Thiền phái Trúc Lâm và tư tưởng của Trần Nhân Tông

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ trần nhân tông (Trang 35)

Vốn có tâm đi tu từ thuở nhỏ, nhưng vì trách nhiệm của một Thái tử nên Trần Nhân Tông đành tạm gác chuyện đi tu để làm tròn bổn phận với đất nước. Sau khi đánh tan đạo quân xâm lược Nguyên – Mông, đất nước hưng thịnh, Trần Nhân Tông, truyền ngôi lại cho con là Trần Anh Tông (1293), rồi sau đó xuất gia.

Niên hiệu Hưng Long thứ VII (1299), vua xuất gia tại Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Tại đây, ông tu hành đắc đạo, thấu đạt các tinh túy của Phật giáo và trở thành Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm, một dòng Thiền mang đậm bản sắc Việt Nam. Cùng với việc lập ra thiền phái Trúc Lâm, ông cũng đổi danh hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà. Thiền phái Trúc Lâm có ba thiền sư kiệt xuất là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang, được gọi là Trúc Lâm Tam Tổ.

Thiền phái này được xem là sự tiếp nối của dòng Yên Tử, là sự hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam: Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo Sử luận đã đánh giá về dòng Thiền này như sau:

Phật giáo Trúc Lâm là một nền Phật giáo độc lập, uy tín, tinh thần

của nó là tinh thần quốc gia Đại Việt. Nó là xương sống của một nền

văn hóa Việt Nam độc lập. Nền Phật giáo này tuy có tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, Ấn Độ và Tây Tạng nhưng vẫn

giữ cá tính đặc biệt của mình [28, tr.482].

Là người đứng đầu của một Thiền phái, Trần Nhân Tông đã thực hiện theo tôn chỉ của thiền tông “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm,

kiến tánh thành Phật” kết hợp với giảng kinh thuyết pháp, chuyển những lời

kinh trong sách vở thành những bài học sâu sắc, gần gũi, thực tế. Ông đã dùng Phật giáo như một yếu tố tâm lí để liên kết toàn dân trong mục đích xây dựng và bảo vệ quốc gia. Vì thế, Phật giáo Trúc Lâm là nền Phật giáo nhập thế, gắn bó mật thiết với chính trị và xã hội. Những tư tưởng của Trần Nhân Tông trở thành tôn chỉ, tư tưởng chung của Thiền Trúc Lâm.

Tư tưởng của Trần Nhân Tông được hình thành và phát triển trong điều kiện lịch sử, xã hội và văn hóa thời Trần, đồng thời là sự kế thừa các tư tưởng trước đó. Đó là tư tưởng văn hóa truyền thống của dân tộc, tư tưởng của Nho, Phật, Đạo, trong đó, yếu tố Phật giáo là chủ đạo, và đặc biệt, cụ thể là tư tưởng của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ. Có thể nói, tư tưởng của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ là tiền đề trực tiếp và có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tư tưởng của Trần Nhân Tông.

Tư tưởng của Trần Nhân Tông có thể gói gọn trong chữ Tâm. Đối với ông,

Tâm hay còn gọi là tính sáng, tính gương hay chân tính là khái niệm trung tâm, quan trọng nhất, nó chi phối và xuyên suốt trong tất cả các vấn đề khác. Theo ông, Tâm chính là nguồn gốc, là bản nguyên của vũ trụ, vạn vật. Tư tưởng này

được thể hiện rất rõ trong bài phú Cư trần lạc đạo phú:

Bụt ở trong nhà;

Chẳng phải tìm xa.

Nhân khuây bản nên ta tìm bụt;

Đến cốc hay chỉn bụt là ta.

(Cư trần lạc đạo phú – Hội thứ năm) [7, tr.506]

Trần Nhân Tông cho rằng Bụt ở trong bản thân mình, không phải tìm đâu bên ngoài. Có thể nói, quan điểm này Trần Nhân Tông đã tiếp thu từ Tuệ Trung Thượng sĩ, cho rằng muốn có cái Tâm thanh tịnh hay Phật tính, giác ngộ, giải thoát hãy quay lại cái gốc của mình chứ không thể tìm đâu khác.

Phật, Phật, Phật không thể thấy được,

Tâm, Tâm, Tâm không thể nói được.

Khi Tâm sinh thì Phật sinh

Khi Tâm diệt thì Phật diệt.

Không có chỗ nào diệt Tâm mà còn Phật

(Phật tâm ca – Tuệ Trung) [7, tr.276]

Còn Trần Thái Tông khi quyết định rời bỏ ngôi báu để mong cầu tìm Phật thì đã được quốc sư Trúc Lâm Phù Vân chỉ ra rằng “trong núi vốn không có

Phật, Phật ở ngay trong lòng, lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật” [41,

tr.249). Quan điểm “Phật tại tâm” trước đây chúng ta đã bắt gặp trong bài

Nguyên Hỏa của đại sư Khuông Việt:

Mộc trung nguyên hữu hỏa

Nguyên hỏa phục hoàn sanh

Nhược vị mộc vô hỏa Toàn toại hà do manh?

