Bước đầu tự thức nhận về mình

Một phần của tài liệu số phận tinh thần của con người trong tác phẩm của nam cao (Trang 76 - 81)

CHƯƠNG 2: VẤN ĐỀ SỐ PHẬN TINH THẦN TRONG TÁC PHẨM NAM CAO

2.2.3.2. Bước đầu tự thức nhận về mình

So với những nhà văn cùng thời, có thể nói Nam cao vượt qua họ ở việc thể hiện người nông dân. Bởi ông đã đưa ngòi bút xoáy sâu vào đời sống tinh thần của người nông dân, còn các nhà văn hiện thực khác chỉ miêu tả hiện thực xã hội. Các tác phẩm Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan) đề cập đến hiện tượng bần cùng hóa và đấu tranh tự phát của người nông dân. Kết thúc tác phẩm anh Pha (Bước đường cùng) chết, chị Dậu (Tắt đèn) nhìn thấy cái tiền đồ đen tối phía trước. Các nhà văn chủ yếu chỉ quan tâm đến thân phận vật chất của con người, người nông dân chỉ đối mặt với hiện thực cuộc sống mà không có giây phút nào đối diện với chính mình. Nam Cao thì khác, ông chỉ dùng cái hiện thực xã hội làm cái nền, cái phông để thể hiện đời sống bên trong của con người. Khi viết về người nông dân, ông không chú tâm nhiều đến việc họ đấu tranh với giai cấp thống trị, cường hào ác bá mà ông khắc họa số phận tinh thần của con người. Đó là những số phận bị vùi dập, che khuất nhưng không hề mất. Đằng sau những gương mặt chẳng ra mặt người như Chí Phèo, Thị Nở (Chí Phèo), Đức (Nửa đêm), mụ Lợi (Lang Rận). . . vẫn tiềm tàng một sức sống, một nhân cách con người. Chí Phèo là một điển hình cho nhân cách bị tha hóa. Tính người trong hắn cằn cỗi, hắn biến thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Những tưởng ở hắn không còn một chút nhân tính nào. Nhưng không, tận trong sâu thẳm lòng hắn vẫn còn sót lại chất người. Hắn khao khát được hướng thiện, hoàn lương. Cái tính người mong manh ấy bây lâu nay bị che khuất bởi khuôn mặt gớm ghiếc, chuyên rạch mặt ăn vạ của hắn chứ không lụi tắt hẳn. Nó sẽ sống lại khi bắt gặp một tín hiệu của con người. Là người thậm xấu như Thị Nở, mụ Lợi đã là một bất hạnh rồi, đằng này, phía sau những

khuôn mặt dị dạng ấy lại còn chứa đựng một tâm hồn khiếm khuyết. Tuy là những kẻ dở hơi song họ vẫn là con người nên trong một góc khuất nào đó của lòng họ vẫn hàm chứa một chút nhân tính, vẫn còn lại phần người. Thị Nở - con người dở hơi, vô tâm chưa nằm đã ngủ rồi vậy mà có lần đã băn khoăn vì Chí Phèo "Là vì lúc còn đêm, thị trằn trọc một lát, thị

bỗng nhiên nghĩ rằng: cái thằng liều lĩnh ấy kể ra thì đáng thương, còn gì đáng thương

bằng đau ốm mà nằm cong queo một mình." [1, tập 1, 115]. Hay mụ Lợi bấy lâu nay sống

thui thủi một mình vì bực đời quá, khi gặp lang Rận, mụ thay đổi người, hai người tâm sự với nhau và thỉnh thoảng mụ giúp lang Rận những việc vặt, khởi đầu cho một tình cảm đặc biệt nẩy sinh. . . Ở những nhân vật đáng thương ấy vẫn ấp ủ một tia hy vọng về một ngày nào đó được sưởi ấm bởi tình người.

