Sự cô đơn, bất lực của người trí thức

Một phần của tài liệu số phận tinh thần của con người trong tác phẩm của nam cao (Trang 56 - 61)

CHƯƠNG 2: VẤN ĐỀ SỐ PHẬN TINH THẦN TRONG TÁC PHẨM NAM CAO

2.2.2.2. Sự cô đơn, bất lực của người trí thức

Sự chuyển mình từ cái vô ngã sang hữu ngã ở con người là một bước ngoặt rất lớn, là đề tài độc đáo cho những cây bút giai đoạn 1930 - 1945 khai phá và thể hiện. Đặc biệt là các nhà văn nhà thơ thuộc trào lưu lãng mạn quan tâm sâu sắc đến cái tôi - cá nhân. Mà một trong những đặc điểm nổi bật của cái tôi cá nhân là sự cô đơn. Cô đơn vì nền tảng xã hội mong manh, không nơi bám víu. Với các nhà văn lãng mạn, con người trí thức cô đơn sẽ chạy trốn vào trong tình yêu như Nhung - Nghĩa - Lạnh lùng (Nhất Linh), Tuyết - Chương - Đời mưa gió(Khái Hưng - Nhất Linh). . . hay dấn thân vào con đường gió bụi mơ hồ như Dũng - Đoạn tuyệt - Đôi bạn (Nhất Linh), Lộc - Nửa chừng xuân (Khái Hưng). . .Còn Nam Cao lại đi theo hướng khác, ông nhận ra nỗi đau rất lớn của người trí thức là cô đơn giữa đồng loại, thiếu thốn về vật chất, đau khổ về tinh thần. Dù chỉ là một lát cắt hay đời sống tinh thần của cả một đời người đều được nhà văn thể hiện rất sâu sắc. Ông thấu hiểu

nỗi cô đơn của người trí thức. Tuy sống giữa cộng đồng nhưng họ vẫn cô đơn. Đó là những cuộc sống đời thường đơn điệu. Con người bị thắt chặt bởi chuyện cơm áo, những lo toan vụn vặt. Và chính trong điều kiện sống chật vật đó, ai lo phận nấy, nhiều lúc con người vô tâm với nhau đến tàn nhẫn. Nhân vật “tôi” (Điếu văn) thừa nhận cuộc sống đã cuốn mình đi nên nhiều lúc không nhớ người bạn nối khố “Óc tôi chẳng còn một phút nào được rảnh

rang để nhớ đến những người bạn khổ sở thời thơ ấu. . .” [1, tập 1, 437]. Hay nhân vật

Hoàng (Đôi mắt) chỉ mãi chăm chút cho cuộc sống vật chất và “tiếng tăm” của mình mà cuộn mình lại, nhìn những người xung quanh chỉ thấy họ dốt nát, tham lam, ích kỷ và bần tiện. Nên trong lúc kháng chiến đang diễn ra sôi sục thì Hoàng lại sống tản cư an nhàn và giao du với “. . .bằng ấy thứ cặn bã của giới thượng lưu trí thức” [1, tập 2, 472] không hiểu biết gì về văn chương – “Anh chẳng ưa gì bọn họ vì họ chẳng biết gì đến văn chương nghệ

thuật, chỉ tổ tôm là giỏi. Nói chuyện với họ chán phè.” [1, tập 2, 470]. Hoàng sống trong

