Trong thời gian qua nông dân Đồng Bằng Sông Cửu Long đã được đánh giá là rất nhạy bén trong tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, rất năng động và sáng tạo. Họ đã giao lưu học hỏi kinh nghiệm để tìm kiếm những loại giống cho năng suất cao và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Bà con vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long lại có nhiều kinh nghiệm truyền thống trong việc trồng trọt cũng như thâm canh cây ăn trái, nhất là cây ăn trái hàng hóa. Nhiều vùng ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Long An...bà con chọn nghề làm vườn, sản xuất cây ăn trái như một hướng xóa đói giảm nghèo, và phần đông trong số họ đã khá giả lên nhờ vào nghề vườn của họ. Theo điều
tra và tính toán mới nhất, hiệu quả kinh tế xã hội của cây ăn trái ở Đồng Bằng Sông Cửu Long khá cao, do bà con có nghề vườn hàng hóa phát triển khá sớm, thường giá trị cao gấp 4-5 lần làm lúa, vùng chuyên canh cao gấp 10 lần. Trái cây vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long lại rất đa dạng về chủng loại, phong phú về cách trồng và tiêu thụ nên càng thuận lợi cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ, trong thời kỳ hàng hóa hội nhập. Hiện nay, Đồng Bằng Sông Cửu Long đã có hơn 30 chủng loại cây ăn trái, trong đó nhãn, xoài và cây có múi đã lên hàng trăm ngàn ha, là nguồn xuất khẩu chủ yếu của vùng ngày càng được đầu tư và phát triển.
Thêm vào đó là nghề làm vườn ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, từ xa xưa đến nay, giá cả và sức tiêu thụ không phải ít vướng mắc, nhiều bất cập và cũng lắm thăng trầm, nhưng nhà vườn vẫn lạc quan, cái lạc quan của người sản xuất trái cây hàng hóa. Bởi lẽ, tuy có lúc rớt giá, nhưng lợi nhuận thu được từ sản xuất cây ăn trái vẫn cao gấp 5-10 lần làm lúa, là điều kiện thuận lợi hiếm có cho điều chỉnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, tốc độ phát triển cây ăn trái, mấy năm vừa qua khá sôi động, tăng bình quân 7%/năm. So với năm 2005 thì năm 2006 diện tích cây ăn trái toàn vùng đã tăng thêm hơn 27.000 ha. Năng suất bình quân của trái cây trong vùng đạt hơn 10 tấn/ha. Trong đó, năng suất cây ăn trái đặc sản, nằm trong vùng chuyên canh như cam, xoài đạt bình quân hơn 25 tấn/ha. Năm 2006, khi Việt Nam tham gia vào WTO, trái cây của Việt Nam tham gia vào thị trường thế giới 200 triệu USD, chiếm khoảng 0.2%.
Từ một nền nông nghiệp độc canh lúa, Đồng Bằng Sông Cửu Long đã có một nền nông nghiệp đa canh, đa dạng hóa sản phẩm, có cơ cấu trồng trọt - chăn nuôi hợp lý, đây cũng là yếu tố bảo đảm cho nông nghiệp Đồng Bằng Sông Cửu Long tăng trưởng với tốc độ nhanh và bền vững so với các vùng khác của cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 50.000 ha đất trồng chuyên canh 9 loại cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh cao: Bưởi da xanh, bưởi 5 Roi, cam sành, xoài cát Hoà Lộc, sầu riêng cơm vàng hạt lép 9 Hóa và Ri6, măng cụt, thanh long và vú sữa Lò Rèn với sản lượng trên 360.000 tấn mỗi năm đạt giá trị trên 4.000 tỉ đồng. Đến năm 2010, các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long phấn đấu mở rộng vùng trồng chuyên canh các loại cây ăn quả trên lên 250.000 ha cho sản lượng gần 600.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu từ 35 đến 40 triệu USD.
