế biến thủy sản, hướng phát triển trong những năm tới là không xây dựng thêm các nhà máy mới mà tiếp tục đầu tư hiện đại hóa các cơ sở chế biến thủy sản hiện có để đảm bảo có đủ nguyên liệu cho chế biến và tăng giá trị sản phẩm.
2.2.6. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
Yên Hưng có hạn chế về nguồn tài nguyên như đá vôi, sét, đá granit, than để phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, đá ốp lát nên hướng phát triển ngành này là sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng công nghiệp từ hợp kim và nhựa như tấm lợp, tấm trần, khung, vách ngăn lắp ráp xây dựng, ống nhựa cấp thoát nước.
Thu hút các dự án đầu tư vào phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, kết hợp các nhà máy cơ khí và đóng tàu để phục vụ trực tiếp cho sản xuất trang thiết bị nội thất trên tàu.
2.2.7. Phát triển tiểu thủ công nghiệp
Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp cả về quy mô sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm dưới mọi hình thức, nhất là hình thức hợp tác xã và tổ hợp tác. Ưu tiên phát triển các sản phẩm cơ khí lắp ráp và sửa chữa nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp và vận tải, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ mộc gia dụng, gia công dệt, may, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho xuất khẩu, khách du lịch và tiêu thụ trong nước.
Phục hồi các làng nghề truyền thống dệt thảm, đan lát, đồ mộc… là những nghề trước đây rất phát triển ở huyện.