Thiên nhiên là đề tài muôn thuở của thi ca. Giữa thiên nhiên và con người bao giờ cũng có mối quan hệ tương giao. Đặc biệt với cảm thức thời trung đại, con người đã xem mình là một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ, một phần tử của vũ trụ, thiên nhiên. Do đó con người hòa nhập vào thiên nhiên, xem thiên nhiên với mình là một – “vạn vật nhất thể”. Thi nhân tiếp xúc với thiên nhiên bằng nhiều trạng thái cảm xúc phong phú, đa dạng: từ là tâm trạng bình lắng trước cảnh thiên nhiên cô tịch, thanh nhã đến tinh thần tiêu dao, tự tại trước không gian cao rộng.
Người ta thường nói, thơ là tiếng nói của trái tim, là sự rung động của tâm hồn trước hiện thực. Thơ Trần Nhân Tông cũng vậy, đó là những khúc nhạc lòng say đắm của một trái tim nhạy cảm trước thiên nhiên, vạn vật. Nhà thơ giống như một nghệ sĩ lang thang, đặt chân lên mọi miền quê của đất nước rồi với một trái tim tràn ngập yêu thương, một tâm hồn mẫn cảm trước non nước hữu tình, cảnh vật nên thơ đã hình thành nên những tứ thơ kì thú về thiên nhiên gây rung động lòng người và dào dạt chất nhân văn. Có thể nói, Trần Nhân Tông là một trong những thi sĩ viết nhiều về thiên nhiên và để lại những tuyệt tác trong văn chương Lý – Trần nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Có thể kể đến những bài thơ còn lại đến nay như: Xuân hiểu, Xuân cảnh, Đăng Bảo Đài sơn, Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ, Khuê oán, Thiên Trường vãn vọng, Nguyệt, Đề Phổ Minh tự thủy tạ, Tây chinh đạo trung, Vũ Lâm thu vãn, Lạng Châu vãn
cảnh, Tảo Mai I, II, Thiên Trường phủ, Đại Lãm Thần Quang tự, Mai, Động
Thiên hồ thượng, Sơn phòng mạn hứng II.
Một điều dễ nhận thấy trong thơ thiên nhiên của Trần Nhân Tông là cảnh vật thường thanh nhã, u tịch nhưng hữu tình, hòa quyện quấn quýt, vừa hư vừa thực. Thiên nhiên ở đây không hoàn toàn câm lặng nhưng cũng không ồn ã. Đó là những tiếng chuông lan tỏa giữa không gian thanh vắng, tiếng ve kêu đâu đó giữa ngày hè, tiếng sáo trên lưng trâu của những đứa trẻ mục đồng,…Thi nhân mở lòng đón nhận cái vang vọng của những âm thanh thiên nhiên vào tận cõi sâu thẳm tâm hồn để cùng hòa điệu, cùng rung cảm chứ ít khi thấy miêu tả cụ thể những âm thanh ấy. Đây cũng là đặc điểm chung của thơ thiên nhiên trung đại. Mỗi bài thơ như một bức tranh thủy mạc, chỉ điểm qua bằng một vài nét chấm phá, tả ít gợi nhiều, cốt ghi lại được cái hồn của cảnh vật. Nhưng chất chứa đằng sau đó là tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm trước những biến thiên của cảnh vật.
Để sáng tác nên những bài thơ thiên nhiên bất hủ và qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên trong thơ, thi nhân cần có một tâm hồn nhạy bén và rộng mở, sẵn sàng rung động trước cảnh đẹp tuyệt vời của thiên nhiên ngoại vật, đồng thời phải nắm bắt cảm xúc trào dâng trong tâm thức. Với phong cách sáng tác đa dạng cùng với một tâm hồn mẫn cảm, Trần Nhân Tông đã viết nên những dòng thơ về thiên nhiên làm rung động lòng người, vừa biểu đạt được tâm thái an nhiên vừa miêu tả được cảnh đẹp siêu phàm thoát tục. Đọc bài thơ Đăng bảo đài sơn, chúng ta sẽ cảm nhận được tất cả sự tinh tế của tâm hồn ấy:
Địa tịch đài du cổ,
Thời lai xuân vị thâm.