niềm vui gượng với vợ con. Bởi giờ đây, giữa Hoàng và người bạn văn đã có một khoảng cách, Độ không thể nói ra những ý nghĩ thật của mình về người nông dân và cuộc kháng chiến, và mục đích của cuộc viếng thăm này. Cần biết bao một người bạn tâm giao nhưng dường như trong nhịp sống ấy con người trí thức không đạt được điều đó. Giữa họ khó mà tìm được sự đồng điệu của tâm hồn, dù cùng là bạn văn chương. Hộ không tìm được sự đồng cảm về niềm đam mê nghệ thuật và khát vọng sáng tác ở những người bạn văn. Trong khi Hộ say sưa nói về văn chương nghệ thuật, ao ước viết được một tác phẩm đoạt giải Nobel thì Trung và Mão đã cười những cái cười nghi ngờ “Trung gật gù cười, vẫn cái cười lặng lẽ của y. Mão thì cười hô hố.” [1, tập 1, 614]. Còn Điền (Nước mắt) có cái cảm giác trống trải, cô đơn khi đi đến đâu cũng bắt gặp cái nhìn ngạc nhiên, giễu cợt ở nhà trạm cũng như ở nhà dây thép tỉnh. Người đội trạm Quỳnh Nha ngạc nhiên và có lẽ cả chút lòng khinh khi thấy Điền chỉ là một người nghèo kiết xác. Và người thư ký nhà dây thép tỉnh cục cằn với Điền bởi nhìn thấy cái bộ dạng cà tàng của hắn. . . Điền tưởng có thể oà khóc được vì lòng khinh của con người đối với nhau. Lòng Điền cực lắm. Để rồi sau đó ngẫm lại Điền thây thương những người trí thức kia biết bao. Hẳn là họ cũng có một gia đình túng thiếu như mình, lúc nào óc cũng đầy những lo toan tạp nhẹp thì còn đâu để nghĩ đến người khác mà cảm thông, chia sẻ. Bước ra xã hội, mỗi người trí thức ôm khư khư lấy nỗi cô đơn trong lòng. Bởi vì một lý do nào đó họ không thể bộc bạch, chia sẻ cùng nhau. Khi quay về với gia đình, họ lại càng rơi vào trạng thái cô đơn sâu hơn. Thứ nhất, sống trong cảnh túng quẫn nên dù rất thương nhau nhưng ai cũng thấy mình khổ quá. Người vợ thấy mình khổ quá vì

suốt ngày phải đầu tắt mặt tối, không lúc nào rảnh tay rồi đâm ra gắt gỏng, cạu nhạu. (Bài học quét nhà, Nước mắt, Cười. . .). Những đứa trẻ trở thành nơi cho người lớn trút những cơn bực bội. Ngược lại người chồng cũng thấy mình khổ nhất, bao nhiêu thứ phải lo cho vợ con, vậy mà chẳng lúc nào được yên thân. Điền (Nước mắt) giận đến sôi người trước những lời trách móc, giận dỗi của vợ. Lẽ ra thị nên chia sẻ với những nỗi khổ mà hắn phải chịu suốt cả ngày trời, đằng này thị lại chì chiết hắn “ Quên! Chỉ quên suốt đời. . .Có mà tiếc tiền

ấy!. . .” [1, tập 1, 663]. Hắn không thể kìm chế được mình nữa “. . .Con vợ thật là khốn

nạn! Sau một ngày hắn phải chịu không còn biết bao nhiêu nỗi khổ, đấy là những lời thở ra

để đón hắn.” [1, tập 1, 663].Thật ra, trong lòng họ luôn nghĩ về nhau, thương yêu nhau

nhưng đời khổ quá họ lại cứ tưởng mỗi người chỉ nghĩ cho mình, co lại cho mình. . . "Cứ

vậy, tiếng bất đưa đi, tiếng chì quăng lại, mỗi người chỉ nghĩ đến sự quá quắt của người kia

mà không một chút nghĩ đến sự quá quắt của mình." - Cười [1, tập 1, 637]. Thứ hai, như chúng ta đã biết nhân vật trí thức trong văn Nam Cao đa phần là những anh nhà văn, nhà giáo, nhất là nhà văn cần biết bao một người bạn tri âm cùng nhau thưởng thức những áng văn hay. Niềm say mê ấy đành phải ấp ủ trong lòng một mình. Chẳng hạn như Hộ "Hắn vừa

gặp được một đoạn hay lắm nên ngừng đọc ngẫm nghĩ và để cho cái khoái cảm ngẩn ra

