Tình yêu mến, gắn bó sâu sắc với đất nước và con ngườ

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ trần nhân tông (Trang 43 - 46)

Chương 2 ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG THƠ TRẦN NHÂN TÔNG

2.1. Tình yêu và niềm tự hào về quê hương đất nước

2.1.1. Tình yêu mến, gắn bó sâu sắc với đất nước và con ngườ

Tình yêu quê hương đất nước là một trong những truyền thống quí báu của dân tộc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt văn học Việt Nam. Các nhà thơ, nhà văn luôn bày tỏ tình yêu mến, gắn bó sâu sắc với quê hương đất nước qua những vần thơ, những trang văn thấm đẫm cảm xúc. Trần Nhân Tông cũng vậy. Là một vị vua nhân từ, hết lòng vì dân, lại được sống trong thời đại oanh liệt của lịch sử dân tộc, ông càng gắn bó và yêu mến đối với quê hương, đất nước và con người Đại Việt. Tình yêu và sự gắn bó này được thể hiện qua những bài thơ chứa chan tình cảm. Đó là cái hồn quê của dân tộc mà ông luôn giữ gìn, bảo vệ, trân trọng và biểu hiện bằng những lời thơ trong sáng viết về thiên nhiên. Đó không phải là thiên nhiên chung chung mà là thiên nhiên của quê hương Việt Nam. Có thể là cảnh sớm xuân với đôi bướm trắng hay cảnh hè với tiếng ve ngân rộn trời chiều, là cảnh trăng sáng nơi am vắng hay ánh trăng nơi cung cấm hoặc cảnh thanh bình nửa hư nửa thực của làng quê Thiên Trường,…. Tất cả đều toát lên sự gần gũi, thân thương với con người Việt.

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,

Bán vô bán hữu tịch dương biên.

Mục đồng nghịch lý quy ngưu tận,

Bạch lộ song song phi hạ điền.

(Thiên trường vãn vọng) (Trước thôn, sau thôn đều mờ mờ như khói phủ,

Bên bóng chiều (cảnh vật) nửa như có, nửa như không. Trong tiếng sao, mục đồng lùa trâu về hết,

Từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng)

Bài thơ mở ra một khung cảnh đồng quê thanh bình, yên ả. Nhà thơ đang đứng từ trên cao với tâm thế thanh thản trên đất nước độc lập tự chủ, phóng tầm nhìn ra xa, quan sát khắp bốn bề, thu vào tầm mắt cảnh đẹp của quê hương, cảm nhận hết cái lung linh huyền ảo của “trước xóm sau thôn” trong ánh nắng chiều tà. Từ trên cao nhìn xuống là ruộng đồng bát ngát, thôn xóm trù phú, cánh cò trắng từng đôi liệng xuống đồng trong âm thanh trong trẻo của tiếng sáo mục đồng. Tất cả toát lên vẻ đẹp thanh bình và thi vị. Hình ảnh trong bài thơ thật quen thuộc, gần gũi như lời ca dao trong kí ức tuổi thơ của mỗi con người Việt Nam. Trong văn chương trung đại thường xuất hiện những thi liệu quen thuộc có tính ước lệ như: “phong, hoa, tuyết, nguyệt” hay “hồ, đình, liễu, tạ”, chứ hiếm khi bắt gặp hình ảnh cánh cò, con trâu, cánh đồng lúa hay vết bùn đất. Phải đợi đến tận cuối thế kỷ thứ XIX chúng ta mới thấy phong cảnh nông thôn và đời sống “chân lấm tay bùn” của quê hương xuất hiện trong thi ca. Thế mà, Trần Nhân Tông được sinh ra và lớn lên nơi cung son điện ngọc lại vẽ nên một bức tranh làng quê chân thực, sinh động, đơn sơ mà tuyệt mĩ đến vậy càng chứng tỏ tấm lòng ông thiết tha yêu mến, gắn bó với quê hương đất nước và con người Đại Việt đến ngần nào.

Một lần khác, cũng tại quê nhà, Trần Nhân Tông đi dạo một mình trên con đường đất có nhiều bùn lầy. Cơn mưa vừa tạnh, đã xóa sạch những đám bùn nhơ đó. Trước mắt Trần Nhân Tông hiện ra những màu sắc lung linh vô cùng:

Lục ám hồng bi bội tịch liêu, Tễ vân thôn vũ thổ hoa tiêu.