Vân sơn tương viễn cận, Hoa kính bán tình âm.
Vạn sự thủy lưu thủy,
ỷ lan hoành ngọc địch,
Minh nguyệt mãn hung khâm.
(Đất hẻo lánh đài thêm cổ kính, Theo thời tiết, mùa xuân về chưa lâu. Núi mây như xa như gần,
Ngõ hoa nửa rợp, nửa nắng. Muôn việc như nước tuôn nước, Trăm năm lòng lại nhủ lòng. Tựa lan can nâng chiếc sáo ngọc, Ánh trăng sáng chan hòa trước ngực.
(Lên núi Bảo Đài) [7, tr.456–457]
Nhà thơ đến với núi Bảo Đài vào lúc mới chớm xuân, trời đất đang chuyển mùa nên thời tiết còn nhiều mây, nắng mưa bất chợt, giữa núi và mây như không có khoảng cách làm cho khung cảnh mờ ảo như xa như gần “Vân sơn tương viễn
cận /Hoa kính bán tình âm”. Cảnh được miêu tả rất thực. Bảo Đài là một ngọn
núi thuộc dãy Yên Tử, vào thời ấy, chắc hẳn Yên Tử còn là một vùng đất hẻo lánh xa xôi. Chính sự hẻo lánh ấy cùng với tiết trời lúc giao mùa càng làm cho đài thêm phần cổ kính hơn. Đài cổ kính, núi non cũng rất xưa, chỉ có mùa xuân là còn tươi mới – “xuân vị thâm”. Trong sự im ắng, yên tĩnh của đất trời, của đền đài, mùa xuân hiện ra tươi thắm. Sắc xuân như thấm vào cái im ắng ấy, vào cái cổ xưa, vào núi non, đất trời. Vì vậy, khung cảnh hiện ra trong bài thơ u tịch nhưng đẹp, cổ kính nhưng tràn ngập xuân sắc. Bài thơ cho thấy sự quan sát và miêu tả tinh tế của nhà thơ. Cảnh Bảo Đài được vẽ nên bằng những màu sắc thanh đạm, không có những gam màu chói lọi và chính vì thế mà tứ thơ trở nên sâu sắc, gợi những liên tưởng miên man xa vời. Tuy không có từ chỉ màu sắc nhưng màu sắc của cảnh vật như vẫn hiển hiện, người đọc vẫn cảm nhận được bức tranh thiên nhiên lúc chớm xuân: có sắc xuân nhưng vẫn còn một chút vương vấn của tiết trời mùa đông; có động từ chỉ hành động “lưu”, “ngữ”,
“hoành” lại có thể không diễn ra hành động nào. Trước khung cảnh thiên nhiên ấy, tâm hồn thi nhân thanh tĩnh lắng đọng. Thi nhân đi giữa khung cảnh ấy, con mắt thơ nhìn ngắm khắp mọi chốn, sự vật như mới được phát hiện lần đầu trong cảm xúc vừa ngạc nhiên, vừa hân hoan vui sướng. Mây bồng bềnh cùng núi dường như gần lại dường như xa, con đường nửa rợp bóng hoa, nửa thì tràn ngập ánh nắng. Trước khung cảnh nên thơ ấy, con người thi nhân như hòa cùng cảnh vật. Thi nhân nâng chiếc sáo lên thổi để cho ánh trăng chiếu sáng ngập lồng ngực và ánh sáng cũng từ lồng ngực mà dâng lên. Một sự hòa hợp tuyệt đối giữa tâm và cảnh. Nhà thơ Saigyo của Nhật vào thế kỷ mười hai cũng từng viết:
Vào sâu núi đồi
Trái tim trăng sáng
Ánh lên ngời ngời.
Đến với bài Thiên Trường vãn vọng, chúng ta lại được thấy một bức tranh thôn quê yên bình:
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.
