CHƯƠNG 2: VẤN ĐỀ SỐ PHẬN TINH THẦN TRONG TÁC PHẨM NAM CAO
2.2.2.3. Con người khát khao được sống và sáng tạo
Người trí thức ý thức được nguy cơ nhân tính đang bị xói mòn, con người đang bị tha hóa. Nói cách khác, người trí thức cảm thấy không phải mình đang sống mà là đang tồn tại.
Họ khao khát được sống, được làm người chân chính. Mỗi nhà văn tìm cho nhân vật của mình một hướng đi riêng trong quá trình kiếm tìm bản ngã của con người. Khi cảm nhận được cuộc sống của mình là kiếp sống thừa, vô nghĩa nhân vật trí thức trong văn chương Tự lực văn đoàn chán chường cuộc sống hiện tại, dấn thân vào con đường gió bụi. Dũng (Đoạn tuyệt) rời cuộc sống gia đình trưởng giả, dấn thân và phiêu lưu vào cuộc sống không nhà cửa, vợ con. Còn Lộc (Nửa chừng xuân) thất bại trong tình yêu, bỗng nhận ra cái tôi là nhỏ bé, quyết đem hết nghị lực tâm trí công hiến cho đời. Nhưng cái lý tưởng ấy lại vô cùng mơ hồ, mờ nhạt mang màu sắc chủ quan của tác giả "Anh sẽ vì người khác mà sống, vì người khác, anh sẽ bỏ cái đời an nhàn phú quý mà dấn thân vào một cuộc đời gió bụi." [17, tập 2, 240]. Nhân vật trí thức của Nam Cao không như thế. Họ không thoát ly khỏi cuộc sống mà quay lại tự vấn lòng mình, soi rọi, tìm kiếm những mảng lòi lõm, gai góc, khiếm khuyết của tâm hồn. Những cậu học trò ngây thơ ao ước một tình yêu đẹp, lãng mạn như Lưu (Truyện tình), Hàn (Một chuyện Xuvơnia), Ngạn (Nhìn người ta sung sướng). . .đã đau khổ nhận ra sự bồng bột, non dại của lòng mình. Lòng họ dâng lên một niềm ân hận xót xa, tự trách mình nông nổi và chua chát trước thế thái nhân tình: Tình cảm con người được cân đo bằng thước đo vật chất. Họ thức tỉnh để sống thế nào cho hợp với hoàn cảnh nhưng lòng cũng không khỏi băn khoăn. Chao ôi! Tình yêu là một cái gì phù phiếm. Khát vọng tình yêu và hạnh phúc là mục tiêu cho con người kiếm tìm và hy vọng. Trong hành trình đó, người trí thức bị cuộc đời vùi dập, làm cho tâm hồn nhàu nát, biến dạng. Từ những chàng trai mới bước vào đời đã vấp phải những trắc trở không thể vượt qua ( Giang - Nhỏ nhen, Hài -
Quên điều độ, Lưu - Truyện tình. . .) đến những anh trí thức đã lăn lộn, va chạm nhiều với đời (Thứ - Sống mòn, Điền - Giăng sáng - Nước mắt, Hộ - Đời thừa. . .) không lúc nào không suy tư, trăn trở về nỗi đau đời. Cuộc đấu tranh diễn ra trong đời sống tinh thần của nhân vật là một quá trình không giản đơn, không dễ dàng. Ở đó lương tri, sự thật lên tiếng, nhân vật thực sự sống với mình, dốc hết mọi tâm sự riêng tư. Nhân vật tự mổ xẻ chính bản thân mình, tự mở ra tòa án lương tâm để tự trừng phạt. Thật vậy, sau những cơn say Hộ (Đời thừa) nhận ra lỗi lầm của mình và khi cái lý tưởng văn chương của Hộ bị chính hắn đi ngược lại trong thực tiễn sáng tác - hắn trượt dài trên con đường nghệ thuật do sáng tạo nên những áng văn chương vô tích sự, nhạt nhẽo. Hắn đối diện với chính mình và tự phán xét
"Thôi thế là hết! ta đã hỏng! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi!" [1, tập 1, 605]. Ta bắt gặp những nỗi niềm, những giằng xé đau đớn trong lòng Thứ (Sống mòn). Thứ tự hỏi đã làm được gì sau hai năm theo nghề dạy học, bao nhiêu nhiệt huyết trong lòng hắn đã nguội lạnh
cả rồi. Hắn bắt đầu chán nghề bởi vì người ta chỉ phỉnh hắn thôi (Đích hứa giao lại trường cho y) mà y và gia đình y đang phải sống, phải ăn, phải mặc. Lại còn bao nhiêu là chuyện vụn vặt hàng ngày cuốn lấy tâm trí y. Tâm hồn y không lúc nào thanh thản. Y phán xét người và tự phán xét mình một cách rất chân thật, công bằng và đầy nghiệt ngã. Bằng cách ấy, y nhìn thấy những cái xấu xa, đê tiện, lầy là . . . của bản thân mình và của mọi người để không ngừng hướng thiện.
