Mẫn cảm trong tình người

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ trần nhân tông (Trang 60 - 66)

Chương 2 ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG THƠ TRẦN NHÂN TÔNG

2.2. Tâm hồn phong phú, mẫn cảm và dạt dào chất nhân văn

2.2.2. Mẫn cảm trong tình người

Là người đứng đầu của một đất nước, Trần Nhân Tông có trách nhiệm dẫn dắt muôn dân trong công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Vì trách nhiệm, Trần Nhân Tông phải dấn thân ra chiến trường, cùng toàn dân cầm vũ khí chống giặc để bảo vệ đất nước khỏi nạn ngoại xâm nhưng trong thâm tâm ông lại không hề mong muốn điều đó. Ông luôn muốn đất nước được thái bình, các dân tộc sống bình đẳng và có quan hệ tốt với nhau. Chính vì vậy, khi mang quân đi đánh biên giới phía Tây để dẹp yên vùng biên giới, Trần Nhân Tông vẫn thả hồn mình vào cảnh vật và mơ về giấc mộng quê nhà:

Cẩm phàm khinh sấn lãng hoa khai, Bồng để yêm yêm thủ bất đài

Tam giáp mộ vân vô nhạn đáo, Cửu than minh nguyệt hữu long lai Thê lương hành sắc thiêm cung mộng, Liên loạn nhàn sầu đáo tửu bôi.

(Tây chinh đạo trung) (Buồm gấm nhẹ nhàng lướt tới, hoa sóng nổ tung,

Dưới mui thuyền uể oải không muốn ngẩng đầu. Núi tam giác lơ lửng mây chiều, không nhạn tới, Chốn Cửu Than trăng sáng vằng vặc, có rồng bơi lại.

Cảnh đi đường lạnh lẽo lại thêm giấc mộng cung đình vấn vương, Mối sầu vơ vẩn đến với chén rượu.)

(Trên đường Tây chinh) [7, tr.476]

Vốn là con người nhạy cảm với thiên nhiên nên trên đường tây chinh, Trần Nhân Tông hòa lòng mình vào cảnh thiên nhiên thanh vắng, với trăng sáng nước sâu, non cao mây phủ, quên đi chuyện chiến chinh. Bài thơ bộc lộ tâm trạng và cảm nghĩ rất chân thật của nhà thơ. Là một nhà vua với quyền uy tối thượng nhưng lại có suy nghĩ của một con người bình thường, một người lính: muốn

được sống bình yên, thanh thản cùng với gia đình. Đi chinh phạt chẳng qua là

chuyện “bất đắc dĩ” chứ không phải là do lòng ham muốn quyền lực của một

ông vua. Với tấm lòng yêu thương con người, ông oán ghét chiến tranh, lòng luôn hướng về hòa bình nên trên đường đi ông vẫn để tâm đến vẻ đẹp của thiên nhiên, gửi gắm vào đó “giấc mộng cung đình vấn vương” và tự hỏi về ý nghĩa của chiến tranh:

Hán Vũ phiên chiêu cùng độc báng,

Nam nhi cấp cấp nhược vị tai?

(Tây chinh đạo trung) (Hán Vũ đế lại chuốc lấy lời chê “cùng binh độc vũ”,

Thế thì nam nhi lật đật về việc chinh chiến làm gì?) [7, tr.476] Đi chinh chiến mà lại hỏi về ý nghĩa của việc chiến chinh. Điều nay không có nghĩa là nhà vua đang nhụt chí, sợ sệt, chưa lâm trận đã muốn thoái lui mà đây là một câu hỏi thể hiện sự phản tỉnh sâu sắc. Vua Trần Nhân Tông đã trải qua biết bao lần chinh chiến để bảo vệ đất nước nhưng đó là vạn bất đắc dĩ, bản thân ông hiểu rất rõ bản chất tàn bạo của chiến tranh. Chinh chiến là việc không thể không làm để bảo vệ bình yên cho đất nước. Vua, quan và tướng lĩnh nhà Trần đã rất dũng cảm, không tiếc xương máu để bảo vệ đất nước và nhân dân

bởi “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ quân điếu phạt trước lo trừ bạo” (Bình Ngô