(Thiên trường vãn vọng) (Trước thôn, sau thôn đều mờ mờ như khói phủ,
Bên bóng chiều (cảnh vật) nửa như có, nửa như không. Trong tiếng sáo, mục đồng lùa trâu về hết,
Từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng) [7, tr.464-465]
Đứng từ trên cao nhìn xa ra ruộng đồng, thôn xóm vào lúc trời sắp chạng vạng, thấy thế giới bên ngoài nửa hư nửa thực, tuy có mà như không thật, giữa cái khách quan và chủ quan cũng dường như không còn biên giới nữa. Trời đang lúc chuyển giao giữa ngày và đêm, hơi sương bốc lên, ánh mặt trời lặn vào trong sương khói càng làm cho cảnh vật mang một vẻ đẹp mờ ảo. Trong không gian
ấy, có hình ảnh những đứa trẻ mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo, trâu ngoan ngoãn theo tiếng sáo chậm bước về nhà. Giữa trâu và người chăn không còn trở ngại, hai bên hòa làm một như tâm và thân. Trong âm thanh yên bình ấy, hình ảnh đôi cò trắng song song sà xuống ruộng như những thiên thần đang đem đến điều huyền diệu cho thế gian. Hình ảnh, màu sắc đều có sự hòa điệu: con đường làng êm ả, có đàn cò trắng đậu trên cánh đồng lúa xanh, có dăm ba đứa trẻ lùa trâu về chuồng, trong bóng chiều mờ mờ khói phủ. Lúc này, tâm hồn nhà thơ chắc cũng đang thanh tịnh như tâm hồn của những đứa trẻ mục đồng kia. Bài thơ chỉ với bốn câu ngắn gọn nhưng đã vẽ nên một bức tranh thủy mạc chân thực, linh hoạt mà hàm súc ý vị siêu nhiên. Bài thơ đã đạt đến mức
“thi trung hữu họa”.
Khi đặt chân đến hồ Động Thiên, trước khung cảnh hữu tình, tâm hồn nhà thơ dạt dào cảm xúc, tứ thơ cũng từ đó mà hình thành:
Động Thiên hồ thượng cảnh,
Hoa thảo giảm xuân dung.
Thượng đế liên sầu tịch,
Thái thanh thì nhất chung.
(Động Thiên hồ thượng) (Quang cảnh hồ Động Thiên,
Hoa cỏ kém vẻ xuân tươi. Thượng đế thương hiu quạnh,
Tỉnh thoảng điểm một tiếng chuông giữa tầng biếc.) [7, tr.455] Hồ Động Thiên ở nơi vắng vẻ cằn khô, khiến cho hoa cỏ đang ở độ xuân cũng kém vẻ xuân tươi. Nhưng vẻ xuân tươi trên tầng trời xanh còn rất dồi dào. Và thượng đế cũng rất công bằng đã đem cái hương xuân ấy từ trời cao rớt xuống vùng đất hẻo lánh này thành những tiếng chuông ngân. Tiếng chuông vang vọng giữa bầu hư không làm cho cảnh hồ Động Thiên bớt hiu quanh, lấy lại vẻ xuân tươi. Phải có tâm hồn tinh tế đến thế nào mới nhận biết được cái tình
của vũ trụ, không để cho một nơi nào phải thiệt thòi. Cảnh mùa xuân vào buổi sớm dưới con mắt của Trần Nhân Tông cũng trở nên rất tình tứ:
Thụy khởi khải song phi, Bất tri xuân dĩ quy. Nhất song bạch hồ điệp, Phách phách sấn hoa phi.
