Định hướng xây dựng thị trường điện cạnh tranh

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện cơ chế tài chính của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (Trang 60 - 63)

Từ kinh nghiệm thực tế trong triển khai xây dựng thị trường điện cạnh tranh, các nghiên cứu gần đây của EVN, các Bộ ngành và Luật Điện lực vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa IX, EVN chủ trương xây dựng thị trường điện với mức độ cạnh tranh từ thấp đến cao tuỳ thuộc vào quy mô phát triển, trình độ quản lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và pháp lý cho hoạt động của thị trường.

Thị trường điện giai đoạn 1 là bước đi đầu tiên trong quá trình xây dựng thị trường điện ở Việt Nam nhằm đưa cạnh tranh vào khâu phát điện, phù hợp với điều kiện thực tế của hệ thống điện Việt Nam. Do vậy, thị trường điện phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Đảm bảo cung cấp điện an toàn của hệ thống điện, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra cho hệ thống khi dự phòng hệ thống thấp.

- Thúc đẩy cạnh tranh giữa các nhà máy điện nhằm mục tiêu giảm thiểu chi phí sản xuất điện và tạo động lực thúc đẩy các thành phần ngoài EVN tham gia đầu tư xây dựng nguồn điện mới.

- Luật lệ của thị trường rõ ràng, minh bạch, công bằng giữa các thành viên tham gia thị trường, phù hợp với các văn bản quy định của Nhà nước.

- Thị trường có tính mở, các luật lệ và cơ chế có thể được sửa đổi nhằm nâng cao dần tính cạnh tranh phù hợp với tình hình thực tế của hệ thống và làm nền tảng cho các giai đoạn phát triển sau của thị trường.

Qua kinh nghiệm phổ biến của các nước trên thế giới, các nghiên cứu gần đây về thị trường Điện lực Việt Nam, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước, mô hình thị trường điện giai đoạn 1 lựa chọn là:

- Mô hình một người mua có cho phép cơ chế truyền tải hộ TPA (third party access): Theo mô hình này, EVN sẽ là người mua điện từ các nhà máy điện trong hệ thống thông qua thị trường bằng nhiều hình thức, như hợp đồng dài hạn, trung hạn hoặc chào giá qua thị trường ngày tới.

- Các nhà máy điện được phép bán điện trực tiếp cho toàn bộ khách hàng mua điện trên một khu vực địa lý nhất định. Nhà máy phải trả cho EVN chi phí truyền tải, phân phối và điều độ.

Dự kiến cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của các thành viên tham gia thị trường như sau:

* Cơ quan điều tiết: Cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp theo dõi, quản lý các hoạt động của thị trường, phê duyệt hoặc sửa đổi các văn bản pháp lý của thị trường. * Người mua duy nhất: EVN.

* Cơ quan vận hành hệ thống: Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia.

* Cơ quan vận hành thị trường điện: Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia đảm nhận chức năng này.

* Các nhà máy điện: Bao gồm các nhà máy có công suất từ 10 MW trở lên trong và ngoài EVN đều phải tham gia thị trường điện (trừ các nhà máy điện đã ký hợp đồng mua bán điện dài hạn với EVN trước ngày hình thành thị trường điện).

Các giao dịch điện năng trên thị trường chia ra thành hai loại: giao dịch thông qua hợp đồng có thời hạn và giao dịch trên thị trường ngày tới (day ahead): a) Giao dịch thông qua hợp đồng có thời hạn: Được thực hiện bằng các hợp đồng song phương giữa người mua duy nhất và các nhà máy điện và giao dịch TPA. Tổng giao dịch phi tập trung chiếm từ 85% đến 95% tổng giao dịch năng lượng trên thị trường. Các hợp đồng được chia thành các loại: hợp đồng dài hạn, hợp đồng ngắn hạn và hợp đồng trao đổi thuỷ điện - nhiệt điện:

+ Hợp đồng dài hạn (trên 1 năm): Các đối tượng tham gia gồm các nhà máy thủy điện được thiết kế đa mục tiêu, các nhà máy điện đóng vai trò quan trọng, đảm bảo an ninh hệ thống; các nhà máy điện BOT, IPP đã ký hợp đồng mua bán điện dài hạn (>1 năm); các nhà máy điện trong hệ thống có giá thành sản xuất rẻ (thực hiện theo hình thức đàm phán tự nguyện).