trong lòng." [1, tập 1, 608]. Hắn muốn chia sẻ nên giảng giải cho Từ nghe nhưng thật ra thì Từ chẳng hiểu gì. Hắn đắm mình thưởng thức áng văn hay, còn Từ (vợ hắn) đeo đuổi nỗi lo nợ nần chồng chất vào cuối tháng. Hay Điền (Giăng sáng) thấy rằng vợ mình chỉ là một kẻ "tục tằn" chỉ biết suốt đời tính toán những cái nhỏ nhen, mà không thể nào cảm nhận được cái đẹp của giăng ". . .Và Điền rất phàn nàn cho những tâm hồn cằn cỗi như tâm hồn vợ Điền." [1, tập 1, 580]. Có những phút giây Điền âm thầm dệt nên cho mình một giấc mơ lãng mạn, ở đó có những người đàn bà đẹp, sang và nhàn nhã sẽ đọc văn hắn và yêu hắn. Nghĩa là hắn trốn chạy nỗi cô đơn trong thực tại.

Hầu như đa số nhân vật trí thức cô đơn trong tác phẩm của Nguyễn Tuân như Nguyễn (Thiếu quê hương), Nguyễn (Nguyễn) trốn chạy cuộc sống nhạt nhẽo, cô đơn vào trong niềm đàm mê xê dịch; cụ Sáu (Những chiếc ấm đất), cụ Ấm (Chén trà sương), Huấn Cao (Chữ người tử tù) hoài cổ và hướng lòng mình về cái đẹp, cái thiên lương "Giá cái lão ăn

mày ấy sinh vào thời này, thì tôi dám mời anh ta ở luôn với tôi để sớm tối có nhau mà

thưởng thức trà ngon." -Những chiếc ấm đất [16, tập 1, 507]. . .Ngược lại, nhân vật trí thức cô đơn trong sáng tác của Nam Cao chỉ quẩn quanh bên cạnh thực tại - Thứ (Sống mòn) nhìn nhịp sống nặng nề trôi đi và lòng hắn thấm thía nỗi cô đơn vì sống cùng những tâm hồn

cằn cỗi đầy những tính toán chi li. Mỗi người cuộn mình lại, cố che giàu những ý nghĩ của mình, ai cũng sợ người khác đọc được suy nghĩ, nhìn thấu lòng dạ của mình. Người nghệ sĩ đến lúc đã vắt kiệt sức lực cho nghệ thuật trở thành phế nhân, rơi vào tâm trạng cô đơn tuyệt vọng. Khán giả chỉ biết thưởng thức cái đẹp, cái hay của nghệ thuật mà không thấu được nỗi vất vả của người nghệ sĩ. Mai (Cảnh cuối cùng) bất chấp tất cả hiến mình cho nghệ thuật, nàng cảm nhận sâu sắc nỗi đau khổ cả về vật chất lẫn tinh thần của người nghệ sĩ “...Riêng ở nước mình, nhất là trong nghề hát, không những túng thiếu, khổ sở, ta còn đau đớn vì sự khinh bĩ của người đời nữa.” [1 tập 1 33]. Bởi nghề hát bị coi là "xướng ca vô loài". Mai hoàn toàn tuyệt vọng trước những lời khiếm nhã của khán giả "Về vườn! Cho về vườn!" [1, tập 1, 37]. Cảnh cuối cùng đã chấm dứt đời Mai, đằng sau sân khấu là một thế giới cô đơn, trống vắng.

Thật vậy, nỗi cô đơn luôn là nỗi ám ảnh không nguôi đối với người trí thức. Nỗi đau đó càng tăng lên gấp bội khi Nam Cao miêu tả tâm hồn con người trong tâm thế chông chênh, chơi vơi so với hiện thực cuộc sống.

Bên cạnh nỗi cô đơn choáng ngợp tâm hồn, người trí thức ngấm ngầm đau khổ trước sự bất lực bản thân mình. Họ không thể thực hiện những nguyện vọng lớn lao của mình khi chỉ "có những chân ống sậy mà lại mang những nguyện vọng to tát quá" [1, tập 1, 132]. Tá (Nguyện vọng) cũng như Thứ (Sống mòn) đam mê nghề dạy học, muốn xây dựng một ngôi trường thật lý tưởng góp phần canh tân nền giáo dục nước nhà. Nhưng cả hai đành bất lực. Vì Tá không chạy nổi gạo cho gia đình, Thứ phải sẻn so từng đồng và ấm ức đợi ngày Đích thật sự giao lại ngôi trường cho mình.

