Công tác quản lý thuế tài nguyên tại một số Cục Thuế

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý thuế tài nguyên tại cục thuế tỉnh vĩnh phúc (Trang 31 - 33)

5. Kết cấu của luận văn

1.2.2. Công tác quản lý thuế tài nguyên tại một số Cục Thuế

1.2.2.1. Công tác quản lý thuế tài nguyên tại Cục Thuế tỉnh Lào Cai

Lào Cai là một trong các tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản trên cả nước với 150 mỏ và điểm mỏ, khai thác trên 30 loại khoáng sản, trong đó có một số mỏ khoáng sản đã được thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng thuộc loại quy mô lớn nhất nước và khu vực như: mỏ A Pa Tit Cam Đường với trữ lượng 2,5 tỷ tấn, mỏ sắt Quý Sa trữ lượng 124 triệu tấn, mỏ đồng Sin Quyền trữ lượng 53 triệu tấn, mỏ Molipden Ô Quy Hồ trữ lượng 15,4 nghìn tấn. Đây là cơ sở cho ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản là ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, đem lại số thu thuế tài nguyên lớn cho tỉnh Lào Cai. Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc quản lý thuế tài nguyên đối với các loại khoáng sản trên địa bàn, Cục Thuế tỉnh Lào Cai thực hiện quản lý thuế tài nguyên theo đúng quy định của pháp luật, bên cạnh đó, đưa ra các biện pháp quản lý thuế tài nguyên triệt để đối với các đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Cục Thuế tỉnh Lào Cai hiện đang quản lý các tập đoàn, các tổng công ty lớn trong nước đến đầu tư, chủ yếu trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản. Trong đó, lớn nhất là Tổng công ty hoá chất Việt Nam đầu tư khai thác sản xuất chế biến quặng Apatít; Tổng công ty khoáng sản Việt Nam đầu tư dự án khai thác và chế biến tinh quặng đồng; Tổng công ty thép Việt Nam đầu tư vào dự án khai thác và chế biến tinh quặng sắt. Tất cả các DN này đều đặt nhà máy khai thác và chế biến tại Lào Cai, nhưng sản phẩm lại không tiêu thụ tại đây mà bán về cho tổng công ty theo giá nội bộ (giá giao khoán), được quy định bằng hoặc thấp hơn chi phí sản xuất của các nhà máy - công ty con.

Ngay từ khi các công ty con thuộc các tổng công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn đi vào sản xuất kinh doanh, phát sinh doanh thu tiêu thụ sản phẩm, Cục Thuế tỉnh Lào Cai đã nhận thấy có hiện tượng chuyển giá trong nội bộ doanh nghiệp. Theo quy định, giá tính thuế tài nguyên là giá bán tài

nguyên tại nơi khai thác. Tuy nhiên, các tổng công ty này lại quyết định giao khoán, định giá bán sản phẩm cho các đơn vị trực thuộc theo giá nội bộ. Dựa vào quyết định đó, các đơn vị phụ thuộc đã kê khai thuế tài nguyên theo giá bán sản phẩm cho tổng công ty, sau đó tổng công ty làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai. Trên sổ sách là vậy, nhưng thực chất, hàng hoá không được chuyển về tổng công ty để chế biến, mà vẫn do các đơn vị trực thuộc vận chuyển sang cửa khẩu Trung Quốc. Khảo sát thực tế tại Công ty mỏ tuyển đồng Sinh Quyền, Cục Thuế Lào Cai nhận thấy giá xuất khẩu của tổng công ty chênh so với giá bán nội bộ là 7.018.276 đồng/tấn. Khảo sát tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cũng thấy có hiện tuợng giá xuất khẩu quặng sắt qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai của Tổng công ty thép Việt Nam chênh so với giá bán của Công ty khoáng sản luyện kim Việt Trung bán cho Tổng công ty thép là 290.000 đồng/tấn. Trước thực tế đó, Cục Thuế đã phối hợp với Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh Lào Cai ra quyết định điều chỉnh lại giá tính thuế tài nguyên và mức thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 8 quyết định điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên. Đến năm 2010, khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 66/2010/TT-BTC hướng dẫn việc xác định giá trị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, Cục Thuế Lào Cai có thêm công cụ để kiểm soát các hành vi gian lận thông qua chuyển giá mặc dù phải thừa nhận một thực tế là, cơ chế hiện hành không thể bao quát hết các diễn biến phức tạp phát sinh do độc chiêu chuyển giá gây ra.

1.2.2.2. Công tác quản lý thuế tài nguyên tại Cục Thuế tỉnh Cao Bằng

Là một tỉnh nguồn tài nguyên khoáng sản kim loại có giá trị, đặc biệt là Sắt và Bau-xit, Cao Bằng thu hút rất nhiều các đơn vị khai thác khoáng sản tới hoạt động khai thác. Số thu thuế tài nguyên từ các hoạt động khai thác khoáng sản đóng góp đáng kể vào số thu NSNN của Cục Thuế tỉnh Cao Bằng quản lý, ý nghĩa hơn nữa khi số thu này được điều tiết 100% cho nguồn ngân

sách của địa phương. Do đó, Cục Thuế tỉnh Cao Bằng luôn nỗ lực trong công tác quản lý để đảm bảo số thu thuế tài nguyên, đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan trên địa bàn để quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản vô giá.

Thực tế tại Cao Bằng, các đơn vị khai thác khoáng sản nợ tiền thuế tài nguyên rất lớn và khó xử lý nợ. Như ở địa bàn Trùng Khánh, có tới 5/6 doanh nghiệp đang khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn nợ 17 tỷ 131 triệu đồng tiền thuế. Điều này gây khó khăn cho việc thực hiện dự toán thu của Cục thuế Cao Bằng. Xuất phát từ thực tế khó khăn, Cục Thuế tỉnh Cao Bằng đã mạnh dạn đề xuất phương án phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh để ra Thông báo đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế và có hướng xử lý tạm thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản cho tới khi nộp đủ tiền thuế tài nguyên vào NSNN. Đây là biện pháp quản lý nợ thuế tài nguyên đem lại hiệu quả cao đối với các đơn vị chây ỳ nợ thuế trên địa bàn.

Bên cạnh việc đảm bảo nguồn thu thuế tài nguyên vào NSNN, Cục Thuế tỉnh Cao Bằng cũng đề xuất với Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh để trình Ủy ban nhân dân tỉnh, chỉ cấp giấy phép khai thác cho các đơn vị có cơ sở chế biến khai thác sâu tại các vùng có nguồn quặng trữ lượng lớn, ưu tiên các vùng chưa được khai thác.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác quản lý thuế tài nguyên tại cục thuế tỉnh vĩnh phúc (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)