CHƯƠNG 3: CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC TÂM LÝ VÀ VẤN ĐỀ SỐ PHẬN TINH THẦN CỦA NHÂN VẬT
3.2. Độc thoại nội tâm một phương thức bộc lộ nỗi đau về số phận tinh thần
Có lẽ, độc thoại nội tâm là một cách miêu tả tâm lý rất đắc địa. Và thông qua độc thoại nội tâm, số phận con người được thể hiện một cách rất sâu sắc. Xây dựng độc thoại nội tâm con người là sở trường của Nam Cao. Ông đã thành công xuất sắc trong việc xây dựng những độc thoại nội tâm của nhân vật Chí Phèo, Bá Kiến (Chí Phèo), Thứ (Sống mòn). . . Nhà văn diễn tả bi kịch không lối thoát của Thứ, Chí Phèo theo một môtip lắp đi lắp lại như một cái vòng lẩn quẩn. Trong Chí Phèo, anh canh điền hiền như đất đã có lúc suy ngẫm về nỗi vinh nhục ở đời "Hai mươi tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không toàn là xác thịt. Người ta không thích cái gì người ta khinh." [1, tập 1, 117]. Sau khi đi tù về, đến nhà Bá Kiến rạch mặt ăn vạ, Chí Phèo lại độc thoại một mình trước thái độ xử nhũn của Bá Kiến
“. .biết đâu cái lão cáo già này nó chả lại lừa hắn vào nhà rồi lôi thôi?" . . . "Thôi dại gì mà vào miệng cọp, cứ lại lăn ra đây này, lại kêu toáng lên xem nào.", rồi hắn nghĩ ngợi . . .để cuối cùng quyết định "Vào thì vào, cần quái gì." [1, tập 1, 88]. Và nhất là khi gặp Thị Nở rồi, những lúc ngồi vẩn vơ chờ thị hắn lại độc thoại, hắn nghĩ đến những được mất ở đời và băn khoăn, lo lắng về tuổi già của mình.
Ở Sống mòn, trong cuộc sống hàng ngày Thứ luôn kiệm lời. Y ít khi bộc bạch tâm sự của mình, ở nhà cũng như ở trường. Y cứ sống lặng lẽ nhưng thật ra trong lòng hắn không ngừng diễn ra những độc thoại nội tâm. Chuyện Oanh trả lương rẻ mạt, y ấm ức mà vẫn không nói, cứ dặn lòng mình phải nói cho ra nhẽ rồi lại thôi. Lại chuyện nhà trọ với những so kè, tính toán chi li, y làm ra vẻ phớt tỉnh song y lại âm thầm nhẩm tính từng xu. Y bực tức vì Đích không thực hiện lời giao ước; y ghen bóng ghen gió với vợ và nhất là y rất thương bà, mẹ, vợ, các em và con nhưng chưa bao giờ y thổ lộ ra. Y cứ ôm ấp trong lòng, rồi có lúc nào rãnh rỗi y lật đi lật lại vấn đề. Y tự hỏi mình và đặt mình vào hoàn cảnh của mọi người để rồi chỉ còn lại xót xa, cay đắng.
Thứ tự phân thân để đi tìm lại chính mình. Từ đó, Thứ nhận ra sự mòn dần, gỉ mục của cuộc đời mình thể hiện ở sự khủng hoảng tinh thần trong dòng độc thoại nội tâm gay gắt. Tự
đối thoại với chính mình là quá trình đấu tranh với bản thân ngày càng căng thẳng. Nhà văn khám phá ra thế giới tâm hồn sâu thẳm đầy phức điệu của con người mà ở đó có cả sự bừa bộn, hỗn tạp, mênh mông của cuộc sống, nhân vật đã nếm trải.
Hầu như đa số nhân vật trong tác phẩm của Nam cao đều được xây dựng trên cơ sở độc thoại nội tâm. Những giây phút con người rơi vào tâm trạng cô đơn, họ lại đối diện với chính mình nghiền ngẫm về lẽ sống, thấm thía hơn về thân phận con người. Hộ (Đời thừa) say sưa thưởng thức những áng văn hay, Điền (Giăng sáng) thả hồn mình mơ mộng ở những chân trời đẹp và thơ ... họ trốn chạy hiện thực cuộc sống, gặm nhấm nỗi cô đơn. Ngay đến những đứa trẻ cũng bắt đầu khép kín lòng mình, xây dựng cho mình một thế giới riêng như Hồng (Bài học quét nhà), Ninh (Từ ngày mẹ chết) . . . Ninh nhớ tiếc những ngày còn mẹ, thương thầy của nó và giận thằng Đật cứ hay ăn rình nhà bác Vị. Con bé ốm yếu, gầy còm, miên man nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác. Trước thái độ cáu bẳn của mẹ và những lo lắng hiện ra trên nét mặt thầy, Hồng lặng lẽ, thơ thẩn chơi với cây chuối, cây cam ngoài vườn. Hồng độc thoại một mình bằng đối thoại "Hồng tự hỏi và tự trả lời, cùng một lúc là mình và là tất cả." [1, tập 1, 673].
Những con người cô đơn, sống cheo leo, đêm nằm trầm ngâm về số phận của mình. Bà quản Thích (Nửa đêm) nghĩ miên man đến mà thương Đức bị đời hắt hủi. Nên bà lão nhân từ ấy có lúc đã thầm mong con mình còn sống để bắt mọi người phải thừa nhận thằng Đức vô tội. Con người cô đơn ấy đêm từng đêm độc thoại một mình!
"Nam Cao đưa vào tiểu thuyết lối miêu tả tâm lý, rọi những ánh sáng mới vào tâm hồn nhân vật." [8, 121]. Thế giới tâm linh được thể hiện rõ trong độc thoại nội tâm. Khi Chí Phèo độc thoại . . . "Họ sẽ nhận lại hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện . . ."[1, tập 1, 119], chúng ta chợt nhận ra tận trong sâu thẳm lòng hắn vẫn còn le lói chất người. Cái tâm linh mỏng manh của hắn vẫn còn chớ chưa hề lụi tắt. Hắn còn đang ở bên lề cuộc sống!
Mặc dù nhân cách của các nhân vật Lộ, Đức, Hài . . .bị bào mòn, nhàu nát nhưng tâm hồn họ vẫn còn một chấm sáng, họ khao khát trở về cuộc sống bình thường biết bao. Chính quá trình độc thoại nội tâm đã diễn ra triền miên trong cuộc đời Thứ làm cho người đọc cảm nhận được sự nhàu nát, có những mảng vỡ, những vết hằn trong lòng y. . . Thứ vẫn còn ý thức được mình đang là một con người!
Cuối cùng, có thể nói, độc thoại nội tâm làm cho diện mạo tinh thần của nhân vật trở nên nổi bậc, sắc nét.
KẾT LUẬN
So với các nhà văn cùng thời, di sản văn chương của Nam Cao để lại cho đời không đồ sộ về số lượng nhưng có giá trị rất lớn lao. Ông là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ngoài những canh tân về mặt nghệ thuật văn xuôi, chủ nghĩa hiện thực Nam Cao đạt đến đỉnh cao vì ông không dừng lại ở những hiện tượng bên ngoài của hiện thực cuộc sống mà ông đã xoáy sâu vào thế giới tinh thần con người, đặc biệt nhà văn đã quan tâm đến số phận tinh thần con người.
Tìm hiểu về số phận tinh thần của con người trong tác phẩm của Nam Cao, có thể rút ra mấy kết luận sau đây về vấn đề này:
Thực trạng cuộc sống ở nước ta những năm đầu thế kỷ XX có những xáo trộn và biến động dữ dội. Đó là mảnh đất màu mỡ cho các nhà văn khám phá và thể hiện tài năng của mình. Nhưng đa số các nhà văn của ta lúc bấy giờ chỉ mới tập trung khắc họa những nét điển hình của xã hội, những phong tục tập quán, những xung đột giữa các thế lực của xã hội và đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn. Đó chỉ là cái mặt trước, cái mặt nổi của hiện thực đời sống xã hội. Nghĩa là họ chỉ mới quan tâm đến hiện thực cuộc sống bên ngoài. Tuy cũng có một số cây bút đề cập đến vấn đề con người nhưng cũng chỉ dừng lại ở sự miêu tả những rung động, thế giới của cảm giác (Tự lực văn đoàn nói riêng, văn học lãng mạn nói chung). Nam Cao đã đi vào đời sống bên trong của con người. Ông chạm đến cái hiện thực bên trong đời sống con người. Kết hợp việc miêu tả hiện thực đời sống bên trong với đời sống bên ngoài, nhất là sự phản ánh hiện thực bên ngoài thông qua lăng kính thế giới tinh thần con người đã làm cho tác phẩm Nam Cao đạt đến chủ nghĩa hiện thực sâu sắc.
Cảnh sống tinh thần con người được miêu tả trong sự tồn tại song song với hiện thực cuộc sống xã hội. Giữa chúng có sự tác động qua lại lẫn nhau. Cái hiện thực xã hội nghiệt ngã ấy đã tạo nên những dấu ấn, những vết xước trong tâm hồn con người.
Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với con người lúc bấy giờ là cái đói và miếng ăn. Nó lôi tuột cả anh trí thức lẫn người nông dân vào cửa tử. Và Nam Cao đã vượt qua những nhà văn cùng thời bởi ông không chỉ dừng lại ở việc miêu tả cái "đói cơm" mà ông còn đặt ra vấn đề "đói người" trong sáng tác của mình.
Trước sự túng quẫn của đời sống vật chất, nhân cách con người càng dễ rời xa con người, tính người ngày càng cằn cỗi. Đời sống tinh thần bên trong con người chịu một áp lực rất lớn, với những sự giằng xé, đau đớn của tâm hồn trước sự chao đảo của con người đang rơi vào chỗ mất dần nhân tính.
Thế giới tinh thần của người trí thức cũng như của người nông dân đều nhàu nát những nét dập xóa, con người bị quấn chặt trong những lo toan tọp nhẹp vô nghĩa lý nhưng nó lại có một sức ám gợi ghê gớm, giết chết khả năng sáng tạo của anh trí thức, dập tắt niềm tin của con người về những gì tốt đẹp của cuộc đời và điều đáng sợ nhất là tính người của con người bị mòn dần đi, con người bị tha hóa trở thành tha nhân. Nam Cao đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của những anh nhà văn nửa tỉnh nửa quê và những anh giáo khổ trường tư. Đó là những con người có đời sống tinh thần phức tạp, đa dạng và phong phú. Tác giả khắc họa thế giới tinh thần của cả anh trí thức trẻ đến những con người đã từng trải lăn lộn với đời và thậm chí cả những tâm hồn trẻ thơ. Và khi xây dựng thế giới tinh thần của người nông dân thì Nam Cao đặc biệt quan tâm đến những tâm hồn khiếm khuyết, những con người đang sống bên lề đời sống cộng đồng. Đồng thời trong quá trình khám phá chinh phục thế giới tinh thần con người, Nam Cao cũng bắt đầu hướng ngòi bút của mình vào soi rọi số phận tinh thần của nhân vật.
Khi văn học quan tâm đến số phận tinh thần nghĩa là nền văn học đó đã thực sự trưởng thành. Trên thực tế nền văn học Việt Nam rất hiếm nhà văn đạt được điều này Nam Cao là một trong số những ngòi bút đó. Số phận tinh thần của con người trong sáng tác của Nam Cao phải chống chọi vất vả với chính mình để được làm NGƯỜI.
Người trí thức đòi hỏi kiếm tìm số phận tinh thần. Họ luôn sống hướng nội, băn khoăn, trăn trở, nghiền ngẫm về cuộc đời, về con người. Cảm nhận được sự mòn dần, chảy ra của nhân cách, con người bám víu lấy đời, vun vén phần người. Mặt khác, dù sống trong tâm trạng cô đơn, bất lực trước hiện thực cuộc sống nhưng con người vẫn khát khao được sống, được sáng tạo, cống hiến hết mình cho nhân quần. Song song với hiện thực bên ngoài, thế giới tinh thần con người luôn vận động biến đổi. Con người luôn băn khoăn, trăn trở và vùng vẫy để níu giữ phần người, kéo con người xích lại gần con người hơn. Khác với nhân vật của các nhà văn lãng mạn, nhân vật trong văn Nam Cao không trốn chạy nỗi cô đơn mà chấp nhận lao mình vào đời sống hiện thực.
Viết về số phận tinh thần của người nông dân, Nam Cao quan tâm đến sự thức nhận số phận tinh thần ở họ. Ông đã chạm đến một vấn đề nhức nhối: Con người bị từ chối quyền làm người. Đó có thể là những tâm hồn trong trắng bị con người làm lấm, xô đẩy ra khỏi địa hạt người hay là những kẻ dở người dở ngợm vừa mon men đến xã hội văn minh đã bị xua đuổi, miệt khinh. Không những người nông dân cảm nhận được thân phận vật chất mà còn thấm thía nỗi đau tinh thần. Con người bị gạt ra ngoài cộng đồng, ở bên ngoài mọi tương giao giữa con người với con người. Con người cố níu giữ phần người nhưng đến lúc nào đó không thể tồn tại nữa, con người "ra" đi với tâm trạng đau đớn, khắc khoải. Thế nên họ khao khát được làm người - làm người lương thiện.
Tuy không nhạy bén, tinh tế như người trí thức nhưng người nông dân cũng đã tự nhận thức được về mình. Từ đó, trong lòng họ dâng lên niềm khát khao hướng thiện, muốn làm hòa với mọi người.
Đời sống tinh thần con người cũng có số phận và do đó cũng cần được tái hiện sâu sắc trong văn học. Nói cách khác, "Đặc trưng của văn học là cái riêng, là số phận con người."
[64, 63]. Và ngày nay, vấn đề số phận tinh thần trong văn học được quan tâm sâu sắc. Chính vì thế mà nhà văn Italia Umber Eco khẳng định "Tôi tin rằng việc giảng dạy về số phận và cái chết là một trong những chức năng cơ bản của văn học. "[11,41].
Trong quá trình khắc họa số phận tinh thần của con người, Nam Cao đã sử dụng bút pháp phân tích tâm lý để miêu tả sự thức tỉnh của ý thức con người. Nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao đa phần có chiều sâu tâm lý và tâm lý luôn ở trạng thái vận động. Khả năng thể hiện tâm lý nhuần nhuyễn, tinh tế của Nam Cao là một phương thức quan trọng đã giúp ông chiếm lĩnh đời sống bên trong con người.
Trong hành trình đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm của nhân vật, Nam Cao đã sử dụng độc thoại nội tâm rất thành công. Nỗi đau của số phận tinh thần của con người được bóc trần, phơi bày ra tất cả. Nó thể hiện những băn khoăn, trăn trở của con người về nhân phẩm, khát khao tự do, chân lý và lẽ phải. Qua đó con người soi rọi, thanh lọc tâm hồn mình.
Bước đầu tìm hiểu số phận tinh thần của con người trong tác phẩm của Nam Cao, chúng ta có thể khẳng định thêm một lần nữa Nam Cao là một nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học hiện đại Việt Nam. Người viết mong rằng, trong một thời gian không xa, với những điều kiện thuận lợi nhất định, bản thân sẽ tiếp tục đi sâu tìm hiểu, khám phá số
phận tinh thần con người trong văn học Việt Nam mà Nam Cao đã đặt cột mốc đầu tiên. Ở đây, chúng tôi chỉ dừng lại ở một chừng mực nhất định, hẳn còn nhiều hạn chế, rất mong được sự góp ý của các bậc thầy đi trước cũng như những bạn đồng nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu nghiên cứu lý luận và phê bình