Trong khi những anh trí thức trong văn chương Tự lực văn đoàn bất lực trước các định chế xã hội, đành phải chấp nhận hoàn cảnh như Loan (Đoạn tuyệt - Nhất Linh) phải lấy Thân dù nàng không yêu và thậm chí còn khinh hắn, hoặc Lộc (Nửa chừng xuân - Khái Hưng) không thể trái lời mẹ, không hiểu được những kế sách mẹ mình đặt ra nên bỏ rơi Mai đi cưới vợ thì nhân vật trí thức của Nam Cao nhận ra sự bất lực với chính bản thân mình. Bởi như ở trên đã nói, tác giả gác vấn đề đấu tranh thiên nhiên, đấu tranh xã hội sang một phía, con người lật đi lật lại, soi rọi chính lòng mình. Cũng như nhân vật "tôi" (Lễ cầu phúc

- Lỗ Tấn) băn khoăn, cảm thông một cách âm thầm với nỗi bất hạnh của thím Tường Lâm, ông giáo nghèo (Lão Hạc) thương lão Hạc lắm cũng đành phải nén lại, phải chịu thôi, vì cảnh của ông cũng chẳng hơn gì lão. Khi thấy lão Hạc bán con chó rồi cứ day dứt không nguôi, ông giáo nhớ lại cái cảnh mình phải rứt ruột mà bán đi mấy cuốn sách quý để thuốc

thang cho con. Trước thực tế nghiệt ngã ấy, con người không thể nào làm khác được, không thể vùng thoát khỏi sợi dây tưởng chừng như vô hình - cơm áo đã thắt chặt cuộc đời họ. Ông giáo tự nhủ với lòng "Không! Lão Hạc ơi! Ta có quyền giữ cho ta một tí gì đâu? Lão quý con chó vàng của lão đã thấm vào đâu với tôi quý năm quyển sách của tôi." [1, tập 1, 1994]. Có nỗi đau nào giằng xé lòng người hơn khi con người ý thức được vấn đề mà đành phải bó tay, cam chịu. Vợ chồng nọ (Bài học quét nhà) vẫn biết con mình còn quá nhỏ không thể làm được gì nhưng người mẹ cứ thấy tấm tức và gắt gỏng với con bé "Mày đứng

đấy à ? Mày có quét ngay, không thì chết với tao bây giờ. Quét đi!. . .[1, tập 1, 677]. Đêm

nằm nghĩ lại, thị thấy thương con đứt ruột "Hôm nay, tôi tức quá, tát cái Hồng một cái, rồi thương đứt ruột. Suốt hôm nghĩ đến lúc nào, tôi lại khóc. . ." [1, tập 1, 680]. Còn anh nhà văn (Mua nhà) nhìn rõ những bất hạnh của kiếp người mà mình chẳng thể nào chia sẻ được, đã thốt lên chua chát "Ai bảo đời cứ khe khắt vậy? Giá người ta vẫn có thể nghĩ đến mình mà chẳng thiệt đến ai. . ." [1, tập 1, 599]. Anh nghĩ đến cái nhà mới của mình mà cám cảnh cho hai đứa trẻ mồ côi mẹ bơ vơ không nhà không cửa, rồi sẽ nương tựa vào đâu "Tôi

không dám nhìn lâu hai đứa con của hắn. Hình như tôi thẹn với lòng tôi thế nào…[1, tập 1,

597].