Sau những biến cố của cuộc đời, con người bị cướp mất tính người sẽ có lúc tỉnh táo mà cảm nhận về số phận của mình. Con người sẽ trầm ngâm, suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời. Những con người đang chông chênh, khắc khoải đứng ở bên lề đời sống xã hội sẽ tìm lấy một bàn tay giàu tình người để bám víu vào cõi nhân sinh.

Khi ra tù, nhân cách của Chí Phèo cứ mòn dần, chảy ra. Cái tâm hồn đầy thương tật của hắn chẳng bao giờ dám nhìn lại, biết nhìn lại mình. Hắn chưa bao giờ tỉnh táo để cật vấn chính mình. Nam Cao không hề để cho nhân vật của mình có lấy một phút giây trăn trở, trầm ngâm về thân phận của mình cho đến khi hắn gặp Thị Nở. Thị là người mở lối cho hắn quay lại kiếp người. Hắn trầm ngâm nghĩ về cuộc đời, hắn chợt nhớ đã có một thời hắn có những ước mơ giản dị. "Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ.

Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng bỏ lại một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá

giả thì mua dăm ba sào ruộng làm." [1, tập 1, 114]. Trong tâm trạng mơ hồ, bâng khuâng

vừa tỉnh dậy, hắn nghe những âm thanh rộn ràng của cuộc sống. "Tiếng chim hót ngoài kia

vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chày gõ mái chèo đuổi

cá. . ." [1, tập 1, 114]. Đó là những tiếng gọi thiết tha của cuộc sống lần đầu tiên vẳng đến tai hắn. Nó đánh thức tâm hồn hắn dậy sau một giấc ngủ dài. Cái bản chất đẹp đẽ, cái góc khuất của tâm hồn Chí Phèo đã được hồi sinh. Hắn cố kinh rượu, không say, tỉnh để yêu, để nghiền ngẫm, thấm thía sự đời. Hắn thấy cuộc sống đẹp biết bao và đáng sống đến dường nào. Bởi Thị Nở đã đưa tay ra cho hắn bám víu vào đời. Hắn đã được phục sinh!

Đức (Nửa đêm) sinh ra và lớn lên như một loài cây dại giữa cuộc đời. Hắn sống co lại hay là trong óc hắn trống rỗng chẳng có gì. Hắn lầm lũi tồn tại giữa sự ghẻ lạnh, thờ ơ của mọi người xung quanh. Người ta sợ hắn, tránh hắn bởi hắn là con thằng Thiên Lôi. Nhưng

có một người không sợ hắn, đã cúi xuống gợi lên trong lòng hắn một tia hy vọng - đó là Nhi. Tình yêu của Nhi đã đưa hắn ra khỏi cái mê lộ mà từ bấy lâu nay hắn dò dẫm một mình. Đức bỗng thay đổi hẳn "Hắn nhanh nhẹn hơn trước, mắt đỡ lờ đờ, hay tủm tỉm cười…” [1, tập 1, 477]. Và hơn thế nữa, hắn còn nghĩ cách để làm giàu “. . .Hắn sẽ cố dành

dụm để có tiền thuê lấy một vài mẫu ruộng; thiếu gì người có ruộng muốn cho làm thuê?

Chỉ cốt có một con bò; hắn sẽ làm ruộng nhà và ngả ruộng cho người ta nữa. Mấy chốc mà

lên ngay. Trời cho mạnh khỏe ta bỏ một vài con lợn. . ." [1, tập 1, 477]. Hắn sẽ hòa mình vào cuộc sống cộng đồng.

Trong tác phẩm Lang Rận, hai con người cùng cảnh ngộ: lang Rận - mụ Lợi sẽ nương tựa vào nhau để sống. Hai kẻ gặp nhiều lận đận trong tình duyên đã đến với nhau. Cái anh chàng "thất thế nên mới phải đâm đầu đi lang thang như vậy. . ." [1, tập 1, 415] đã có lúc suy tư rồi bùi ngùi thương thân mình và thương cho cả mụ Lợi.