(Trong cây vốn có lửa,

Lửa ban đầu đó lại phát sinh trở lại. Nếu bảo rằng trong cây không có lửa,

Thì khi cọ xát cây để lấy lửa, thì lửa đó ở đâu ra?) [6, tr.211]

Tâm là cái gốc, cái bản thể của mỗi con người. Nó chính là cái bản nguyên trong sáng, thanh tịnh, tĩnh lặng. Cho nên, phải trở về cái gốc của mình, rửa hết những bụi trần, đừng để cho những thị phi, danh lợi sót lại làm vẩn đục cái bản nguyên trong sáng đó; phải dùng tính sáng để đánh đổ những tà thuyết để nó không thể trở thành nguồn tai họa trong bản thân mình. Đó chính là cái Tâm tĩnh lặng của Trần Nhân Tông. Vì thế, con người muốn giác ngộ thì cần phải buông bỏ, tâm hồn tự do, đạt đến cái tâm trống không “ưng vô sở trụ”. Bởi, chỉ có Tâm

không, con người mới đạt được cái trong sáng của Chân Như và sự tự do tự tại.

Dứt trừ nhân ngã,

Thì ra thực tướng kim cương

Dừng hết tham sân,

Mới lảu lòng mầu viên giác.

(Cư trần lạc đạo phú - Hội thứ hai) [7, tr.505]

Trong bài kệ trước khi viên tịch, ông cũng dạy đệ tử

Nhất thiết pháp bất sinh

Nhất thiết pháp bất diệt

Nhược năng như thị giải Chư Phật thường hiện tiền

(Kệ thị tịch) Bởi trong bản thân mỗi người đã có sẵn Bụt nên không cần trốn đời mà vẫn mộ đạo, đạo và đời không có sự phân cách. Đó là quan điểm Thiền nhập thế của Trần Nhân Tông. Theo kinh Kim cương thì giáo lí Phật giáo như ngón tay chỉ mặt trăng, như chiếc bè đưa người qua sông, cho nên, cần phải buông bỏ mới có thể giác ngộ.

Mình ngồi thành thị

Nết dụng sơn lâm

Trần Nhân Tông cho rằng đời là thành thị, đạo là sơn lâm. Con người dù ở thành thị, gánh vác bao nhiêu việc đời, song vẫn giữ được tâm thanh tịnh trong sạch như ở núi rừng. Quan điểm này cũng gần với quan điểm của Trần Thái Tông “chẳng hỏi đại ẩn tiểu ẩn, không chia tại gia xuất gia”. Bậc đại ẩn chính là sống giữa thành thị mà vẫn giữ đươc lòng mình thanh tịnh. Tuệ Trung cũng đã từng nói về việc ăn thịt, uống rượu chẳng có gì là tội hay phúc:

Ăn cỏ với ăn thịt

Chúng sinh mỗi có thức

Xuân về trăm cỏ sinh

Chỗ nào thấy tội phúc.

(Trì giới và nhẫn nhục – Tuệ Trung)[7, tr.209]

Ngoài quan điểm của Phật giáo, Trần Nhân Tông còn kết hợp nhuần nhuyễn với những yếu tố triết lí đạo đức nhân sinh của Nho giáo. Hiểu rõ cuộc đời rất ngắn ngủi, vô thường nên ông tích cực “nhập thế” và mong muốn cống hiến toàn bộ sức lực, sự nghiệp cho đời và đạo. Ông cho rằng sống mà không giúp ích gì cho đời là điều đáng hổ thẹn của một kẻ trượng phu. Dù lúc làm vua hay khi đã xuất gia, Trần Nhân Tông cũng lo cho dân cho nước. Cũng vì lo cho dân nên ông đã kêu gọi toàn dân đoàn kết và lãnh đạo nhân dân đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông. Khi đất nước sạch bóng quân thù, ông lại lo nghĩ đến dân để khoan thư sức dân. Khi đã làm Thái thượng hoàng, ông vẫn rất chú trọng đến chuyện chính sự. Ông đã định tập hợp các quan để phế Trần Anh Tông khi biết Anh Tông ham mê rượu chè mà bỏ bê chính sự. Năm 1301, để thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa Đại Việt và Chiêm Thành, ông chu du sang Chiêm Thành với tư cách là một du tăng để quan sát Phật giáo tại đây. Trong thời gian lưu lại ở Chiêm Thành, ông đã đàm đạo với vua Chế Mân và đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Năm 1305, ông chu du khắp thôn xóm, khuyên nhân dân trừ bỏ các nơi dâm từ, dạy thực hành mười điều

thiện. Như vậy, Trần Nhân Tông đã dùng Phật giáo để góp phần củng cố, xây dựng xã hội ổn định và phát triển.