Trong tác phẩm của Nam Cao, con người tự ý thức về bản thân mình, nhìn thấy những cái nhốn nháo, bất công của xã hội, họ đã lấy tình thương làm cứu cánh. Hộ đã phản bác quyết liệt quan niệm của nhà triết học kia "phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ." [1, tập 1, 604] bằng cách nghĩ "kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác lên trên đôi

vai mình.'' [1, tập 1, 604]. Lòng hắn nghĩ thế nhưng thực tế cuộc sống không cho phép hắn

thực thi cái quan niệm sống cao đẹp của mình. Nhìn thấy sự tuyệt vọng của Từ, Hộ đã cúi xuống cứu vớt đời Từ. Thế là, hắn có cả một gia đình phải chăm lo. "Những bận rộn tép nhẹp, vô nghĩa lý, nhưng không thể không nghĩ tới đã ngốn phần lớn thì giờ của hắn," [1, tập 1, 602]. Hộ có trách nhiệm với ngòi bút của mình "Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện." [1, tập 1, 603], nhưng lực bất tòng tâm. Nếu viết một cách thận trọng, có lương tâm thì hắn không thể gánh vác trách nhiệm của một người chồng, người cha. Hắn thấy mình đã hỏng, không thể nào viết được một tác phẩm để đời. Hắn buồn và chán chính mình. Đối với những chàng trai trẻ, những lo lắng tủn mủn về vật chất là đáng khinh. Họ không quan tâm đến nó, họ muốn dành hết mọi tâm huyết cho nghề dù rằng dạy học hay viết văn. Nhưng khi chạm vào thực tế, họ mới thấy những lo lắng tọp nhẹp ấy không thể không nghĩ tới. Và lòng họ hụt hẫng,

không nơi bám víu, thế là những hoài bão lớn lao trong lòng họ mờ dần, lòng họ không còn sôi nổi nữa. Hộ (Đời thừa) sẽ viết những cái vô vị, nhạt nhẽo, một lối văn bằng phẳng; Điền (Giăng sáng) chẳng thể nào viết nổi một tác phẩm theo khuynh hướng nghệ thuật ban đầu hắn đã chọn; hay Thứ (Sống mòn) đã để cho niềm say mê dạy học, kiến thiết một ngôi trường theo ý tưởng của mình bị mòn dần theo nhịp sống lắt lay, nhìn ở đâu cũng toàn những toan tính nhỏ nhen.

Khi bất lực trước hiện thực cuộc sống do sự khập khiễng, mâu thuẫn giữa điều kiện thực tế và những hoài bão, khát vọng, người trí thức tìm kiếm một nơi nào đó để ẩn mình. Có thể là một niềm tin mơ hồ vào vận mệnh tương lai của mình sẽ sáng sủa hơn (Xem bói) hay là họ sẽ tìm đến men rượu (Đời thừa). Và cũng có thể họ tin sẽ có một sự đổi thay nào đó làm cho cuộc sống dễ thở hơn (Thứ - Sống mòn).

Còn gì đau khổ hơn khi con người ý thức được vai trò của mình đối với gia đình và xã hội mà đành bất lực không thể nào xoay chuyển được tình thế. Con người đâm ra gắt gỏng, cau có, tự dằn vặt chính mình. Người trí thức lấy tình thương làm trọng nhưng thật ra tình thương ấy không mấy khi được thể hiện ra. Chỉ những lúc đối diện với chính mình, họ mới nhận ra mọi người xung quanh rất đáng thương, ngay từ vợ con đến bạn bè và cả đến những người làm việc nơi công sở. Vậy thì tại sao phải làm khổ nhau! Ai cũng tự nhủ lòng mình như thế. Nhưng những tâm hồn trong trẻo, những trái tim giàu lòng thương người ấy không đủ sức để chống chọi với sự nghiệt ngã của cuộc đời. Họ lại rơi vào lối mòn dù đã bao nhiêu lần dặn lòng không uống nữa (Hộ), không cau có, gắt gỏng (Điền), nén lòng không được ghen tức vu vơ hay tính toán chi li (Thứ). . .Chính từ ý thức được sự bất lực của mình, người trí thức thấm thía nỗi nhục của một người thừa "Đời y sẽ mốc lên, sẽ mòn, sẽ mục ra ở một xó nhà quê. Người ta sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y. Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!". .. . - Thứ - Sống mòn [1, tập 2, 318].

Sự cô đơn và bất lực của giới trí thức là nỗi đau rất lớn cho đến hôm nay cũng vẫn còn

Một phần của tài liệu số phận tinh thần của con người trong tác phẩm của nam cao (Trang 56 - 61)