Cơ sở định hướng cho các giải pháp khoa học – công nghệ nhằm phát triển cây ăn quả trong thời gian tới xuất phát từ những quan điểm về công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước được nêu trong các văn kiện của các hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá7: “ từ
nay đến cuối thập kỷ phải rất quan tâm đến công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp và kinh tế nông thôn, phát triển toàn diện nông lâm ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm thuỷ sản”; “nông nghiệp phải quy vùng tập trung chuyên canh, đưa công nghệ mới đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất, tạo ra nguồn nguyên liệu lớn, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp chế biến hiện đại…”
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, tập trung vào các khâu như giống, kỹ thuật canh tác, chế biến trái cây sau thu hoạch và các dịch vụ kỹ thuật khác. Phát triển giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá nông sản. Tổ chức tốt mạng lưới khuyến nông cơ sở hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất theo quy hoạch, đưa sản xuất trái cây trở thành ngành sản xuất lớn, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào canh tác.
Khác với rau và các cây ngắn ngày, cây ăn quả phần lớn là cây lâu năm hoặc 4 – 5 năm. Do vậy để phát triển cây ăn quả vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, phải kết hợp cả những kết quả nghiên cứu trong nước và chọn lựa ứng dụng các thành quả khoa học kỹ thuật của nước ngoài mới có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển sản xuất. Nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ sinh học (công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh…) phục vụ cho công tác chọn tạo, nhân giống và bảo vệ thực vật. Kết hợp giữa nghiên cứu khai thác các nguồn gen cây ăn quả bản địa có giá trị kinh tế, có khả năng cạnh tranh với việc nhập khẩu, khảo nghiệm giống, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nguồn gốc xuất xứ hàng hoá của sản phẩm. Xây dựng quy trình và phối hợp với các hoạt động khuýên nông để triển khai rộng rãi quy trình sản xuất rau quả theo hướng thực hành nông nghiệp tốt nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và vệ
sinh an toàn thực phẩm. Áp dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến, hiện đại như bảo quản mát, bảo quản trong môi trường khí quyển cải biến, chiếu xạ… để tạo bước đột phá trong khâu bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản, vận chuyển đi xa ( trong nước cũng như xuất khẩu) và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Thực hiện đồng bộ khâu sản xuất, thu mua, chế biến - bảo quản và tiêu thụ với chương trình liên kết bốn nhà.
Nâng cao công nghệ sau thu hoạch và bảo quản nông sản và gắn với chế biến tại chỗ tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật sản xuất sản phẩm trái cây, chú trọng các quy định bắt buộc để kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Áp dụng rộng rãi hệ thống quản lý chất lượng theo ISO, HACCP…
Phải chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng đầu tư cho thuỷ lợi và công trình bổ sung nước ngầm để có đủ năng lực khắc phục nhanh chóng hạn hán, đảm bảo yêu cầu tưới tiêu cho nông nghiệp, cấp nước cho công nghiệp dân sinh và nuôi trồng thuỷ sản. Tăng cường hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai: xây dựng đồng bộ hệ thống phòng chống dịch, nghiên cứu chuyển đổi sang phát triển các loại cây con có khả năng thích nghi đựơc với điều kiện tự nhiên của vùng.
Phát triển ngành trồng cây ăn trái tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu giống cây ăn trái theo hướng phát triển các giống cây cho năng suất cao và phát triển ngành dịch vụ du lịch sinh thái trên địa bàn của vùng.
Tăng cường thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn bao gồm vốn ODA, FDI, vốn của dân và doanh nghiệp, ngân sách nhà nước chỉ tập trung vào một số lĩnh vực chính: thuỷ lợi, giao thông, cung cấp nứơc, một số cơ sở về giống, nghiên cứu khoa học cơ bản, quan trọng.