đại cáo – Nguyễn Trãi). Nhà vua đã hai lần lãnh đạo quân dân đánh thắng giặc

Nguyên xâm lược nên ông dám đường hoàng bộc lộ quan điểm của mình về chiến tranh. Chiến tranh chỉ đem lại đau khổ và loạn li cho con người. Thực tâm ông luôn yêu chuộng hòa bình, trân trọng sự sống và tình cảm yêu thương trong cuộc đời. Nhà vua không muốn như Hán Vũ Đế bị muôn đời cười chê là một ông vua ham chinh chiến, đam mê quyền lực, chuyên đi chinh phạt những nước nhỏ. Bởi tấm lòng yêu chuộng hòa bình, lo cho dân cho nước nên Trần Nhân Tông bộc lộ niềm vui sướng khi nhận được thư hồi đáp của vua nhà Nguyên:

Tận đạo tỉ thư sổ thập hàng,

Thắng như cầm điện ngũ huyền huân.

Càn khôn kiêm ái vô Nam Bắc,

Hà hoạn vân lôi phục hữu truân.

(Tặng Bắc sứ Lý Tư Diễn) (Mọi người đều bảo tờ chiếu ban xuống chỉ có mươi hàng,

Nhưng hơn hẳn tiếng hòa ấm của chiếc đàn cầm năm dây. Trời đất vốn một lòng yêu thương không phân biệt Nam, Bắc, Còn lo gì gặp bước gian truân gió mưa sấm sét.)

(Tặng sứ Bắc Lý Tư Diễn) [7, tr.474-475]

Sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ 3, Trần Nhân Tông vẫn bằng chính sách ngoại giao mềm dẻo, sai sứ sang cống và dâng biểu “tạ tội”. Nhà Nguyên cử Lý Tư Diễn sang tuyên dụ chiếu tha tội và phong tước cho vua nhà Trần. Trong buổi tiệc chiêu đãi, Lý Tư Diễn làm thơ, Trần Nhân Tông họa lại. Bài thơ đã nói lên nỗi lòng, niềm vui của Trần Nhân Tông, qua đó bộc lộ tư tưởng yêu chuộng hòa bình và tấm lòng ưu quốc ái dân. Chiếu chỉ chỉ có mươi hàng nhưng giá trị của nó rất lớn, hơn hẳn chiếc đàn của vua Thuấn thời xưa, bởi nó đem lại sự hòa bình giữa hai nước, nhân dân được ấm no hạnh phúc. Đối với một ông vua có tấm lòng yêu dân như Trần Nhân Tông thì đó là điều mong mỏi lớn nhất: hai bên Nam, Bắc hòa thuận, nhân dân cùng nhau sống yên vui, không phải lo đến chuyện binh đao.

Cũng với tư tưởng nhân văn cao đẹp ấy, Trần Nhân Tông một lần nữa nhấn mạnh quan điểm này một cách rõ ràng và cụ thể hơn trong lần tiếp sứ và họa thơ Kiều Nguyên Lãng. Nhà vua đã nói với sứ thần về trách nhiệm của kẻ làm trai, đặc biệt là của thiên tử:

Nhất thị đồng nhân thiên tử đức,

Sinh vô bổ thế trượng phu tàm.

(Thương yêu mọi người như nhau là ân đức của thiên tử,

Sống mà không giúp gì cho đời là điều đang hổ thẹn của kẻ trượng phu) [7, tr.477-478] Là vua của một nước, Nhân Tông thực hiện nhân chính, thương yêu dân của mình, đồng thời, ông cũng nói với sứ thần quan điểm “đồng nhân”, nghĩa là không chỉ thương dân mình mà còn biết thương dân nước khác. Chữ “nhân” theo quan điểm của Trần Nhân Tông không bó hẹp trong phạm vi của một quốc gia. Cách nói của nhà vua hợp với đạo thánh hiền. Như vậy, theo Trần Nhân Tông, một thiên tử, một đấng nam nhi là phải có tấm lòng yêu thương tất cả mọi người, đối xử với mọi người một cách công bằng chứ không phải là dùng quyền lực của mình để chèn ép người dưới, bắt nạt kẻ yếu và dùng vũ lực thôn tính những nước nhỏ. Là thiên tử thì phải biết chăm lo cho đời sống của nhân dân chứ không phải đam mê chiến tranh làm cho người mệt ngựa mỏi, đó không phải là đấng thiên tử mà người dân mong đợi. Kẻ trượng phu mà không giúp gì được cho dân cho nước mới là điều đáng hổ thẹn. Sau này, Phạm ngũ Lão, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, cũng có tư tưởng như vậy:

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

(Thuật Hoài – Phạm Ngũ Lão) [7, tr.562]

Đã mang tiếng ở trong trời đất.

Phải có danh gì với núi sông

(Đi thi tự vịnh – Nguyễn Công Trứ)

Chính do tinh thần nhân văn cao đẹp đó mà Trần Nhân Tông luôn yêu thương con người, cho dù đó là kẻ thù hay là người nô tì, ông cũng dành cho họ sự đối xử trân trọng với tư cách một con người. Đặc biệt, ông còn thấu hiểu và cảm thông được nỗi niềm của người cung nữ. Nỗi niềm của người phụ nữ trong xã hội xưa, đặc biệt là người khuê phụ và người cung nữ, không phải ai cũng có thể thấu hiểu và đồng cảm, chỉ có những tâm hồn đặc biệt nhạy cảm, tinh tế và dạt dào tình yêu thương đối với con người mới có thể cảm nhận và sẻ chia. Với

tâm hồn tinh tế và ngòi bút tài hoa, nhiều thi sĩ đã đưa hình ảnh người khuê phụ và cung nữ vào thơ ca với những tiếng kêu bi thiết đầy xúc động, trở thành những tác phẩm bất hủ vượt thời gian. Điều đáng ngạc nhiên và trân trọng là trong số những thi sĩ có tấm lòng giàu trắc ẩn ấy có một ông vua ngồi trên chín bệ. Và, trong lịch sử thơ ca dân tộc, Trần Nhân Tông có lẽ là nhà thơ đầu tiên nói lên nỗi lòng của người phụ nữ để rồi sau này, Đặng Trần Côn và Nguyễn Gia Thiều tiếp nối với những tuyệt tác làm lay động lòng người.

Thụy khởi câu liêm khán trụy hồng,

Hoàng li bất ngữ oán Đông phong.

Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại,

Hoa ảnh chi đầu tận hướng Đông.

(Khuê oán) (Ngủ dậy, cuốn rèm xem cánh hồng rụng,

Chim oanh vàng bặt tiếng oán gió Đông. Không dưng mặt trời lặn phía ngoài lầu Tây, Đầu cành bóng hoa đều hướng về phía Đông.)

(Niềm oán hận của người khuê phụ) [7, tr.461-462]

Mở đầu bài thơ, hình ảnh một người khuê phụ xuất hiện qua những hành động nối tiếp nhau: thức dậy, cuốn rèm xem hoa rụng. Sau một giấc ngủ êm đềm trong khuê phòng, người thiếu phụ thức dậy với tâm trạng thoải mái. Như một thói quen, người khuê phụ cuốn rèm lên để ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài. Cảnh vật đã hoàn toàn đổi khác, nàng bây giờ mới ý thức được cảnh vật và chính bản thân mình. Bởi ngoài khung cửa sổ kia là hình ảnh “trụy hồng”, một dấu hiệu báo mùa xuân đang qua đi. Hoa đã rụng, âm thanh rộn rã của chim oanh hót mừng tiết xuân ấm áp cũng không còn. Tất cả đều im ắng. Một sự yên lặng đến đáng sợ và tâm trạng của người khuê phụ cũng đã thay đổi như vừa nhận ra một điều gì. Giây phút thanh thản ban đầu không còn nữa mà thay vào đó là một sự lo lắng, u buồn. Bởi vì, nàng đã nhận ra sự kết thúc của mùa xuân, điều này cũng

đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi trẻ. Tuổi trẻ qua đi cũng chính là kết thúc của người phụ nữ bởi nhan sắc cũng theo thời gian mà tàn phai, hạnh phúc cũng theo đó mà chôn vùi. Vì thế, nàng nhận ra chim oanh ngừng hót là vì oán trách gió xuân, oán trách mùa xuân chóng tàn. Nhưng chim oanh làm sao biết oán, biết hờn và tại sao gió xuân lại là đối tượng của sự oán trách? Sự hờn oán này phải chăng chính là sự hờn oán của người khuê phụ. Một câu thơ tả cảnh ngụ tình rất đặc sắc. Nàng đang oán trách thời gian sao cứ vụt qua, qui luật sao quá khắc nghiệt. Nhưng đã là qui luật thì con người chỉ có thể chấp nhận, không thể nào phá bỏ được nên sự oán trách của nàng phải chăng là một điều phi lí. Phải chăng sự oán trách này đang nhắm đến một đối tượng khác hay còn có nỗi niềm nào đằng sau sự oán trách kia? Trong thơ xưa Đông phong còn dùng để ám chỉ vị chúa tể tối cao đầy quyền lực đang ngự ở trên chín bệ rồng. Như vậy, người khuê phụ đang oán trách bậc quân vương kia đã để cho tuổi xuân của nàng phí hoài trong chờ đợi mà cứ vô tình không hay biết đến. Nỗi nhớ mong, chờ đợi ấy đã trở thành nỗi niềm “khuê oán”. Hai câu thơ sau càng cho thấy rõ hơn tâm trạng của người khuê phụ. “Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại”, một câu thơ tả thực nhưng hết sức đặc sắc. Mặt trời lặn về phía tây là qui luật muôn đời. Mặt trời cứ lặn, thời gian cứ trôi, tuổi xuân con người cứ qua mau nhưng những cô gái còn xuân như những đóa hoa kia lại đang khao khát hạnh phúc. Hai chữ “vô đoan” là lời oán trách cái mặt trời ở ngoài lầu tây kia sao hờ hững, vô tâm quá. Bậc quân vương cũng giống như mặt trời kia, chói ngời sức hút nhưng cũng rất đỗi vô tình. Nhà vua đâu biết rằng có biết bao người đẹp đang ngóng trông, chờ đợi, làm cho họ lỡ cả một thời xuân sắc. Họ cố gắng níu giữ chút xuân thì còn lại như bông hoa hướng về phía đông nhưng đều vô vọng. Lời trách móc, oán hận vừa xót xa vừa day dứt.

Dù là nỗi niềm khuê oán hay cung oán, chúng ta đều cúi đầu khâm phục trước lòng trắc ẩn vĩ đại của nhà thơ. Từ một buổi chiều, tình cờ bắt gặp hình ảnh một cung nữ ngắm xuân muộn để rồi từ đó liên tưởng đến số phận của

những người cung nữ trong chốn vàng son. Chính tình yêu đối với con người đã kéo một nhà thơ – nhà vua – từ trên đỉnh cao của quyền lực, đồng thời là một nhà thiền học vượt lên trên mọi nỗi đau khổ tầm thường, đến gần với thân phận người phụ nữ, hiểu và cảm thông bi kịch của họ. Cung bậc tình cảm này hoàn toàn xuất phát từ cái tâm trong sáng của Trần Nhân Tông. Cái tâm ấy đã làm nên tinh thần nhân văn cao đẹp trong thơ ông.

Với tâm hồn mẫn cảm, Trần Nhân Tông đã đem đến những vần thơ giàu chất nhân văn. Đó có thể là sự rung cảm trước thiên nhiên tươi đẹp hay là sự rung cảm trước tâm trạng của con người. Tất cả đã làm nên giá trị nhân sinh tích cực và cao đẹp trong thơ ông. Để thời gian trôi qua nhưng dư vị của nó vẫn còn trong trái tim độc giả yêu thơ.

2.3. Quan niệm sống phóng khoáng, tùy duyên của một người đạt đạo 2.3.1. Tinh thần nhập thế

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ trần nhân tông (Trang 60 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)