Cái Tâm tĩnh lặng này cũng làm cho con người cảm thấy an nhiên, thư thái

khi bàn đến vấn đề sinh tử. Tuệ Trung cho rằng sống chết là lẽ thường, không cần xót thương, quyến luyến làm rối chân tính của ta. Theo ông, sống chết là do sự mê lầm của chính con người, nếu tâm thể phẳng lặng yên tĩnh thì sinh, tử cũng tự nhiên biến mất. Cho nên, ông điềm nhiên, bình thản đón nhận sự sống, chết như một lẽ thường tình.

Sống là sống dối, chết là chết dối,

Tứ đại vốn không, từ đâu nổi?

Đừng như hươu khát rượt “bóng sông” Chạy quàng không nghỉ, khắp Tây Đông. Pháp thân không qua cũng không lại, Đến nhà, thôi chớ hỏi con đường,

Thấy trăng tìm gì ngón tay chỉ

Người ngu điên đảo tử và sinh,

Bậc trí tử sinh thường thôi vậy.

(Trì giới và nhẫn nhục – Tuệ Trung)[7, tr.209]

Còn đối với Trần Nhân Tông, ông cũng bàn nhiều đến vấn đề sinh tử. Cũng như Lão Tử, Trần Nhân Tông cho rằng làm người ắt phải có thân, có thân tức là có họa “Sinh có nhân thân/ Ắt là họa cả(Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca).

Điều này được ông thể hiện rõ trong bài kệ:

Thân như hơi thở qua buồng phổi

Kiếp tựa mây luồn đỉnh núi xa

Chim quyên kêu rã bao ngày tháng Đâu phải mùa xuân dễ luống qua

Bài kệ nói đến thân ngũ uẩn của con người: thân là cái mỏng manh, vô thường, tạm bợ, không thật; những gì ở trên thân và ngoài thân là không thuộc

về ta. Từ đó hãy tự đông rời xa những dục vọng, sân hận mà giáp mặt với hân hoan, hỷ lạc, thanh thản. Nếu giác ngộ được như vậy thì chuyện sinh tử là lẽ thường, là tất yếu nên không cần phải đau buồn, không cần cố gắng để lẩn tránh. Sinh và tử là bản chất vô thường của thế giới hiện tượng, giữa chúng chẳng có gì cách biệt mà quan trọng là cái Tâm con người. Nếu cái Tâm tĩnh lặng, hư không thì thấy sinh tử là Niết bàn. Còn nếu cái tâm vọng niệm, xao động thì sinh là sinh, tử là tử. Thấm nhuần tư tưởng vô ngã, vô thường của Phật giáo, Trần Nhân Tông cho rằng cái quan trọng của mỗi người không phải là sống hay chết mà là giá trị của sự sống. Để sống có ích, có ý nghĩa thì cần phải rèn luyện trí tuệ và đạo đức, dứt trừ mọi vọng niệm, giữ gìn chân tâm trong sáng của mình.

Nhìn chung Trần Nhân Tông là:

một con người toàn vẹn và một tài năng đa dạng. Trong ông có bản lĩnh quả quyết của một người cầm trịch quốc gia chững chạc, có cái

sắc bén, thung dung của một nhà chính trị, ngoại giao, có sự sâu sắc

thâm trầm của một nhà Thiền học và quán xuyến tất cả là lòng nhân

ái, hồn hậu, yêu nước nồng nàn… của con người Việt Nam cùng với

một hồn thơ nhạy cảm [8, tr.168-169].

Tiểu kết chương 1

1. Thời đại Lý – Trần là thời đại hào hùng trong lịch sử Đại Việt. Đó là thời đại đập tan mộng xâm lược của nhà Tống và nhà Nguyên, tiến hành mở rộng biên thùy, triều đình tập trung chăm lo đời sống nhân dân, củng cố bộ máy chính quyền, tạo điều kiện phát triển kinh tế, khôi phục và phát huy những truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc, chuyển hóa và dung hợp những tinh hoa văn hóa tư tưởng bên ngoài truyền vào. Nhờ đó, đời sống nhân dân no đủ về vật chất, thoải mái về tinh thần.

Đây cũng là thời đại rực rỡ của Phật giáo Thiền tông với đóng góp quan trọng vào sự phục hưng, phát triển đất nước, làm nên những con người có nhân cách cao đẹp. Chính điều kiện xã hội này đã tác động rất lớn đến văn học, đem

đến cho văn học nhiều nguồn cảm hứng, tạo nên một thời kì văn học rực rỡ, phản ánh được tinh thần và hào khí của thời đại.

