Chương 3 ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT THƠ TRẦN NHÂN TÔNG
3.3. Hình ảnh
3.3.2.2. Cảnh vật được quan sát trong sự vận động biện chứng giữa
động và tĩnh, hư và thực
Cũng với đề tài thiên nhiên nhưng thiên nhiên trong thơ Trần Nhân Tông vừa giản dị lại vừa rất tinh tế với một cảm quan nghệ thuật độc đáo: nhìn thiên
nhiên trong sự vận động biện chứng giữa những cặp phạm trù đối lập nhau:
động – tĩnh, hư – thực, nhằm phản ánh tính chất bất định của cuộc sống. Đó là
một thiên nhiên “có nhiều lúc thoạt nhìn tịch mịch và tĩnh lặng, nhưng quan sát
xa vừa gần, lúc mờ lúc tỏ…” (58, tr.51), đó là một thiên nhiên đánh lừa cảm nhận của người trần bằng một thế giới tưởng chừng là tĩnh nhưng hết sức sinh động chỉ bởi một tiếng chuông hay tiếng ve ngân bất ngờ vang lại, đó cũng là một thiên nhiên mà ranh giới giữa Có và Không mong manh như hơi khói, chủ thể và khách thể những tưởng là Có mà thoáng chốc hóa Không – cái Không của
“Vô ngã”, sự đời đương phơi bày trước mắt mà thoáng chốc cũng hóa “Vô
thường”.
Cảnh vật trong thơ thiên nhiên Trần Nhân Tông thường nửa hư nửa thực,
khi mờ khi tỏ, lúc xa lúc gần, lúc sáng lúc tối. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều này trong bức tranh thiên nhiên lặng lẽ chiều tà ở Thiên Trường:
Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền
(Thiên Trường vãn vọng)
Trước xóm, sau thôn, khí trời mờ nhạt như khói, Bóng chiều tà nửa không, nửa có.
Trẻ chăn trâu thổi sáo dẫn trâu về hết, Từng hàng cò trắng bay xuống ruộng.
(Ngắm cảnh chiều Thiên Trường) [7, tr.464-465]
Cảnh thôn xóm của làng quê được vẽ nên bằng hai nét mực trắng và đen, tượng trưng cho Vô và Hữu, nét đen (Hữu) phác họa những gì được chụp lại bằng quan sát, đó là hình ảnh từng đàn cò trắng bay xuống ruộng trong không gian chập choạng giữa ngày và đêm; còn những nét trắng (Vô) là khoảng không bao la để chúng ta lắng lòng đi vào thế giới của tâm tưởng, đó là màn khói mong manh mờ nhạt của khí trời tạo nên ranh giới khó định hình giữa thực và ảo, nửa như có nửa như không của cảnh vật – “Bán vô, bán hữu tịch dương biên”. Cũng thật khó để có thể xác định có phải chính nhà thơ chứng kiến thời khắc chuyển
giao này để đưa vào “Thiên Trường vãn vọng” hay không, bởi vì cái hình ảnh của thực lúc này dường như chỉ là “Bạch lộ song song phi hạ điền” mà thôi, còn những gì được nhắc đến ở trên (kể cả con người) đều đã không còn hoặc tồn tại một cách không rõ ràng: không gian thì mờ nhạt như khói, mấy đứa trẻ chăn trâu cũng đã dắt trâu về hết, như vậy, hầu hết bức tranh thiên nhiên này là ảo. Thế nhưng nói như vậy không phải để đưa đến một kết luận rằng thiên nhiên trong bức tranh này là một thiên nhiên giả định, bởi vì dù có nhìn cuộc sống bằng con mắt thoát tục nhưng điểm dừng cuối cùng của nhà thơ vẫn là đàn cò trắng đang từng đàn kéo về đậu dưới ruộng kia, chứ không phải là một nơi nào khác ngoài thế giới trần tục này. Sự sống vẫn diễn ra như tự có của nó. Như vậy rõ ràng trong thơ Trần Nhân Tông có một sự vận động nhẹ nhàng nhưng hết sức tự nhiên và tinh tế giữa thực và hư, giữa cuộc sống có thể nhìn thấy bằng mắt thường và thế giới được định hình bằng cái tâm tịnh lạc.
