Trần Nhân Tông – thân thế và sự nghiệp

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ trần nhân tông (Trang 28 - 33)

1.2. Phật hoàng Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm

1.2.1. Trần Nhân Tông – thân thế và sự nghiệp

Trần Nhân Tông được lịch sử xem như là một vị vua hiền minh, có những cống hiến lớn lao cho lịch sử dân tộc và Phật giáo nước ta. Đã hơn bảy trăm năm trôi qua nhưng lớp bụi thời gian vẫn không thể nào làm phai mờ vị trí và vai trò của ông, mà ngược lại càng được lịch sử ghi dấu và minh chứng. Hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thường tổ chức ngày giỗ của ông và được các cơ quan lãnh đạo cùng đông đảo Phật tử quan tâm. Mỗi khi đất nước có nguy cơ bị xâm lăng thì hình ảnh vua Trần Nhân Tông – vị vua đã hai lần tổ chức hai Hội nghị nổi tiếng trong lịch sử (Hội nghị tướng lĩnh vương hầu ở Bình Than và Hội nghị các Bô lão ở thềm điện Diên Hồng), trong năm năm đã lãnh đạo quân dân ta đánh tan hai cuộc xâm lược ồ ạt của quân Nguyên (1285, 1287) – lại được nhắc đến như một tấm gương để noi theo về tài trí và lòng dũng cảm.

Trần Nhân Tông sinh ngày 11 tháng 11 năm 1258 (Mậu Ngọ), tên húy là Khâm, con của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu. Theo truyền thuyết, trước kia thái hậu thường mơ thấy thần nhân cho một đôi kiếm và bảo chọn lấy một, thái hậu chọn ngẫu nhiên được một thanh đoản kiếm, từ đó có mang. Khi Trần Nhân Tông ra đời, Đại Việt sử ký toàn thư miêu

tả: “được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất

hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử

[30, tr.44]. Bên vai trái vua có nốt ruồi đen như hạt đỗ, các nhà tướng số cho rằng có khả năng gánh vác việc lớn. Lớn lên, Trần Nhân Tông được vua cha chăm lo giáo dục kĩ càng để chuẩn bị cho việc kế tục sự nghiệp quốc gia về sau.

Thánh Đăng Ngữ lục còn cho biết Trần Nhân Tông vừa thông minh lại đa năng

hiếu học, xem trải mọi sách, thông hiểu nội ngoại kinh điển. Vì vậy, năm 16 tuổi, Nhân Tông được lập làm Thái tử. Ông cố chối từ đến ba lần, xin để cho em

làm Thái tử nhưng không được vua cha chấp nhận. Cũng trong năm này, vua cha đem trưởng nữ của Nguyên Từ Quốc Mẫu kết hôn cho, tức là Khâm Từ hoàng hậu. Nhưng cầm sắt tuy hài hòa mà trong lòng Nhân Tông thấy lạt lẽo, muốn được thoát tục. Nên một đêm vào giờ Tý, vua vượt thành mà đi vào núi Yên Tử nhưng vừa đến ngọn tháp ở núi Đông Cưu thì trời sáng, bị vua cha bắt về. Sau khi lên ngôi, tuy vinh hoa tột cùng mà vua thích sống thanh tĩnh, thường tu ở chùa Tư Phúc trong nội. Có lần, vua nằm mơ trên rốn mình nở hoa sen vàng to như bánh xe, trên hoa hiện vị Phật vàng, bên cạnh có người chỉ vào vua nói:

Biết đức Phật này không? Ấy là Đức Biến Chiếu Tôn”. Từ đó về sau vua

thường ăn chay đến nỗi gầy guộc, xanh xao. Vua cha lo lắng hỏi lí do, Nhân Tông thực tình thưa, Thánh Tông khóc mà bảo rằng: “Ta nay đã già yếu, cậy

vào chỉ có mình con, nếu con như thế thì sự nghiệp của tổ tông còn ra sao?” rồi

hai cha con cùng khóc.

Năm 20 tuổi, nhằm ngày 22 tháng 10 năm 1278 (Mậu Dần), Trần Nhân Tông lên ngôi, đến mùng 1 tháng giêng năm 1279 đổi niên hiệu là Thiệu Bảo. Tuy mới 20 tuổi nhưng ông nhanh chóng thể hiện sự thông minh, tài trí của một nhà vua trẻ. Ngay khi vừa lên ngôi, vua đã đứng trước một tình thế hết sức hiểm nghèo, đó là nhà Nguyên đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta. “Vua Nguyên nghe tin Thái Tông băng, có ý mưu tính nước ta, sai Lễ bộ thượng thư Sài Thung

sang ta” [30, tr.44]. Đoàn sứ bộ do Sài Thung dẫn đầu sang nước ta với ý đồ bắt

vua Trần Nhân Tông sang chầu. Trước thái độ ngang ngược của sứ bộ cũng như nhà Nguyên, vua Trần Nhân Tông khôn khéo thực hiện chính sách ngoại giao vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn để tạo cơ hội cho Đại Việt có thời gian củng cố tiềm lực của mình. Vua cũng đi đón đoàn sứ bộ, tổ chức đãi yến tiệc nhưng lấy cớ thân thể yếu đuối nên không thể sang chầu mà cho đoàn sứ đem biểu gửi vua Nguyên, từ chối việc vào chầu. Nhà Nguyên đã giữ sứ ta là Trịnh Quốc Toản và sai Sài Thung trở lại nước ta đưa ra điều kiện và đe dọa.

