CHƯƠNG 2: VẤN ĐỀ SỐ PHẬN TINH THẦN TRONG TÁC PHẨM NAM CAO
2.2.2.1. Người trí thức đòi hỏi, tìm kiểm số phận tinh thần
Ngoài những nhu cầu tất yếu về đời sống vật chất, người trí thức còn đòi hỏi gắt gao có một đời sống tinh thần. Người trí thức nghĩ về chính bản thân mình, thân phận mình,
cách cư xử của mình đối với người khác và ngược lại, đau xót nhận ra tính người mất đi như thế nào, bằng cách ấy họ khẳng định mình vẫn còn là CON NGƯỜI (Điền - Giăng sáng, Hộ - Đời thừa, Thứ - Sống mòn). Nghĩa là người trí thức tự ý thức được giá trị nhân cách, đạo lý làm người nên anh ta cảm nhận được nỗi đau của linh hồn. Thứ (Sống mòn) trăn trở về nhân cách của mình “Cả buổi chiều hôm ấy, y lẩn quẩn với những ý nghĩ buồn bã về nhân cách của y.” [1, tập 2, 60]. Có thể nói, hơn bất kỳ loại người nào trong xã hội, người trí thức có một khả năng tự ý thức rất cao. Bởi họ sống hướng nội, có nhà nghiên cứu đã nhận định
“Nam Cao chú ý đến những nhân cách tiềm ẩn, đa cực của nhân vật.” [43, 39]. Thật vậy, ý
thức cá nhân về con người làm cho các nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao luôn luôn băn khoăn, trăn trở, nghiền ngẫm về cuộc sống, về thân phận con người. Họ đòi hỏi, kiếm tìm số phận tinh thần. Không dừng lại ở những mâu thuẫn giữa hiện thực đời sống bên ngoài và thế giới tinh thần bên trong mà nhà văn còn thể hiện “Con người được hình dung nhiều chiều,
không nguyên phiến. Ngoài ý chí, tư tưởng, tình cảm, còn được khắc họa ở các phương tiện
bản năng, vô thức, tâm linh, nghịch lý. . .” [58, 11]. Anh giáo Thứ (Sống mòn) thức nhận được sự ngưng đọng của cuộc sống, nhìn cuộc sống và con người ở nhiều chiều khác nhau. Y nghiền ngẫm về những gì được mất của cuộc đời mình, nghĩ đến những người thân vất vả, chua chát nhận ra cách khu xử toan tính của mọi người với nhau, mỉa mai những ước mơ
“có vợ hai” như thằng xe của San. Mặt khác, y lại đặt mình vào hoàn cảnh của mỗi người
để rồi hiểu được tâm thế của họ mà cảm thấy cảm thông và chia sẻ với mọi người. Y đặt mình vào địa vị của San, Oanh, Đích, vợ của mình và ngay với thân phận của thằng nhỏ để hiểu rõ nỗi khổ của mỗi người. Y ý thức được vai trò của mình đối với cái trường tư nhỏ bé ấy nên lòng cũng ấm ức vô cùng bởi Oanh trả lương cho y rất bèo. Y giận Đích đã không thực hiện lời hứa giao ngôi trường lại cho y. Nên khi nghe tin Đích bệnh, y cầu mong cho Đích chết ngay để rồi ngay lập tức y hối hận và buồn rầu “Lòng y đã cằn cỗi đến mức ấy rồi ư?”. . . “Trơ trơ trước cái chết của một người thân, y đã khóc cái chết của chính tâm hồn
mình. . .” [1, tập 2, 268]. Y mơ màng nghĩ về cô áo tím hàng ngày vẫn đi chợ ngang qua
cổng trường và chợt thẹn với lòng mình. Hay khi hay tin vợ San đánh bạc, đàng điếm, Thứ đem lòng nghi ngờ vợ mình, biết đâu cô ấy đã sa đà. Song ngay lập tức, y chua chát bảo “... Đừng trách người ta, hãy trách mình, lấy người ta mà để người ta phải quạnh hiu. Hay là trách ông giời: sao ông ấy sinh ra loài người, lại bắt loài người có đủ mọi thứ cần.” [1, tập 2, 205 - 206]. Khi chiến tranh nổ ra, y cảm thấy “Hà Nội vẫn lùi dần, lùi dần. . .” [1, tập 2, 318], vậy mà lòng y vẫn ấp ủ một tia hy vọng mong manh “Sau cuộc chiến tranh này, có lẽ
cuộc sống sẽ dễ dàng hơn, công bằng hơn. . .đẹp đẽ hơn. . .” [1, tập 2, 320]. Để rồi y “đỏ mặt” ngay và tự hỏi lòng mình “Y đã làm gì chưa?” [1, tập 2, 320]. Hay một Hộ (Đời thừa) đau khổ giữa tình thương và những khát khao sáng tạo; một Điền (Giăng sáng) mong muốn sáng tác những trang văn lãng mạn nhưng khi va chạm vào thực tế cuộc sống đã oà vỡ. . . Đó không phải chỉ là những diễn biến tâm lý đơn thuần mà còn là những vòng xoáy, giằng xé lòng người có sức ám ảnh ghê gớm.
