Tinh thần an nhiên, tự tại

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ trần nhân tông (Trang 71)

Cuộc đời là hư ảo, kiếp sống của con người là tạm bợ nhưng phải tiếp nhận cuộc sống ấy như thế nào để tránh rơi vào bi quan, yếm thế thì không phải ai cũng có thể làm được. Trần Nhân Tông và các thiền gia thời Lý – Trần đã mang trong mình một nguồn tư tưởng dạt dào sức sống. Đó chính là tinh thần lạc quan – tích cực, thái độ bình thản, tin tưởng đối với cuộc sống, đối với con người. Với tư tưởng “cư trần lạc đạo”, Trần Nhân Tông sống an nhiên, tự tại, thoát khỏi sự ràng buộc, qui ước giáo điều có sẵn. Hiểu biết qui luật tất yếu của cuộc sống thì nên chấp nhận, thuận theo qui luật ấy. Ông đã từng nhắc nhở mọi người:

Tự khai tự tạ tùy thời tiết

Vấn trước Đông quân tổng bất tri

(Hoa tự nở, tự tàn theo thời tiết

Đừng có hỏi chúa xuân cũng không biết) [7, tr.495]

Đã là qui luật của tạo hóa thì không thể nào can dự được và cũng không nên phí thời gian để băn khoăn mà hãy biết chấp nhận và sống thật thoải mái. Đây là một quan niệm sống bình thản, an nhiên, chứ không vội vàng, gấp gáp như nhà thơ mới Xuân Diệu:

Tôi muốn tắt nắng đi Cho màu đừng nhạt mất Tôi muốn buộc gió lại Cho hương đừng bay đi

(Vội vàng) Để có được phong thái ung dung, an lạc đó, Trần Nhân Tông đã đạt đến cái Tâm hoàn toàn tĩnh lặng, vượt lên mọi sự thị phi của cuộc đời. Từ khi nhận ra bộ mặt thật của chúa xuân nhà thơ đã thấu đạt chân lí, không để sự rộn rã hay tàn phai của mùa xuân làm vướng bận lòng mình nữa:

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không, Nhất xuân tâm tại bách hoa trung. Như kim khám phá đông hoàng diện, Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

(Thuở trẻ chưa từng hiểu rõ “sắc” và “không”, Mỗi khi xuân đến vẫn gởi lòng trong trăm hoa, Ngày nay đã khám phá được bộ mặt của chúa xuân,

Ngồi trên nệm cỏ giữa tấm phản nhà chùa ngắm cảnh hoa rụng.)

(Xuân muộn) [7, tr.463-464]

Bài thơ có lẽ được viết khi ông đã về già, đã từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử với núi rừng thanh vắng. Thuở tuổi đời còn non trẻ cứ chấp vào cái có cái không, cho nên mỗi khi mùa xuân đến, trăm hoa đua nở thắm tươi, lòng lại rộn ràng xao xuyến, còn khi xuân tàn hoa rụng lại xót xa tiếc nuối. Nhưng bây giờ,

khi đã nhận rõ bộ mặt thật của chúa xuân, tức là thấu hiểu triết lí bát nhã, nhận rõ thể tánh của Phật pháp, hiểu rõ qui luật của cuộc đời thì lòng trở nên thư thái, an nhiên. Cuộc sống trên thế gian không là vĩnh cửu, đời người là hữu hạn, mùa xuân đến rồi đi theo qui luật của vũ trụ, “Xuân qua trăm hoa rụng / Xuân tới

trăm hoa cười” (Mãn Giác Thiền sư). Nhưng nhận thức không phải để đau xót

mà nhận thức để chấp nhận một cách tự nhiên và sống vui với thời khắc hiện tại. Vì vậy, tâm hồn nhà thơ không còn xao động mỗi khi xuân đến rồi đi mà cứ an nhiên ngắm cảnh xuân tàn với một tâm thái an nhàn, bình thản. Giữ được tâm thái an nhiên trước sự chảy trôi của cuộc đời thật là đáng quí, đáng trân trọng. Nhưng phải sống như thế nào cho cuộc đời có ý nghĩa? Trần Nhân Tông khi lên chơi núi Bảo Đài, trước cảnh thanh vắng, u tịch, bước chân giữa mây, núi, hoa, lá, nhà thơ nói lên sự chiêm nghiệm về cuộc đời thật nhẹ nhàng, nhưng thật sâu sắc. Ông tự vấn chính mình:

Vạn sự thủy lưu thủy, Bách niên tâm ngữ tâm.