(Xuân hiểu) Ngủ dậy mở cánh cửa sổ,
Không hay mùa xuân đã về. Một đôi bươm bướm trắng,
Phần phật cánh bay đến với hoa.) [7, tr.453-454]
Bài thơ mở đầu bằng một hành động thường ngày: ngủ dậy mở cửa sổ để ngắm nhìn thế giới bên ngoài. Khi cánh cửa sổ vừa được hé mở, thế giới bên ngoài dần xuất hiện thì thi nhân hết sức ngạc nhiên trước sự đổi thay của đất trời: “xuân dĩ quy”. Sau một giấc ngủ, tâm hồn thư thái, bình lặng ấy bỗng dâng trào cảm xúc, niềm vui khôn tả khi khám phá ra một điều thú vị. Hình ảnh đôi bướm trắng đang tình tứ bên những cánh hoa vừa hé nụ báo hiệu mùa xuân đang đến, đất trời tràn ngập sắc xuân và sức sống. Bài thơ kết thúc nhưng không hề đóng lại mà mở ra vô số làn sóng cảm xúc đem đến cảm giác êm ái, thi vị cho người đọc. Cái “quên”, cái “không hay” mùa xuân về của thi nhân thật dễ thương và hồn nhiên, giữa người và cảnh dường như cũng tình tứ, quấn quýt, chan hòa. Thi nhân đang sống cùng cảnh vật. Mùa xuân không chỉ hiện diện qua hoa và bướm mà còn ở hình ảnh lứa đôi – một đôi bướm lượn, và ngay cả hành động của nó – “phách phách”. Tất cả đều gợi lên hương vị của tình yêu và hạnh phúc, gợi cảm giác đầm ấm, sum họp. Sự kết hợp màu sắc ở đây cũng rất hài hòa: giữa một vườn hoa xuân đầy màu sắc điểm màu trắng tinh khôi, giản dị của đôi bướm đã mang lại một bức tranh xuân đẹp, thanh bình và tươi trẻ. Nhà thơ
quả thật tinh tế khi nhận ra những biến chuyển rất nhỏ của thiên nhiên khi vừa mới chớm xuân.
Sự tinh tế, mẫn cảm của tâm hồn thi nhân Trần Nhân Tông còn được thể hiện qua việc cảm nhận được vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên khi quan sát cảnh vật gián tiếp qua cái bóng của nó:
Họa kiều đảo ảnh trám khê hoành, Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh. Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc, Thấp vân như mộng viễn chung thanh.
(Vũ Lâm thu vãn) (Chiếc cầu chạm vẽ đảo bóng vắt ngang dòng suối,
Một vệt nắng chiều rực sáng bên ngoài ngấn nước. Nghìn núi lặng lờ, lá đỏ rơi,
Mây ướt giăng như mộng, tiếng chuông xa vẳng.)
(Chiều thu ở Vũ Lâm) [7, tr.467]
Đây là một bức tranh thu về non nước Ninh Bình thanh tịnh, u tịch, được dệt nên bằng những ngôn từ của thi ca với cảm quan nhạy bén của thi nhân: cảnh chiều thu với ánh tà dương, lá thu đỏ nhẹ rơi, núi non trùng điệp, tịch mịch cùng với tiếng chuông chùa văng vẳng giữa không trung. Một bức tranh lấp lánh ánh sáng, hài hòa cùng màu sắc, âm thanh và hình khối. Điểm đặc biệt là thi nhân không nhìn trực tiếp cảnh vật mà nhìn qua cái bóng của nó: bóng cầu đổ ngược xuống dòng suối, vệt nắng chiều chiếu xuống ngấn nước long lanh. Lá đỏ rơi khẽ khàng giữa núi non tịch mịch. Và đâu đó xa xăm tiếng chuông mơ hồ vẳng đến càng làm cho thi nhân tưởng như mình lạc vào cảnh mộng.
Không chỉ rung cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên u tịch hay cảnh sơn thủy hữu tình, Trần Nhân Tông còn dạt dào cảm xúc trước vẻ đẹp mỏng manh của hoa mai. Mai là một thi liệu quen thuộc trong thơ ca trung đại phương Đông. Đã có biết bao nhà thơ có những bài thơ vịnh mai đặc sắc nhưng Trần Nhân Tông
vẫn có cách cảm về hoa mai rất riêng vừa thâm trầm, tinh tế nhưng cũng rất sắc sảo, nồng nàn:
Vũ xuất viên ba kim niễn tu,
San hô trầm ảnh hải lân phù.
Cá tam đông bạch chi tiền diện,
Tá nhất biện hương xuân thượng đầu.