Người trí thức cảm nhận được cuộc sống khó khăn, tù túng nên anh ta cố vùng vẫy, để thoát khỏi những lo toan vụn vặt đời thường, chuyện áo cơm để sống có ý nghĩa nhưng càng cố vùng thoát khỏi nó thì anh ta càng rơi sâu vào cái vòng lẩn quẩn. Thế giới tinh thần con người mâu thuẫn gay gắt với hiện thực cuộc sống. Trước thực trạng đó, con người trí thức không ngừng kiếm tìm một lối thoát cho mình. Làm thế nào để mang lại hạnh phúc ấm no cho vợ con và hơn thế nữa là khát khao tất cả mọi người đều sung sướng. Song con người đành phải chấp nhận sự thật nghiệt ngã “. . .Nghĩ ngợi mà làm gì nữa. Ở cảnh chúng ta lúc
này hạnh phúc chỉ là một cái chăn quá hẹp.” - Mua nhà [1, tập 1, 599]. Chuyện miếng cơm
manh áo là nỗi lo thường trực nhất, ám ảnh nhất, nó chính là sợi dây vô hình xiết chặt tâm hồn con người. Nó có khả năng bào mòn nhân cách con người, làm cho “những linh hồn đang héo hắt chết mòn chết mỏi. . .” [35, 285].
Nam Cao không dừng lại ở miêu tả cái đói mà nói đến miếng ăn, “cái đói của anh là đói người. . .” [47, 251]. Ý thức được điều đó, nhân vật trí thức trong sáng tác của ông luôn luôn vùng vẫy, trăn trở về lẽ sống, cách làm người. Trong lòng họ dâng lên những làn sóng đấu tranh, đối diện với chính mình, vạch trần ra mọi góc khuất của tâm hồn mình. Tất cả được thể hiện nhất quán trong sáng tác của Nam Cao cả trước và sau cách mạng tháng Tám (Đời thừa, Giăng sáng, Sống mòn, Đôi mắt, Nhật ký ở rừng. ..).
Với khả năng ý thức cao và sự nhạy cảm tinh tế riêng, con người trí thức trong văn Nam Cao ngoài việc ý thức được chuyện miếng ăn là “nói về cái nhục hơn cái khổ” [35, 284], họ còn không ngừng băn khoăn, trăn trở về tình yêu, bổn phận làm con, làm chồng, làm cha. . .Từ những cậu học trò mới ngáp nghé đặt chân vào yêu (Lưu - Truyện tình, Giang - Nhỏ nhen, Hàn - Một chuyện Xuvơnia. . .) đến những anh nhà giáo, nhà văn đã lăn lộn nhiều với đời (Thứ -Sống mòn, Hiệp - Sao lại thế này, Tri - Cái mặt không chơi được. . .) đều băn khoăn, kiếm tìm, khao khát và thất vọng vì tình yêu. Tình yêu không còn là đề tài thi vị nữa mà nó thấm đẫm chất đời thường đến chua chát, xót xa. Hàn (Một chuyện Xuvơnia) thả hồn mơ mộng vun đắp một tình yêu lãng mạn, chợt lòng hắn hụt
hẫng, chới với nhận ra một sự thật bẽ bàng, hắn thốt lên cay đắng “Bây giờ Hàn mới biết
rằng, trước khi nghĩ đến việc đặt những cái hôn lên cái miệng hoa của người yêu cũng nên
nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã.” [1, tập 1, 400]. Ngược lại, Nhất Linh miêu tả những rung
động, cảm xúc của Dũng (Đoạn tuyệt) rất ngọt ngào, bay bổng “. . .đôi môi mà chàng ngây
ngất thấy trước rằng sẽ mềm và thơm như hai cánh hoa hồng non.” [17, tập 1, 302]. Những
trái tim non trẻ vừa ngân lên những rung động đầu đời đã vấp phải sự toan tính trong tình
cảm “. . .Rồi đùng một cái, Trinh lấy một người ngoại quốc nhiều tiền và nhiều tuổi mới
gặp Trinh vài lần.”- Nhìn người ta sung sướng [1, tập 1, 403] làm cho lòng Ngạn băn
khoăn tự hỏi tình yêu là cái gì “Tình yêu, cái tình yêu của loài người hiện tại là một cái gì
buồn mênh mông. . .” [1, tập 1, 409]. Hay một anh nhà văn nghèo ao ước tình cảm của