(Đăng Bảo Đài sơn) (Muôn việc như nước tuôn nước,

Trăm năm lòng lại nhủ lòng.) [7, tr.456-457]

Trước thiên nhiên tịch mịch vừa hiện thực vừa xa vắng, nhận ra sự hữu hạn của đời người, thi nhân có thoáng chút buồn nhưng trên hết vẫn là sự nhắc nhở chính mình rằng đã làm được gì cho đời trong khi thời gian không ngừng trôi qua. Câu thơ ấy gợi nhớ đến câu thơ của Mãn Giác Thiền sư:

Sự trục nhãn tiền quá Lão tòng đầu thượng lai

(Cáo tật thị chúng) [7, tr.298] Mặc dù nhận ra qui luật của đời người – sinh, lão, bệnh, tử – nhưng thiền sư dường như cũng có chút nuối tiếc vì thời gian cứ không ngừng trôi, tuổi già đang đến mà bản thân chưa làm được gì có ích cho đời. Tuy nhiên, khi đã ngộ

được chân lí cuốc sống, thiền sư – thi nhân Trần Nhân Tông ngắm nhìn cảnh vật, tận hưởng “kho báu” mà thiên nhiên ban tặng với tâm thái bình lặng an nhiên được chiếu rọi bởi ánh trăng huyền diệu – ánh sáng của tâm linh đã được giác ngộ:

Ỷ lan hoành ngọc địch,

Minh nguyệt mãn hung khâm.

(Đăng Bảo Đài sơn) (Tựa lan can nâng ngang chiếc sáo ngọc,

Ánh trăng sáng chan hòa trước ngực.) [7, tr.456-457]

Ánh trăng soi chiếu ngập tràn lồng ngực, từ lồng ngực tỏa ra ánh sáng của ánh trăng. Đó chính là ánh sáng của chân như. Bởi giác ngộ nên lòng an nhiên, tự tại, hội nhập tâm hồn mình với cái trong trẻo của vũ trụ.

Bán song đăng ảnh mãn sàng thư, Lộ trích thu đình dạ khí hư.

Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ, Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.

(Nguyệt) Bóng đèn soi nửa cửa sổ, sách đầy giường,

Móc rơi trên sân thu, hơi đêm thoáng mát.

Tỉnh giấc không biết tiếng chày nệm vải ở nơi nào, Trên chùm hoa quế trăng vừa mọc.

(Trăng) [7, tr. 465]

Bài thơ mở ra một cảnh đêm hoàn toàn tĩnh lặng, vắng vẻ: ánh đèn soi nửa khung cửa sổ, giường đầy sách. Đêm khuya thanh vắng, tĩnh lặng đến mức có thể nghe được tiếng hạt móc rơi trên sân. Đêm khuya chính là thời điểm để con người thanh lọc tâm hồn, bỏ qua mọi cái “vô thường”, tâm hoàn toàn tĩnh lặng. Chính vì vậy, sự “trống không” của đêm không chỉ gợi lên được sự trong trẻo và mát mẻ, bình lặng tự nhiên của trời đất vũ trụ mà còn gợi lên sự tĩnh lặng trong

tâm hồn thi nhân. Cái tâm bình lặng của con người đã hòa nhập cùng với cái hồn nhiên, trong trẻo của cảnh vật. Đêm khuya thinh vắng, trong trẻo đã đánh thức tâm hồn vốn nhạy cảm của thi nhân. Khi tỉnh giấc thì tiếng chày đập vải không còn, cũng là lúc ánh trăng bắt đầu xuất hiện trên chùm hoa quế. Đó vẫn là ánh trăng đêm thường thấy, vẫn là chùm hoa quế quen thuộc nhưng bây giờ ánh trăng rọi trên hoa lại trở nên huyền diệu. Phải chăng đó là khoảnh khắc bừng sáng của tâm thức? Con người quên hết việc đời, lợi lộc, công danh, địa vị, chỉ còn tâm hồn chan hòa bình đẳng cùng vạn vật. Kết thúc bài thơ, chúng ta cảm nhận được sự thư thái tuyệt đối trong tâm hồn, tận hưởng trọn vẹn thực tại cuộc sống và vẻ đẹp của thiên nhiên. Tâm bình lặng ấy cũng bắt gặp lại trong một buổi sáng sớm sau đêm mưa:

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc, Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.

