Phân loại tuyến trùng ký sinh thực vật

Một phần của tài liệu KHẢ NĂNG KIỂM SOÁT TUYẾN TRÙNG BƯỚU RỄ CÂY HỒ TIÊU CỦA CHẾ PHẨM NEMAITB Ở NHÀ LƯỚI VÀ BƯỚC ĐẦU THỬ NGHIỆM TẠI ẤP BẦU TRƯ, XÃ AN BÌNH, HUYỆN PHÚ GIÁO, BÌNH DƯƠNG (Trang 29 - 33)

Theo động vật chí Việt Nam, dựa vào các đặc điểm cấu tạo hình thái, giải phẫu và tính chất ký sinh ở thực vật thì tuyến trùng ký sinh thực vật gồm có 4 nhóm liên quan đến 4 bộ tuyến trùng:

- Nhóm tylench bao gồm phần lớn các loài tuyến trùng của bộ Tylenchida (chỉ trừ một số loài tuyến trùng họ Tylenchidae);

- Nhóm aphelen bao gồm một số loài thuộc họ Aphelenchoidae bộ Aphelenchida;

- Nhóm longidorid bao gồm các loài thuộc họ Longidoridae bộ Dorylaimida; - Nhóm trichodorid bao gồm các loài thuộc họ Trichodoridae của bộ Triplonchida.

Trong các nhóm trên thì tylench là nhóm tuyến trùng ký sinh đông đảo nhất và có tầm quan trọng nhất trên phạm vi toàn thế giới

Ngoài ra, một số nhóm tuyến trùng khác như Aphelenchus, Paraphelenchus là các nhóm tuyến trùng có liên quan đến thực vật nhưng vai trò ký sinh của chúng chưa được xác định rõ [6].

1.2.3 Tuyến trùng ký sinh thực vật (plant-parasitic nematodes)

Tuyến trùng ký sinh ở thực vật chủ yếu sống trong đất và có quan hệ chặt chẽ với thực vật (vật chủ) đang phát triển. Chúng ký sinh và sống ở tất cả các phần của thực vật như rễ, thân, lá, và các hoa của thực vật đang phát triển. Chúng có những tập quán dinh dưỡng rất khác nhau: dinh dưỡng trên bề mặt những mô ngoài của thực vật

hoặc thâm nhập vào bên trong để ký sinh cây chủ tạo ra những nguồn dinh dưỡng phù hợp tại nơi chúng ký sinh. Chúng có thể gây ra nhiều biến đổi về cơ học cũng như về sinh lý, sinh hóa bất lợi đối với thực vật chủ. Do quá trình châm chích, di chuyển và dinh dưỡng trên cơ thể thực vật tuyến trùng ký sinh thường gây ra tổn thương cơ học như phá hủy mô, tạo ra các vết thương bề mặt và bên trong thân và rễ thực vật. Các quá trình sinh lý của thực vật như hút các chất khoáng trong đất, vận chuyển chất dinh dưỡng và khả năng quang hợp bị biến đổi hoặc bị phá hủy. Các biến đổi về sinh hóa thực vật do tuyến trùng ký sinh tiết ra các men tiêu hóa làm thay đổi các quá trình sinh hóa bình thường của cây. Ngoài tác hại trực tiếp như trên, tuyến trùng còn tạo điều kiện hoặc liên kết, tương hỗ với các tác nhân gây bệnh khác như nấm, vi khuẩn và virus, gây nên các bệnh khác nhau cho thực vật. Triệu chứng gây hại của một số tuyến trùng có thể dễ dàng quan sát được ở rễ, thân cây hoặc ở các phần trên mặt đất khác như lá và hoa.