Cuộc sống cùng quẫn bó buộc lấy con người. Mỗi người chỉ kịp nghĩ về mình mà không thể hiểu và cảm thông với mọi người xung quanh (Một bữa no, Điếu văn, Chí Phèo…). Sống trong môi trường đó, hơn bao giờ hết con người có nhu cầu được cảm thông, chia sẻ. Họ sẽ đặt niềm tin vào một người lân cận. Lão Hạc (Lão Hạc) bộc bạch tâm sự cùng ông giáo, từ chuyện con chó cho đến thằng con trai duy nhất của lão. Và đôi khi con người tin vào một điều rất mơ hồ. Bà ngoại Kỳ tin có chuyện con cá hóa ông lão (Mong mưa). Khi con người có thể hiểu và chia sẻ cùng nhau những lo toan vất vả của cuộc sống như ông giáo - Lão Hạc (Lão Hạc), nhà văn - Phúc (Điếu văn), ông bà thông gia (Một đám cưới). . .nghĩa là con người đã xích lại gần nhau hơn. Những số phận hẩm hiu ấy cảm thấy ấm lòng hơn.

Có nhà văn lãng mạn cho rằng tâm hồn của người nông dân, người lao động chân tay thì nghèo nàn, đơn giản, không có khả năng tưởng tượng. Thật là một sai lẫm đáng tiếc. Có lẽ người nông dân không ưa lý luận nhưng họ là con người có tâm hồn thì tất nhiên cái tâm hồn đó sẽ có những dòng chảy, những biến động không ngừng. Người nông dân bắt đầu thức nhận về mình. Những người đang sống thì cảm nhận được sự hèn hạ nỗi đau của thân phận mình (Tư cách mõ, Lão Hạc, Mua danh, Tình già. . .). Những người chết trong sự giằng xé, ám ảnh về thân phận (Chí Phèo, Lang Rận, Một bữa no, Nghèo, Lão Hạc…).

Các nhân vật Lộ (Tư cách mõ), Bịch (Mua danh), ông Hộ (Tình già), mỗi nhân vật có một biểu hiện riêng, đều cảm thấy hổ thẹn trước thái độ khinh bỉ của mọi người. Anh cu

Lộ (Tư cách mõ) đỏ bừng mặt khi mọi người không ngồi cùng mâm cỗ với hắn. Bịch (Mua danh) đỏ mặt tía tai bởi thiên hạ không coi hắn là "hương" mà chỉ là tên đánh dặm. Và ông Hộ (Tình già) đỏ mặt xấu hổ trước thái độ giễu cợt ông của mọi người.

Chí Phèo tỉnh ra, hắn giật mình nhận ra sự trôi chảy của thời gian. "Tỉnh dậy hắn thấy già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời !" [1, tập 1, 114]. . . "Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời." [1, tập 1, 115]. Hắn ăn năn, tiếc nuối quãng đời đã qua. Và hắn tự hỏi: Tại sao hắn phải sống liều như thế? Hắn thèm được quay về xã hội loài người.

Đến khi con người bị đẩy đến bên bờ vực, không còn nơi bám víu, sau những băn khoăn, trăn trở về nhân phẩm con người, những cái linh hồn mỏng manh, nhàu nát với bao nhiêu nét dập xóa đã mòn dần, chảy ra thì con người rơi vào cái chết sinh vật. Khi bắt đầu đặt chân vào ngưỡng cửa của xã hội loài người sau những tháng năm dài sống như một con vật, Chí Phèo bị dội vào lòng một gáo nước lạnh, hắn bị chối từ. Chí Phèo hoàn toàn tuyệt vọng. Cùng đường, hắn không còn lối thoát. Trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi, đứng trước cái chết Chí Phèo đã đặt một câu hỏi lớn "Ai cho tao lương thiện?" [1, tập 1, 124]. Nỗi tuyệt vọng lên đến tột cùng, ngân vang thành câu hỏi thống thiết. Linh hồn hắn liệm rồi! Hắn chết trên ngưỡng cửa trở về kiếp người, vẫn ôm trong lòng nỗi đau không được làm người. Làm sao thế giới tinh thần con người chịu đựng và chống đỡ nổi bàn tay hủy diệt của chính con người.