Một biểu hiện khác cho đặc trưng thẩm mĩ này đó là vẻ thoát tục của mây núi bồng bềnh mà bài thơ “Đăng Bảo Đài sơn” đã gợi lên nơi người đọc:
Địa tịch đài du cổ,
Thời lai xuân vị thâm.
Vân sơn tương viễn cận, Hoa kính bán tình âm.
Vạn sự thủy lưu thủy,
Bách niên tâm dữ tâm. Ỷ lan hoành ngọc địch,
Minh nguyệt mãn hung khâm”
(Đất hẻo lánh, đài thêm cổ kính, Theo thời tiết, mùa xuân về chưa lâu. Núi mây như xa, như gần,
Ngõ hoa nửa rợp, nửa nắng. Muôn việc như nước tuôn nước,
Trăm năm lòng lại nhủ lòng.
Tựa lan can nâng ngang chiếc sáo ngọc, Ánh trăng sáng chan hòa trước ngực.)
(Lên chơi núi Bảo Đài) [7, tr.456-457] Chỉ với hai hình ảnh Vân sơn tương viễn cận/ Hoa kính bán tình âm mà không gian núi Bảo Đài đã như kéo lên đến tận Niết bàn. Cảnh mây núi bồng bềnh: mây chờn vờn bao quanh núi, núi khi ẩn khi hiện trong mây khiến người trần không thể nào chạm tầm nhìn được đến đỉnh núi, núi cứ thế bất tận và bất tường, khi cứ nghĩ có thể dùng tay vén lớp màn mỏng ấy đi để núi hiện ra thì mây núi rất gần nhưng khi lại cảm giác như nơi ấy xa vời vợi vì thuộc về thế giới khác. Vì vậy, mà cái ngõ hoa tưởng chừng ở ngay trước mắt kia mà có lúc cũng thật khó nắm bắt – “Hoa kính bán tình âm”. Như vậy, hai hình ảnh thuộc về hai thế giới: mây núi – xa, khó tiếp cận và ngõ hoa – gần, dễ dàng tiếp cận lại có chung một trạng thái tồn tại mang tính tương đối. Rõ ràng Trần Nhân Tông không hề có ý định phân chia rạch ròi hai thế giới cực lạc và trần gian bằng không gian thực tế, mà có lẽ là do chính cái tâm Thiền nhập thế nơi ông đạt đến cái vô cùng của giác ngộ gợi ra sự nhập nhằng ấy.
Cái vi diệu trong thế giới thực và ảo này còn được thể hiện qua những vật thể nhiều khi không được quan sát trực tiếp bằng chính nó, mà qua hình bóng của nó. Chẳng hạn như hình ảnh cái bóng của chiếc cầu vắt ngang dòng sông, trầm tĩnh giữa đôi bờ trong bài Vũ Lâm thu vãn:
Họa kiều đảo ảnh trám khê hoành,
Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh.
