Thuật ngữ động cơ (motivation) dựa trên cơ sở của một hàm chỉ ẩn dụ về sự hoạt động, bởi thuật ngữ này có xuất xứ từ chữ “movere” trong tiếng Latinh, chỉ sự vận động. Trong tiếng Việt, thuật ngữ động cơ hàm chỉ lực đẩy (“cơ”) của hành vi hay hoạt động (“động”). Theo cách hiểu thông thường thì động cơ được dùng để mô tả sự khởi xướng cho một hành động, sự lựa chọn mục tiêu của hành vi và những nỗ lực trong hành vi. Động cơ được xem là có chức năng định hướng, lựa chọn và tạo năng lượng cho hành vi.
Các nhà tâm lý học Xô Viết quan niệm: những đối tượng đáp ứng nhu cầu này hay nhu cầu khác nằm trong hiện thực khách quan một khi chúng bộc lộ ra, được chủ thể nhận biết sẽ thúc đẩy, hướng dẫn con người hoạt động. Khi đó nó trở thành động cơ của hoạt động. Nói cách khác, động cơ là nguyên nhân của hành động, duy trì hành động và định hướng hành vi của cá nhân.
Động cơ của một hành động được tạo ra bắt đầu từ giai đoạn căng thẳng của một nhu cầu chưa được thỏa mãn và tồn tại cho đến khi nhu cầu đó đã được thỏa mãn đầy đủ.
Như vậy, động lực thúc đẩy hành động của cá nhân chính là nhu cầu.
Theo A.N.Lêônchev, khi phân tích động cơ, trước tiên phải đề cập đến quan hệ giữa động cơ và nhu cầu. Về nhu cầu, lần đầu tiên có thể chủ thể chưa nhận rõ chính đối tượng của nhu cầu. Để biết đối tượng của nhu cầu cần có các chức năng thúc đẩy. Đó chính là động cơ.
Với tính chất là một cá nhân, chủ thể sinh ra đã có nhu cầu, nhưng với tính chất là sức mạnh nội tại thì nhu cầu được thực hiện trong nội tại hoạt động. Nói cách khác, lúc đầu nhu cầu chỉ xuất hiện như là một điều kiện, một tiền đề cho hoạt động, thì lập tức xảy ra sự biến hóa của nhu cầu, không còn là nhu cầu trước nữa.
Trong đề tài nghiên cứu, động cơ được hiểu là đối tượng (vật chất hay tinh thần) mà chủ thể cần chiếm lĩnh thông qua hoạt động, nhằm thỏa mãn một nhu cầu được vật chất hóa trong đối tượng đó.
Trong quan hệ với chủ thể với tư cách là hoạt động, đối tượng chính là động cơ của hoạt động, kích thích chủ thể tiến hành hoạt động để chiếm lĩnh nó. Phía sau đối tượng bao giờ cũng là nhu cầu, nó bao giờ cũng đáp ứng một nhu cầu này hay nhu cầu khác. Hoạt động đáp ứng nhu cầu của chủ thể.
A.N.Lêônchev chia ra 2 loại động cơ: động cơ tạo ý và động cơ kích thích. Động cơ tạo ý gắn liền với nhân cách. Hoạt động lao động có 2 động cơ: động cơ xã hội và động cơ vật chất. Chính động cơ xã hội mới là động cơ tạo ý, còn động cơ vật chất là động cơ kích thích. Động cơ tạo ý ở cấp bậc cao hơn, song có khi nó không tham gia vào kích thích, thúc đẩy hành động, mà khuất đằng sau động cơ kích thích. Cụ thể:
Động cơ bên trong (động cơ tạo ý): là nguyên nhân nội tại, là niềm tin, tình cảm, là khát vọng bên trong thôi thúc con người hành động để đạt mục đích (có thể gọi là yếu tố nội tại).
Động cơ bên ngoài (các kích thích): là những kích thích nằm ngoài hoạt động của con người, từ phía những điều kiện khách quan chi phối đến con người, thúc đẩy con người hành động (có thể gọi là yếu tố ngoại sinh).
Từ những phân tích trên, động cơ làm việc (lao động) có thể hiểu đó chính là
đối tượng (vật chất hay tinh thần) mà chủ thể cần chiếm lĩnh thông qua hoạt động lao động, nhằm thỏa mãn một nhu cầu được vật chất hóa trong đối tượng đó.