Trong sáng tác của Nam Cao không có nhân vật nào rời cõi đời một cách bình yên và thanh thản. Ai ra đi cũng như còn vướng bận trần gian một điều gì. Thật vậy, anh đĩ Chuột (Nghèo) lặng lẽ thắt cổ và anh cố rít hai hàm răng lại, nén nỗi đau vào trong. Lang Rận (Lang Rận) chọn cái chết vì còn ý thức được thân phận của mình. Và lão Hạc (Lão Hạc) chết bằng bả chó để chuộc lỗi với con chó Vàng. . . Dù cuộc đời đã hằn lên tâm khảm họ những vết xước không thể nào lành nhưng đến lúc từ giã cõi đời họ vẫn là con người, day dứt không nguôi về nỗi đau đời.

Người nông dân tự nhận thức về mình, họ muốn níu giữ phần người còn lại, khao khát được làm người đúng nghĩa nên họ không ngừng hướng thiện. Nhưng con đường trở về cõi nhân sinh rất gập ghềnh, hiểm trở. Con người phải đấu tranh quyết liệt với chính bản thân mình trong hành trình hướng thiện. Vậy mà cuối cùng đành bất lực trước những rào cản do con người dựng nên. Thằng Đức ngờ nghệch (Nửa đêm) đã lên một chương trình rõ ràng để hòa mình vào đời sống cộng đồng. Hắn hăng hái thực hiện cái chương trình đi đến hạnh

phúc đó, song đời đâu giản đơn như hắn nghĩ. Cuộc đời không chấp nhận hắn - con một thằng Thiên Lôi. Cũng như Đức, Chí Phèo tin hắn có thể làm hòa với mọi người bằng một tấm lòng thành. Thị Nở có thể sống bên cạnh hắn thì tại sao mọi người lại không! Thị sẽ mở đường cho hắn. Hắn sẽ trở thành người lương thiện. Song Thị Nở giúp hắn mà không giúp cho trót. Bởi Thị dở hơi nên đã trút tất cả những điều Thị cho là "rất phải" vào Chí Phèo. Hắn rơi vào bế tắc, không lối thoát. Thử hỏi có nỗi đau nào, nỗi bất hạnh nào lớn hơn chăng? Khi từ thân phận con vật vừa ngoi lên thì ngay lúc đó cũng chính con người nhấn hắn xuống bùn sâu. Cái linh hồn đầy những vết thương ngang dọc của hắn lại chịu thêm một vết cứa nữa. Đòn này đã đánh gục hắn hoàn toàn. Không còn lối nào cho hắn trở lại kiếp người.

Người nông dân rơi vào bế tắc. Họ có thể tồn tại hoặc chết đi cùng nỗi ám ảnh ghê gớm về thân phận của mình. Dù kết thúc tác phẩm như thế nào (đóng hay mở) thì nhà văn cũng gửi gắm vào đó nỗi băn khoăn, trăn trở về số phận tinh thần của con người.

" Vết thương trong cõi tinh thần Đã đau một lúc lại dần dần đau "

(Dấu dằm - Xuân Diệu)

Xin tạm dùng hai câu thơ trên của Xuân Diệu để nói về nỗi đau số phận tinh thần trong tác phẩm của Nam Cao. Từ những phân tích việc khắc họa số phận tinh thần con người của các nhân vật trong tác phẩm cụ thể, chúng ta sẽ có cơ sở để rút ra một cách nhìn chung, có tính hệ thống về số phận tinh thần của con người trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao.

Một phần của tài liệu số phận tinh thần của con người trong tác phẩm của nam cao (Trang 76 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)