Phát triển thị trường thứ cấp TPCP

Một phần của tài liệu Tăng cường huy động vốn TDNN cho NSNN và cho ĐTPT qua việc phát hành TPCP.pdf (Trang 63 - 66)

- Phương thức bảo lãnh phát hành

3.2.5 Phát triển thị trường thứ cấp TPCP

Thị trường thứ cấp là nơi giao dịch các loại chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp, là nơi tạo ra tính thanh khoản cao của chứng khoán đã phát hành. Hoạt động của thị trường thứ cấp không làm tăng thêm vốn đầu tư cho nền kinh tế, tuy nhiên nó có vai trò thúc đẩy thị trường sơ cấp hoạt động có hiệu quả và phát triển. Vì vậy, để tăng cường huy động vốn TPCP cho NSNN và cho ĐTPT trên thị trường sơ cấp, thì điều quan trọng là TPCP phải được đưa ra giao dịch trên một thị trường có tổ chức và thực sự thanh khoản. Từ thực trạng của thị trường phát hành TPCP đã trình bày ở chương II, thì tính thanh khoản thấp của TPCP là trở ngại lớn nhất của sự phát triển thị trường TPCP. Để phát triển thị trường thứ cấp, tạo tính thanh khoản của TPCP nhằm thúc đẩy công tác huy động vốn TPCP trên thị trường sơ cấp cần giải quyết một số vấn đề sau đây :

- Thành lập và triển khai hoạt động thị trường giao dịch phi tập trung (OTC) :

TPCP đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật ngoài việc được niêm yết và giao dịch tại TTGDCK còn được giao dịch trên thị trường OTC, giá cả và khối lượng của các món giao dịch đều được thực hiện trên cơ sở thoả thuận giữa các tổ chức kinh doanh trái phiếu. Đối với các loại TPCP chưa đáp ứng được các điều kiện để được niêm yết giao dịch trên TTGDCK sẽ được giao dịch mua bán trên thị trường OTC, ở đây TPCP được mua bán trực tiếp giữa các công ty Chứng khoán, nhà đầu tư và chủ sỡ hữu trái phiếu. Theo kinh nghiệm tổng kết từ một số TTCK của các nước phát triển, thì TPCP chủ yếu được giao dịch qua thị trường OTC. Như

vậy việc thành lập các công ty Chứng khoán và thị trường giao dịch phi tập trung (OTC) đã trở thành một yêu cầu bức xúc hiện nay. Vì vậy, cần sớm triển khai thành lập thị trường giao dịch phi tập trung cùng với việc xây dựng khuôn khổ pháp lý và cơ chế hoạt động cho thị trường này.

- Phát triển mạng lưới các nhà đầu tư, các tổ chức chuyên môn hoá nghiệp vụ môi giới, tư vấn đầu tư, kinh doanh chứng khoán :

Theo kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, muốn phát triển mạnh mẽ thị trường TPCP điều đặc biệt quan trọng là phải phát triển các nhà đầu tư có tổ chức, bao gồm các công ty Chứng khoán, NHTM, công ty Bảo hiểm, Quỹ đầu tư… Đối với các nhà đầu tư là cá nhân, việc mua TPCP thường nhằm mục đích chủ yếu là hưởng lãi ổn định, nhu cầu mua bán là ít. Đối với các nhà đầu tư có tổ chức, việc mua bán trái phiếu còn có mục đích tăng khối lượng quản lý tài chính hoặc tài sản trong danh mục đầu tư, được tham gia hoạt động trên TTCK. Thông qua hoạt động kinh doanh của mình, các nhà đầu tư có tổ chức còn đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường, nâng cao tính thanh khoản và thúc đẩy hoạt động thị trường thứ cấp phát triển. Vì vậy, trong thời gian tới cần đặc biệt quan tâm phát triển các nhà đầu tư có tổ chức, tạo môi trường thuận lợi cho việc hình thành các Quỹ đầu tư ; có cơ chế cho phép các Quỹ đầu tư được sử dụng vốn linh hoạt trong việc đầu tư vào chứng khoán và TPCP. Đồng thời, trong điều kiện Việt Nam, tiềm lực vốn của các nhà đầu tư nói chung còn nhỏ bé, vì vậy cần có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tạo cho họ một sân chơi bình đẳng, phù hợp với thông lệ quốc tế và chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Cần nhanh chóng thành lập Hiệp hội chứng khoán và sớm ban hành cơ chế quản lý, giám sát hoạt động của các công ty Chứng khoán, khuyến khích mở rộng quan hệ hợp tác, phối hợp hoạt động, cung cấp thông tin, bảo đảm kinh doanh trung thực, lành mạnh.