(Sơn phòng mạn hứng II) (Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm,

Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm.) [7, tr.469]

Trong bài Đại Lãm Thần Quang tự, Trần Nhân Tông cũng với cái tâm bình lặng ấy để an nhiên thưởng ngoạn cuộc sống, hòa nhập vào với thiên nhiên thơ mộng:

Thần quang tự liễu hứng thiên u, Sanh thỏ phi ô thiên thượng du. Thập nhị lâu đài khai hạo trục, Tam thiên thế giới nhập thi mâu. Tục đa biến thái vân thương cẩu, Tùng bất tri niên tăng bạch đầu. Trừ khước trụ hương tham Phật sự, Tá dư niệm liễu tổng hưu hưu.

(Chùa Thần Quang vắng lặng, hứng thú có nét u nhã riêng, Chở ngọc thỏ, cưỡi kim ô du ngoạn trên bầu trời

Mười hai tòa lâu đài mở ra bức vẽ, Ba nghìn thế giới thu vào mắt thơ.

Thói đời nhiều thay đổi như mây trắng hóa chó xanh, Cây thông chẳng biết đến năm tháng, nhà sư đầu đã bạc. Ngoài việc thắp hương tham thiền ra,

Mọi điều suy nghĩ đều cho qua hết.)

(Chùa Thần Quang trên núi Đại Lãm) [7, tr.481]

Cuộc đời là hư ảo, luôn luôn biến đổi nhưng với một tâm hồn thấu triệt mọi đạo lí, thi nhân hòa cùng cảnh vật. Dưới con mắt thơ, cảnh vật trên núi Đại Lãm giống như chốn thần tiên, vừa đẹp vừa nên thơ. Con người ở đó ngắm nhìn cảnh trí, thu vào tầm mắt cả thế giới với cái tâm tự tại, mọi chuyện trong cuộc sống không còn vướng bận:

Cảnh tịch an cư tự tại tâm,

Lương phong xuy đệ nhập tùng âm, Thiền sàng thụ hạ nhất kinh quyển, Lưỡng tự thanh nhân thắng vạn câm.

(Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca) (Cảnh lặng, sống yên, lòng tự tại,

Gió mát thổi đến dưới bóng cây thông.

Giường thiền ở dưới gôc cây kinh một quyển,

Hai chữ thanh nhàn quý hơn vạn nén vàng.) [7, tr.535]

Tinh thần nhập thế đã mang đến cho Trần Nhân Tông một tâm hồn an nhiên tự tại trước những biến thiên của cuộc đời. Sự an nhiên, tự do trong tâm hồn giúp thi nhân có cuộc sống thanh thản, hài hòa cùng thiên nhiên vạn vật. Đó là một triết lí sống tích cực.

Tiểu kết chương 2

Ở Trần Nhân Tông có sự kết hợp hài hòa giữa ba con người: nhà vua – thi nhân – thiền sư, nên những vần thơ của ông mang những đặc trưng riêng, khác hẳn với các nhà thơ khác. Đó là những vần thơ vừa thấm đẫm tình yêu mến gắn bó và tự hào về đất nước và con người Đại Việt, vừa dạt dào chất nhân văn bởi những cảm xúc tinh tế từ một tâm hồn mẫn cảm, vừa thể hiện cách sống phóng khoáng, tùy duyên của một bậc chân tu đạt đạo. Qua những vần thơ trong sáng và dạt dào cảm xúc ấy, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của Trần Nhân Tông. Bởi chính tâm thức con người chi phối, quyết định cảm quan thơ.