(Chiếc cầu chạm vẽ đảo bóng vắt ngang dòng suối,
Một vệt nắng chiều rực sáng bên ngoài ngấn nước.) [7, tr.467] Cái bóng tuy là vật thể không được xác nhận về tính tồn tại của nó, thế nhưng thông qua hình ảnh cái bóng lúc này, chúng ta cảm nhận được sự tồn tại đích thực của chiếc cầu (ít nhất là trong giai đoạn hiện tại). Đó là sự vật đang
hiển hiện và đang chiếm lĩnh không gian bài thơ, là điểm nhìn được chú ý đến trong cảm hứng của nhà thơ. Lấy bóng vẽ hình là một nét độc đáo trong thơ thiên nhiên của Trần Nhân Tông. Với tinh thần phá chấp, không bám vào cái có, nhà thơ – thiền sư đã khẳng định sự vật bằng cái ảnh ảo của chính nó, và đồng thời khẳng định cái ảnh ảo đó cũng chính là một vật thể đang tồn tại, vì sự tồn tại của nó song song với sự tồn tại của sự vật đang hiển hiện là chiếc cầu kia. Như vậy, một lần nữa, thế giới giữa thực và ảo lại bị xóa nhòa ranh giới. Có thể kể đến hình ảnh cái bóng của cảnh vật qua những bài thơ khác như: Xuân cảnh,
Khuê oán, Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ, Đề Phổ Minh tự thủy tạ,…
Một biểu hiện khác của cặp đối lập hư – thực là những giấc mộng xuất hiện trong thơ. Có khi đó là giấc mộng thật (Thiên Trường phủ), có khi đó là giấc mộng ngay giữa cuộc đời, con người như lạc vào tiên cảnh, lạc vào thế giới của thiên nhiên lung linh, lộng lẫy, thoát tục (Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ).
Cặp đối lặp động – tĩnh là một cặp phạm trù nổi bật khác không thể
không kể đến trong sự vận động biện chứng của hình ảnh thơ Trần Nhân Tông khi đặc tả thiên nhiên. Thiên nhiên dưới cảm quan Thiền của thi nhân luôn luôn được xuất hiện trên cái nền tĩnh lặng, tịch mịch nhưng nó không hoàn toàn ảm đạm bởi trên cái nền tĩnh ấy luôn được điểm xuyết một yếu tố, một chi tiết, một hình ảnh động. Cái động ấy không phải xuất hiện để xua tan đi cái tịch tĩnh của không gian, của cảnh vật mà nó xuất hiện để làm đậm thêm chất tĩnh, chất lặng của thiên nhiên. Tại sao giữa khoảng không gian yên tĩnh dường như tuyệt đối lại xuất hiện một yếu tố động mà cái tĩnh không bị phá tan? Phải chăng cái tĩnh ấy là cái tĩnh từ tâm con người đã vượt thoát khỏi những chấp nhặt đời thường, hòa cùng ngoại giới nên mọi biến thái của cảnh vật đều không có gì lạ lẫm và đang ngờ vực nữa. Con người nhìn cảnh vật bằng con mắt thiền, đã đạt đến độ
“đối cảnh vô tâm” thì cớ gì còn phân biệt tĩnh – động của cảnh vật. Cái tĩnh –
động ở đây phải chăng chỉ là muốn phản quan cái thế giới vô thường, bất định? Không nơi đâu hoàn toàn tĩnh, cũng không nơi đâu hoàn toàn động. Động – tĩnh
chỉ từ tâm mà ra. Và cái động ấy xuất hiện giữa cái tĩnh ấy như muốn nhắc rằng, cảnh đây là cảnh thực. Cảnh thực cũng đẹp hoang sơ, thanh thoát không kém gì cảnh tiên mà nhiều người mơ ước. Thế thì cần gì phải tìm kiếm đâu xa, hãy “hưởng thụ” ngay tại nơi trần thế này.
Cặp động – tĩnh này có thể tìm thấy hầu khắp trong các bài thơ thiên nhiên của Trần Nhân Tông. Có thể kể đến như: Xuân cảnh, Thiên Trường vãn vọng, Nguyệt, Đề Phổ Minh tự thủy tạ, Vũ Lâm thu vãn, Lạng Châu vãn cảnh,
Hạnh Thiên Trường hành cung, Động Thiên hồ thượng, Sơn phòng mạn hứng
II…
Trong bài thơ Xuân cảnh, Trần Nhân Tông đã đặc tả trên cái nền tĩnh của cảnh vật chỉ có “điểu ngữ trì” và “mộ vân phi” là có hơi hướng động, chuyển nhưng chỉ là cái động nhẹ nhàng, êm ái. Cái động như sợ phá tan đi cái tĩnh nên tiếng chim hót thì chậm rãi, mây chiều thì nhẹ lướt bay:
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì Hoa đường thiềm ảnh mộ vân phi.