- Cải tiến và hoàn thiện cơ chế giao dịch TPCP trên thị trường thứ cấp :

Đây được coi là một giải pháp hết sức quan trọng nhằm tạo điều kiện cho TPCP được giao lưu thông thoáng và tăng dần độ hấp dẫn trên thị trường thứ cấp, giải toả tình trạng đóng băng một bộ phận đáng kể nguồn vốn trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng và nhu cầu huy động vốn cho nền kinh tế.

Trong điều kiện hiện nay, khi thị trường chứng khoán chưa phát triển, ngoài quy định hiện hành tại Nghị định số 48/CP ngày 11/7/1998 của Chính phủ về chứng

khoán và TTCK, để mở rộng phạm vi giao dịch và tăng tính thanh khoản của TPCP cần chú ý giải quyết một số vấn đề sau đây :

Thứ nhất, tăng khối lượng phát hành các loại TPCP đủ tiêu chuẩn niêm yết và giao dịch trên TTCK. TPCP với lợi thế cơ bản là độ an toàn cao, muốn được niêm yết và giao dịch thuận lợi trên thị trường chứng khoán phải đảm bảo được ba điều kiện : trái phiếu không được ghi tên ; số lượng phát hành lớn và có mệnh giá nhỏ để thực hiện việc mua bán, giao dịch theo lô (mỗi lô có thể là 100, 200 hoặc 1.000 trái phiếu) ; chỉ được lưu ký loại trái phiếu trung hạn và dài hạn. Các loại TPCP bảo đảm được các yêu cầu trên, dù nó được phát hành ở đâu đều được đăng ký, niêm yết giao dịch trên TTGDCK.

Thứ hai, thực hiện các thoả thuận mua lại (REPO) đối với TPCP trung và dài hạn. Trong những trường hợp cần thiết, người mua và người bán có thể thoả thuận mua bán lại trái phiếu, theo đó nhà phát hành đồng ý mua lại số trái phiếu đã qua giao dịch với mức giá đã được thoả thuận trước. REPO đã được phổ biến rộng rải trên các thị trường vốn phát triển, nhằm tạo ra tính thanh khoản cao cho các loại TPCP, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sử dụng linh hoạt nguồn vốn ngắn hạn, góp phần ổn định và phát triển thị trường TPCP.

Thứ ba, về cơ chế thanh toán bù trừ và lưu ký TPCP : nhằm tạo điều kiện cho công tác huy động vốn cũng như các hoạt động giao dịch trên thị trường thứ cấp được thuận tiện, nhanh chóng cần thành lập công ty lưu ký và thanh toán bù trừ độc lập, trên cơ sở tách nghiệp vụ lưu ký và thanh toán bù trừ ra khỏi TTGDCK.

Thực hiện việc miễn giảm phí giao dịch, lưu ký chứng khoán qua TTGDCK. Mức thu phí đối với các giao dịch mua bán trái phiếu qua TTGDCK theo quy định hiện nay 0,075% là quá cao. Trước mắt, Chính phủ nên có chính sách miễn giảm các khoản phí giao dịch trên thị trường thứ cấp. Khi thị trường thứ cấp đã phát triển, nếu có thu phí cũng cần nghiên cứu kỹ mức thu như thế nào cho phù hợp nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thị trường.

Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh mua bán TPCP : Cho phép mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền mua TPCP ; tháo gở quy định khống chế tỷ lệ mua trái phiếu của nhà đầu tư nước ngoài (liên quan đến Quyết định số 139/1999/QĐ-TTg ngày 10/6/1999 của Thủ tướng Chính phủ) ; cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng TPCP (cả ngắn hạn và dài hạn) để chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố vay tái cấp vốn tại NHNN.

Miễn giảm, ưu đãi thuế đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán. Hiện nay theo Quyết định số 39/2000/QĐ-TTg ngày 27/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ, thì chỉ có các đối tượng là cá nhân mới được miễn thuế thu nhập đối với các khoản lãi TPCP. Để phát triển thị trường thứ cấp trong giai đoạn còn sơ khai, Nhà nước cần thực hiện chính sách ưu đãi miễn thuế thu nhập cho tất cả mọi đối tượng đầu tư vào TPCP cho đến khi thị trường tương đối phát triển.

Một phần của tài liệu Tăng cường huy động vốn TDNN cho NSNN và cho ĐTPT qua việc phát hành TPCP.pdf (Trang 63 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)