Đứng trước những lời đe dọa và nguy cơ chiến tranh, vua Trần Nhân Tông khẩn trương tiến hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao tiềm lực về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược sắp tới của nhà Nguyên. Trước hết, để ổn định xã hội và thực hiện chính sách an dân, ngay sau khi lên ngôi, nhân dịp tết Nguyên Đán, năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279), vua đại xá cho thiên hạ, giải quyết những oan ức bất công trong xã hội. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại việc dân đã đón xa giá của vua để khiếu nại về một vụ án oan. Ngay lập tức, đang trên đường đi, vua “sai Chánh chưởng nội

thư hỏa là Trần Hùng Thao kiêm chức Kiểm pháp quan để chuẩn định”.

[30, tr.45]. Cũng trong thời gian này, Trịnh Giác Mật ở Đà Giang làm phản. Vua sai Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đi dụ hàng. Ông đã dụ hàng được Mật,

đem Mật và vợ con hắn vào chầu” [30, tr.46] mà không mất một mũi tên.

Bên cạnh việc ổn định về chính trị, việc phát triển kinh tế, chăm lo đời sống của nhân dân cũng được vua Trần Nhân Tông đặc biệt quan tâm. Vua chú ý đến việc đắp đê điều để phát triển nông nghiệp. Tháng giêng năm Thiệu Bảo thứ 2 (1280), vua “ban thước gỗ, thước lụa cùng một kiểu” [30, tr.45] để thống nhất đơn vị đo lường, thuận tiện cho việc giao lưu buôn bán. Cũng trong tháng này, vua cho “xét duyệt sổ đinh và các sắc dịch trong nước” [30, tr.45] để nắm dân số, thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp và tuyển quân khi cần thiết. Đến tháng 10 năm Thiệu Bảo thứ 2 (1280) nhân dân “được mùa to. Lúa ruộng ở Trà

Kiều thuộc Khoái Lộ một giò hai bông” [30, tr.45].

Lên ngôi trong tình thế đất nước có nguy cơ chiến tranh, vua Trần Nhân Tông vẫn luôn sáng suốt, điều hòa được hai mặt đối nội và đối ngoại. Về đối nội, trong triều đình vua tôi hòa mục, không xảy ra tranh giành quyền lực, mưu hại lẫn nhau. Vua nhân từ hòa nhã, biết cố kết lòng dân, tin dùng những bậc tướng tài, biết tha thứ lỗi lầm cho kẻ dưới để cho lập công chuộc tội. Giai cấp thống trị nêu gương sáng, dân chúng được giáo hóa tốt, nhờ vậy tạo được sự đoàn kết, yêu thương, đồng thuận trong cả nước. Đó là sức mạnh nội tại của dân

tộc ta thời kì này để làm nên hai cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lừng danh trong lịch sử dân tộc. Về đối ngoại, Trần Nhân Tông ý thức rõ điểm yếu, điểm mạnh của mình, của ngoại bang để có chính sách ngoại giao thích hợp, biết tùy cơ ứng biến, khi mềm dẻo, khi cứng rắn để giữ vững lãnh thổ lẫn thể diện quốc gia. Vua cũng nỗ lực xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Chiêm Thành. Ông đã khéo léo từ chối ý định ở lại làm bề tôi của sứ bộ Chiêm Thành, ngầm gửi hai vạn quân và 500 chiến thuyền chi viện cho Chiêm Thành khi Chiêm Thành bị quân Nguyên xâm lược. Sở dĩ vua giúp đỡ Chiêm Thành vì biết rõ ý định của quân Nguyên là muốn lấy Chiêm Thành làm bàn đạp tấn công Đại Việt. Vì vậy, giúp đỡ Chiêm Thành cũng chính là sách lược bảo vệ bình yên cho quốc gia. Ngay cả sau này, khi đã làm Thái thượng hoàng, Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân cũng là muốn mở mang bờ cõi đất nước vào phía Nam và tạo quan hệ thân tình với Champa. Qua những chính sách đối ngoại đó có thể thấy được tầm nhìn xa trông rộng của vua Trần Nhân Tông đối với quốc gia.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông, vua Trần Nhân Tông đã tỏ rõ tài năng lãnh đạo của mình. Khi quân Nguyên kéo sang xâm lược nước ta, vua trực tiếp đi xem xét tình hình, tổ chức hội nghị Bình Than để bàn bạc kế sách đánh giặc. Trong thời chiến, ông là vị vua mưu trí, kiên cường, biết qui tụ sức mạnh của toàn dân tộc, vì mục đích độc lập chủ quyền của quốc gia, lấy lòng nhân để đối đãi với bề tôi và cả kẻ thù. Trong cuộc kháng chiến Nguyên – Mông lần thứ hai, khi Hưng Đạo vương điều quân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điềm để vượt biển vào Nam, giữa lúc quần thần không khỏi hoang mang trước sức mạnh của kẻ thủ, vua ngự thuyền ra và viết vào đuôi thuyền hai câu thơ để khích lệ tướng sĩ: “Cối Kê cựu sự quân tu ký/ Hoan, Ái do tồn thập vạn binh”. Khi Toa Đô thất thế, vua trông thấy thủ cấp của Toa Đô, “thương hại nói: “Người làm tôi phải nên như thế này”, rồi cởi áo ngự, sai quân đem liệm chôn, nhưng ngầm sai lấy đầu Toa Đô đem tẩm dầu để răn, vì cớ Toa Đô mượn đường