những cô gái đẹp và sang. Điền (Giăng sáng) thấy đời sống tình cảm của mình dường như thiếu thốn “Điền không được ai yêu.” [1, tập 1, 584]. Hắn nghĩ rồi lòng mình sẽ cạn nếu như cứ sống mãi trong cái gia đình nghèo nàn với một người vợ cục cằn. Bỗng tiếng gắt gỏng của vợ kéo hắn về thực tại, hắn nhìn lại và đặt mình vào hoàn cảnh của vợ, Điền thấy thương vợ mình hơn. Cũng như Điền, có lúc Thứ (Sống mòn) đã ao ước một cô gái trẻ, khao khát một lần được cô ấy nhìn thấy mình trên hành lang lớp học. Đó chỉ là một thứ tình cảm vu vơ chợt trỗi dậy, ngay sau đó hắn tự sỉ vả và cảm giác có lỗi với vợ lấn át đi. Nếu như các nhà văn lãng mạn thể hiện những cảm xúc của khoảnh khắc gặp nhau giữa hai trái tim đang yêu: Loan và Dũng yên lặng nhìn nhau nhưng mắt nói bao điều “Giây phút thần
tiên của đôi bạn vẫn yêu nhau từ lâu nhưng lần đầu dám lặng lẽ tỏ ra cho nhau biết.” -
Đoạn tuyệt (Khái Hưng) [17, tập 1, 375] thì Nam Cao lại để cho nhân vật của mình luôn ở trong tâm trạng trăn trở, soi rọi lại tình cảm của mình. Lý trí chi phối tình cảm non nớt, trong sáng trước điều kiện sống không cho phép con người mơ mộng. “Những mâu thuẫn
giữa lý trí và tình cảm rất đau khổ” (Lê Ngọc Trà - Bài giảng Bản chất văn học). Nó làm
cho con người lúc nào cũng sống trong tâm trạng khắc khoải, dằn vặt.
Bổn phận làm con, trách nhiệm làm chồng, làm cha. . .đè nặng trong tâm trí họ. Bất cứ trong hoàn cảnh nào: vui buồn, thất bại, thành công và nhất là trong cảnh sống vật chất thiếu thốn, chật vật, họ càng luôn băn khoăn, nghĩ về những vất vả, cực nhọc của các bậc sinh thành “Hai thân phải bán cả ruộng, vườn đi để cho Điền đi học. . .”- Giăng sáng [1, tập 1, 580] hay cả nhà Thứ nhịn cơm cho y ăn bữa tối. Họ thấy mình không tròn trách nhiệm làm chồng, làm cha. Họ phải xa nhà tìm kế sinh nhai, đồng lương không đủ đảm bảo đời sống vợ con, thậm chí thất nghiệp ăn bám vợ (Thứ - Sống mòn; Điền - Giăng sáng, Nước mắt; Hộ
- Đời thừa,. . .). Nó ám ảnh, giằng xé lòng người không lúc nào dứt được. Họ xấu hổ nghiền ngẫm về số phận của mỗi con người. Họ cứ lật đi lật lại suy nghĩ của mình, soi rọi nó dưới nhiều chiều, nhiều góc độ khác nhau để thấy được cái xấu, cái đê tiện, hèn nhát của mình. Và cũng chính qua đó, họ nhận ra mình vẫn còn là con người và nhân cách của mình bị bào mòn đến đâu.
Không lúc nào anh trí thức để cho đầu óc mình được nghỉ ngơi. Trong lòng anh ta lúc nào cũng cuộn chảy những suy nghĩ, đòi hỏi, kiếm tìm nhân cách của con người. Song song với đời sống hiện thực đang diễn ra bên ngoài, thế giới tinh thần con người luôn vận động, biến đổi. Người trí thức cứ xoáy đi xoáy lại về lẽ sống, cách làm người, hồ nghi mình nhìn người ta và nhìn đời như thế là đúng chưa. Chẳng hạn như lúc nào Thứ (Sống mòn) cũng dò xét cách khu xử của mọi người xung quanh đối với mình và ngược lại. Y không tin ở đời này có người tốt, nghi ngờ mọi người đồng thời y cũng nghi ngờ chính mình. Tương tự như Thứ, Hộ (Đời thừa), Điền (Giăng sáng), Hài (Quên điều độ). . .và cả Độ (Đôi mắt) và nhân vật “tôi” (Nhật ký ở rừng) đều cày xới tâm hồn, xoáy sâu mọi ngóc ngách của thế giới tinh thần nhằm kiếm tìm nhân cách con người và thấm thía nỗi đau đời.
Có thể thấy, cả trước và sau cách mạng tháng Tám, Nam Cao đều miêu tả hành trình kiếm tìm, đòi hỏi số phận tinh thần của con người trí thức rất thành công. Tác giả phơi bày lên trang giấy tất cả những thăng trầm, biến động trong thế giới tinh thần con người. Đó là sự khác biệt giữa ông và các nhà văn cùng thời khi viết về con người trí thức.