Chương 3: ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT THƠ TRẦN NHÂN TÔNG 3.1. Thể thơ

3.1.1. Đường luật

Đối với văn học trung đại, thể thơ Đường luật là một thể loại phổ biến và đặc biệt quen thuộc. Hầu hết các tác giả ở giai đoạn văn học này đều chọn thơ Đường luật làm hình thức biểu hiện chính. Thể thơ này luôn yêu cầu cao về sự chặt chẽ của niêm luật. Chính yêu cầu về niêm luật chặt chẽ ấy đã tạo cho bài thơ cân đối về cấu trúc, hài hòa về âm điệu, rất phù hợp để bộc lộ những cảm xúc nội tâm của con người. Một điều độc đáo nữa ở thể thơ này là tính chất cô đọng, hàm súc và ngôn ngữ trong sáng. Tận dụng các ưu điểm ấy, các tác giả trung đại đã mượn cái vỏ Đường luật để chuyển tải một cách đầy đủ mà ngắn gọn cảm xúc nội tâm và tư tưởng đạo lí. Trần Nhân Tông cũng không ngoại lệ. Thơ ông phần lớn được viết theo thể Đường luật. Trong tổng số 38 bài thơ của ông thì có tới 30 bài viết theo thể Đường luật, chiếm gần 79%. Trong đó có 22 bài viết theo thể tứ tuyệt (18 bài thất ngôn tứ tuyệt, 4 bài ngũ ngôn tứ tuyệt), 9 bài theo thể bát cú (7 bài thất ngôn bát cú, 1 bài ngũ ngôn bát cú). Như vậy, nhìn chung, Trần Nhân Tông chủ yếu sử dụng thể thơ thất ngôn để sáng tác. Điều này có lẽ là do thơ của Trần Nhân Tông thiên nhiều về chất trữ tình nên thể thất ngôn là thể phù hợp để bộc lộ cảm xúc nội tâm.

Mặc dù số lượng thơ của Trần Nhân Tông còn lại không nhiều nhưng với 30 bài thơ viết theo thể Đường luật, nhà thơ cũng đã gửi gắm vào đó rất nhiều tâm tư, tình cảm, thậm chí là cả những quan điểm Thiền học của mình. Mặc dù thơ Đường luật có những gò bó về niêm luật mà tác giả phải tuân thủ nhưng đọc thơ của Trần Nhân Tông chúng ta vẫn nhận ra những nét riêng trong phong cách của ông: nhẹ nhàng, trầm lắng nhưng tràn đầy khí thế, tự nhiên, không gò bó. Chính vì vậy, đọc thơ của ông, độc giả không có cảm giác xa lạ, khô cứng mà ngược lại gần gũi và thấm đẫm cảm xúc.

Thể Đường luật có khi được Nhân Tông dùng để bày tỏ tình yêu, niềm tự hào của trước vẻ đẹp của quê hương đất nước và con người Đại Việt (Thiên

Trường vãn vọng, Qũy Trương Hiển Khanh xuân bính,…)

Ở bài “Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính ”, với thể thơ thất ngôn bát cú, Trần Nhân Tông bộc lộ niềm tự hào về phong tục nước Việt trước mặt sứ giả phương Bắc:

Giá chi vũ bãi thí xuân sam,

Huống trị kim triêu tam nguyệt tam.

Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính,

Tòng lai phong tục cựu An Nam.

(Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính) [7, tr.457-458] Bài thơ chỉ có bốn câu ngắn gọn nhưng chứa đựng biết bao ý nghĩa, trên hết vẫn là lòng tự hào trước nền văn hóa của dân tộc, qua đó cũng ngầm nhắc nhở triều Nguyên về sự tồn tại độc lập và lâu đời của nước Đại Việt.

Thể thơ này cũng đắc dụng khi bày tỏ cảm xúc, sự rung động của tâm hồn trước vẻ đẹp của thiên nhiên:

Ngũ nhật kinh hàn lãn xuất môn,

Đông phong tiên dĩ đáo cô côn (căn) Ảnh hoàng thủy diện băng sơ bạn,

Hoa áp chi đầu noãn vị phân.