Con đường đưa con người về sống đúng với bản chất con người chân chính đầy chông gai. Trên con đường hành hương kiếm tìm bản thân, cứu vớt tha nhân con người phải vượt qua biết bao khó khăn gian khổ. Những anh trí thức tỏ ra thờ ơ, lạnh lùng với nhịp sống hàng ngày nhưng thật ra trong lòng họ đang diễn ra một dòng chảy xiết, một cuộc đấu tranh quyết liệt để níu giữ phần người và hơn thế nữa làm sao để sống xứng danh là CON NGƯỜI. Trong tác phẩm Sống mòn, Thứ hòa mình vào nhịp sống đơn điệu ở một trường tư, cũng ngần ấy công việc, ngần ấy người giao tiếp với nhau, lặng lẽ, ưu hoài. Nhưng thật ra Thứ là một con người rất nhạy cảm. Y cố nén những suy nghĩ của mình, giấu những cảm xúc bất chợt trong lòng song y thường đỏ mặt tía tai tức giận những lời mỉa mai, giễu cợt của đồng nghiệp. Ngay cả những lời nịnh hót bâng quơ của thằng Mô cũng làm y băn khoăn. Y nghĩ rằng hắn đã hiểu rõ lòng dạ y vậy. Nhất là bất cứ điều gì Oanh nói ra, y cũng có cảm giác như thị đang chọc tức y "Thứ tưởng như Oanh muốn chọc tức y. Y lại càng hậm hực, nghẹn ngào" [1, tập 2, 64]. Thứ thấy Oanh tính toán nhỏ nhen, y hả lòng hả dạ khi San tính toán rạch ròi cho Oanh nghe các món chi tiêu, nghĩa là Oanh đã bóc lột y và San nhiều lắm. Y ngầm đồng tình với San, rồi y cũng trả miếng Oanh. Nhưng sau cái cử chỉ sỗ sàng ấy, y ân hận vô cùng. Hóa ra y cũng tính toán "Y có thể kèn cựa, tèm nhèm, nhỏ nhặt đến thế ư?" [1, tập 2, 60]. Y nghiêm khắc với chính mình và luôn tự trách mình. Song y ngẫm nghĩ lại Oanh có đáng chê trách không? Hay bởi cuộc sống lầm than đã làm cho con người ích kỷ, tàn nhẫn và tham lam "Chừng nào người còn phải giành giật của người từng miếng ăn
thì mới có ăn, chừng nào một số người còn phải giẫm lên đầu những người kia để nhô lên,
thì loài người còn phải xấu xa, bỉ ổi, tàn nhẫn và ích kỷ. Chất độc ở ngay trong sự sống."
[1, tập 2, 62]. Y thấy xót thương cho con người, bởi cái đáng nguyền rủa là cuộc sống lầm than. Y xét người, cày xới lòng mình, đó là những biểu hiện nhân cách của con người. Y tỏ ra lạnh lùng, thờ ơ với mọi người chứ thật ra y không thể đánh lừa, không thể thỏa hiệp với lương tâm mình. Sự khao khát được làm một con người đúng nghĩa một CON NGƯỜI luôn thôi thúc y day dứt, hành hạ mình không thôi.
Ở các tác phẩm Giăng sáng, Nước mắt, Đời thừa, Nhật ký ở rừng. . . nhân vật trí thức sống trong tâm trạng mâu thuẫn không lối thoát. Bi kịch cuộc đời là gánh nặng cơm áo đã làm mòn dần khả năng sáng tạo của họ. Và trong cuộc kháng chiến trường kỳ, với những trọng trách mới, nhân vật "tôi" trong Nhật ký ở rừng vẫn canh cánh bên lòng về những vất vả mà người vợ phải cáng đáng lo toan. Lương tâm Hộ (Đời thừa) không lúc nào yên ổn, hắn ở trong tâm trạng phân thân giữa tình thương và nghệ thuật. Tỉnh táo ra, hắn cố sống sao cho xứng đáng và hy vọng rồi một ngày hắn có thể rảnh rang không vướng bận chuyện áo cơm mà viết về chính kiếp sống lầm than này, không cần thoát ly, "nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối..." [1, tập 1, 578]. . .Chính những khoảnh khắc xung đột ấy trong lòng mỗi người đã níu giữ và là kim chỉ nam cho họ quay về bến bờ của con người.
