5. Kết cấu của luận văn
3.1.2. Đặc điểm tài nguyên khoáng sản của tỉnh Vĩnh Phúc
Tài nguyên khoáng sản ở Vĩnh Phúc khá đa dạng và được chia làm 4 nhóm sau:
Nhóm khoáng sản nhiên liệu có than antraxit, than nâu, than bùn tạo thành những giải hẹp, tập trung ở huyện Lập Thạch.
Nhóm khoáng sản kim loại tập trung ở vùng đứt gãy sườn Tây Nam dãy Tam Đảo, gồm sắt, Barít dạng tảng lăn, nhóm khoáng sản này nghèo và chưa được tìm kiếm, thăm dò chi tiết.
Nhóm khoáng sản phi kim loại chủ yếu là cao lanh, phân bố ở Tam Dương, Vĩnh Yên và Lập Thạch với trữ lượng khoảng 7 triệu tấn.
Nhóm vật liệu xây dựng, gồm các loại sét như sét gạch ngói (trữ lượng 51,8 triệu m3), sét vùng đồi, đặc biệt có sét đồng bằng nguồn gốc trầm tích sông, biển, đầm hồ, độ mịn cao, dẻo, rất tốt cho việc sản xuất đồ gốm. Bên cạnh đó còn có các vật liệu xây dựng khác như cát, cuội, sỏi (4,75 triệu m3), đá xây dựng (307 triệu m3), đá ong (49 triệu m3
).
Có thể thấy khoáng sản ở Vĩnh Phúc có một số đặc điểm cơ bản sau: Về cơ cấu: khoáng sản ở Vĩnh Phúc khá đa dạng về loại bao gồm cả các loại khoáng sản nhiên liệu (than nâu, than bùn), khoáng sản phi kim, khoáng sản kim loại và các khoáng sản được sử dụng làm vật liệu xây dựng khác …
Về trữ lượng: Hầu hết các mỏ khoáng sản ở Vĩnh Phúc đều có trữ lượng nhỏ, chiều dài vỉa từ vài mét đến vài chục mét, chiều dày thường không đến một mét và chỉ có thể khai thác tận thu. Một số mỏ khoáng sản đã được nhân dân khai thác hết, hiện chỉ còn vết tích (như các hầm, hố, quặng, xỉ…).
Về chất lượng: Hầu hết các loại khoáng sản đều có chất lượng ở mức trung bình, tỉ lệ thấp và thường pha tạp nhiều loại chất khác.
Về mặt phân bố: Các mỏ khoáng sản ở Vĩnh Phúc phân bố thành các mỏ nhỏ, lẻ, chủ yếu ở vùng đồi, núi, dọc theo các đứt gãy, các uốn nếp (chủ yếu phân bố ở Lập Thạch, Tam Đảo, Tam Dương). Một số địa phương có các loại khoáng sản tập trung với mức độ cao như: Đạo Trù (Tam Đảo), Bạch Lưu (Lập Thạch), Hoàng Đan, Thanh Vân (Tam Dương).
Như vậy, xét về mặt trữ lượng, chất lượng và phân bố, khoáng sản Vĩnh Phúc đa dạng về chủng loại nhưng giá trị kinh tế không cao, khó đầu tư và khai thác. Một số loại khoáng sản có trữ lượng khá (như cao lanh, cát, sỏi) chủ yếu được sử dụng làm vật liệu xây dựng.
Với nguồn tài nguyên khoáng sản trữ lượng nhỏ, phân bố rải rác và không có giá trị kinh tế cao nên tỉnh Vĩnh Phúc không có nhiều đơn vị khai thác tài nguyên hoạt động trên địa bàn, chủ yếu là các đơn vị, cá nhân thực hiện khai thác nhỏ lẻ. Số lượng các đơn vị khai thác tài nguyên ít, giúp cho việc quản lý thuế tài nguyên tại Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc có phần thuận lợi, kiểm soát dễ hơn. Tuy nhiên, tính chất khai thác nhỏ lẻ nên các đơn vị thường phát sinh việc trốn tránh nghĩa vụ thuế tài nguyên, điều này đòi hỏi công tác quản lý thuế tài nguyên phải luôn được sát sao và quản lý triệt để.