Thủy vũ ca trầm sơn điếm nguyệt,

Họa long xuy thấp Ngọc quan vân.

Nhất chi mê nhập cố vân mộng,

Giác hậu bất kham trì tặng quân.

(Tảo mai II) [7, tr.470] Hay bày tỏ sự xúc cảm trước tâm sự của người khác (Khuê oán), quan niệm về chí làm trai, về trách nhiệm của một thiên tử, về việc chiến chinh,…

Phiêu phiêu hành ly lĩnh vân nam,

Xuân nhập mai hoa chỉ lưỡng tam.

Nhất thị đồng nhân thiên tử đức,

Sinh vô bổ thế trượng phu tàm.

Mã đầu phong tuyết trùng hồi thủ, Nhãn để giang san thiểu trụ tham. Minh nhật Lô giang uyên thủy khoát,

Bồ đào nộn lục tẩy tâm đàm.

(Họa Kiều Nguyên Lãng Vận) [7, tr.477] Thể Đường luật còn được dùng để bày tỏ quan điểm Thiền học của Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên Cơ tắc xan hề khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

(Cư trần lạc đạo) [7, tr.535] Từ đó có thể thấy thơ Đường luật của Trần Nhân Tông vẫn tuân thủ nghiêm ngặt những qui định về niêm luật nhưng không khô khan, gò bó mà ngược lại, mềm mại, uyển chuyển với những hình ảnh, âm thanh đầy ấn tượng những rung động tinh tế của thi nhân. Những qui định về số câu, số chữ, luật bằng trắc, đối, niêm của Đường luật lại trở thành phương tiện đắc lực cho thi nhân trong việc thể hiện cảm xúc, tư tưởng, quan niệm của mình. Giữa thơ Đường luật của Trần Nhân Tông với Đường thi cũng có khá nhiều khác biệt. Trước hết, hình ảnh trong Đường thi thường là những hình ảnh trang nhã, quí phái như “phong, hoa, tuyết, nguyệt”, còn trong thơ Trần Nhân Tông là hình ảnh gần gũi, giản dị như: thôn xóm, cánh đồng, con cò trắng, đàn trâu, vết bùn đất,… Nếu ông có đề cập đến những thi liệu quen thuộc như trong Đường thi thì cách cảm nhận của ông cũng hoàn toàn khác. Chẳng hạn bài ông tả về hoa mai,

ông không dùng hoa mai với ý nghĩa biểu tượng mà chỉ cảm nhận vẻ đẹp rất thực của nó.

Thứ hai, mặc dù thơ Trần Nhân Tông cũng chú trọng vẻ đẹp thanh tĩnh, u nhã như Đường thi nhưng trong thơ ông lại có sự kết hợp giữa động và tĩnh, hư và thực, cảnh vật luôn có sự vận động theo thời gian và dòng cảm xúc nên luôn tràn đầy sức sống:

Huân tận thiên đầu mãn tọa hương,

Thủy lưu sơ khởi bất đa lương.

Lão dung ảnh lý tăng quan bế,

Đệ nhất thiền thanh thu tứ trường.

(Đề Phổ Minh tự Thủy Tạ) [7, tr.466] Và lung linh huyền ảo, nhiều lúc dường như xóa nhòa ranh giới giữa mộng và thực:

Nhất thiên như thủy nguyệt như trú,

Hoa ảnh mãn song xuân mộng trường.

(Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ)

Tịch tịch thiên sơn hồng diệp lạc,

Thấp vân như mộng viễn chung thanh.

(Vũ Lâm thu vãn) Thoạt nhìn cứ tưởng thơ Đường luật của Trần Nhân Tông cũng giống như thơ Đường luật của các nhà thơ khác nhưng với cách quan sát, cách lựa chọn hình ảnh cùng với cảm quan nghệ thuật tinh tế, thể Đường luật của Trần Nhân Tông cũng có những nét riêng độc đáo vừa mang hơi thở của Đời vừa thấm đẫm ý vị Thiền, có vẻ đẹp của một anh hùng “thân dân” lại có vẻ an nhàn, ung dung

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ trần nhân tông (Trang 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)