Nhận ra sự đê tiện, xấu xa của mình là để con người hoàn thiện mình. Nhân vật ý thức được tư duy và hành động của mình, nhận ra sự khập khiễng, chông chênh mà day dứt, trăn trở triền miên. Hộ (Đời thừa) thấy rằng vợ con chỉ đáng thương chứ không đáng trách; Điền (Nước mắt) nghĩ mình cáu gắt như thế vô lý quá bởi có lẽ cả viên đội trạm, tay thư ký ở nhà dây thép, ông phán nọ và ngay cả vợ hắn cũng chẳng sung sướng gì nên họ mới cư xử như vậy. . . Những kiếp sống lầm than, kiếp sống thừa ấy được con người nhận chân, để rồi cay đắng, xót xa "Đời y sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra, ở một xó nhà quê. Người ta sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y. Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!. . ." [1, tập 2, 318].
Bằng lối viết khôi hài, Nam Cao miêu tả tâm trạng của một anh chồng vừa đi xa về gặp cơn thịnh nộ của vợ “. .Cái thằng tôi nó hèn thế đấy! Chẳng bao giờ nó dám nhìn nỗi
nguy vào tận mắt. Nó chỉ nhìn xuống đất. Để xem có cái lỗ nào thì chui tọt vào. Nó cứ tưởng
là con giun." [1, tập 1, 546]. Đâu phải "Nó cứ tưởng nó là con giun." là một câu nói đùa bâng quơ mà tác giả đã để cho nhân vật ngầm tự hỏi mình đã là CON NGƯỜI chưa. Phải chăng ở chi tiết này Nam Cao đã gặp gỡ F. Dostoevski “...anh cần biết và cần biết thật
nhanh, xem anh có phải là một con rận như người khác, hay là một con người."
(Rarkonnikop nói với Xonya) [5, tập 2, 223]. Nghĩa là nhân vật khát khao được sống với tư cách cao quý của một CON NGƯỜI.
Qua những trang viết của Nam Cao, người đọc có thể hình dung ra cái thực trạng của xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Xã hội trì trệ, kinh tế khủng hoảng, để tồn tại con người phải kiếm tìm một cơ hội việc làm. Không nheo nhóc và khủng khiếp như "Cơm thầy cơm cô" của Vũ Trọng Phụng nhưng nhân vật trí thức trong tác phẩm của Nam Cao
cũng không ngớt vật lộn kiếm tìm một sinh kế. Ở đâu cũng thấy nhan nhản người tìm việc (Xem bói, Cười, Quên điều độ. . .) và tâm trạng thấp thỏm sợ thất nghiệp (Bài học quét nhà). Song, vượt ra ngoài chuyện tìm kiếm kế sinh nhai, con người trí thức còn thể hiện một khát vọng cháy bỏng, khao khát được sáng tạo, được cống hiến hết sức mình cho nhân quần. Nam Cao xây dựng nên những hình tượng đẹp đẽ, chân thực về nhà văn Việt Nam, dù rằng cuộc đời rất khốn khổ. Trong Giăng sáng, Điền đã nuôi mộng văn chương "Điền sẵn
lòng từ chối một chỗ làm kiếm mỗi tháng hàng trăm bạc, nếu có thể kiếm được năm đồng
bạc về nghề văn. .” [1, tập 1, 582]. Tiếp tục cái mạch ấy, Nam Cao sáng tạo hình tượng nhà
văn có lý tưởng văn xuôi nghệ thuật, có tấm lòng nhân đạo cao cả (Hộ - Đời thừa). "Hắn
chỉ lo vun trồng cho cái tài của hắn mỗi ngày một thêm nảy nở. Hắn đọc ngẫm nghĩ, tìm tòi,
nhận xét và suy tưởng không biết chán. Đối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả." [1, tập 1, 602]. Hộ khao khát viết được một tác phẩm làm lu mờ hết những tác phẩm khác. Điều đó không nằm ngoài khả năng của hắn. Dù đời sống đói nghèo, có những lúc Hộ đã viết những trang văn nhạt nhẽo để rồi người đọc quên ngay, hắn thấy xấu hổ. Nhưng hắn vẫn là một nhà văn có lý tưởng. Hãy nghe Hộ bộc lộ quan niệm nghệ thuật " Một tác phẩm thật giá trị,
phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho loài người.
Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng
lòng thương, tình bác ái, sự công bình. . .Nó làm cho người gần người hơn." [1, tập 1, 614]. Say sưa với lý tưởng, Hộ không giấu giếm khát vọng và khả năng của mình "Rồi các anh
xem. . .Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nobel và
dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên toàn cầu." [1, tập 1, 614]. Và sau cách mạng, anh nhà văn vẫn khát khao được sáng tác những tác phẩm có giá trị. Trước cách mạng, các nhà văn phải luôn luôn đối mặt vật lộn với cái đói, chuyện miếng cơm manh áo mà có lúc ngòi bút có vẻ như lung lay không trụ vững nhưng trong lòng họ vẫn cháy bừng ngọn lửa khát khao được sáng tạo. Khát vọng ấy vẫn âm ỉ trong lòng họ, dù sau cách mạng hoàn cảnh đã khác trước. Tham gia kháng chiến, các nhà văn phải dùng ngòi bút của mình để phục vụ cho tiền tuyến làm tuyên truyền lưu động, báo i tờ. . .Dù không có thời gian nhưng họ vẫn ấp ủ trong lòng một tác phẩm thật có giá trị "Bao giờ đây, cuốn tiểu thuyết lớn, không mấy đêm tôi không nghĩ đến, luôn mấy năm nay." [1, tập 2, 447]. Câu hỏi ấy cứ ngân lên réo rắt trong lòng họ không nguôi.
Đã là một nhà văn thì thiết nghĩ ai cũng khát khao được sáng tạo. Trong tác phẩm
người bạn mách anh nên viết để kiếm tiền mà cũng để giải khuây (vì Minh bị bệnh mù) đến khi thành danh, chữa khỏi mắt, Minh đâm ra ỷ lại, chơi bời. Chỉ có những phút giây chàng ân hận, hổ thẹn vì có lỗi với vợ mà hầu như chàng chẳng bận tâm gì đến ngòi bút của mình. Khác với Minh, dường như đa số nhân vật nhà văn trong sáng tác của Nam Cao đều băn khoăn, trăn trở về khả năng sáng tạo của mình. Đứng trước nhiều trào lưu văn học khác nhau, nhân vật nhà văn chọn lựa cho mình một hướng đi. Sau những mơ mộng hão huyền, ao ước viết lên những trang văn lãng mạn duy mĩ, Điền (Giăng sáng) trăn trở quay về với quan niệm văn chương hiện thực "Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng. . ." [1, tập 1, 588]. Khi nhà văn chấp nhận đứng trong lao khổ, mở hồn ra để đón lấy những khổ đau của kiếp người, chia sẻ và an ủi thì họ vấp phải một trở lực ghê gớm - áo cơm ghì sát đất. Trong lòng họ diễn ra một cuộc đấu tranh quyết liệt, gay gắt giữa đam mê sáng tạo và những lo toan tọp nhẹp. Hộ (Đời thừa) nghĩ "Ta đành phí một vài năm để kiếm tiền. . ." [1, tập 1, 604] hay nhân vật "tôi" (Mua nhà) tự an ủi "Rồi tôi lại cố làm việc hơn trước nữa” [1, tập 1, 594], nghĩa là hắn sẽ viết những truyện nhạt nhẽo, chán phèo mà người đọc đọc xong là quên ngay. . .Đối với các nhân vật này, nghề viết không chỉ là một sinh kế mà có thể nói "Đã mang lấy nghiệp vào thân" (Truyện Kiều), nó ám ảnh, day dứt lòng người không nguôi. Sau khi viết những câu chuyện vô vị, chẳng ý nghĩa gì để kiếm tiền, họ buồn quay quắt, tự sỉ vả mình là con người vô liêm sỉ, là kẻ tồi. Hộ (Đời thừa) quan niệm "sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện." [1, tập 1, 603]. Hắn ý thức được trách nhiệm của người cầm bút và không muốn rằng ngòi bút của mình sẽ mòn dần, sẽ mờ dần sau những cây bút mới trồi ra. Nhà văn hối hận, trăn trở vì những trang viết vội để kiếm tiền, hắn tự nhủ lòng "Tôi sẽ giết tôi nhanh hơn trước nữa." - Mua nhà [1, tập 1, 594]. Cái vòng lẩn quẩn cơm áo gạo tiền, cuộc sống eo hẹp, bức bối vẫn không thể nào bóp nghẹt, giết chết được khát vọng sáng tạo của nhà văn. Họ ý thức được khả năng của mình, luôn tự vấn lòng mình phải sống như thế nào cho vừa xứng đáng là một con người chân chính vừa thể hiện được khả năng sáng tạo nghệ thuật. Họ rất cực lòng.
Có lẽ nghề giáo cũng như nghề văn là những nghề phải lao tâm khổ trí nhiều nhất. Đó là nói trong điều kiện bình thường, huống chi những nhân vật nhà giáo trong tác phẩm của Nam Cao lại là những anh giáo khổ trường tư, thì họ còn khổ đến ngần nào! Ngoài những nhân vật đi dạy vì kế sinh nhai, nếu không dạy thì sẽ chết đói như Hài (Quên điều độ), "tôi"
(Cười) còn lại các nhân vật thầy giáo khác đều thiết tha yêu nghề, khát khao được cống hiến