(Thiên Trường phủ) (Màu xanh thẫm, màu đỏ thưa, cảnh thêm vắng vẻ,

Mây quang, mưa tạnh, ngấn bùn đất cũng mất sạch.)

(Phủ Thiên Trường) [7, tr.472-473]

Sau cơn mưa, tất cả vạn vật đều trở nên tươi mới hơn, chúng như vừa được gột rửa, hoa lá cỏ cây dường như trở nên mượt mà hơn, tràn đầy sức sống. Tiếng

mưa dứt cũng là lúc cảnh vật trở lại sự yên tĩnh. Và một điều đặc biệt là nhà thơ đã phát hiện ra sau cơn mưa lớp bùn đất trên đường đã mất sạch. “Tễ vân thôn

vũ thổ hoa tiêu”, câu thơ đọc lên nghe thật giản dị, đó là chuyện bình thường ở

vùng nông thôn sau mỗi cơn mưa, nhưng có mấy ai cảm nhận được. Chất chứa đằng sau câu thơ là cả một tấm lòng yêu mến, gắn bó với quê hương của thi nhân. Nếu không sao nhà thơ có thể quan tâm đến chi tiết nhỏ nhặt và tinh tế ấy?

Trần Nhân Tông không chỉ gắn bó với quê hương Thiên Trường mà ông còn trải lòng yêu mến với mọi miền quê khác trên đất nước Đại Việt. Đó có thể là cảnh ngôi chùa cổ hoang vắng, lặng lẽ nhưng mang một nét đẹp riêng:

Cổ tự thê lương thu ái ngoại,

Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ. Thủy minh, sơn tĩnh, bạch âu quá, Phong định, vân nhàn,hồng thụ sơ.

(Lạng Châu vãn cảnh) (Ngôi chùa cổ lạnh lẽo sau lớp khói mùa thu,

Thuyền câu hiu quạnh, chuông chùa bắt đầu điểm. Nước trong, núi lặng, chim âu trắng bay qua, Gió im, mây nhởn nhơ, cây lơ thơ lá đỏ.)

(Cảnh chiều ở Châu Lạng) [7, tr.468]

Vẻ đẹp của buổi chiều ở Lạng Châu cũng bình dị, nên thơ như vùng quê Thiên Trường. Ngôi chùa cổ được bao phủ trong lớp sương khói mùa thu, gợi nên sự hư ảo, nửa như có nửa như không, cảnh vật xung quanh cũng tĩnh lặng càng tôn thêm vẻ cổ kính. Chiếc thuyền câu hiu quạnh, không có bóng dáng của người câu, nước trong không có chút gợn sóng, núi lặng, gió im, trên những cành cây chỉ còn lưa thưa vài chiếc lá cuối mùa. Giữa không gian tĩnh lặng, tiếng chuông chùa vang lên rồi mất hút vào hư không càng làm cho cảnh trở nên vắng vẻ. Trước khung cảnh thiên nhiên như chốn thần tiên ấy, tâm hồn thi nhân thoát tục, lặng yên giao hòa cùng cảnh vật. Với cái tâm không vắng lặng, với

tình yêu mến thiết tha, Trần Nhân Tông đã cảm nhận vẻ đẹp bình yên, giản dị nơi làng quê này. Và nhà thơ đã trở thành họa sĩ ghi lại những nét vẽ xuất thần trước cảnh sắc tuyệt vời của bức tranh thiên nhiên.

Mỗi bước chân của Trần Nhân Tông đi đến đâu là ở đó cảnh đẹp của đất nước lại hiện hữu trong những tứ thơ chan chứa tình yêu mến gắn bó giữa người và cảnh. Đó là vẻ đẹp thanh nhã, u tịch của núi Bảo Đài, chùa Phổ Minh, vẻ đẹp huyền ảo của chiều thu ở Vũ Lâm, Hồ Động Thiên,…; đó là tiếng chuông chùa vang vọng cùng với tiếng kinh cầu bên mái chùa, tiếng ve ngân vào buổi trưa hè giữa không gian cô tịch, là gốc đa, bến nước – hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam,…. Tất cả đi vào trang thơ Trần Nhân Tông thật gần gũi, bình dị, phô diễn được thần thái yên bình, đầm ấm nhưng không kém phần thanh thoát của thiên nhiên đất nước.

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ trần nhân tông (Trang 43 - 46)