vào cướp nước ta đã ba năm vậy” [30, tr.57]. Ngô Sĩ Liên đã bình luận về hành động này như sau:

Câu nói của vua thực là câu nói của bậc đế vương! Nói rõ đại nghĩa

để người bề tôi muôn đời biết rằng trung với vua, chết vì phận sự là

vinh, tuy chết mà bất hủ, mối quan hệ lớn lắm vậy. Huống chi lại cởi

áo ngự, sai người liệm chôn nữa. làm vậy có thể khích lệ sĩ khí để trừ

giặc mạnh là phải lắm [30, tr.57].

Chính vì vậy, dưới thời của ông đã xuất hiện nhiều người tài: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bỏ qua hiềm khích, để ngoài tai lời trăn trối của cha để dốc lòng giúp vua cứu nước; người anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản bóp nát quả cam vì không được tham dự Hội nghị Diên Hồng; Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng để lại câu nói bất hủ “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm

vương đất Bắc”, những gia tướng trung thành như Dã Tượng, Yết Kiêu,… và

quân dân đồng lòng thích lên tay hai chữ “Sát Thát” để thể hiện quyết tâm giết giặc bảo vệ đất nước. Đó chính là hào khí Đông A – hào khí làm nên chiến thắng. Khi đất nước thái bình, Trần Nhân Tông chăm lo đời sống nhân dân, khuyến khích phát triển nông nghiệp bằng cách phân chia ruộng đất cho dân, mở rộng các công trình thủy lợi, miễn thuế; tổ chức thi cử để tuyển chọn nhân tài, phát triển văn hóa. Sau chiến thắng chống quân xâm lược Nguyên – Mông, vua đã tha sống tù binh về nước, xoá án những ai đã tiếp tay cho giặc, đem lễ vật sang cống cho vua Nguyên để giữ vững tình giao hảo giữa hai nước.

Khi cuộc chiến tranh chống ngoại xâm kết thúc, công cuộc phát triển đất nước đang trên đà phát triển thì vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để làm Thái thượng hoàng và đến với chốn Phật môn. Vốn đã để tâm nơi cửa Phật từ nhỏ nhưng vì trách nhiệm đối với đất nước nên Trần Nhân Tông tạm gác chuyện đi tu. Trong những lúc nhàn rỗi việc nước, Nhân Tông thường mời các nhà thiền học đến để giảng xét về cái học tâm tông. Ông cũng thường nhờ bác mình là Tuệ Trung Thượng sĩ giảng giải về Thiền học, từ đó

thấu triệt được tinh túy của đạo Thiền. Sau khi nhường ngôi, ông vào núi Yên Tử tu đạo, tự lấy tên hiệu là Hương Vân đại Đầu Đà, sau đổi là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, lập tháp miếu, tịnh xá, mở đạo độ tăng, người đến học rất đông. Ông kế thừa Thiền sư Huệ Tuệ, làm tổ thứ 6 của Sơn môn Yên Tử, sau đổi thành Trúc Lâm thiền phái. Ông trở thành đệ nhất tổ của phái Thiền Trúc Lâm.

Sau 14 năm làm vua, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, vua viên tịch vào ngày 1/11/1308 tại am Ngọa Vân núi Yên Tử, thọ 51 tuổi. Có thể kết luận Trần Nhân Tông là một bậc minh quân kỳ tài, đã góp phần tô thêm trang sử vàng chói lọi của dân tộc thời nhà Trần nói riêng và dân tộc nói chung, với việc lãnh đạo quân dân hai lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên – Mông (1285 và 1288), tạo lập đỉnh cao nền văn minh Đại Việt lúc bấy giờ. Trong thời gian cầm quyền của mình, ông không những thể hiện là một nhà chính trị lí tưởng, nhà quân sự xuất sắc mà còn là một nhà ngoại giao, nhà kinh tế, nhà văn hóa lớn. Có thể nói Đại Việt dưới thời ông bộ máy chính trị quân sự được kiện toàn vững chắc; tinh thần dân tộc đoàn kết, kinh tế phồn thịnh, dân sinh ấm no hạnh phúc, có một nền văn hóa giàu bản sắc và đậm chất nhân văn. Điều này trở thành sức mạnh giúp vua quan nhà Trần đập tan được mộng xâm lăng của giặc phương Bắc.

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ trần nhân tông (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)