Giải pháp về các chính sách pháp luật, quản lý thị trường bất động sản :

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp điều tiết phát triển thị trường bất động sản của Hà Nội (Trang 79 - 82)

II. Các giải pháp điều tiết phát triển thị trường bất động sản của Hà Nội:

5.Giải pháp về các chính sách pháp luật, quản lý thị trường bất động sản :

5.1.Các giải pháp đối với hệ thống pháp luật trong thị trường bất động sản:

- Các văn bản của Chính phủ và các cơ quan chuyên môn có liên quan đến vấn đề bất động sản như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần thể hiện sự chủ động xây dựng và phát triển thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất phải được thực hiện nghiêm ở vùng đô thị và vùng quy hoạch để phát triển đô thị, vì đó là những vùng rất “nhạy cảm” và đem lại giá trị kinh tế cao. Tiếp tục mở rộng quyền cho người sử dụng đất, như các hộ gia đình, cá nhân được phép cho tổ chức nước ngoài thuê đất.

- Tiếp tục cải cách hơn nữa các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, đặc biệt là thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các nhà đầu tư. Ngoài ra cần sớm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về bất động sản bảo đảm đồng bộ, thống nhất, xây dựng hoàn chỉnh khung pháp lý để dễ dàng chuyển bất động sản thành vốn đầu tư.

- Hoàn thành hệ thống đăng ký bất động sản, cấp Giấy chứng nhận về bất động sản thống nhất, minh bạch hoá việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất cũng như tính toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Quy định về hàng hoá bất động sản được tham gia vào thị trường bất động sản.

- Hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý đất đai. Tạo cơ chế thực thi nghiêm pháp luật ở mọi cấp, mọi địa phương, thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật. Các cơ quan chức năng nhà nước phải chịu trách nhiệm đối với các hoạt động như: đo đạc lập bản đồ để xác định được hồ sơ địa chính về đất và danh bạ phải đăng ký bất động sản; theo dõi sự biến động của đăng ký đất đai và cập nhật các thay đổi; làm các thủ tục về xác nhận quyền sử dụng đất đai cho người sử dụng đất; giám sát kiểm tra việc sử dụng đất và thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật; thẩm định giá đất, tính thuế và quản lý về vấn đề xây dựng.

- Đẩy mạnh công tác lập kế hoạch phát triển thị trường bất động sản, Thành phố phải có chương trình, kế hoạch phát triển bất động sản hàng năm

cũng như trong trong từng thời kỳ 5 năm, 10 năm phù hợp với điều kiện cụ thể và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới đăng ký, thế chấp bất động sản nhằm khai thác khả năng huy động vốn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; ban hành quy định để đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng cho vay thế chấp bất động sản, đồng thời có chính sách hợp lý để khuyến khích người dân tham gia vay vốn ngân hàng để tạo lập nhà ở, khuyến khích phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

- Cần sớm hoàn thành hệ thống đăng ký bất động sản, cấp giấy chứng nhận về bất động sản thống nhất, công khai, minh bạch, được tin học hoá để tạo bước ngoặt trong cải cách thủ tục hành chính, người dân có điều kiện giám sát việc thực thi pháp luật, có công cụ tích cực chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quản lý đất đai, minh bạch hoá việc Nhà nước giao đất, cho thuê đất cũng như việc tính toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giúp giải quyết triệt để tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.

- Tăng cường năng lực và hiệu lực bộ máy quản lý Nhà nước về thị trường BĐS theo hướng kết hợp với chủ trương cải cách hành chính, ưu tiên cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm năng lực quản lý của cán bộ công chức nhà nước cũng như đối với nguồn nhân lực của các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh BĐS. Nâng cao trình độ và đạo đức của cán bộ quản lý, lập lại kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đất đai, nâng cao trách nhiệm của cán bộ quản lý.

- Đảm bảo có hệ thống quản lý, điều hành thị trường bất động sản đồng bộ từ TW tới địa phương; tăng cường công tác nghiên cứu dự báo và đưa các chỉ tiêu phát triển thị trường BĐS thành chỉ tiêu hàng năm trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

- Bảy là, cần tạo cơ chế thực thi nghiêm pháp luật ở mọi cấp, mọi địa phương, thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Đôn đốc triển khai các dự án, kiên quyết thu hồi các đất nền mà người mua đầu cơ găm giữ không xây dựng chờ lên giá để chuyển nhượng kiếm lời.

5.2. Giải pháp phát triển sàn giao dịch bất động sản:

- Sớm nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, cấp chứng chỉ về môi giới, định giá và quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản theo hướng khuyến khích nhiều tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia trong lĩnh vực này.

- Hoàn thiện và mở rộng sàn giao dịch bất động sản để nó thực sự trở thành điểm hội tụ của các nhà đầu tư phát triển thị trường bất động sản, các nhà kinh doanh bất động sản và người tiêu dùng, góp phần lành mạnh hoá thị trường bất động sản.

- Hoàn thiện cơ chế chế bán bất động sản qua sàn hoặc trung tâm giao dịch để mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu đều dễ dàng tiếp cận và tham gia. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các hoạt động giao dịch bất động sản nhằm đảm bảo thực hiện quy định mỗi hàng hóa bất động sản có từ 2 người mua trở lên phải bán theo phương thức đấu giá cạnh tranh.

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức của thị trường, bao gồm tạo lập mới các tổ chức cho thị trường BĐS như sàn giao dịch BĐS, tổ chức định giá BĐS, tổ chức tư vấn pháp lý BĐS, tổ chức bảo hiểm BĐS, hệ thống thông tin BĐS và hoàn chỉnh lại các tổ chức có sẵn như tổ chức môi giới BĐS, các định chế tài chính tham gia thị trường bất động sản, các tổ chức kinh doanh bất động sản, tổ chức dịch vụ công...

5.3. Giải pháp minh bạch hoá thông tin:

- Cần đẩy mạnh công khai, minh bạch các thông tin để ổn định thị trường bất động sản. Muốn vậy cần quy định rõ thời gian và địa điểm công khai quy hoạch, công khai dự án để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bình đẳng và dễ dàng tiếp cận các dự án phát triển bất động sản, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm tăng cung cho thị trường.

- Thực hiện nghiêm quy định bắt buộc các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất tại các dự án phải thông qua sàn giao dịch BĐS để mọi đối tượng có nhu cầu tiếp cận trực tiếp các thông tin mua bán.

- Tổ chức tốt hệ thống cung cấp thông tin về bất động sản theo nguyên tắc công khai, minh bạch, trung thực và quy định bắt buộc việc công khai thông tin về thị trường bất động sản trên các kênh thông tin theo quy định để góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản.

- Công khai các thủ tục dịch vụ công liên quan đến việc đăng ký, xác lập quyền sở hữu, chuyển dịch sở hữu, mua bán bất động sản, sao lục hồ sơ bất động sản, giao đất, cho thuê đất...

- Cần công khai hóa địa điểm, quy mô, các chỉ tiêu về kiến trúc, mật độ xây dựng, chiều cao công trình và công năng sử dụng công trình của các dự án trong nội thành, nhất là tại khu phố cổ, phố cũ và trên trục tuyến giao thông chính.

Một phần của tài liệu Thực trạng và giải pháp điều tiết phát triển thị trường bất động sản của Hà Nội (Trang 79 - 82)