Đẩy mạnh sản xuất và chế biến các sản phẩm có giá trị tăng cao nhằm cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Sản xuất trái cây an toàn là điều đầu tiên các nhà vườn phải quan tâm, không chỉ đối với các sản phẩm dành cho xuất khẩu mà ngay cả các sản phẩm cung cấp cho thị trường nội địa cũng phải an toàn. Sản xuất trái cây phải trên cơ sở áp dụng công nghệ cao, trước hết phải thực hiện quy trình sản xuất theo hướng thực hành nông nghịêp tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu ngay tại thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Trong sản xuất các hộ nông dân cần có sự liên kết để đáp ứng đủ về khối lượng, chất lượng đồng đều, xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, việc sản xuất theo hướng lựa chọn địa điểm, việc sử dụng đất đai, phân bón, nước, phòng trừ sâu bệnh, thu hái đóng góp, tồn trữ, vệ sinh vườn tược và vận chuyển sản
phẩm…, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn cho người sản xuất, bảo vệ môi trường… Các hợp tác xã cần được huấn luyện các kỹ thuật mới về trồng, chăm sóc, nhất là kỹ thuật sau thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặt khác, đẩy mạnh các biện pháp phát triển cây ăn quả, đề ra những chính sách khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ nông dân như mô hình của Metro hỗ trợ hợp tác xã bưởi Năm Roi đạt chứng nhận GAP…
Khi vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), với việc gia nhập thị trường nông sản thế giới có kim ngạch gần 559 tỷ USD/năm, hàng nông sản Việt Nam nói chung và nông sản khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long nói riêng sẽ có cơ hội rất lớn. Tuy nhiên, với tình hình sản xuất như hiện nay, được đánh giá là chỉ số năng lực cạnh tranh đạt bình quân thấp đang đặt ra yêu cầu khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long cần phải tái cấu trúc lại sản xuất để hội nhập. Muốn đưa các sản phẩm trái cây của vùng vào thị trường của các nước thành viên WTO thì phải đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, đóng gói đẹp, giá cả cạnh tranh và hơn hết là chất lượng đảm bảo và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài việc đầu tư hạ tầng và có chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật phù hợp, cụ thể của Đảng, Nhà nước thì vai trò chi phối của doanh nghiệp tiêu thụ nông lâm thủy sản theo định hướng phát triển thương hiệu mạnh, thương hiệu chiến lược của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ lực trong mối liên kết “nhiều nhà” và là cầu nối với Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ nông dân về mọi mặt, chủ động liên kết mở ra những thị trường lớn cả trong và ngoài nước và cả với những đối tác không cùng ngành hàng nhưng cùng phục vụ sản xuất và tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Và người nông dân cũng phải biết chủ động học hỏi, suy nghĩ, tự nâng cao trình độ quản lý, khả năng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chọn cho được doanh nghiệp cùng gắn bó, phát triển.
Trong thời gian tới, đối với cây ăn quả cần chú trọng đến thị trường Châu Á- Thái Bình Dương, trong đó đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật.