5. Kết cấu của luận văn
3.3.1. Các kết quả đã đạt được
3.3.1.1. Công tác quản lý thuế tài nguyên chung
Cùng với công tác quản lý thuế nói chung, công tác quản lý thuế tài nguyên tại Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua đã đạt được những hiệu quả nhất định.
Về mặt chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng thuế tài nguyên là công cụ hữu hiệu để góp phần quản lý, bảo vệ và thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia, nhất là đối với tài nguyên không tái tạo; thúc đẩy khai thác tài nguyên gắn liền với chế biến sâu và góp phần hạn chế tối đa xuất khẩu tài nguyên chưa qua chế biến; sửa đổi, bổ sung quy định về giá tính thuế, thuế suất và thực hiện phương pháp quản lý thu cho phù hợp với thực tiễn hoạt động khai thác tài nguyên theo từng giai đoạn. Điều chỉnh kịp thời, hợp lý các loại thuế,
khung thuế, Bảng thuế, phí, lệ phí liên quan đến hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản với mục tiêu tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước đối với các khoáng sản quan trọng, nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác. Trên cơ sở đó, Cục Thuế Vĩnh Phúc, cùng phối hợp với các cơ quan hữu quan trên địa bàn đưa ra mức giá tính thuế tài nguyên phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế phát sinh.
Về số thu vào NSNN trong các năm qua, số thu thuế tài nguyên mặc dù không được giao chỉ tiêu thu NSNN riêng rẽ, nhưng đã cùng đóng góp vào số thu NSNN để hoàn thành vượt mức dự toán Trung ương giao. Năm 2010, số thu NSNN nội địa do cơ quan thuế quản lý đạt 122,2% dự toán giao. Năm 2011, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng số thu NSNN vẫn đạt 102,4% dự toán và năm 2012 đạt yêu cầu của dự toán điều chỉnh (Nguồn: Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc).
3.3.1.2. Công tác quản lý thuế tài nguyên theo quy trình
Công tác quản lý thuế tài nguyên theo quy trình đạt được những kết quả đáng kể:
- Công tác tuyên truyền và hỗ trợ NNT đã đạt được kết quả tích cực trong việc tuyên truyền, bổ biến chính sách thuế tài nguyên mới tới NNT tài nguyên thông qua các cơ quan, tổ chức báo đài truyền thông trong tỉnh, với đa dạng các hình thức tuyên truyền như tờ rơi, tin vắn, phóng sự, đến mở các chuyên mục hỏi đáp chính sách thuế.
Bên cạnh việc tuyên truyền, bộ phận cũng hỗ trợ NNT cũng đã chú trọng tới công tác hỗ trợ NNT, thể hiện ở số lượng giải đáp vướng mắc có liên quan đến chính sách thuế tài nguyên tăng lên cùng chất lượng giải đáp cao hơn, nhìn nhận bằng sự hài lòng của NNT tài nguyên.
- Công tác thanh tra, kiểm tra thuế tài nguyên là công tác quản lý thuế đạt hiệu quả cao nhất trong giai đoạn vừa qua, với việc tạo ra được tác động mạnh mẽ tới ý thức tuân thủ pháp luật của NNT tài nguyên. Quyết liệt đưa ra
chủ trương thanh tra kiểm tra toàn diện về thuế tài nguyên trên toàn tỉnh, riêng Văn phòng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành được 24 cuộc thanh kiểm tra có liên quan tới thuế tài nguyên, đạt tỷ lệ cao so với tổng số đơn vị khai thác tài nguyên quản lý. Việc sâu sát thanh tra, kiểm tra lĩnh vực thuế tài nguyên đã tạo ra hiệu ứng tích cực đối với các đơn vị khai thác tài nguyên trong việc chấp hành các quy định về thuế tài nguyên, làm cho các đơn vị mặc dù không thuộc danh sách thanh tra, kiểm tra cũng phải tự rà soát lại số thuế tài nguyên phải nộp để tránh khi cơ quan thuế vào làm việc, phát hiện ra số truy thu và phạt lớn. Điều này được thể hiện qua số truy thu bình quân trên 1 đơn vị thanh kiểm tra giảm qua các năm, năm 2010 số truy thu bình quân trên 1 đơn vị thanh kiểm tra thuế tài nguyên là 362,476 triệu đồng, năm 2011 số truy thu bình quân giảm xuống còn 262,967 triệu đồng trên 1 đơn vị thanh kiểm tra, năm 2012 giảm xuống rất thấp, còn 51,064 triệu đồng.
- Công tác quản lý nợ thuế tài nguyên đã có những cố gắng được ghi nhận trong việc giảm số nợ tuyệt đối thuế tài nguyên so với tổng số nợ, và luôn đôn đốc sát sao để số nợ thuế tài nguyên luôn thuộc loại nợ thông thường, có khả thu, tránh rơi vào nợ khó thu.
- Kê khai, kế toán thuế: Số lượng đơn vị đăng ký kê khai và nộp thuế tài nguyên ngày càng tăng, nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn và đầy đủ. Đi cùng với đó là tỷ lệ đóng góp vào số thu NSNN ngày một tăng, với tỷ lệ tăng cao như năm 2011 số thu thuế tài nguyên tăng 94% so với số thu năm 2010, năm 2012 tăng 45% so với năm 2011. Và số thu thuế tài nguyên chiếm tỷ trọng ngày một lớn hơn trong số thu nội địa toàn tỉnh với năm 2010 chiếm 0,038%, đến năm 2011 tăng lên 0,074% và năm 2012 tăng lên 0,12% trên tổng số thu mặc dù trong điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn, số thu nội địa của tỉnh không tăng thậm chí còn giảm (Nguồn: Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc). Công tác kế toán thuế cũng có những bước cải thiện, các đơn vị ít mắc lỗi nộp sai mục, tiểu mục hay ghi thiếu các nội dung trong giấy nộp tiền vào NSNN giúp giảm thiểu các công việc phát sinh liên quan tới điều chỉnh các khoản thu với Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Có được những kết quả đó, là sự nỗ lực không ngừng của bộ máy quản lý thuế của Cục thuế tỉnh Vĩnh Phúc, thể hiện qua các chương trình, kế hoạch hoạt động chi tiết tới từng bộ phận, từng sắc thuế và chất lượng cán bộ quản lý thuế ở từng bộ phận chức năng. Bộ máy lãnh đạo ngành Thuế Vĩnh Phúc luôn tâm huyết, sát sao với công tác quản lý thuế, nắm bắt tình hình thực tế để đưa ra các kế hoạch công tác phù hợp nhằm đạt được mục tiêu, kế hoạch giao.
3.3.1.3. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ làm công tác quản lý thuế tài nguyên
Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2006 trở lại đây luôn chú trọng công tác tuyển dụng và đào tạo công chức mới, thể hiện bằng việc tổ chức tuyển dụng công khai và nghiêm túc, điều này đã giúp cho chất lượng của các cán bộ mới được tuyển dụng vào ngành tăng cao. Hầu hết là các cán bộ có tuổi đời trẻ, được đào tạo bài bản, có trình độ kiến thức và hoà nhập nhanh với môi trường. Đây là tiền đề để nâng cao chất lượng quản lý thuế của cơ quan thuế.
Các cán bộ làm tại các bộ phận chức năng cơ bản luôn tâm huyết và nỗ lực với công tác thuế và đã đạt được nhiều thành tích trong công tác quản lý thuế.
Kết quả tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của các cán bộ đạt 90% loại khá, 10% loại giỏi. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng được chú trọng, nâng cao đã giúp cho công tác quản lý thuế tài nguyên ngày một hiệu quả hơn, thể hiện ở việc tăng trưởng số thu, tăng số hồ sơ khai thuế nộp đúng thời hạn quy định và giảm thiểu số lỗi kê khai, nộp thuế; giảm sai sót, vi phạm trong quá trình thanh tra kiểm tra thuế.
3.3.1.4. Kết quả từ công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan
Công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc quản lý thuế tài nguyên của Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc luôn chủ động đưa ra các biện pháp phối hợp cùng với Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên môi trường và Cơ quan Đài
báo truyền thông trong tỉnh và các cơ quan trực thuộc ngành Tài chính đặt trên địa bàn tỉnh để quản lý có hiệu quả thuế tài nguyên.
Với Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Cục thuế luôn có trao đổi để nắm được số cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn, có liên quan tới các đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản thuộc thẩm quyền quản lý. Trong quá trình theo dõi quản lý đối tượng và kiểm tra hồ sơ khai thuế của đơn vị, nếu có phát hiện vi phạm sẽ kiến nghị xử lý. Sự phối hợp này không mang nhiều ý nghĩa đối với số thu NSNN, nhưng lại mang ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ và giữ gìn nguồn tài nguyên khoáng sản, đảm bảo việc khai thác sử dụng khoáng sản đúng quy định.
Trong quá trình thực hiện quản lý thuế tài nguyên, cơ quan thuế kiểm tra phát hiện thấy sự bất hợp lý trong việc xác định giá tính thuế tài nguyên của đơn vị, thấy mức giá Ủy ban nhân dân tỉnh không còn cập với mức giá bán thực tế của đơn vị tài nguyên, tạo điều kiện cho đơn vị xác định mức giá tính thuế thấp hơn thực tế. Từ đó kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh thay đổi Bảng giá tính thuế tài nguyên đối với các loại tài nguyên trên địa bàn, tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định mức giá tính thuế tài nguyên đúng với thực tế.
Đối với các cơ quan Báo Đài truyền thông trong tỉnh, Cục Thuế Vĩnh Phúc cũng luôn chủ động gửi các tin bài tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật mới về thuế tài nguyên, cũng như thành lập các chuyên mục giải đáp chính sách thuế. Việc này tạo ra hiệu ứng mạnh tới toàn thể người dân, các cấp chính quyền, giúp cho chính sách pháp luật về thuế tài nguyên được phổ biến sâu rộng tới NNT tài nguyên.
Với các cơ quan cùng trực thuộc Bộ Tài chính đặt trên địa bàn, việc phối hợp hoạt động theo dự án đã đem lại rất nhiều lợi ích, giúp cho NNT có thể thực hiện nghĩa vụ thuế nhanh chóng dễ dàng, NNT có thể làm thủ tục nộp NSNN ngoài giờ hành chính, nộp vào ngày nghỉ thì được các Ngân hàng thương mại tra cứu, hỗ trợ thông tin để bổ sung hoàn thiện chứng từ nộp. Bên
cạnh đó, NNT có thể sử dụng các dịch vụ nộp thuế văn minh đảm bảo kịp thời chính xác như nộp NSNN qua Internet Banking, Mobi Banking… Dự án đem lại lợi ích lớn cho khối Tài chính công của nước ta, sau khi triển khai, thông tin về số thu, số nộp được trao đổi và thống nhất giữa các cơ quan, tránh sai sót thông tin thu nộp thuế, giảm thiểu việc nhập đi, nhập lại thông tin chứng từ trên các hệ thống khác nhau của các Ngành, giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính từ khi nhận thông báo thuế đến khi thông tin nộp thuế được hạch toán tại các hệ thống tác nghiệp của cơ quan thu. Ngoài ra dự án còn giúp cho các ngành tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và chi phí hoạt động, giảm bớt áp lực về biên chế, kinh phí cho hệ thống kho bạc khi tổ chức các điểm thu ngoài trụ sở, thu phạt ngoài giờ hành chính, giảm khối lượng dữ liệu phải nhập.