(Trong khóm hoa dương liễu rậm, chim hót chậm rãi, Dưới bóng thềm ngôi nhà chạm vẽ, mây chiều lướt bay).
[7, tr.460] Ở bài thơ Đề Phổ Minh tự thủy tạ, không gian tràn ngập hương thơm, có gió thổi nhẹ mang hơi lạnh thoáng qua, gợn hiu hiu dòng nước, cây đa, ngôi chùa:
Lão dung ảnh lý tăng quan bế
Đệ nhất thiền thanh thu tứ trường
(Dưới bóng đa già, cổng chùa đóng im ỉm,
Một tiếng ve đầu tiên, tứ thu man mác.) [7, tr.466]
Cảnh vật đã “lão”, đã “bế”, bỗng bật lên “thiền thanh” làm “thu tứ
trường”. Cứ ngỡ là nhiều tiếng ve đồng loạt kêu nhưng chỉ là “đệ nhất”, duy chỉ
vẻ của cảnh vật, mà ngược lại, nó còn tô đậm sự vắng lặng của ngôi chùa hài hòa cùng tứ thu man mác lan xa bất tận. Chúng ta còn bắt gặp sự đối lập này trong bài “Động Thiên hồ thượng”:
Động Thiên hồ thượng cảnh,
Hoa thảo giảm xuân dung.
Thượng đế liên sầu tịch, Thái thanh thì nhất chung.
(Quang cảnh hồ Động thiên, Hoa cỏ kém vẻ xuân tươi. Thượng đế thương hiu quạnh,
Thỉnh thoảng điểm một tiếng chuông giữa tầng biếc.) [7, tr.455] Hồ Động Thiên “sầu tịch”, cảnh vật, hoa cỏ “giảm xuân dung”, mọi thứ đều có xu hướng quay về với cái lặng vắng mênh mông của vũ trụ. Thiên nhiên không phải là thiên nhiên dạt dào xuân sắc, nhộn nhịp, hối hả, tưng bừng mà đã đi vào trạng thái “sầu tịch”. Bốn bề tĩnh tại, chợt vang lên giữa thinh không là tiếng chuông. Chuông động giữa trời đất tĩnh, trời đất có động theo chăng hay càng thêm tĩnh?
Trong Sơn phòng mạn hứng II, cảnh lại là một đêm khuya mùa xuân tĩnh lặng, tĩnh lặng từ ngoài cảnh vật – “Hoa tận, vũ tình, sơn tịch tịch” (Hoa tàn, mưa tạnh, non im ắng), đến bên trong cõi lòng của con người – “Thị phi niệm
trục triêu hoa lạc/ Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn” (Phải trái rụng theo hoa buổi
sớm/ Lợi danh lạnh với trận mưa đêm).
Mọi sự đối lập đều mang tính chất biện chứng, nó chuyển hóa, tan hòa vào nhau, nhờ cái này mà nhận ra cái kia và ngược lại chứ không có sự triệt tiêu nhau. Đạt được điều đó, thi nhân không đơn thuần là thi nhân mà đã có sự kết hợp hài hòa giữa tâm hồn mẫn cảm của một thi nhân và sự an nhiên, đạt đạo của một thiền nhân.
Nhìn chung, với cách lựa chọn hình ảnh và xây dựng hình ảnh độc đáo, Trần Nhân Tông đã sáng tác nên những bài thơ thiên nhiên đặc sắc, mang phong cách riêng. Những bài thơ ấy trở thành những tuyệt phẩm của thơ văn Lý – Trần.