Có 8 tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là địa bàn trọng điểm có thể qui hoạch xây dựng các vùng sản xuất tập trung mang tính hàng hoá lớn 9 loại cây ăn quả kể trên là: Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang và Cần Thơ. Tỉnh Tiền Giang có gần 70.000 ha đất trồng cây ăn quả chuyên canh tập trung tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Đông... với sản lượng lên đến 700.000 đến 800.000 tấn/năm đã xác định 7 loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao cần được phát huy: vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hoà Lộc, khóm Tân Phước, sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long Chợ Gạo và xơ ri Gò Công. Tỉnh Vĩnh Long cũng đã qui hoạch vùng trồng sầu riêng chất lượng cao gần 2.000 ha tại hai huyện Vũng Liêm và Mang Thít đồng thời có kế hoạch phát triển mạnh diện tích bưởi 5 Roi Bình Minh và cam sành Tam Bình. Đây là những tỉnh đi đầu Đồng Bằng Sông Cửu Long trong việc định hình vùng trồng cây ăn quả chuyên canh có lợi thế cạnh tranh hướng tới xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhằm định hướng phát triển bền vững, giúp nông dân làm giàu đồng thời tạo ra vùng nông sản hàng hóa chất lượng cao có ưu thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo mỗi tỉnh trọng điểm khu vực sông Tiền và sông Hậu cần dựa
vào đặc thù thổ nhưỡng, địa hình, trình độ thâm canh chỉ chọn từ 1 đến 3 giống chủ lực trong số 9 giống cây đã được xác định kể trên. Từ đó có những giải pháp tập trung đầu tư về các mặt vốn liếng, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến,tuyển chọn cây con giống tốt cũng như thành lập các hợp tác xã và tổ hợp tác nhằm giải quyết tốt đầu ra cho nông sản hàng hoá. Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng kỹ thuật xử lý cho cây ra trái trái mùa cũng như bảo quản. Nhà vườn Đồng Bằng Sông Cửu Long xứng đáng là những "nông dân siêu hạng" khi buộc trái cây phải ra trái nghịch mùa, thậm chí có loại còn xuất hiện liên tục trong năm trên thị trường như nhãn, bưởi, cam, sầu riêng... Sức ép vì giá cả khiến nhà vườn đã lập nên được kỳ tích như thế. Và từ trái cây trái mùa giá bán cao gấp 2 –3 lần chính vụ mà nhà làm vườn đều khá giả. So với làm lúa mỗi năm 2 – 3 vụ trên diện tích 1.000 m2 cho thu nhập tối đa 3 – 4 triệu đồng/năm thì cũng diện tích ấy như trồng sầu riêng, cam sành hay bưởi năm roi sẽ cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Đi vào các làng chuyên canh cây ăn quả như cam sành Tam Bình (Vĩnh Long), cù lao Ngũ Hiệp (Tiền Giang) sẽ thấy quang cảnh làng quê khác hẳn: nhà mái ngói đỏ au, đường xá tráng bê tông sạch đẹp, các tiện ích như điện - đường - trường - trạm đầy đủ.
Thông qua sự trợ giúp của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam tại các tỉnh trọng điểm về vườn chuyên canh đã có trên 4.000 lượt hộ nông dân được tập huấn IPM trên cây có múi, hàng trăm cơ sở sản xuất giống cây ăn quả tại Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long được chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống cây ăn quả sạch bệnh. Ngoài ra, nhà vườn còn được tập huấn sản xuất trái cây sạch theo tiêu chuẩn GAP, những giải pháp thâm canh giúp tăng năng suất, sản lượng vừa phù hợp với các tiêu chí an toàn và bảo vệ môi sinh môi trường. Tỉnh Tiền Giang cũng đang triển khai chương trình
"Hỗ trợ toàn diện phát triển cây vú sữa lò rèn giai đoạn 2007-2013" với kinh phí trên 4 tỉ đồng đồng thời qui hoạch vùng trồng vú sữa lò rèn lớn nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long tại 17 xã ven sông Tiền thuộc hai huyện Cai Lậy và Châu Thành với tổng diện tích khoảng 7.000 ha. Như vậy chúng ta đã tổ chức sản xuất đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến nhà vườn, như: kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật chế biến và thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh việc phát triển diện tích trồng các giống cây lợi thế, Chính phủ nước ta đã nhanh chóng xúc tiến việc ký kết các hiệp định kiểm dịch thực vật với các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật để trái cây Việt Nam có thể thâm nhập các thị trường rộng lớn này.