Cam lộ lưu phương si điệp tỉnh, Dạ quang như thủy khát cầm sầu. Hằng Nga nhược thức hoa giai xứ, Quế lãnh thiềm hàn chỉ má hưu!
(Tảo mai I) (Năm cánh hoa tròn nhị điểm vàng,
[Như] bóng san hô chìm, [như] vảy cá biển nổi. Cành hoa trắng xóa suốt trong ba tháng đông,
Sang đầu xuân chỉ còn loáng thoáng một vài cánh thơm nhẹ. Móc ngọt chảy mùi thơm làm chú bướm si ngây tỉnh giấc,
Ánh sáng ban đêm như nước biển khiến con chim khát buồn rầu. Nếu Hằng Nga biết được vẻ đẹp thanh nhã của hoa mai,
Thì có ưa gì cây quế với cung thiềm lạnh lẽo.)
(Hoa mai sớm I) [7, tr.470]
Nếu như trong truyền thống thi ca phương Đông thường nhìn cây mai ở vẻ cứng rắn, bất chấp sương gió để tượng trưng cho người quân tử thì Trần Nhân Tông chỉ tập trung miêu tả vẻ đẹp của cánh hoa mỏng manh, tinh khiết nhưng vô cùng hấp dẫn: cánh trắng điểm nhị vàng, óng ánh như bóng san hô chìm, như vảy cá nổi, khi nở rộ thì trắng cả khu vườn, tỏa hương thơm dịu ngọt,…Giữa mùa đông giá lạnh, những cánh hoa mai khoe sắc, thu hút vạn vật làm cho chú bướm phải ngây ngất, thách thức cả vẻ đẹp của cây quế nơi cung thiềm, màu trắng tinh khôi của những cánh hoa mỏng manh hòa cùng với ánh trăng tạo nên
một màu loang loáng như nước làm cho chú chim đang khát càng thêm buồn rầu. Nhưng khi mùa xuân đến, những màu trắng tinh khôi ấy lại biến mất như một phép màu. Mai trong thơ Trần Nhân Tông thật đẹp, vừa gần gũi vừa xa vời. Vẻ đẹp của nó vượt xa hẳn với cây quế nơi cung thiềm, làm cho Hằng Nga cũng phải thích thú. Phải có một cảm quan rất nhạy bén, Trần Nhân Tông mới có thể nhìn cây mai mang vẻ đẹp riêng và tinh tế như vậy. Cao Bá Quát cũng từng nhắc đến hoa mai nhưng ông khai thác hoa mai tượng trưng cho sự thanh cao của người quân tử:
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.
(Tài mai) (Mười năm chu du tìm gươm báu
Đời ta chỉ cúi lạy hoa mai.)
(Tìm mai)
Hay:
Dục hướng thương thương vấn sở tòng,
Lẫm nhiên cô trĩ tuyết sơn trung.
(Mai hoa – Lý Đạo Tái)
(Muốn ngẩng nhìn trời xanh hỏi hoa mai từ đâu tới, Lẫm liệt đứng sừng sững một mình trong núi tuyết.)
[7, tr. 690] Sự mẫn cảm trong tâm hồn Trần Nhân Tông trước cảnh thiên nhiên tươi đẹp bộc lộ qua những tứ thơ rất riêng, rất đặc biệt, cho thấy cách nhìn, cách cảm mới về thiên nhiên. Cùng miêu tả về thiên nhiên nhưng thơ thiên nhiên của Trần Nhân Tông đã đem đến cho người đọc những cảm xúc nhẹ nhàng, tinh tế và sự lan tỏa sâu lắng trong tâm hồn.
2.2.2. Mẫn cảm trong tình người
Là người đứng đầu của một đất nước, Trần Nhân Tông có trách nhiệm dẫn dắt muôn dân trong công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Vì trách nhiệm, Trần Nhân Tông phải dấn thân ra chiến trường, cùng toàn dân cầm vũ khí chống giặc để bảo vệ đất nước khỏi nạn ngoại xâm nhưng trong thâm tâm