2. Trần Nhân Tông có vai trò to lớn đối với lịch sử, văn hóa và văn học nước nhà. Với lịch sử dân tộc, Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, tài trí và dũng cảm. Ông đã tổ chức hai hội nghị (Hội nghị Bình Than và Hội nghị Diên Hồng) nổi tiếng trong lịch sử, với tiếng “đánh” vang dội khắp non sông, lãnh đạo nhân dân hai lần đánh tan quân xâm lược Nguyên – Mông chấn động địa cầu, làm cho thời đại nhà Trần càng thêm oanh liệt. Đối với văn hóa, ông là người thống nhất Phật giáo Việt Nam, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm – một thiền phái của người Việt, đóng vai trò quan trọng trong việc phục hưng và phát triển đất nước. Bên cạnh một vị minh quân, một vị sư tổ, Trần Nhân Tông còn là một tác giả văn học. Vừa là một vị vua, vừa là một nhà sư nên trong các tác phẩm của ông chất đạo và đời cùng hòa quyện, tạo nên đặc sắc riêng.

Chương 2: ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG THƠ TRẦN NHÂN TÔNG 2.1. Tình yêu và niềm tự hào về quê hương đất nước

2.1.1. Tình yêu mến, gắn bó sâu sắc với đất nước và con người Đại Việt

Tình yêu quê hương đất nước là một trong những truyền thống quí báu của dân tộc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt văn học Việt Nam. Các nhà thơ, nhà văn luôn bày tỏ tình yêu mến, gắn bó sâu sắc với quê hương đất nước qua những vần thơ, những trang văn thấm đẫm cảm xúc. Trần Nhân Tông cũng vậy. Là một vị vua nhân từ, hết lòng vì dân, lại được sống trong thời đại oanh liệt của lịch sử dân tộc, ông càng gắn bó và yêu mến đối với quê hương, đất nước và con người Đại Việt. Tình yêu và sự gắn bó này được thể hiện qua những bài thơ chứa chan tình cảm. Đó là cái hồn quê của dân tộc mà ông luôn giữ gìn, bảo vệ, trân trọng và biểu hiện bằng những lời thơ trong sáng viết về thiên nhiên. Đó không phải là thiên nhiên chung chung mà là thiên nhiên của quê hương Việt Nam. Có thể là cảnh sớm xuân với đôi bướm trắng hay cảnh hè với tiếng ve ngân rộn trời chiều, là cảnh trăng sáng nơi am vắng hay ánh trăng nơi cung cấm hoặc cảnh thanh bình nửa hư nửa thực của làng quê Thiên Trường,…. Tất cả đều toát lên sự gần gũi, thân thương với con người Việt.

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,

Bán vô bán hữu tịch dương biên.

Mục đồng nghịch lý quy ngưu tận,

Bạch lộ song song phi hạ điền.

(Thiên trường vãn vọng) (Trước thôn, sau thôn đều mờ mờ như khói phủ,

Bên bóng chiều (cảnh vật) nửa như có, nửa như không. Trong tiếng sao, mục đồng lùa trâu về hết,

Từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng)

Bài thơ mở ra một khung cảnh đồng quê thanh bình, yên ả. Nhà thơ đang đứng từ trên cao với tâm thế thanh thản trên đất nước độc lập tự chủ, phóng tầm nhìn ra xa, quan sát khắp bốn bề, thu vào tầm mắt cảnh đẹp của quê hương, cảm nhận hết cái lung linh huyền ảo của “trước xóm sau thôn” trong ánh nắng chiều tà. Từ trên cao nhìn xuống là ruộng đồng bát ngát, thôn xóm trù phú, cánh cò trắng từng đôi liệng xuống đồng trong âm thanh trong trẻo của tiếng sáo mục đồng. Tất cả toát lên vẻ đẹp thanh bình và thi vị. Hình ảnh trong bài thơ thật quen thuộc, gần gũi như lời ca dao trong kí ức tuổi thơ của mỗi con người Việt Nam. Trong văn chương trung đại thường xuất hiện những thi liệu quen thuộc có tính ước lệ như: “phong, hoa, tuyết, nguyệt” hay “hồ, đình, liễu, tạ”, chứ hiếm khi bắt gặp hình ảnh cánh cò, con trâu, cánh đồng lúa hay vết bùn đất. Phải đợi đến tận cuối thế kỷ thứ XIX chúng ta mới thấy phong cảnh nông thôn và đời sống “chân lấm tay bùn” của quê hương xuất hiện trong thi ca. Thế mà, Trần Nhân Tông được sinh ra và lớn lên nơi cung son điện ngọc lại vẽ nên một bức

Một phần của tài liệu đặc điểm thơ trần nhân tông (Trang 35)