Giá trị xuất khẩu các mặt hàng trái cây của Việt Nam trong các năm vừa qua với kim ngạch không ngừng tăng qua các năm: năm 2004 là 178.8 triệu USD, năm 2005 là 235.5 triệu USD và năm 2006 tăng lên 259 triệu USD. Theo trung tâm thông tin thương mại (Bộ Công thương) thời gian qua giá trị xuất khẩu trái cây trái vụ của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái cao hơn 20% so với giá trị trái cây chính vụ. Nhiều loại trái cây Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc vẫn giữ được ưu thế với sản lượng xuất đạt gần 60 tấn/tuần, tăng 10 tấn/tuần so với tháng trước. Các loại trái cây xuất khẩu nhiều như xoài, sầu riêng, vú sữa, cam sành, măng cụt, na Sài Gòn,… Vài năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu các mặt hàng trái cây của Việt Nam không ngừng tăng lên đã dẫn đến phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long diễn ra mạnh mẽ. Nhiều nhà vườn đã mạnh dạn chuyển diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao. Tính đến thời điểm này, toàn vùng có khoảng 300.000ha cây ăn trái, tăng 22.000ha so với năm 2005. Trong số này có gần 120.000ha trồng cây ăn trái đặc sản như bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng... tập trung ở các tỉnh Vĩnh Long,
Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre. Song song với việc tăng nhanh diện tích vườn, nhu cầu cây giống cũng trở nên cấp thiết. Hiện nay trên thị trường cây giống Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện đang cạnh tranh gay gắt. Nhiều cơ sở phải mở rộng thị trường ra miền Đông, miền Trung, Tây Nguyên... Nếu không chú trọng vấn đề chất lượng, tạo uy tín cho thương hiệu thì khó mà cạnh tranh được. Có nhiều cơ sở sản xuất giống cây đã hạ giá cả giống cây hoặc luôn tìm các giống cây mới, làm tăng sức ép giá lên các giống cây truyền thống. Hiện nay các loại giống mới đưa ra thị trường giá thường cao hơn giá các cây giống truyền thống, giá thường từ 20.000 – 25.000 đồng/cây, trong khi đó giá của cây giống truyền thống chỉ có từ 5.000 – 10.000 đồng/cây. Điều này đã càng khẳng định hơn việc các nhà vườn đã chú trọng đến các giống cây có giá trị kinh tế cao dần loại bỏ những giống cây không có giá trị kinh tế. Hiện trên thị trường các loại giống cây trồng mới có mức giá khá cao: dừa xiêm lùn 20.000 - 25.000 đồng /cây, ổi ruột tím 20.000 đồng /cây, chanh ôtxtrâylia không gai 20.000 đồng /cây, xoài tứ quý 15.000 - 20.000 đồng /cây. Xoài cát Hòa Lộc, mít ruột đỏ, mít nghệ, măng cụt, vú sữa Lò Rèn, vú sữa bơ... dao động từ 8.000 đến 15.000 đồng /cây. Theo dự báo của các cơ sở sản xuất, giá các loại cây giống trong khu vực khá ổn định, riêng sầu riêng, xoài tứ quý, chanh ôtxtrâylia... sẽ được nhà vườn có sự quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.
Từ đầu năm đến nay, cây giống sầu riêng các loại trên thị trường sốt nhẹ. Các loại sầu riêng cơm vàng hạt lép, monthoong, cơm sữa hạt lép... đang được tiêu thụ mạnh, giá dao động 15.000 – 20.000 đồng/cây.
Bên cạnh việc chú trọng giống thì việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trái cây ăn trái cũng đựơc nhà vườn chú ý quan tâm.
Nhìn chung tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đã mang lại kết quả ban đầu rất khả quan. Và
trong tương lai, xu hướng này sẽ càng mở rộng và phát triển theo chiều hướng công nghiệp hoá, hiện đai hoá đất nước. Giải quyết được vấn đề việc làm, nghèo đói, công nghiệp hoá , hiện đại hoá nông thôn nói chung và khu vực nói riêng.