Tuyến trùng bướu rễ là một đại diện cho nhóm tuyến trùng ký sinh thực vật. Tuyến trùng bướu rễ hay còn gọi tuyến trùng nốt sưng rễ (Meloidogyne sp.) được xem là loài gây hại phổ biến trên nhiều loài cây trồng. Quá trình ký sinh và gây bệnh của nhóm tuyến trùng này chỉ xảy ra trong bộ rễ của cây trồng. Tuyến trùng bướu rễ thường tạo từng bướu riêng lẽ hoặc từng chuỗi, làm giảm chiều cao cây, chiều dài rễ, cây có thể bị suy yếu và có thể bị chết ở thời kỳ cây con. Tuyến trùng bướu rễ giữ vai trò chủ đạo tạo ra vết thương cơ giới để mở đường thuận lợi hơn cho nấm và vi khuẩn xâm nhiễm tiếp theo và làm cây chết nhanh chóng với những triệu chứng hỗn hợp. Tuyến trùng bướu rễ giữ vai trò lan truyền cho các bệnh do vi sinh vật gây ra nhất là vào thời điểm cây lớn. Thực tế khi điều tra trên đồng ruộng thường bắt gặp cả hai triệu chứng bệnh hại cùng một lúc: một, rễ có bướu do tuyến trùng bướu rễ M.incognita; hai, do nấm gây bệnh như: Phytophthora parasitica var. nicotiana gây bệnh đen thân thuốc lá hoặc nấm Fusarium oxysporum gây bệnh héo vàng hoặc vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây bệnh héo xanh.

1.2.4 Hình thái và cấu tạo tuyến trùng thực vật

Về hình thái

Tuyến trùng thực vật có kích thước thân nhỏ bé: 0,5-5mm, nhỏ nhất là loài

Greeffiella minutum, cơ thể dài 82 µm, đa số dưới 2mm. Hầu hết tuyến trùng khi thân cắt ngang bao giờ cũng có hình tròn không chia đốt, có dạng sợi chỉ hay hình thoi, không có phần phụ nào để di chuyển. Các loại tuyến trùng ít hoạt động có hình cầu và quả lê, những nhóm này ít hơn nhiều.

Tylenchulus (hình quả lê) Helicotylenchus (dạng giun/xoắn)

Pratylenchus (dạng giun) Heterodera (hình quả chanh)

Hirschmanniella (hình giun/dài) Meloidogyne (hình cầu/bầu)

Về cấu tạo

Thân thể tuyến trùng được chia làm ba phần: - Phần đầu: có đầu và yết hầu.

- Phần giữa: chứa ruột giữa và các tuyến sinh dục.

- Phần đuôi: bắt đầu từ hậu môn. Hình dáng của đuôi là một đặc điểm quan trọng để phân loại tuyến trùng.

Vách thân tuyến trùng gồm 3 lớp: lớp cutin tương đối bền vững và có thể co giãn, trên vỏ cutin có các lỗ của hệ tiêu hóa, sinh dục, bài tiết, một số các lỗ khác của các cơ quan tiết hoặc thụ cảm khác nhau. Phía bên trong gắn với vỏ cutin là hạ bì và hệ cơ soma.

Bên trong thành cơ thể là xoang cơ thể chứa các tế bào khác nhau như hệ tiêu hóa và hệ sinh sản, mà thực chất là giả xoang, không được bao bọc bằng cấu trúc biểu mô và nó được tạo áp lực thường xuyên làm cho cơ thể tuyến trùng luôn ở trạng thái căng phồng lên nhờ áp lực này làm giảm tác động lên cơ soma và cho phép tuyến trùng di chuyển được.

Hệ thống thần kinh trung ương cũng liên quan rất chặt chẽ với vách thân. Hệ thần kinh của tuyến trùng gồm các bó thần kinh chạy dọc theo thân và được các vòng dây thần kinh nối liền với nhau.

Bộ máy tiêu hóa của tuyến trùng thực vật gồm ống ruột, bắt đầu từ miệng và kết thúc ở hậu môn nằm về phía bụng.

Tuyến trùng hại cây là những động vật phân giới rất rõ rệt. Bộ phận sinh dục của con cái và đực rất khác nhau. Hiện tượng lưỡng tính rất ít gặp. Bộ phận sinh dục của tuyến trùng gồm 2 ống cùng một lỗ dẫn chung ra ngoài. Con cái có lỗ sinh dục ở giữa thân, con đực ở ruột dưới.

Hình 1.5 Hình ảnh cấu tạo tuyến trùng đực và cái.

Một phần của tài liệu KHẢ NĂNG KIỂM SOÁT TUYẾN TRÙNG BƯỚU RỄ CÂY HỒ TIÊU CỦA CHẾ PHẨM NEMAITB Ở NHÀ LƯỚI VÀ BƯỚC ĐẦU THỬ NGHIỆM TẠI ẤP BẦU TRƯ, XÃ AN BÌNH, HUYỆN PHÚ GIÁO, BÌNH DƯƠNG (Trang 29 - 33)