+ Hợp đồng trung hạn (1 năm): Dành cho tất cả các nhà máy điện trong hệ thống, trừ các nhà máy điện đã ký hợp đồng dài hạn với EVN. Việc lựa chọn các nhà máy ký hợp đồng trung hạn thực hiện thông qua quy trình chào giá cạnh tranh hằng năm.

+ Hợp đồng trao đổi thuỷ điện - nhiệt điện: Là dạng hợp đồng phụ có thời hạn ngắn. Mục tiêu của dạng giao dịch này là khai thác tối đa sản lượng của các nhà

máy thuỷ điện trong các năm nước về nhiều hơn so với dự kiến và tiết kiệm các nguồn tài nguyên không tái tạo của Quốc gia, như than, dầu, khí ...

Nguyên tắc thực hiện: EVN sẽ mua thêm sản lượng của các nhà máy thuỷ điện trong những năm nước về nhiều, giảm sản lượng điện phát của các nhà máy nhiệt điện có giá thành cao hơn. EVN sẽ thương thảo với các nhà máy điện về giá điện mua thêm từ các nhà máy thuỷ điện và giá bù cho phần sản lượng/công suất không được khai thác của các nhà máy nhiệt điện.

+ Đối với giao dịch TPA: Cơ chế này dành cho các nhà máy điện ngoài EVN. Các nhà máy điện này được phép bán điện trực tiếp cho tất cả khách hàng tại một khu vực hành chính nhất định, như quận huyện, thông qua lưới truyền tải và phân phối của EVN. Phí dịch vụ truyền tải, phân phối và nghĩa vụ tham gia hoạt động công ích sẽ do Bộ Công nghiệp quy định.

b) Thị trường ngày tới

Thị trường điện ngắn hạn trong giai đoạn đầu là thị trường ngày tới (day ahead). Các đối tượng tham gia các giao dịch này bao gồm:

- Các nhà máy điện chưa ký hợp đồng mua bán điện trung/dài hạn với EVN. - Các nhà máy đã ký hợp đồng trung/dài hạn cũng được phép chào phần công suất và sản lượng dư thừa sau khi thực hiện xong các cam kết qua hợp đồng đã ký.

- Các nhà máy điện tham gia chào giá và công suất sẵn sàng cho từng giờ của ngày tiếp theo. Dự kiến mỗi nhà máy nhiệt điện sẽ được chào giá ứng với 5 mức công suất khác nhau và các nhà máy thuỷ điện sẽ chỉ chào một mức giá cho các giờ của ngày hôm sau. Căn cứ vào bảng chào của các nhà máy, dự báo phụ tải ngày, điều kiện kỹ thuật của các tổ máy, giới hạn công suất truyền tải trên đường dây, sản lượng/công suất của các nhà máy đã ký hợp đồng dài hạn và trung hạn, cơ quan điều hành thị trường điện sẽ tiến hành xếp lịch huy động các nhà máy. Cơ quan vận hành hệ thống căn cứ vào phương thức huy động do cơ quan vận hành thị trường điện cung cấp, với sự trợ giúp của hệ thống SCADA/EMS, để điều độ hệ thống đáp ứng nhu cầu của phụ tải, đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Trong giai đoạn đầu tính toán thực hiện mua dịch vụ điều khiển tần số và vô công thông qua các hợp đồng dài hạn, chủ yếu là mua từ các nhà máy của EVN. Chi phí mua sẽ phân bổ đều cho các nhà máy tham gia thị trường theo tỷ lệ sản lượng điện mà các nhà máy phát vào hệ thống.

Trong giai đoạn tiếp theo, tính toán mua tiếp dịch vụ mua các loại dự phòng công suất và khởi động đen.

Để triển khai xây dựng thị trường điện cạnh tranh giai đoạn 1, EVN phải khẩn trương tiến hành hàng loạt các biện pháp đồng bộ, như xây dựng hệ thống các văn bản pháp lý trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét phê duyệt, xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin máy tính của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia và các thành viên tham gia thị trường, thuê chuyên gia nước ngoài để tư vấn xây dựng thị trường điện.

Xây dựng thị trường điện cạnh tranh là một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của EVN và các doanh nghiệp kinh doanh điện năng khác. Đây là bước chuẩn bị tích cực cho các doanh nghiệp từng bước tham gia hội nhập vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Được sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Công nghiệp cùng với sự quyết tâm của Lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên trong ngành điện, việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh ở nước ta chắc chắn sẽ thành công, tạo bước đột phá trong công tác sản xuất kinh doanh của ngành Điện.

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện cơ chế tài chính của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)